Hai nghi phạm giết tài xế Grab có được quyền im lặng?

LS Ngô Ngọc Trai

1-10-2019

Vụ giết tài xế Grab để cướp xe máy, cơ quan điều tra đã bắt được các nghi phạm. Ngay sau khi bắt cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai, đông đảo quan tâm ngóng xem kẻ bị bắt có thừa nhận không và nguyên nhân động cơ mục đích nào khiến chúng ra tay sát hại như vậy?

Trong bối cảnh đó, khi mà người dân đang nôn nóng đợi thông tin từ lời khai của nghi phạm, nếu mà nêu ra vấn đề quyền im lặng thì sẽ nhận được sự tức giận của cộng đồng.

Vậy chẳng lẽ quyền im lặng chỉ áp dụng đối với những vụ ít nghiêm trọng, còn những nghi phạm giết người tàn bạo thì không được quyền im lặng?

Điều này đương nhiên là không đúng, nhưng luận giải ra sao, tính khoa học và sức thuyết phục đến đâu sẽ giúp cộng đồng hiểu và đồng tình về quyền im lặng.

Do hiểu sai vấn đề

Ngay sau khi bắt cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai, mục đích xem nghi phạm có thừa nhận không và nguyên nhân động cơ mục đích nào dẫn đến phạm tội.

Vậy để xem nghi phạm có được quyền im lặng không ta hãy xét xem cái mục đích nêu trên có xác đáng không, từ đó xem việc lấy lời khai có phải là việc phải làm không thể thiếu được khi giải quyết một vụ án?

Thứ nhất, về vấn đề xác định nguyên nhân động cơ mục đích phạm tội. Tôi cho rằng đang tồn tại một cách hiểu sai xung quanh vấn đề này.

Tôi cho rằng việc xác định nguyên nhân động cơ mục đích gây án, đó là sự suy nghiệm của cán bộ điều tra nhằm mục đích khoanh vùng và xác định nghi phạm.

Cán bộ điều tra đứng trước hiện trường và các manh mối dấu vết, họ hình dung nhận định về nguyên nhân động cơ mục đích gây án để từ đó lần theo nghi phạm.

Ví như xác chết có mặc áo Grab thì xác định là tài xế chạy xe, không thấy xe máy đâu thì khả năng bị cướp, đối tượng có thể là khách gọi xe, động cơ gây án có thể là cướp tài sản.

Như thế, việc xác định nguyên nhân động cơ mục đích gây án có ý nghĩa ở giai đoạn trước khi bắt được nghi phạm chứ không phải là bắt được rồi mới hỏi xem nguyên nhân động cơ mục đích gây án là gì.

Vì khi đã bắt được rồi dựa vào mối quan hệ nhân thân giữa nghi phạm và nạn nhân thì dễ dàng nhận ra nguyên nhân động cơ mục đích đằng sau, việc xác định không còn khó nữa.

Nếu hiểu vấn đề như thế sẽ thấy bớt đi một lý do phải lấy lời khai.

Vấn đề thứ hai, có ý kiến cho rằng phải lấy lời khai xem nó có thừa nhận không để mà kết tội, chứ nó không khai thì làm sao kết tội được?

Tôi cho rằng dù nghi phạm chối cãi không nhận hoặc im lặng không trả lời thì vẫn có cơ sở để kết tội. Cơ sở để kết tội đó chính là những cơ sở bằng chứng đã giúp bắt được nghi phạm.

Những dấu vết bằng chứng nào đã giúp cơ quan điều tra xác định được nghi phạm và bắt hắn, đó cũng chính là những bằng chứng để tòa án kết tội bị cáo.

Ví như bản ảnh nhân dạng nghi phạm đã được nạn nhân chụp gửi trước lúc chạy xe và bị giết, hình xăm trên cánh tay nghi phạm, chiếc xe máy thu giữ được.

Do vậy không cần nghi phạm phải khai báo nữa, nếu nghe rấ có thể là những lời nói dối. Cho nghi phạm quyền im lặng, các cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể yên tâm mà phán rằng: Cho mày im lặng, dù có im lặng không khai thì vẫn có đủ cơ sở để kết tội.

Tóm lại là chính những cơ sở đã giúp cơ quan điều tra xác định và bắt được nghi phạm, đó cũng chính là bằng chứng để tòa án kết tội bị cáo. Việc điều tra phải làm là thu thập những dữ liệu kia chuyển hóa thành chứng cứ hợp pháp.

Cho nên kể từ sau khi bị bắt, nếu bị can im lặng không khai thì cũng không phải việc điều tra giải quyết bị bế tắc không làm gì được.

Do vậy có thể khẳng định nghi phạm vụ án giết người tàn bạo vẫn được quyền im lặng. Điều này cũng không phải là khiến vụ án bế tắc không giải quyết được. Mặc dầu vậy vẫn nên lấy lời khai, việc đặt câu hỏi và chờ đợi phản ứng của nghi phạm cũng giúp thấy được nhiều điều.

Vì đừng quên là quyền im lặng tồn tại trong ‘môi trường kết án’ có tính ‘đoán định’ và ‘phán xét’. Theo đó, đứng trước sự ‘đoán định’ thì ‘thái độ im lặng’ cũng cho thấy nhiều điều.

Nếu việc đặt câu hỏi là đúng mực không bức ép, vì đã có luật sư tham gia hoặc được ghi âm ghi hình lại, mà nghi phạm vẫn từ chối trả lời thì người ta có thể đoán định nghi phạm là thủ phạm.

Nếu nghi phạm không là thủ phạm thì không việc gì phải lo lắng mà cần hợp tác trả lời các câu hỏi để giúp cho việc điều tra phá án, giống như sự trả lời của một nhân chứng. Còn đứng trước các tình tiết dữ kiện được nêu ra và khi bị đặt câu hỏi lại ấm ớ không đưa ra câu trả lời được thì người ta sẽ nghi ngờ anh phạm tội.

Cho nên quy định về quyền im lặng không phải là khép lại cánh cửa của cơ quan điều tra, mà nó đơn giản là đòi hỏi một cung cách làm việc khác cần nhiều hơn về trình độ nghiệp vụ.

Quyền im lặng nói riêng và các quy trình thủ tục tố tụng hình sự nói chung là thành tựu của văn minh nhân loại (đã được thể hiện trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc) đã được đúc rút ra mà người ta hy vọng nếu cứ làm theo đó thì con người có thể đạt đến công lý.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Ơ !? Lại muốn cắt bỏ tự do ngôn luận à ? Lời nói thì chẳng có gì mà phải ức chế. Không thích, không đồng ý thì cứ dùng lời nói mà phản biện lại ! Đơn giãn thôi !

  2. 1 nội dung trong Tôn chỉ của Tiếng Dân là: „… nơi để tất cả mọi người, mọi giới trình bày quan điểm của họ về mọi vấn đề có liên quan đến vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc.“
    Tôi không nghĩ ngoài nội dung „quan điểm“ và đặc biệt quan điểm về „vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc“ lại kèm theo các nội dung thiếu văn hóa „bỏ bóng đá người“ bằng những lời nói hạ nhục, xúc phạm nhân phẩm hay văn vẻ là những cú „đánh dưới thắt lưng quần“. Cách đơn giản không phải dơ thẻ vàng, thẻ đỏ, mất thời gian thì thông thường báo chí hay diễn đàn chọn cách không cho đăng những bài, góp ý nào mang tính „xúc phạm người khác“ không nên và cả không được phép dùng – và cả ý kiến của tôi có tính chất xúc phạm, „chợ búa“ thì tôi cũng kiến nghị Tiếng Dân không nể nang gì mà không cắt và không đưa đăng. Còn nếu không có biện pháp mà để những ý kiến thiếu văn hóa lọt vào thì tôi e rằng chẳng riêng tôi mà còn nhiều bạn đọc khác cũng sẽ khó mà tham gia tiếp nếu bị xúc phạm tới nhân phẩm.

  3. VN không phải là các nước dân chủ tiên tiến với luật pháp công minh. LS NN Trai có ý kiến như vậy là để dần dần mở mắt người dân và các cơ quan điều tra và tòa án VN. Không phải LS không biết quyền được im lặng là quyền của nghi phạm, nhưng ở VN rất khó thực thi nhất là các vụ án gây căm phẫn tột độ trong dân chúng. LS muốn giáo dục người dân và các cơ quan điều tra đấy. Đọc mà tự cao nên mù, không hiểu ý của LS!

  4. Tôi nghĩ không ai phản đối quyền im lặng trong vụ án nầy mà ngược lại nó cần thiết để phía công an đưa ra các bằng chứng thuyết phục chứng minh kẻ thủ ác. Quyền im lặng phải được áp dụng cho tất cả không có ngoại lệ, kể cả các vụ án bị bắt quả tang. Quyền im lặng thúc đẩy một khái niệm rất nhân văn, đó là tất cả nghi can đều được suy diễn vô tội, cho đến khi công tố đưa ra các bằng chứng không thể chối cãi và toà kết án. Nếu có vụ án nào không đủ bằng chứng kết tội, mặc dù biết chắc thủ phạm, công lý đành bỏ sót- đó mới là một xã hội văn minh. Còn tỷ lệ phá án 100% là xã hội mông muội kinh khiếp.
    Không thấy LS đề cập đến các bằng chứng quan trọng trong vụ sát nhân nầy như: Bằng chứng về điện thoại liên lạc gọi xe, công cụ thủ ác, kết quả DNA, nhân chứng tận mắt… Thiết tưởng, bằng chứng kết tội nghi can chứ không phải lời thú tội.

  5. Nếu những người hiểu biết ở những đất nước pháp quyền coi quyền im lặng là nghiễm nhiên thì họ sẽ cười khi đọc nhưng câu hỏi của LS Trai, vì „quyền im lặng là quyền im lặng“, nó phải xuyên suốt và có giá trị khắp mọi nơi, chứ tại sao lúc này được chỗ khác lại không được hả luật sư Trai?! Và ví sao nhắc tới quyền đó lại sợ bị đám đông phản đối, giận dữ!? Luật pháp là lạnh lùng, là sự công bằng đòi hỏi những người trong cơ quan tố tụng không sợ đám đông tức giận mà cứ theo luật pháp tiến bộ công tâm mà làm – và đó là cách làm của tòa án nhiều nước, thực sự độc lập không phụ thuộc bất cứ đảng phái, quyền lực nào và cả mọi sức ép xã hội, chứ không độc lập nửa vời, giả hiệu như nhiều nước. Tóm lại nếu LS Trai băn khoăn thì có thể hỏi trực tiếp Liên đoàn luật sư quốc tế UIA hay tôi nghĩ cũng có không ít luật sư Việt Nam hay luật sư nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiểu thực chất nội dung này mà họ chỉ không xuất hiện hay lên tiếng vì nhiều lí do.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây