Bình Thuận Minh Bạch
17-9-2019
Tiếp theo bài 1: Từ truyền thông lề phải; bài 2. Đến sự thật của lịch sử; bài 3: Trả lời bài 1 và bài 2; bài 4: Truyền thống gia đình: Cha, Mẹ; bài 5: “Khí chất của người Anh Hùng …” và bài 6: Nghĩa tình quê hương
Bài 7. Kế hoạch lừa siêu hạng qua Nghĩa tình quê hương
I. Dừng dự án
Với một dự án y tế tư nhân ở miền Trung có quy mô 880 tỷ là một dự án lớn. Tỉnh Quảng Ngãi tập trung cả hệ thống chính trị để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho dự án khởi công và thi công đúng tiến độ, kế hoạch.
Tỉnh cấp ngân sách di dời khẩn cấp 8 cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cũ để giao mặt bằng làm lễ khởi công và thi công Dự án.
Tuy nhiên, sau ngày làm lễ khởi công, quan chức Trung ương đi hết rồi thì người dân không thấy công trình này triển khai xây dựng ngoài bãi đất trống rộng mênh mông giữa trung tâm thành phố.
Chín tháng sau sự kiện trọng đại lễ khởi công, vào tháng 3 và tháng 4 năm 2011, Chủ đầu tư rất lịch sự gởi 2 văn bản “Xin không thực hiện dự án”, có lời xin lỗi lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh Quảng Ngãi (7.1). Với lý do chung chung: vì gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ngỡ ngàng! Một mặt lo giải trình với dư luận, một mặt họp với nhau tìm hiểu nguyên nhân thực sự và rút kinh nghiệm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn – Phó chủ tịch tỉnh, dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Chợ Rẫy là một trong những dự án đầu tư vào tỉnh được thực hiện các qui trình đầu tư, cấp giấy phép và khởi công dự án nhanh nhất từ trước đến nay (2011).
Tỉnh thông cáo báo chí: Mặc dù UBND tỉnh và các sở, ngành tạo mọi điều kiện tốt nhất để Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa quốc tế Chợ Rẫy – Quảng Ngãi triển khai dự án, tuy nhiên Công ty đã không làm đúng cam kết, phá vỡ quy hoạch đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố, làm ảnh hưởng đến công trình trọng điểm của tỉnh và ảnh hưởng đến dư luận và uy tín đối với nhân dân, gây thiệt hại và làm tốn thời gian cho 8 đơn vị y tế phải di dời nhường chỗ để xây dựng Bệnh viện.
Đồng thời Tỉnh “bắt đền” Công ty phải trả 3,7 tỷ đồng, gồm: giá trị 13 hạng mục công trình mà Công ty đã phá dỡ trên 2,9 tỷ đồng và chi phí di dời, sửa chữa trụ sở làm việc của 8 đơn vị y tế phải di dời là 856 triệu đồng để lấy đất xây dựng bệnh viện.
Vậy là chiến lược phát triển ngành y tế Quảng Ngãi với tham vọng “Bệnh viện Đa khoa quốc tế Chợ Rẫy – Quảng Ngãi sau khi hoàn thành sẽ là bệnh viện quốc tế đầu tiên khu vực miền Trung, với thiết bị y tế đạt tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu, không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân tỉnh Quảng Ngãi mà còn nhân dân các tỉnh lân cận, đồng thời sẽ góp phần giảm tải cho Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh.”(6.11) đành dừng lại.
Vậy là “ước vọng thầm kín” của Anh hùng lao động Nguyễn Văn Đông thổ lộ với báo chí nhẹ nhàng bay theo những chùm bong bóng ngày lể khởi công dự án.
II. Dư âm
Chuyện các đại gia làm dự án: thích thì làm, không thích thì dừng lại, chuyển nhượng là hoàn toàn bình thường, cùng lắm là phạt hợp đồng, cùng lắm là phá sản. Dù sao cũng hơn dự án của Đảng thực hiện bằng ý chí chính trị.
Chẳng hạn như dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (7.2), lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân là Phó Chủ tịch Quốc hội đã quyết tâm thông qua, đến khi làm Chủ tịch Quốc hội lại quyết định dừng. Cả hai lần đều nhờ Đảng lãnh đạo sáng suốt, Đại biểu Quốc hội trí tuệ. Mặc dù trước khi thông qua, các nhà khoa học, dư luận không đồng tình; đầu tư vào dự án cũng không ít, nhưng bà Nguyễn Thị Kim Ngân – đại diện cao nhất cho Quốc hội hai nhiệm kỳ cũng chẳng thèm xin lỗi nhân một tiếng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy Quảng Ngãi chấm dứt, dù sao Chủ đầu tư cũng gởi lời xin lỗi lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, dư âm của nó vẫn còn vọng lại đến ngày nay.
Tỉnh Quảng Ngãi, các nhà đầu tư khác, người dân, … cùng đi tìm nguyên nhân thực sự dừng dự án.
Thông tin công bố là Công ty Cổ phần bệnh viện Quốc tế Quảng Ngãi làm chủ đầu tư Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy – Quảng Ngãi hình thành trên cơ sở góp vốn của Công ty cổ phần Rạng Đông, Công ty TNHH Phú Thọ, Công ty TNHH Mắt Thái Thành Nam. Nhưng trên thực tế chỉ có mỗi Công ty Rạng Đông bỏ tiền, còn ông Đoàn – Công ty Phú Thọ và Thái Thành Nam chỉ tham gia bằng cái tên (ghi chú: ông Đoàn là cha đẻ của BOT đầu tiên là cầu Cỏ May đi Vũng Tàu, còn Thái Thành Nam là bạn ông Đoàn). Cho nên sau này quyết định dừng thì cũng chẳng ai làm gì với Nguyễn Văn Đông cả.
Vào thời điểm đó, với hành lang pháp lý chưa rõ ràng về xã hội hóa y tế, đầu tư theo phương thức hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, cùng với cơ chế xin cho thì phải nói là rủi ro rất lớn.
Về quan điềm chung của xã hội, thì đầu tư vào lĩnh vực y tế ở các tỉnh lẻ phải chấp nhận phi lợi nhuận, thời gian hoàn vốn có chiết khấu kéo dài trên 20 năm. Chính vì vậy nhà nước mới kêu gọi xã hội hóa y tế với những chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai, các loại thuế, …
Rạng Đông là một tập đoàn lớn, với một đội ngũ chuyên gia tài chính, thị trường có kinh nghiệm, đã đầu tư hàng trăm dự án lớn nhỏ. Nên đương nhiên nghiên cứu, tính toán rất kỹ để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư Bệnh viện đến hơn 880 tỷ đồng trước khi quyết định khởi công. Trong Báo cáo khả thi cũng đã tính toán, xác định thời gian thu hồi hồi vốn, phân tích và xử lý các khả năng rủi ro có thể xảy ra.
Hồ sơ năng lực của Chủ đầu tư “rất đẹp”, chứng minh nguồn tài chính và kế hoạch giải ngân khả thi, đồng thời dự án nâng chi phí đầu tư từ 670 tỷ đồng (theo suất đầu tư) lên 880 tỷ nên đã thuyết phục được những chuyên viên thẩm định dự án khó tính nhất của tỉnh. Từ đó tỉnh chấp nhận giao gần 5 ha đất vàng trung tâm thành phố để xây dựng Bệnh viện Quốc tế, còn Bệnh viện đa khoa của tỉnh hiện hữu thì chuyển đi nơi khác. Trong khi theo TCVN 9212:2012 (6.7) với quy mô 500 giường diện tích đất là 3,6 ha.
Nghe đâu chi phí chuẩn bị đầu tư, lễ khởi công, bồi thường cho tỉnh (7.3) hơn chục tỷ đồng. Chấp nhận bỏ chục tỷ ra, tổ chức khởi công hoành tráng, mời cả Ủy viên trung ương đảng, Bộ trưởng y tế về cắt băng khánh thành. Xong để đó, 9 tháng sau thông báo dừng!
Tốn thời gian, công sức của nhiều bên liên quan.
Thương cho người dân Đức Phú, đi đâu cũng khoe Nguyễn Văn Đông về đầu tư Bệnh viện quốc tế. Tội cho nhiều cán bộ y tế và những người đang học ngành y quê Mộ Đức với hy vọng sẽ được làm việc cho Bệnh viện quốc tế do người con của quê hương Đức Phú, Mộ Đức xây dựng.
Nhưng quê độ nhất vẫn là chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, đã lỡ huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền cho dự án. Đến khi dừng dự án chẳng biết nói sao, thôi thì đăng bản tin cho dân biết “Ngừng triển khai dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy – Quảng Ngãi”(7.4) với lý do vì gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai là xong. Khi khởi công thì tỉnh ủy có mặt lãnh đạo, lúc dừng dự án Đảng chẳng nói năng gì!
III. Đi tìm nguyên nhân
Theo tính toán độc lập của những nhà đầu tư bệnh viện tư nhân, thì ngay sau khi hoàn thành công suất giường sẽ đạt ngay ít nhất là 95%, thời gian hoàn vốn theo suất đầu tư khoảng 15 năm. Với một quỹ đất dư ra gần 1,4 ha gắn liền với khuôn viên Bệnh viện tại khu trung tâm Thành phố sẽ tạo ra rất nhiều dịch vụ thương mại có giá trị gia tăng cao. Cho nên không thể nói dự án không hiệu quả; còn những vấn đề khác như phương án tài chính, nhân sự, … đã được phân tích và xử lý trong Báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi cấp phép.
Không bên nào công bố chính thức nguyên nhân, nhưng rò rỉ thông tin ra dư luận thì có nhiều. Bên này cáo buộc bên kia:
– Người của phía Rạng Đông cho rằng quan chức Quảng Ngãi gây khó khăn, các sếp muốn gởi cổ phần ảo nhiều quá. Người trong Ban quản lý dự án thì nói các đối tác không chịu góp vốn. Một số nhân sự cấp cao thì nói chưa thu xếp được nguồn vốn.
– Quan chức phía địa phương cho rằng Chủ dự án đòi ưu đãi nhiều quá; trong đó có yêu cầu khu đất ở trung tâm tỉnh lỵ để xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên gần trường Cao đẳng sư phạm (nay là Đại học Phạm Văn Đồng) …
Thời gian trôi qua, các lãnh đạo tỉnh ngày đó như ông Nguyễn Xuân Huế, Cao Khoa đến nay cũng đã nghỉ hưu. Lúc đó cũng không thể hiểu nổi tại sao phải Chủ đầu tư quyết định dừng dự án, còn chuyện tỷ lệ phần trăm dự án thì ở đâu mà chẳng có, không phải là nguyên nhân chính.
Cũng có người nói, mục đích chính của Rạng Đông là chuyển nhượng dự án nhưng không được nên rút; hoặc Rạng Đông không có kinh nghiệm đầu tư, quản lý bệnh viện nên phải dừng là đúng; …
Bây giờ khu đất này được xây dựng hai bệnh viện mới là Bệnh viện Sản nhi và Bệnh viện Bệnh viện Y học cổ truyền (hình 7.2).
Với độ trễ thời gian đủ dài, nhiều quan chức của tỉnh nghỉ hưu vẫn tiếp tục theo dõi Rạng Đông, tìm hiểu Nguyễn Văn Đông cố gắng xác định nguyên nhân thực sự Nguyễn Văn Đông quyết định chấm dứt đầu tư bệnh viện ở Quảng Ngãi.
Đau nhất trong vụ này có lẽ là ông Nguyễn Xuân Huế, ông cũng là Anh hùng Lao động thời kỳ làm Giám đốc Công ty Đường Quảng Ngãi (nhà nước), sau này làm Chủ tịch tỉnh. Nhưng anh hùng trong chốn quan trường làm sao bằng anh hùng của cơ chế thị trường hoang dã theo định hướng xã hội chủ nghĩa được. Tuy nhiên Anh hùng của Đảng rất biết thù dai đúng nghĩa “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”.
Nói về ông Nguyễn Xuân Huế, cán bộ Quảng Ngãi thời đó nói đùa: trước khi nghỉ hưu ông tranh thủ ký quyết định chủ trương đầu tư để kiếm việc làm cho dân Quảng Ngãi 20 năm nữa. Còn đối với dự án Bệnh viện Quốc tế Chợ Rẫy – Quảng Ngãi, ông Huế đã chỉ đạo các sở ngành tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Ông hy vọng để lại danh tiếng là người mời gọi đầu tư Bệnh viện Quốc tế và kiếm ít cổ phần trong Bệnh viện sau khi nghỉ hưu.
Không như quan chức khác tranh trủ “vặt lông”, ông Nguyễn Xuân Huế muốn nuôi con “vịt bầu” Nguyễn Văn Đông về quê đẻ trứng, nhưng cuối cùng lại thành con “vịt trời”, bay đi mất!
IV. Nguyên nhân thực sự là gì?
Nhiều người còn nhớ, giai đoạn thẩm tra lý lịch để phong Anh hùng lao động, Nguyễn Văn Đông hay về Quảng Ngãi hứa hẹn giúp đỡ, đầu tư cho quê hương của một người con xa xứ mà tổ tiên đã sống hơn 500 năm. Hai lĩnh vực đầu tư khó sinh lợi nhất ở những tỉnh lẻ là giáo dục và y tế, cho thấy Đông rất nặng tình với quê hương.
Tình người với tiền nhiều, nên chuyện cũ bỏ qua. Các vướng mắc, khiếu nại về lý lịch đều được giải quyết ổn thỏa, đẹp đẽ.
Anh hùng lao động Nguyễn Văn Đông đã thực hiện lời hứa:
– Đó là xây tặng cho xã Đức Phú ngôi trường Mẫu giáo với kinh phí 2,3 tỷ đồng (xem Bài 5).
– Và đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy Quảng Ngãi: 880 tỷ đồng.
Anh hùng Nguyễn Văn Đông bỏ ra hàng chục tỷ đồng để thực hiện chuẩn bị đầu tư, tổ chức lễ khởi công hoành tránh để chứng minh là thực sự quyết tâm đầu tư.
Đến lúc anh Đông cần dứt bỏ thì cũng rất đơn giản. Tìm lý do abc nào đó, không được thì tạo ra lý do xyz, mà nhà đầu tư muốn tạo ra lý do trong thể chế quan liêu và tham nhũng này thì không quá khó. Ví dụ, chỉ cần ngưng bôi trơn là guồng máy chạy ì ạch ngay – vậy là có lý do la làng “rải thảm trên đinh” và xin rút.
Vào thời điểm đầu năm 2011, thì AHLĐ Nguyễn Văn Đông đã ngồi ghế Đại biểu quốc hội được 5 năm. Chừng đó thời gian với quyền hạn một ĐBQH (7.5), với nguồn lực đại gia, với tố chất được di truyền từ gia đình; Nguyễn Văn Đông đã hiểu được cơ chế vận hành của cơ quan Trung ương, thiết lập quan hệ thân hữu được với các thế lực siêu quyền lực. Mục tiêu chiến lược hướng đến bây giờ là những “quả đấm thép” sẽ được trình bày trong các bài sau.
Nếu so sánh với đầu tư làm Đại biểu Quốc hội như bà Đặng Thị Hoàng Yến hay Châu Thị Thu Nga hết 1,5 triệu USD. Thì tính ra, dự án “đầu tư giảm thiểu rủi ro” này quá thấp, nhưng hiệu quả cao. AHLĐ-ĐBQH Nguyễn Văn Đông không còn trăn trở bởi những nỗi lo như Tăng Minh Phụng (xem Bài 5). Ngoài ra còn cơ hội mở đường tiếp cận cấp Trung ương sau này nữa.
Đó mới chính “Khí chất của người Anh Hùng luôn khác với người thường”.
Cả guồng máy của tỉnh và người dân Quảng Ngãi đều bị lừa mà không biết bị lừa. Quả lừa của vị anh hùng luôn khác người. Không phải một hai tấn xi măng, vài ba trăm ký sắt, hay mấy đồng lẻ tiền qua đò như người cha Nguyễn Trung. Không riêng gì quê hương Quảng Ngãi, người dân Bình Thuận cũng đã nhận được những cú lừa ngoạn mục của vị anh hùng, chúng tôi sẽ phân tích trong các bài sau.
Như một ván cờ mà Đông là người duy nhất điều khiển cuộc chơi, ngay các các đối tác như ông Đoàn – Công ty Phú Thọ và Thái Thành Nam cũng chỉ là những quân xanh bày ra cho đẹp bàn cờ mà thôi.
Quan chức tham lam bị lừa đã đành, đằng này người dân Mộ Đức – Quảng Ngãi ngây thơ cũng bị lừa. Từ lừa sơ cấp lại sinh ra lừa thứ cấp: đó là những người đi xin việc, muốn chuyển đến bệnh viện quốc tế, đã cố chạy tìm gặp người quen anh Đông, những người trong Ban Quản lý dự án, cán bộ Sở Y tế của các sở ngành có liên quan dự án để nhờ giúp đỡ, và tất nhiên … không phải bằng nước bọt.
Chính vì vậy mà người dân mới phong cho: nào là AHLĐ là Anh hùng lừa đảo; nào là: làm đĩ chín phương, chừa một phương làm … tiền; nào là lừa đảo cấp quốc gia; …
Chính vì vậy mà người dân và chính quyền xã Đức Phú mới từ chối con đường mang tên: AHLĐ Nguyễn Văn Đông.
Ghi chú
(7.1) Một chủ dự án xin lỗi dân: https://tuoitre.vn/mot-chu-du-an-xin-loi-dan-436516.htm
(7.2) Tra Google Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
(7.3) Chủ đầu tư BV đa khoa quốc tế Chợ Rẫy-Quảng Ngãi phải chi trả hơn 3,7 tỷ đồng: http://baoquangngai.vn/channel/2022/201106/Chu-dau-tu-BV-da-khoa-quoc-te-Cho-Ray-Quang-Ngai-phai-chi-tra-hon-37-ty-dong-2033091/
(7.4) Ngừng triển khai dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy – Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2022/201103/Ngung-trien-khai-du-an-Benh-vien-da-khoa-Quoc-te-Cho-Ray-Quang-Ngai-1985007/
(7.5) Chúng tôi đang tìm kiếm thông tin Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Đông trong suốt một nhiệm kỳ đã làm gì với vai trò là người đại diện của nhân dân tỉnh Bình Thuận, nhưng quá hiếm hoi. Bạn đọc có thông tin, xin cung cấp giúp, cám ơn.
Được biết Nguyễn Văn Đông bao luôn chi phí cho đoàn tỉnh Bình Thuận. Đông ít khi họp Quốc hội, chủ yếu ra Hà Nội thiết lập quan hệ, gặp gỡ cán bộ cấp cao ở Trung ương.