“Đúng quy trình”…

Mạc Văn Trang

15-9-2019

Cách đây một tháng, đến tham dự sự kiện Giới thiệu cuốn sách “Tiểu luận – Jean Piaget” của dịch giả Phạm Anh Tuấn, tôi có gặp GS Hồ Ngọc Đại. Thấy mừng là ông ở tuổi 84 vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ông bảo mình vẫn đi “Ba Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) để theo dõi triển khai sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục. Tôi thực sự vô cùng cảm phục. Ở tuổi này ông còn lặn lội đến những vùng khó khăn nhất về kinh tế, xã hội, giao thông và do đó là những vùng giáo viên và học sinh khốn khổ nhất trong việc kiếm tìm “con chữ”…

Tôi hiểu, cách dạy Tiếng Việt cho những học sinh (HS) vùng khó khăn này, theo phương pháp Hồ Ngọc Đại sẽ rất hiệu quả. Đó là vì để đọc và viết đúng Tiếng Việt, trẻ phải ghi nhớ thật chắc, thao tác trí óc thật rạch ròi, từng Câu, từng Tiếng, từng Chữ, từng Âm… và cơ quan phát âm phải được luyện tập một cách khoa học… Tất cả phải theo một quá trình được phân giải thật tường minh. Hồ Ngọc Đại gọi đó là phương pháp nhà trường, là Công nghệ giáo dục (CNGD), bố mẹ, người lớn không hiểu, dạy bừa là làm hỏng cả…

Nhiều người chế nhạo, thế trước khi có sách CNGD, người ta vẫn dạy trẻ con đọc viết tiếng Việt thành thạo đó thôi; mà có phải đọc với mấy cái ô tròn, ô méo, vung tay, nhành mồm ra đọc đâu? Đúng vậy. Khoa học nó làm khổ con người ta thế đấy. Từ thời ăn lông ở lỗ, người ta vẫn sinh con đẻ cái đàn đàn, lũ lũ có sao đâu. Vậy mà bây giờ chúng bày đặt ra biết bao nhiêu Viện Tình dục học, Viện Sản khoa, rồi các bệnh viện có bao nhiêu là Khoa Sản, Khoa Nhi… Vậy thì tốt nhất, ai tin vào khoa học thì tin, không tin, không thích thì cứ “tự nhiên” cho khoái!

Thực ra phương pháp Hồ Ngọc Đại có cơ sở lý thuyết sâu xa và Tâm lý học thực nghiệm rất công phu, một thành tựu giá trị nhất của nền Tâm lý học Nga –Xô viết. Đó là việc hình thành những tri thức, kỹ năng cho HS một cách chắc chắn, phải bằng việc tổ chức hành động tay chân với vật thật (hay vật thay thế) ở bên ngoài, làm ra sản phẩm vật chất, thì đồng thời trong óc cũng diễn ra một quá trình tương ứng và hình thành nên sản phẩm tương ứng (gọi là sản phẩm kép). Dạy và học như vậy, HS lĩnh hội tri thức bằng cách học phương pháp tự làm ra tri thức đó, nên các em thích thú và tự tin vì nắm đươc cả tri thức lẫn phương pháp làm ra nó. Ai nắm vững phương pháp, người đó sẽ tự tin.

Đối với trẻ em, việc tổ chức hoạt động bên ngoài (Hồ Ngọc Đại gọi là Thầy tổ chức – Trò hoạt động); hoạt động này, như kết quả thực nghiệm tâm lý chỉ ra, là theo logic từ => hoạt động tay chân với vật THẬT => vật THAY THẾ, => với KÝ HIỆU => đọc To => đọc THẦM => nghĩ TRONG ÓC => hiện thực hóa ra BÊN NGÒAI…

Đối với trẻ em lần đầu học tiếng Việt để ĐỌC đúng, NÓI đúng, VIẾT đúng là hoàn toàn mới và khó, vì vậy cần dạy đúng theo phương pháp khoa học, chắc chắn.

Hơn nữa, vấn đề không chỉ là biết đọc, biết viết, mà khi nắm chắc những vốn liếng tiếng Việt theo phương pháp khoa học, HS sẽ tự tin vào bản thân, đọc rõ ràng, viết đúng, hình thành tư duy khoa học … Học như vậy thì HS vui thích, cha mẹ yên lòng phấn khởi, những giáo viên thực sự hiểu nghề, yêu nghề, yêu trẻ, chịu khó thấm nhuần phương pháp này, sẽ thấy hạnh phúc trong nghề nghiệp, vì đem lại cho HS sự phát triển đích thực. Cảm nhận được sự phát triển từng ngày là hạnh phục lớn nhất của HS, và đau khổ nhất với các em là “Ngồi nhầm lớp”, như cách gọi của Bộ giáo dục.

Sau sự kiện Hội đồng Thẩm định Sách giáo khoa (SGK) bỏ phiếu 15/15 “Không đạt” để loại SGK Tiếng Việt CNGD của Hồ Ngọc Đại ra khỏi hệ thống “SGK mới” theo Chương trình 2020 của Bộ GD-ĐT, PV Đài RFA có hỏi, ý kiến tôi thế nào?

Tôi trả lời: Người ta làm theo đúng Quy trình đấy chứ. Các Tiêu chí và Quy trình do người ta đặt ra, đúng “Văn bản pháp quy”, “có con dấu đóng đỏ tươi”, thì sách Hồ Ngọc Đại bị loại là đúng rồi. Cái Hội đồng này ngồi ở Hà Nội, đem quyển sách Tiếng Việt CNGD ra vạch vòi từng câu, từng tiếng, từng chữ… xem có đúng tiêu chí quy định không, chứ họ có đến những nơi “Ba Tây” xem HS học ra sao đâu? Họ đâu có đo xem HS học sách này có khoái không, có đọc đúng, viết đúng tiếng Việt tốt hơn không, tư duy có mạch lạc hơn không?…

Tôi lại nhớ Phạm Toàn trước khi mất, nói: Hồ Ngọc Đại không khéo trắng tay. Cánh Buồm chớ có dây với Bộ Giáo dục.

Hôm qua tôi đến Công ty TNHH nghiên cứu, phát triển giáo dục “Ô Xinh”, nơi áp dụng Sách Cánh Buồm vào giáo dục theo cách “dân gian”, mấy cô giáo ở đây cười, bảo, sách Cánh buồm thì “bị loại ngay từ vòng gửi xe”, đâu vinh dự được đến tay Hội đồng thẩm định!

Phạm Toàn sáng suốt quá! Sách Cánh Buồm không làm cho Bộ Giáo dục “chấm”, mà làm cho trẻ em, cho nhân dân. Sách đưa lên mạng ebook dâng hiến cho xã hội. Còn ở cái Trung tâm Ô Xinh hẻo lánh, lụp xụp, tồi tàn này, thường ngày có nhiều em HS chủ yếu học Tiểu học, được cha mẹ ở đủ các tầng lớp xã hội, đưa con đến đây nhờ các cô giáo dạy kèm thêm, không phải luyện Văn, Toán… mà giúp các em tự hình thành nên “Lòng đồng cảm”, biết “Tưởng tượng”, biết “Liên tưởng”, biết “Bố cục” một bài nghị luận; biết không chỉ đọc, viết tiếng Việt cho đúng, mà còn biết yêu tiếng Việt, dùng tiếng Việt phong phú, sinh động hơn… Cha mẹ HS cứ mách nhau, âm thầm đưa con đến, xem con học mà mình cũng sáng ra nhiều điều… Còn ở nhiều trường, họ dùng sách Cánh Buồm, phương pháp Phạm Toàn mà phải giấu giếm như ăn vụng. Ôi, cái nước mình, thật tội nghiệp!

Lạy chúa! Thật may mắn, sách Cánh buồm của Phạm Toàn lại nằm ngoài cái “Quy trình” của Bộ!

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. Khiếp! Nghe chữ CÔNG NGHỆ mà phát khiếp! Cũng vì mang “bí danh” Công Nghệ nên biểu tượng phải là hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình ô van…nhưng không biết có hình răng cưa cho đúng với hai chữ….công nghệ không?

    Xưa học trò chỉ học 24 chữ cái rồi tập đánh vần, nay với “công nghệ” thì phải học thêm tròn tròn, méo méo, vuông vuông cho thêm phần…..hoành tráng.

    Ngày xưa có Kỹ Nghệ Lấy Tây, ngày nay có Công Nghệ…… Giáo Dục.

    Sợ những nhà “trí thức mang đuôi …..XHCN” quá!

    • Ngôn từ của bầy phò đảng rất kêu, mỹ miều. Không rổn rảng thì chắc không ai biết mình là giáo sư, tiến sĩ, nặng đũng quần với dân với nc

  2. Vừa rồi ghé về thành Hồ. Đi ăn phở đường paster đã mục sở thị hai bố con quê đè nặng cùng ăn phở. Đứa con ăn hết tô phở đòi ba mua cho tô nữa, ông bố không mua, đứa con cầm cả cái tô phở đã hết đập vào đầu bố, may chỉ rách tí trán, máu rướm ra. Thương tình, tôi bảo bác cứ cho e một tô nữa, ông bố bảo nó ăn không biết no đâu. Hỏi ra mới rõ con vào học đại học mở TÔN ĐỨC THẮNG nhưng đc 2 năm thì bị điên. Ông bố phải bỏ quê vàothanhf hồ làm xe grab kiếm tiền nuôi con ăn học. Nay bị điên nhưng vẫn bám trụ, mong có ngày con đc học tiếp.
    Ra Nha trang thì hỡi ôi, khắp nơi toàn bọn Nga bọn Tàu, tiếng Nga, tiếng Tàu , cứ như lạc vào cõi Nga Tàu. BUỒN, TAU BUỒN.

  3. Càng ngày càng lộ bản mặt bọn đục nước béo cò. Bán văn bản, kiến nghị làm mưu sinh.
    Ới rời ơi là rời … rơi rụng cả cjaan tay

  4. “Ghi nhớ thật chắc, thao tác trí óc thật rạch ròi…” CÁC CHÁU KHÔNG ĐIÊN MỚI LẠ BÁC TRANG MỤC Ạ. LÀM THẦY MÀY KHÔNG ĐƯỢC ĐỐ.. HEHE

  5. Nếu “công nghệ giáo dục” của Hồ Ngọc Đại được xem là “khoa học” thì mấy cái meth labs bên này nên được xem là “công nghệ hóa học”.

    Nga Sô-Viết & chủ nghĩa Mác, có vẻ những thứ đó vưỡn còn thiêng ở Việt Nam . Oh, dân ta cứ việc tin lấy tin để loại trí thức vưỡn còn tôn thờ Nga Sô-Viết & chủ nghĩa Mác .

    Seriously, tớ hoan nghênh quyết định bộ giáo dục loại thẳng cẳng sách Hồ Ngọc Đại, và quyết định này cần được thực hành trên cả nước, ngoại trừ những crack-head rural home-schooling monkees thì muốn chọn sách gì thì chọn . Ít ra trong chiện này, bộ giáo dục đã không nể HNĐ là “con rể Lê Duẩn chống Tàu & lắc Trần Quốc Thảo”, không nể giải Phan Chu Trinh về giáo dục . Phần khách quan coi như được . Bảo đảm được khách quan có nghĩa 65% khoa học rùi .

  6. Nếu hiểu cách phát âm, cách đánh vần chữ la tinh thì người ta rất dễ dàng nhận thấy những cái vô lý trong sách công nghệ giáo dục. Nếu hiểu cách mà người Tây dạy kiến thức,nhất là những môn tự nhiên, thì sẽ thấy ngay cái nông cạn về kiến thức của người Việt. Từ đó sẽ biết tại sao người ta phát triển,cái gì người ta cũng làm được, cũng giải thích được, còn Vn không làm được gì và cũng không giải thích được gì dù là những thứ đơn giản nhất

  7. Mèo khen mèo dài đuôi thôi! Chứ cái ông gọi là thành tựu giá trị nhất của tâm lý Nga- Xô Viết đã sụp đô theo cái Xô Viết của nó rồi! Tôi đã dạy chương trình gọi là CNGD này rồi!

Comments are closed.