Bình Thuận Minh Bạch
14-9-2019
Tiếp theo bài 1: Từ truyền thông lề phải; bài 2. Đến sự thật của lịch sử; bài 3: Trả lời bài 1 và bài 2; bài 4: Truyền thống gia đình: Cha, Mẹ và bài 5: “Khí chất của người Anh Hùng …”
Bài 6. Nghĩa tình quê hương
Theo dòng sự kiện, lẽ ra viết về quá trình khởi nghiệp đến các dự án lớn của Tập đoàn Rạng Đông trước, nhưng một số người gởi email, tin nhắn đề nghị nên viết về những đóng góp của Nguyễn Văn Đông với quê hương, so với những người khác đã làm được gì? Vì vậy mà chúng tôi xin đăng bài này trước. Qua bài này các bạn thấy rõ hơn “khí chất của một anh hùng”.
Phải nói Đông là người sống có nghĩa, có tình. Với những người làm việc cho Đông từ thuở cơ hàn chăm chỉ, trung thành đều được Đông giúp đỡ có cuộc sống khá. Bà con rủi ro có chết thì Đông lo mai táng chu đáo, tạo điều kiện cho vợ con có nhà cửa, công việc ổn định. Hàng năm vào dịp hè, bà con ở quê Mộ Đức vào tham quan, được Tập đoàn Rạng Đông đón tiếp trọng thị, miễn phí.
Còn đối với quan chức, cán bộ nhà nước (nhất là tỉnh Bình Thuận): Ai giúp cho Đông tận tình, thì Đông cũng có trách nhiệm lo lắng chu đáo; từ chuyện học hành, đi nước ngoài, đến ổn định cuộc sống cho con cháu nhiều đời sau. Rõ ràng nhất là vị bí thư nâng Đông lên, để trở thành Anh hùng và tiếp đến người kế nhiệm tạo điều kiện cho Đông thành đại biểu Quốc hội.
Còn những người ra mặt chống lại Tập đoàn Rạng Đông thì Đông cũng tìm cách giúp đỡ, mua chuộc không được thì sử dụng các chiêu trò bẩn của thể chế.
Tuy nhiên, những quan chức chỉ biết lợi dụng thì Đông chỉ giúp tối đa một lần; có quan chức đến Văn phòng Rạng Đông xin gặp Đông cho suất đi nước ngoài, đã bị Đông cho thư ký ra từ chối khéo. … Âu cũng là quy luật kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thôi.
Đông và mẹ (bà Cầu) thỉnh thoảng về quê cho tiền người này, người kia; ví dụ Đông tặng thầy giáo cũ 37 bộ máy tính, thầy tặng lại cho Trường PTTH số 2 Mộ Đức, … là những chuyện được nhiều người biết.
Về món nợ của ông Nguyễn Trung (cha Đông) để lại (Bài 4), Đông đã thông báo tập trung về UBND xã để trả, có người trả cả tiền lãi, xem như đã trả hết. Nhưng nợ đời thì chưa vì ông Nguyễn Trung lừa đảo từ năm 1960 đến 2010, có người đã chết, có người không có chứng từ nhận nợ, thậm chí những món nợ nhỏ như của bà lái đò nghèo ai mà đòi.
Với quê hương thì Đông cũng có giúp xây dựng được Trường Mẫu giáo như đã nói trong Bài 5, nghe đâu lập quỹ Khuyến học ở xã Đức Phú (?). Nếu so sánh với những người cùng thế hệ với Đông rời quê hương Đức Phú, phải nói Đông là người đóng góp cho quê hương nhiều nhất.
Với quan điểm giúp cần câu chứ không cho con cá, chúng tôi phân tích dự án của Rạng Đông tại Quảng Ngãi.
I. Đầu tư giảm thiểu rủi ro
Trong thuật ngữ đầu tư có nhiều loại hình đầu tư rất đặc biệt, như: đầu tư mạo hiểm, đầu tư đòn bẩy, đầu tư giảm thiểu rủi ro, …
Đầu tư giảm thiểu rủi ro không tạo ra giá trị gia tăng cho dự án, nhưng nó có tác dụng phòng ngừa, nếu có rủi ro xảy ra thì hạng mục đầu tư này có tác dụng hạn chế thiệt hại xảy ra cho dự án.
Ví dụ trong kỹ thuật cho dễ hiểu:
– Một công trình hàng trăm tỷ, đầu tư thêm hệ thống chống sét đánh thẳng, chống sét lan truyền vài trăm triệu để đề phòng thiên lôi. Có chủ dự án thấy không cần thiết, giảm hoặc cắt bỏ hẳn cũng chẳng sao.
– Hoặc có dự án trọng điểm phải thiết kế chống động đất đến 5 độ richter, ở vùng mà người dân ở đó không biết động đất là gì. Tuy nhiên, tiền nhà nước nên phải làm để đề phòng thổ địa nổi giận rùng mình thì nguy hiểm, còn chuyện làm thật hay không thì tính sau.
Nói nôm na, đầu tư rủi ro là dự phòng có chuyện gì xấu nhất xảy là thì bị thiệt hại ít chứ không mất hết. Với các đại gia đi lên từ “đất” cũng lo sợ đến ngày bị “đai” (đất đai mà), nên đầu tư để trở thành Anh hùng cũng là đầu tư giảm thiểu rủi ro. Dù cho có tội ác như thế nào thì cũng không đến mức nhận án tử hình.
Năm 2015, Nguyễn Văn Đông được phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Báo Đảng ca ngợi công đức tương lai của anh. Phần trong {} là trích nguyên văn báo chí của Đảng viết: {Anh thổ lộ ước vọng thầm kín của mình từ ngày đói rét chứng kiến những cái chết thương tâm vì nghèo khó: “Trước sáu mươi tuổi tôi sẽ xây dựng một bệnh viện hiện đại, trang bị thiết bị y tế tối tân có nối mạng với các bệnh viện lớn ở TPHCM, Hà Nội để chẩn đoán, chữa bệnh từ xa. Bệnh viện sẽ có hai khu điều trị, một cho người khá giả và một cho người nghèo. Khu dành riêng cho người khá giả sẽ thu tiền, số tiền này sẽ dùng trang trải cho khu người nghèo”} (6.1).
Hình 6.1. Ước vọng thầm kín xây dựng bệnh viện theo tiêu chuẩn châu Âu và phục vụ cho người nghèo của AHLĐ Nguyễn Văn Đông
Ước vọng thầm kín xây dựng bệnh viện theo tiêu chuẩn châu Âu và phục vụ cho người nghèo của AHLĐ Nguyễn Văn Đông bao nhiêu năm ấp ủ, thai nghén; cuối cùng cũng được của Nguyễn Văn Đông biến thành sự thật trên chính quê hương của mình.
Đó là lời nói thật từ “đáy lòng” của Đông.
II. Thực hiện đầu tư
Khi Rạng Đông nổi lên thành doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Bình Thuận, đại gia Nguyễn Văn Đông trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thì tên Đông cũng trong tầm ngắm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để mời gọi đầu tư cho quê hương.
Một người đồng hương Mộ Đức với Đông là Trần Lê Trung quê ở xã Đức Phong từ làm Chủ tịch, Bí thư huyện sau này làm Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, rồi Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cũng đã nhiều lần gặp Đông để mời gọi đầu tư.
Kể ra thì Quảng Ngãi cũng có tạo cơ hội cho Rạng Đông đầu tư, tuy nhiên, đầu tư ở Quảng Ngãi không hiệu quả bằng ở Bình Thuận. Mà ở Quảng Ngãi thì lúc đó các phe phái đánh nhau dữ dội. Từ chuyên viên tới lãnh đạo, ông nào cũng muốn “tiền tươi thóc thật” nhanh gọn, chứ không muốn dính dây dưa theo thời gian thu hồi vốn của các dự án, nên Nguyễn Văn Đông không mặn gì với quê hương. Không riêng gì Rạng Đông mà nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đến rồi đi; cái “tật” đó của Quảng Ngãi vẫn không giảm, nên đến nay chỉ số năng lực cạnh tranh vẫn luôn nằm nhóm dưới (6.2).
Đến khi thẩm tra lý lịch để phong Anh hùng lao động thì Nguyễn Văn Đông và người của Rạng Đông hay về Quảng Ngãi. Một phần để phục vụ các đoàn thẩm tra, một phần quà cáp cho những người xác nhận lý lịch; nhưng bề nổi là đánh tiếng về đầu tư ở Quảng Ngãi. Người Quảng Ngãi làm cho Rạng Đông về quê tung tin trong dư luận là tài sản của Nguyễn Văn Đông hơn 300 triệu đô la, đang tìm cơ hội đầu tư về cho quê hương Quảng Ngãi.
Nếu đầu tư các dự án siêu lợi nhuận thì còn gì là “vì quê hương” nữa, vì vậy mà Rạng Đông chọn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, y tế; lúc đó kêu gọi xã hội hóa còn khó khăn, không hấp dẫn các nhà đầu tư như sau này.
Quan chức cũng nghĩ rằng Rạng Đông có năng lực thực sự, mong muốn đầu tư cho Quảng Ngãi và tạo điều kiện tối đa để Rạng Đông đầu tư. Giai đoạn này ông Hồ Nghĩa Dũng (6.3) là Bí thư tỉnh ủy, vốn trước đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam làm ăn bết bát. Cũng từ doanh nghiệp ra, ông Hồ Nghĩa Dũng không muốn ở Quảng Ngãi đến khi nghỉ hưu; cần phải chuẩn bị nguồn lực và tích cực vận động quan hệ để ra lại Trung ương (sau này ông Hồ Nghĩa Dũng có một ghế ngon lành trong Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với vai trò Bộ trưởng Giao thông vận tải trước thời Đinh La Thăng).
Những chiến sĩ du kích của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ còn sót lại đến nay cũng đã lên Cụ, lúc này là những vị cách mạng lão thành đầy quyền lực của Tỉnh. Các Cụ vẫn còn nhớ mối thù của đạo Cao Đài thân Nhật từ thời Việt Minh (xem Bài 3), để từ đó dẫn đến thảm sát đạo Cao Đài năm 1945. Các cụ du kích Ba Tơ mà quậy thì không những cán bộ ở Tỉnh mà cả Trung ương cỡ như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (giai đoạn 2001-2010) vốn xuất thân từ anh học trò nghèo đốn củi (6.4) cũng phải ngán; mà TBT Nông Đức Mạnh cũng nghĩ đến lúc “vui thú điền viên bạn cuối đời” trong ngôi nhà yên tĩnh ở thủ đô cho xứng tầm thái thượng hoàng (6.5).
Các “cụ du kích Ba Tơ” được Tỉnh ủy thông báo Nguyễn Văn Đông sẽ đầu tư trường học, bệnh viện cho Tỉnh nên mong các cụ bỏ qua chuyện lý lịch cũ; tạo điều kiện cho Đông được phong Anh hùng, có cơ hội đóng góp xây dựng quê hương Quảng Ngãi vốn giàu truyền thống cách mạng. “Đảng ta” vốn khoan hồng độ lượng, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại; vậy là chuyện lý lịch ông nội “có nợ máu với cách mạng” không xem xét đến.
Kết quả: Quá trình xác minh, thẩm tra lý lịch Nguyễn Văn Đông có được bộ hồ sơ đỏ, đẹp, tài năng nên xứng đáng được phong Anh hùng lao động.
Về phía Tập đoàn Rạng Đông xúc tiến thủ tục xây dựng trường học (Bài 5.V) và thủ tục đầu tư Bệnh viện Quốc tế Chợ Rẫy Quảng Ngãi với quy mô 500 giường, 880 tỷ đồng theo “ước vọng thầm kín” của vị Anh hùng.
III. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy Quảng Ngãi
Tỉnh Quảng Ngãi từ khi hình thành có hai trục đường chính hướng nam bắc: đường Quang Trung, hướng đông tây: đường Hùng Vương qua ngã tư chính thành đường Lê Trung Đình; hai trục đường này có giá đất cao nhất tỉnh.
Bệnh viện Quảng Ngãi có từ thời Pháp thuộc nằm trên trục đường chính đông tây là Hùng Vương. Trên trục đường này có các cơ quan đầu não của tỉnh: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND thành phố, UBND phường Trần Phú, Công an tỉnh, Kho bạc tỉnh, Ngân hàng nhà nước (đường nối dài), Trụ sở Nhà máy lọc dầu Dung Quất, … điều đó cho thấy vị trí Bệnh viện Quảng Ngãi (6.6) tốt cỡ nào.
Trong quá trình chuẩn bị thành Anh hùng lao động và Đại biểu quốc hội, Nguyễn Văn Đông thường về Quảng Ngãi với tư nhà đầu tư gặp các lãnh đạo cấp cao của tỉnh, mời lãnh đạo Bộ Y tế, các nhà khoa học y khoa hàng đầu Việt Nam đến Quảng Ngãi xúc tiến lập thủ tục đầu tư. Tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho Công ty Cổ phần bệnh viện Quốc tế Quảng Ngãi làm chủ đầu tư Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy – Quảng Ngãi. Công ty này được hình thành trên cơ sở góp vốn của Công ty cổ phần Rạng Đông, Công ty TNHH Phú Thọ, Công ty TNHH Mắt Thái Thành Nam cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời giao gần 5 ha của Bệnh viện Quảng Ngãi cũ để thực hiện dự án. Trong khi theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9212:2012 (6.7) Bệnh viện đa khoa quy mô lớn từ 350-500 giường diện tích đất là 3,6 ha.
Về phía Chủ dự án cũng nâng giá trị đầu tư lên để xứng tầm Bệnh viện “quốc tế”.
Theo suất đầu tư năm 2011 (6.8), đầu tư Bệnh viện đa khoa qui mô từ 400 đến 500 giường bệnh 1.331.690.000 đồng/giường. Với Bệnh viện 500 giường, đầu tư dưới 670 tỷ đồng dành cho dự án đầu tư nhà nước, còn tư nhân đầu tư sẽ thấp hơn. Chủ dự án nâng mức đầu tư lên đến 880 tỷ hơn cả Bệnh viện hạng I.
Cha mẹ nào lại không tự hào về con cái thành đạt.
Người con của quê hương Núi Ấn – Sông Trà sau một hành trình dài tìm đường khởi nghiệp gian nan vất vả, đến khi thành công quay về đầu tư giúp đỡ cho quê hương.
Vậy là cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi vào cuộc, buộc 8 đơn vị y tế phải di dời nhường mặt bằng cho dự án. Tỉnh mở chiến dịch tuyên truyền cho dự án: Nào là công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (2010); Nào là chính sách thu hút nhân tài y tế phục vụ Khu kinh tế Dung Quất. Nào là Bệnh viện trang bị phương tiện kỹ thuật và vận hành theo tiêu chuẩn châu Âu, đứng đầu khu vực. …
Cái hài hước là gắn sự kiện Đặng Thùy Trâm; đổi tên Bệnh viện Đức Phổ thành Bệnh viện Đặng Thùy Trâm, nâng trường Trung cấp Y Quảng Ngãi thành Trường Cao đảng Y Đặng Thùy Trâm; có người còn nổ sẽ nâng thành Đại học Y dược, gắn với Bệnh viện tầm cở Quốc tế thành trung tâm Y khoa của khu vực (bla bla) ….
Tên của hai vị anh hùng sẽ đưa lĩnh vực y tế Quảng Ngãi thêm mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh, là: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Văn Đông 2005 và Liệt sỹ, Bác sỹ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm năm 2006 (6.9). (Bà con kính nể cho Quảng Ngãi chưa!).
Sau một thời gian khảo sát, tính toán, chuẩn bị đầu tư của các Chuyên gia cấp cao Tập đoàn kinh tế lớn hơn 3000 người của Rạng Đông; Vậy là Lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy Quảng Ngãi được tổ chức quy mô, hoành tráng ngày 26/6/2010, nhiều quan chức Trung ương về dự. Có Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu (6.10) – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cắt băng khánh thành (6.11).
Ngày 26/6/2010, Lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy Quảng Ngãi là một sự kiện truyền thông lớn của Tỉnh, hàng loạt báo đài từ địa phương đến trung ương đưa tin rầm rộ. Nào là bệnh viện Quốc tế đầu tiên ở miền Trung; nào là bệnh viện theo tiêu chuẩn Châu Âu; nào là mô hình bệnh viện chất lượng cao kết hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế v.v…
Người dân Quảng Ngãi vui mừng, hy vọng hai năm sau sẽ không còn cảnh từ nửa đêm đón xe dịch vụ đi Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn để khám chữa bệnh trong ngày.
Nhu cầu nguồn lao động có chuyên môn cao cung cấp cho Bệnh viện Quốc tế với hơn 700 người, hình thành nên “thị trường môi giới lao động” để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho Bệnh viện Quốc tế quy mô 500 giường kế hoạch. Vậy là, từ các bác sĩ, điều dưỡng các Bệnh viện tuyến huyện, xã; đến gia đình có con em đang học ngành y, dược; cố gắng “chạy” để kiếm được một việc làm ở Bệnh viện Quốc tế danh giá tại Trung tâm thành phố Quảng Ngãi.
Người Quảng Ngãi làm cho Rạng Đông tự hào, có cơ hội là khoe Bệnh viện Quốc tế do Rạng Đông đầu tư.
Nhưng Anh hùng lao đông Nguyễn Văn Đông vẫn “khiêm tốn, kín tiếng, ….”
Ghi chú
(6.1) Ông chủ doanh nghiệp tư nhân trở thành Anh hùng: https://www.tienphong.vn/kinh-te/ong-chu-doanh-nghiep-tu-nhan-tro-thanh-anh-hung-23785.tpo
(6.2) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018: Quảng Ngãi lại tụt dốc: http://baoquangngai.vn/channel/2022/201903/chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-2018-quang-ngai-lai-tut-doc-2939480/
(6.3) Tra Google Hồ Nghĩa Dũng.
(6.4) Từ người gánh củi trở thành Tổng Bí thư: https://vnexpress.net/thoi-su/tu-nguoi-ganh-cui-tro-thanh-tong-bi-thu-1959643.html
(6.5) “phòng khánh tiết” nguyên TBT Nông Đức Mạnh: https://nhatbaovanhoa.com/a2153/bach-cung-thua-xa-phong-khanh-tiet-phu-nong-nong-duc-manh
(6.6) vị trí Bệnh viện Quảng Ngãi (hiện nay là Bệnh viện sản nhi)
Tra Google map “Bệnh Viện Sản Nhi Quảng Ngãi”
(6.7) Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9212:2012: https://vanbanphapluat.co/tcvn-9212-2012-benh-vien-da-khoa-khu-vuc-tieu-chuan-thiet-ke
(6.8) Suất đầu tư năm 2011 (công bố theo Quyết định số 725/QĐ-BXD, ngày 09/08/2012): https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Quyet-dinh-725-QD-BXD-nam-2012-cong-bo-Tap-Suat-von-dau-tu-xay-dung-cong-trinh-146018.aspx
(6.9) Tra Google Đặng Thùy Trâm
(6.10) Tra Google Nguyễn Quốc Triệu
(6.11) Khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy – Quảng Ngãi: http://www.quangngai.gov.vn/pages/details.aspx?s=newsdetailsarchive&ID=8226
(Còn tiếp)