Lời phát biểu nhân dịp ra mắt sách tại Thư viện Hà Nội ngày 11/10/2019

Hồ Bạch Thảo

2-10-2019

Ảnh bìa sách Thanh Thực Lực của nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo.

Nhà Xuất bản Hà Nội có nhã ý tổ chức buổi ra mắt sách tại Thư viện Hà Nội và mời tôi về dự. Chẳng may sức khỏe không tốt nên tôi đành từ chối; nhưng đã soạn sẵn lời phát biểu, xin được trình bày như sau:

Kính thưa ông giám đốc Nhà Xuất bản Hà Nội,

Kính thưa quí vị trong ban thuyết trình,

Kính thưa quí quan khách,

Chín năm về trước, cũng vào tháng 10, tại thư viện này; NXB Hà Nội đã cho ra mắt bộ Minh Thực Lục, hôm nay lại được hân hạnh gặp quí vị một lần nữa với bộ Thanh Thực Lục; chúng tôi rất cảm kích, vì nghĩ rằng có chút đóng góp mới được quí vị để ý tới. Chỉ buồn rằng trong lần họp mặt trước đây có nhà ngoại giao đầy tâm huyết Dương Danh Dy, Giáo sư Ngô Đức Thọ, và gặp Giáo sư Phan Huy Lê tại NXB Hà Nội; thì hôm nay các vị đàn anh khả kính đã thành người thiên cổ.

Giáo sư Thọ từng dịch bộ Đồng Khánh Địa Dư Chí, Giáo sư Lê biên tập Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, là những bộ sách quí gối đầu giường dùng tham khảo hàng ngày; chỉ an ủi một chút là trước khi Giáo sư Lê mất, chúng tôi đã kịp gửi đến Giáo sư bản dịch sử liệu Việt Nam trong Nhị Thập Tứ Sử Trung Quốc, dùng để soạn bộ sử Việt Nam trong tương lai.

Chúng tôi thường tâm niệm câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Kennedy “Ask not what your country can do for you — ask what you can do for your country.” [ Xin đừng hỏi tổ quốc làm gì cho bạn – Hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc.]

Con đường chúng tôi đi là tìm hiểu về quốc sử, vì nghĩ rằng lịch sử là chỗ dựa vững chắc nhất cho người Việt Nam.

Trong Bình Ngô Đại Cáo, tác phẩm có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta; Nguyễn Trãi khẳng định lịch sử nước ta anh hùng trường tồn, đối sánh với lịch sử Trung Quốc. Lời mở đầu Đại Cáo như sau:

“Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
,
Song hào kiệt không bao giờ thiếu.”

Ngay cả khi bị ngoại xâm cai trị, trong hoàn cảnh đất nước điêu linh, lá thư Phan Đình Phùng trả lời Hoàng Cao Khải cũng giải thích rằng yếu tố lịch sử là chỗ dựa căn bản:

Xưa nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh bên Tàu, bao nhiêu phen lăm le muốn chiếm lấy đất ta làm quận huyện của họ mà chiếm không được. Ôi! Nước Tàu với ta bờ cõi liền nhau, sức mạnh hơn ta vạn bội, thế mà trước sau họ không thể ỷ mạnh mà nuốt trôi ta được, nào có vì lẽ gì khác đâu, chẳng qua non sông nước Nam tự trời định phận riêng hẳn ra rồi, và cái ơn huệ thi thư lễ nghĩa vốn có chỗ đủ cho mình tự trông cậy nương dựa lắm vậy”.

Mới đây, Cựu Ngoại trưởng Kissinger từng khuyên Tổng thống Trump rằng:

Với người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung dân tộc Việt Nam là một dân tộc đặc biệt. Họ (VN) là một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn nhưng lại có một lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm mà bất kể một dân tộc nào trên thế giới cũng chưa từng phải trải qua”.

Hãy bàn thêm, ngoài yếu tố lịch sử ra, có chỗ dựa vĩnh viễn nào khác không?

Dựa vào ma quỉ thần linh ư? Lịch sử chứng minh rằng lúc đất nước suy đồi, thường chuộng mê tín dị đoan. Thời tiền chiến, thi sĩ Tú Mỡ tại thành Hà nội này, đã sáng tác rất nhiều thơ để đánh đổ mê tín.

Dựa vào một chủ thuyết để theo, có được không? Xin thưa chủ thuyết nào cũng chỉ là phương tiện, nếu lý trí chứng minh được chủ thuyết tốt, thì nên theo; nếu chủ thuyết làm cho dân tộc đói nghèo, thiếu hạnh phúc thì nên bỏ.

Dựa vào ngoại bang thì sao? Chọn một nước cũng như chọn bạn; các cụ ta dạy rằng “Chọn bạn mà chơi”; kẻ xấu xa lừa đảo cần phải tránh xa.

Xét lịch sử nước ta phải đối đầu với kẻ thù phương Bắc, đất rộng người nhiều hơn ta hàng chục lần; đó là việc cực kỳ khó khăn. Nên cha ông ta đời nối đời “Mang gươm đi mở nước”, mong đất nước to lớn giàu mạnh hơn; nhờ vậy lãnh thổ nước ta mở mang gấp đôi, từ tỉnh Quảng Bình cho đến mũi Cà Mau. Đến thế kỷ thứ 21, mở mang bằng võ lực không còn hợp thời nữa; nhưng với việc bắt tay liên lạc với 185 nước trên thế giới, và 2 triệu người định cư tại ngoại quốc; giúp Việt Nam mở nước theo một chiều hướng mới.

Thiết tưởng, sử một nước cũng như gia phả một họ; gia phả họ giúp cho người trong họ quyến luyến đến tổ tiên, nên đoàn kết với nhau; một nước xưa gọi là trăm họ, cần một bộ sử tốt giúp ích trong việc hòa hợp hòa giải dân tộc. Bộ sử tốt cần 3 yếu tố: cố gắng đúng sự thực, phong phú, và được nhiều người dân trong nước chấp thuận.

Chúng tôi bỏ ra mấy năm trời, ngày thứ bảy nào cũng đến thư viện trường đại học Princeton sao chép nguyên văn tư liệu cho Minh Thực Lục, Thanh Thực Lục, với lòng mong muốn giúp sử nước nhà được bổ sung từ nhiều nguồn, nên chính xác và phong phú hơn; nay có dịp trình lên quí vị, tôi cảm thấy được an ủi.

Tôi xuất thân là một giáo sinh nghèo trường Quốc gia sư phạm Sài Gòn, lập gia đình gần 60 năm; bà nhà tôi tên là Nguyễn Thị Tân, cũng là một đồng nghiệp, giúp đỡ tôi vào đại học, học được một ít chữ Nho, mới có thể đi vào con đường dịch thuật.

Mấy lời chân thành, xin cảm ơn tất cả quí vị.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Nguyễn Trãi khẳng định lịch sử nước ta anh hùng trường tồn, đối sánh với lịch sử Trung Quốc”

    Thiếu tá Hồ Quang, tức Bác Hồ kính yêu của chúng ta, có nói ý rằng “mối hiềm khích truyền thống giữa Việt Nam & Trung Quốc là tàn dư của phong kiến . Nay dân tộc ta đã theo Đảng, theo Bác Hồ để làm cách mạng đánh đổ phong kiến tư bẩn cũng nên bỏ hết những tàn dư phong kiến xấu xa đi .

    “Trong Bình Ngô Đại Cáo, tác phẩm có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta”

    Cho tớ phản biện cái lày . Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta do Bác Hồ đọc ngày quốc táng, lộn, khánh 2-9. Tất cả các bản tuyên ngôn độc lập trước đó cần cho vào quá khứ & khép lại . Hòa hợp hòa giải dân tộc thì lấy ngày 2-9 là ngày quốc táng, lộn, khánh, và bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên là do Bác Hồ đọc . Until further notice. Những ai phản đối, rằng thì là mà cực đoan, hổng có tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc .

    “nếu lý trí chứng minh được chủ thuyết tốt, thì nên theo”

    Rất tâm đắc! Chủ nghĩa Mác-Lê, lý tưởng Cộng Sản của Bác Hồ chọn lựa cho đất nước & dân tộc là dzách lầu . Chủ thuyết Cộng Sản đã là chất keo làm đa số (nói cho rõ) dân mình đoàn kết dưới lá cờ diệt phong kiến, tư bẩn của Đảng Cộng Sản . Lấy lý tưởng Cộng Sản của Bác Hồ làm kim chỉ bắc, Đảng Cộng Sản đã lãnh đạo dân tộc từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, và sắp tới sẽ hoàn toàn thống nhất đất nước .

    “Dựa vào ngoại bang thì sao? Chọn một nước cũng như chọn bạn; các cụ ta dạy rằng “Chọn bạn mà chơi”; kẻ xấu xa lừa đảo cần phải tránh xa

    Rất đúng . Bọn tư bẩn đế quấc rất nham hiểm . Không phải tránh xa, nhưng lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác . Phải tận dụng mưu trí để thắng chúng nó .

    “Nên cha ông ta đời nối đời “Mang gươm đi mở nước”, mong đất nước to lớn giàu mạnh hơn; nhờ vậy lãnh thổ nước ta mở mang gấp đôi”

    Rất đúng . Thời cơ vàng một lần nữa đang mở ra để Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa của chúng ta trở thành to lớn giàu mạnh hơn . Kỳ này không chỉ gấp đôi mà còn gấp chục lần là ít . Và đúng, “Đến thế kỷ thứ 21, mở mang bằng võ lực không còn hợp thời nữa” tiến trình đúng quy trình này đang diễn ra rất ôn hòa & có học từ người cho lẫn người nhận . Hoàn toàn bất bạo lực . Chỉ hy vọng mọi người cùng góp sức với Đảng trong tiến trình hòa giải xong rùi, chỉ còn hòa hợp này .

    “cần một bộ sử (tớ thêm) Đảng tốt giúp ích trong việc hòa hợp hòa giải dân tộc. Bộ sử Đảng tốt cần 3 yếu tố: cố gắng đúng sự thực, phong phú, và được nhiều người dân trong nước chấp thuận”

    Còn người ngoài nước có chấp thuận hay không thì kệ xác chúng nó . Người nào trong nước không chấp nhận nổi thì join người ngoài nước, you’re always welcome out here.

    cố gắng đúng sự thực”

    Những phần nào không đúng sự thực thì nên chú giải “Đã cố, nhưng hết cách . Do nhiều ní do khách quan cũng như chủ quan”. Theo kinh nghiệm của tớ, phần nào “không đúng sự thực” thường không có chú giải gì cả . Chắc là để thử trí thông minh của những người dư thời gian đọc sử Đảng .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây