13-10-2019
Năm 2011, khi thảm họa kép động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân đồng loạt diễn ra cùng thời điểm, tôi là người trực tiếp trải nghiệm cách mà truyền thông Nhật Bản hành động ứng phó thiên tai.
Năm đó, khi động đất xảy ra và sóng thần được cảnh báo, toàn bộ các đài truyền hình của Nhật Bản ngay lập tức CẮT SÓNG mọi chương trình trong kế hoạch và chuyển phát LIVE hiện trạng, đưa ra cảnh báo sớm. Trực thăng bay vè vè trên vùng thảm họa, quay và phát sóng các đợt sóng thần di chuyển vào đất liền. Xen kẽ các hình ảnh là phát biểu của các chuyên gia và đại diện chính quyền địa phương đưa ra chỉ đạo hướng sơ tán. Hầu như 24/24 chỉ có các hình ảnh về thiên tai và cảnh báo thiên tai. Tất cả các nhà mạng ngay tức thì gửi tin nhắn cảnh báo. Tuy nhiên vào thời điểm đó, các bản tin đều bằng tiếng Nhật và sóng di động bị quá tải do người dân gọi cho nhau nhiều quá.
Một ngày sau sự cố sóng thần là sự cố rò rỉ phóng xạ. Lại cũng ngay lập tức, chính phủ phối hợp với nhà máy điện lắp đặt hệ thống đo phóng xạ diện rộng và đưa mọi thông tin lên website. Đó thật sự là chính phủ hành động. Không mỹ miều, không chỉ đạo, chỉ có hành động được triển khai răm rắp và kịp thời.
Những ngày qua, khi siêu bão Hagibis tiếp cận miền trung Nhật Bản, dù không trực tiếp ở Nhật nhưng vì là người làm nghề về quản lý thiên tai nên tôi chủ động tìm hiểu. Có thể nói là tuyệt vời. Và đây là một số điểm chúng ta cần học:
– Tất cả các đài truyền hình dành ưu tiên phát sóng LIVE bản tin cảnh báo thiên tai, lời khuyên của chuyên gia và người tổng chỉ huy công tác ứng phó. Họ phân tích kỹ, cảnh báo đến từng vùng nhỏ, và đến từng chi tiết rất nhỏ;
– Hệ thống wifi miễn phí được kích hoạt để mọi người trong vùng phủ sóng được tiếp cận với internet;
– Tin nhắn cảnh báo được gửi đến từng thuê bao di động;
– Hệ thống camera theo dõi mực nước sông, đường phố được truyền tải lên website và bản đồ trực tuyến. Tất cả người dân đều có thể truy cập. Tôi ở VN mà vẫn truy cập được hệ thống camera này;
– Các fanpages của các đài truyền hình, nhóm hội đều phát live thông tin cập nhật.
Bão Hagibis đã làm 9 người thiệt mạng nhưng cũng cho chúng ta thấy rằng nếu hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai không tốt thì thiệt hại sẽ rất lớn đối với một siêu bão. Người Nhật ít biểu lộ cảm xúc, không vẽ vời, cách làm việc không tỏ ra là hối hả nhưng rất chỉn chu và hiệu quả. Đó chính là những điều chúng ta cần học.
Nhìn lại Việt Nam, năm 2017, khi cơn bão Damrey (bão số 12) sắp vào Nha Trang. Còn đúng một ngày rưỡi bão vào thì mới có tin cảnh báo chính thống. VTV đưa tin theo đúng lịch phát sóng của mình, lác đác đâu đó vài mẩu tin dự báo bão trên báo mạng. Người dân đã không được truyền thông về thảm họa một cách kịp thời. Cũng thời điểm đó, họ phát sóng trực tiếp một cuộc thi Hoa hậu, họ phát các show hài kịch, phim truyền hình TQ và những chương trình được lên lịch sẵn. Lác đác trên các fanpage có bản tin thời tiết LIVE 1hr với cô biên tập viên thời tiết môi đỏ, mắt lúng liêng, tay lướt nhẹ trên smartphone và luôn nhoẻn miệng cười trả lời những người xem. Tuyệt nhiên không có sự hiện diện của các chuyên gia trong các bản tin đó.
Gần đây cũng vậy, trận lụt ở Hà Tĩnh và Quảng Bình có thể nói là nghiêm trọng khi lụt ngập nóc nhà, mất mùa màng và nguy hiểm tính mạng người dân nhưng truyền thông vẫn thờ ơ. Người dân có cảm giác họ bị bỏ quên trong thiên tai còn truyền thông thì theo trends hùng hổ bám lấy những sự vụ và giật tít câu views.
Vì sao vậy nhỉ? Có phải vì người dân mình không coi trọng tính mạng của mình trong thiên tai nên những chương trình về thiên tai sẽ không đủ sức hút cộng đồng? Hay thiếu thông tin để phát? Nếu thiếu thì phải làm sao để có đủ? Tôi nghĩ là không thiếu đâu. Chỉ là không ưu tiên làm thôi.
Nếu mấy ngày qua có bão đổ bộ vào VN, tin tức về cơn bão sẽ đến ngay sau các thông báo về hội nghị trung ương đảng.