Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 11)

Hồ Bạch Thảo

25-9-2019

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6 —  phần 7 —  phần 8 —  phần 9 —  phần 10

11. Lý Thái Tông [1028-1054]

Niên hiệu: Thiên Thành: 1028-1033; Thông Thụy: 1034-1038; Càn Phù Hữu Đạo: 1041; Minh Đạo: 1042-1043, Thiên Cảm Thánh Vũ: 1044; Sùng Hưng Đại Bảo 1053

Ngược dòng thời gian, hãy bàn sang lãnh vực ngoại giao giữa hai nước Việt – Trung. Tục Tư Trị Trường Biên chép rằng, sau khi Vua Lý Thái Tổ mất, nhà Tống lập tức điều quân xuống tỉnh Quảng Tây để phòng lúc hữu sự:

Trường Biên, quyển 106. Tống Nhân Tông năm Thiên Thánh thứ 6 [1028]

Ngày Ky Mão tháng 6 [10/7/1028], Quảng Tây Chuyển vận ty báo Tĩnh hải tiết độ sứ đồng bình chương sự An Nam đô hộ Nam bình vương Lý Công Uẩn mất, các con giành ngôi; xin tăng phòng binh tại 3 châu Ung, Khâm, Quảng. Chiếu ra lệnh Tuần kiểm, Đô giám tại các châu Quế, Nghi (27), mang quân đến biên giới chặn phòng, đến lúc yên định được trở về.”

(己卯,廣西轉運司言,靜海節度使、同平章事、安南都護、南平王李公蘊卒,諸子爭立,乞增飭邕、欽、廣三州兵備。詔桂、宜等州巡檢、都監領所部兵於近界防扼,事定即還。)

Sau khi thấy tình hình nước ta ổn định bèn sai Sứ sang phong vua Lý Thái Tông tước Quận vương: Trường Biên quyển 107. Năm Thiên Thánh thứ 7 [1029]

 

Con Lý Công Uẩn là Đức Chính [vua Lý Thái Tông] tự xưng là quyền Tri An Nam Tĩnh hải quân lưu hậu, sai Sứ đến cáo ai. Vào ngày Tân Hợi tháng 4 [7/6/1029] tặng Công Uẩn Thị trung Nam Việt vương; mệnh Quảng Nam Tây Lộ Chuyển vận sứ Vương Duy Chính làm Điếu điện sứ cùng Tứ quan cáo sứ ban cho Đức Chính Kiểm hiệu thái úy Tĩnh hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ Giao Chỉ quận vương”.

(李公蘊之子德政自稱權知安南靜海軍留後事,遣使來告哀。辛亥,贈公蘊侍中、南越王,命廣南西路轉運使王惟正為祭奠使,又為賜官告使。除德政檢校太尉、靜海軍節度使、南安都護、交趾郡王。)

Sử nước ta xác nhận việc phong Quận vương, nhưng nêu tên viên Sứ thần Chương Dĩnh, chắc là viên Tứ quan cáo sứ nêu ở trên:

Năm Thiên Thành thứ 2 [1029]. Năm ấy, sứ nhà Tống là Chương Dĩnh sang làm lễ điếu tang. Lại sai sứ sang phong vua làm Quận Vương”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2

Theo thông lệ, nước ta cử sứ bộ sang đáp lễ, tạ ơn:

“Năm Thiên Thành thứ 3, [1030]. Mùa hạ, tháng 4, sai Đại liêu ban Lê Ốc Thuyên và Viên ngoại lang Nguyễn Viết Thân sang nhà Tống để đáp lễ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Mấy năm sau, triều Tống gia phong vua Lý chức Đồng bình chương sự:

Trường Biên, quyển 111. Năm Minh Đạo thứ nhất[1032]

Ngày Nhâm Thìn tháng 11 [29/12/1032], Giao Chỉ quận vương Lý Đức Chính được thăng Đồng bình chương sự”.

(壬辰,交趾郡王李德政加同平章事。)

Năm 1034 xảy ra rắc rối tại biên giới, có 600 người vượt biên xin nội thuộc Trung Quốc, vua Thái Tông sai quân đuổi bắt; để tránh tình hình căng thẳng, vua Tống ra lệnh cho số người này trở về nước:

Trường Biên quyển 114. Năm Cảnh Hựu thứ nhất [1034]

Tháng 6, Quảng Đông chuyển vận ty báo bọn Trần Công Vĩnh đất Giao Châu gồm hơn 600 người xin nội phụ, Lý Đức Chính phát binh đến biên giới đuổi bắt. Chiếu mệnh khiến bọn Công Vĩnh trở về; cùng dụ cho Đức Chính săn sóc chiêu phủ giữ mạng sống cho họ. Khu mật sứ Thái Tề tâu:

‘Dân man bỏ kẻ bạo ngược, về với người có đức, xin dung nạp họ, cấp cho ruộng hoang tại Kinh Hồ [ Hồ Bắc, Hồ Nam] để tự canh. Nay đuổi đi, tất chúng không trở về chỗ cũ; có thể tản vào núi rừng, rồi gây hậu hoạn!’

Triều đình không nghe; năm sau quả thực man làm loạn”.

(廣東轉運司【二八】言交州陳公永等六百餘人內附,李德政發兵境上捕逐。詔遣公永等還,仍諭德政撫存之。樞密使蔡齊言:「蠻去暴歸德,請納之,給以荊湖閑田使自營。今縱去,必不復還舊部。若散入山谷,如後患何!」不聽。明年,蠻果為亂。)

Cũng trong năm này, 2 Sứ bộ Đại Cồ Việt sang Trung Quốc cống thú lạ và voi, triều Tống đáp lễ tặng lại kinh Đại Tạng:

Năm Thiên Thành thứ 7 [1034]. Tháng 6, châu Hoan đem dâng con thú một sừng, sai Viên ngoại lang là Trần Ứng Cơ, Vương Văn Khánh đem sang biếu nhà Tống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Năm Thiên Thành thứ 7 [1034]. Sai Viên ngoại lang là Hà Thụ, Đỗ Khoan đem biếu nhà Tống hai con voi thuần. Nhà Tống lấy kinh Đại tạng để tạ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Sử Trung Quốc xác nhận phái đoàn nêu trên, nhưng chép sai tên Hà Thụ thành Hà Viễn, cùng bổ sung thêm việc phong tước cho các Sứ thần:

Trường Biên, ngày Tân Mão tháng 5 [10/6/1036], Giao Chỉ quận vương Lý Đức Chính sai Sứ đến cống sản vật địa phương; cho Tiến phụng sứ Hà Viễn làm Thứ sử châu Thuận, Phó sứ Đỗ Khoan làm Thứ sử châu Lặc”.

(交趾郡王李德政遣使來貢方物,以進奉使何遠為順州刺史,副使杜寬為勒州刺史。)

Cuối năm Thông Thụy thứ 5, vua Tống phong nhà vua chức Nam Bình Vương, lúc này Nùng Tồn Phúc tại biên giới làm phản; phải chăng triều Tống muốn khuyến khích nhà vua an định vùng biên giới:

Tháng chạp năm Thông  Thụy thứ 5 [1038] Nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Sử Trung Quốc cũng xác nhận việc phong tước trong văn bản ghi vào năm sau [1039]

Trường Biên, quyển 122. Năm Bảo Nguyên thứ nhất [1039]

Ngày Quí Dậu tháng 12 [8/1/1039], mệnh ban Giao Chỉ quận vương Lý Đức Chính chức Nam bình vương”.

(交趾郡王李德政為南平王,邈川首領、保順軍留後唃厮囉為節度使。)

Năm 1042, triều đình nước ta sai viên ngoại lang Đỗ Khánh và Lương Mậu Tài sang Trung Quốc cống voi thuần:  Nhâm Ngọ, [Càn Phù Hữu Đạo] năm thứ 4 [1042], Sai viên ngoại lang Đỗ Khánh và Lương Mậu Tài đem voi thuần sang biếu nhà Tống để tiếp tục sự thông hiếu cũ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Sử Trung Quốc xác nhận sự việc vào năm sau, và cho biết số lượng là 5 con:

Trường Biên, quyển 140. Năm Khánh Lịch thứ 3 [1043]

Ngày Ất Hợi tháng 3 [19/4/1043], Giao Châu hiến 5 con voi thuần”.

(乙亥,交州獻馴象五。)

Lại kèm thêm văn bản phong chức cho 2 Sứ giả:

“Trường Biên, quyển 141. Năm Khánh Lịch thứ 3 [1043]

Ngày Nhâm Tuất tháng 6 [4/8/1943], cho Tiến phụng sứ đất Giao Châu, An Nam tĩnh hải tiết độ phó sứ Đỗ Duy Khánh chức Thứ sử Dĩnh châu, Phó sứ tam ban phụng chức Lương Tài làm Thái tử tả giám môn suất phủ suất; đoạn này có thể xem phụ vào dưới phần cống voi thuần”.

(壬戌,以交州進奉使、安南靜海節度副使杜惟慶為潁州刺史【三二】,副使、三班奉職梁材為太子左監門率府率。此段或附見貢馴象下.)

Sau khi nhận được tin nhà Lý có ý định đánh Chiêm Thành một lần nữa, vua Tống ra lệnh trinh thám tình hình, để tìm cách can thiệp:

Trường Biên, quyển 157. Năm Khánh Lịch thứ 5 [1046]                                

Ngày Bính Thìn tháng 12 [14/1/1046], chiếu ban Quảng nam đông lộ chuyển vận ty mộ người vào Giao Chỉ trinh thám việc chiêu tập binh, nếu có tin đúng được trọng thưởng. Bấy giờ Lý Đức Chính định dùng binh đánh Chiêm Thành, triều đình chưa biết chắc, nên tìm hiểu”.

(丙辰,詔廣南東路轉運司募人入交趾以刺點兵事宜,如得實【一九】即優賞之。時李德政將以兵伐占城,朝廷未知故也。)

Lại cho tăng cường phòng thủ biên giới, thay thế quân lão nhược:

Trường Biên, quyển 158. Năm Khánh Lịch thứ 6 [1046]

Ngày Mậu Thìn tháng 6 [25/7/1046], chiếu ban cho các châu tiếp giáp với Giao Chỉ thuộc Quảng Nam Tây Lộ cần lưu ý khống chế bọn di; lệnh cho Chuyển vận sứ nơi này quan sát trưởng lại, bãi bỏ kẻ lão nhược, rồi trình sự việc lên”.

(戊辰,詔廣南西路諸州接連交趾,控制夷落,其令轉運使察長吏罷老不任事者聞。)

Cũng năm này, triều đình nước ta sai 2 Sứ giả sang nhà Tống cống voi:

Trường Biên, quyển 159. Năm Khánh Lịch thứ 6 [1046]

Ngày Tân Sửu tháng 11 [23/12/1046], Lý Đức Chính đất Giao Chỉ mới sai Sứ thần Bí thư thừa Đỗ Văn Ủy đến hiến voi thuần”.

(時交阯李德政適遣使祕書丞杜文蔚等獻馴象,)

Năm sau cả 2 Sứ giả đều được phong chức:

Trường Biên, quyển 160. Năm Khánh Lịch thứ 7 [1047]

Ngày Canh Ngọ tháng 4 [23/5/1047], cho Tiến phụng sứ Giao Châu Bí thư thừa Đỗ Văn Ủy chức Đồn điền viên ngoại lang, Phó sứ tả thị cấm Phùng Xương Chiêm chức Nội điện thừa chế”.

(庚午,以交州進奉使、祕書丞杜文蔚為屯田員外郎,副使左侍禁馮昌瞻為內殿承制。)

Sử Trung quốc lại chép thêm việc phong tước cho 2 Sứ thần Tô Nhân Tộ, và Đào Duy Hoàn và xác nhận chưa tra ra ngày 2 Sứ thần đến nơi:

Trường Biên, quyển 164. Năm Khánh Lịch thứ 8 [1048]

Ngày Giáp Ngọ tháng 4 [10/6/1048], Giao Châu đến cống bèn cho Tiến phụng sứ Binh bộ viên ngoại lang Tô Nhân Tộ chức Công bộ lang trung, Phó sứ Đông đầu cung phụng quan Đào Duy Hoàn chức Nội điện sùng ban. Ngày bọn Nhân Tộ đến nơi chưa thấy”.

(交州入貢,以進奉使兵部員外郎蘇仁祚為工部郎中,副使東頭供奉官陶惟懽為內殿崇班。仁祚等初來時未見。)

Lúc này Nùng Trí Cao đang nổi dậy tại châu Quảng Nguyên, nên việc động Vật Dương (28) làm phản, ghi dưới đây có liên quan đến Trí Cao:

Năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 2 [1050]. Mùa thu, tháng 9, người động Vật Dương làm phản, dẹp yên”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Phía triều Tống lại cho xây trại quân tại động La Hồi, vị trí tại phía đông bắc châu Quảng Nguyên để chặn quân Nùng Trí Cao:

Trường Biên quyển 168. Ngày Bính Tuất tháng 2 [24/3/1050], ty kiềm hạt Quảng Nam Tây Lộ xin lập 1 trại tại động La Hồi (29) thuộc Ung Châu, để chặn man tặc Quảng Nguyên. Chấp thuận”.

(丙戌,廣南西路鈐轄司請於邕州羅徊峒置一寨,以扼廣源州蠻賊,從之。)

Lúc Nùng Trí Cao mang quân đánh phá Trung Quốc, vua Lý Thái Tông đề xuất đem quân đánh giúp, lúc đầu triều Tống hoan nghênh chuẩn bị lương tiền để đón tiếp, nhưng sau đó theo lời khuyên của tướng Địch Thanh nên hủy bỏ:

Trường Biên, quyển 173 ngày Mậu Tý năm Hoàng Hựu thứ 4 [9/1/1053], Tri Quế Châu Dư Tĩnh tâu:

Năm nay Giao Chỉ đáng phải đến triều cống, nhân vì Nùng Trí Cao phản, đường đi không thông; mấy lần gửi văn thư xin phối hợp quân đánh giặc, nhưng đã lâu triều đình không đáp. Thấy lời ước hẹn rất thành khẩn, nếu chưa có thể diệt đảng giặc, thì cũng có thể chia rẽ chúng thêm; tại các châu Ung, Khâm đã trữ sẵn số lương thực vạn người ăn để đợi.’

Chiếu thư cũng đã cấp 2 vạn quan tiền để trợ binh phí, đợi khi bình giặc lại thưởng tiền 3 vạn quan. Lúc đầu triều đình không chấp thuận cho Giao Chỉ ra quân; Tĩnh tâu Trí Cao là phản tặc của Giao Chỉ, nên cho ra quân, đừng ngăn trở thiện ý. Nay không cho, Giao Chỉ tất giận, quay lại trợ giúp Trí Cao; vậy nên thuận tiện hứa cho. Triều đình chấp thuận lời xin, nhưng Địch Thanh tâu:

‘Lý Đức Chính thanh ngôn rằng mang bộ binh 5 vạn, kỵ binh 1.000 đến viện trợ, đó không phải là thực tình. Vả lại dùng binh nước ngoài để trừ giặc bên trong, không có lợi cho ta. Chỉ một mình Trí Cao giày xéo 2 xứ Quảng [Quảng Đông, Quảng Tây] lực không dẹp được; lại thêm quân lính của Man. Người Man tham được lợi, quên nghĩa; nếu chúng nhân đó mà khởi loạn, ta lấy gì chống cự đây! Xin bãi quân Giao Chỉ đừng dùng, và ban hịch cho Tĩnh đừng thông sứ với Giao Chỉ.’

Triều đình cuối cùng dùng kế sách của Địch Thanh, dư luận cũng cảm phục Thanh có sách lược xa”.

(戊子,知桂州余靖言:「交趾今歲當入貢,屬儂智高叛【三四】,道阻不通,累移文乞會兵討賊,而朝廷久未報。觀其要約甚誠,縱未能勦滅賊黨,亦可使益相離貳,已於邕欽州備萬人糧以待之【三五】。」詔亦給緡錢二萬助兵費,候賊平更賞緡錢三萬。始,朝廷不聽交趾出兵,靖言智高,交趾叛者,宜聽出兵,毋阻其善意。今不聽,必忿而反助智高,因以便宜許之。朝廷從其請。已而狄青奏:「李德政聲言將步兵五萬,騎一千赴援,此非情實;且假兵於外以除內寇,非我利也。以一智高橫蹂二廣,力不能討,乃假蠻人兵。蠻人貪得忘義,因而啟亂,何以禦之!願罷交趾兵勿用,且檄靖無通交趾使。」朝廷卒用青計策,人亦服青有遠略云。)

Sử liệu Toàn Thư cho biết rằng, Trí Cao xin nước ta cứu viện, vua ra lệnh cho Vũ Nhị mang quân đi; việc này các bộ sử Trung Quốc không chép, phải chăng chưa kịp thực hiện thì đạo quân Trí Cao đã tan rã:

Năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 5 [1053], Mùa đông, tháng 10, Trí Cao sai Lương Châu đến xin quân cứu viện. Vua xuống chiếu cho chỉ huy sứ là Vũ Nhị đem quân cứu viện. Địch Thanh lại đánh phá được Trí Cao. Trí Cao chạy sang nước Đại Lý (30). Người nước Đại Lý chém đầu Cao bỏ vào hòm dâng vua Tống. Từ đây họ Nùng bị diệt”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Về việc giao thiệp với các nước phương nam; dưới thời vua Lý Thái Tông, Chân Lạp 2 lần sai Sứ triều cống nước ta:

“Năm Thiên Thành thứ 6 [1033]. Mùa xuân, tháng giêng, nước Chân Lạp sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Tháng chạp năm Thông Thụy thứ 6 [1039], nước Chân Lạp sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Riêng Chiêm Thành, trước khi vua mang quân đi đánh vào năm 1044, trong nội bộ có sự lủng củng, Hoàng tử Chiêm Thành cùng đám tùy tùng trốn sang nước ta:

Năm Thông Thụy thứ 6 [1039] Mùa hạ, tháng 4, con vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt cùng bọn Lạc Thuẫn, Sạ Đâu, La Kế, A Thát Lạt 5 người sang quy phục nước ta”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Sau khi thua trận thì tỏ vẻ ngoan ngoãn thần phục, mang voi trắng sang cống: “Năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 2 [1050]). Mùa xuân, tháng 3, Chiêm Thành dâng voi trắng”.

Về phương diện kinh tế xã hội có những nét đặc trưng chứng tỏ vua chú trọng về nông nghiệp; vào năm được mùa, ngài đích thân ra thăm ruộng xem gặt:

Năm Thiên Thành thứ 3, [1030. Mùa đông, tháng 10, được mùa to. Ngày 14, vua thân ra ruộng xem gặt, nhân đổi tên cánh ruộng ấy gọi là ruộng Vĩnh Hưng”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Nhà vua lại khuyến khích các cung nữ dệt gấm, đem sử dụng trong cung; rồi lấy gấm vóc trong kho mua từ Trung Quốc ban phát cho các quan lại từ cửu phẩm (31) trở lên:

Tháng 2 năm Bảo Nguyên thứ 2 (1040).

Trước đó, nhà vua sai cung nữ dệt gấm vóc, họ đã dệt được thành những tấm hàng rồi; đến đây, sai đem những gấm vóc, hàng của nhà Tống, vẫn chứa trong kho, ban phát cho bầy tôi: từ ngũ phẩm trở lên thì áo gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo vóc, tỏ ý không dụng gấm vóc của Tống nữa”. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, Quyển 3.

Gặp năm thái bình được mùa cho tha tội, giảm một nửa thuế, tạc ngàn pho tượng, làm 1 vạn chiếc cờ phướn:

Tháng 10, mùa đông năm Bảo Nguyên thứ 2 (1040).

Trước đây, nhà vua sai tạc hơn một nghìn pho tượng Phật và vẽ hơn một ngàn bức tranh Phật; lại làm hơn một vạn chiếc bảo phan (32); đến đây, làm xong, mở hội, đại xá, tha cho những người phạm tội đồ lưu; xá một nửa tiền thuế cho cả nước”. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, Quyển 3.

Nhà vua lại cho đúc chuông lớn đặt tại Long Trì, phòng khi dân có oan ức, đánh chuông để khiếu nại:

Nhâm Thìn, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 4 [1052], tháng 3, đúc chuông lớn để ở Long Trì, cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Mùa thu năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 6 [1054], nhà vua mất tại điện Trường Xuân, miếu hiệu là Thái Tông, nhân dịp đổi quốc hiệu là Đại Việt:

Năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 6 [1054], Mùa đông, tháng 10, ngày mồng một, vua băng ở điện Trường Xuân. Thái tử lên ngôi ở trước linh cữu; đổi niên hiệu là Long Thụy Thái Bình năm thứ 1. Truy tôn tên thụy cho Đại Hành Hoàng Đế, miếu hiệu là Thái Tông, mẹ họ Mai làm Kim Thiên Hoàng Thái Hậu. Đặt quốc hiệu là Đại Việt. Ban quan tước cho các bề tôi cũ ở Đông cung theo thứ bậc khác nhau”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

________

Chú thích:

27. Quế Châu, Nghi châu, vị trí đều thuộc miền bắc tỉnh Quảng Tây, Quế Châu tức Quế Lâm thị hiện nay.

28. Trường Biên, quyển 349 chép “ thời Trị Bình [1064-1067] Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui phụ, ban tên là Qui Hóa châu”, nay thuộc Tĩnh Tây thị [Jingxi], Quảng Tây.

Động La Hồi: tiếp giáp phía nam châu Quảng Nguyên; sông Tả Giang phát nguyên từ Cao Bằng, chảy qua biên giới vào lãnh thổ động La Hồi.

Nước Đại Lý: một nước ở vùng Vân Nam, Trung Quốc, trên địa bàn của nước Nam Chiếu đời Đường, cư dân chủ yếu là người Di, mà thư tịch cổ Trung Quốc thường chép là người Thoán, Bặc.

31. Cửu phẩm: quan lại thời xưa chia làm 9 cấp; cấp thấp nhất là cửu phẩm, cao nhất là nhất phẩm.

32. Phan: loại cờ có lụa rủ xuống.

Bình Luận từ Facebook