Tư duy hàng huyện đang xuôi hóa vùng cao

Huy Đức

9-10-2019

Không chỉ có Mã Pì Lèng hay cao nguyên đá Đồng Văn chúng ta đang đặt các di sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng trong tay cấp huyện. Khắp vùng Đông, Tây Bắc, văn hóa bản địa đang dần bị đẩy lùi vào các thung sâu. Các thị tứ, đặc biệt là các thành phố mới như Điện Biên, Lai Châu… đều được phát triển rất… Kinh. Từ năm 2004, tôi đã gọi tiến trình này là “xuôi hóa” [trong một bài viết về Điện Biên rất tiếc đã bị TB KTSG biên tập].

Đành rằng, vùng cao Đông, Tây Bắc không phải là một bảo tàng, người dân ở đó cũng cần sự thay da đổi thịt. Nhưng, nếu các thủ phủ của người Mông, người Tày, người Thái… đều trở thành các phố huyện miền xuôi, mất dần bản sắc, thì sự phát triển đó chỉ làm nghèo đi ngay cả những giá trị kinh tế của những núi non hùng vĩ.

Đừng bỏ mặc những Ô Quy Hồ, Mã Pì Lèng… cho địa phương. Ngành xây dựng không nên sử dụng các thủ tục phức tạp để “ăn” từng giấy phép nữa. Bộ chỉ nên làm chính sách, theo đó, đặt ra các nguyên tắc mà các công trình, đặc biệt là các công trình xây dựng trong vùng di sản phải tuân thủ. Chủ đầu tư khi xây nhà từ hai tầng trở lên phải có bản thiết kế do các kiến trúc sư đủ điều kiện hành nghề lập.

Các công ty tư vấn thiết kế – được Hội Kiến trúc sư công nhận – chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và luật pháp. Dân chúng, thay vì tốn tiền bôi trơn các thủ tục, tìm đến các kiến trúc sư có uy tín để thiết kế và xây dựng những công trình, vừa đẹp cho mình vừa tăng giá trị thêm cho di sản.

Nếu không theo kịp thời đại thì cũng phải thông hiểu đất nước mình, những ai đã ngồi ở vị trí hoạch định chính sách quốc gia đừng tiếp tục tư duy như hàng huyện nữa.

PS: Mã Pì Lèng nổi tiếng tới mức, theo blogger Hiệu Minh (Giang Công Thế), bảo tàng Smithsonian từng có cuộc thi ảnh về di sản này.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.