Vụ AVG: Không làm rõ trách nhiệm của Tô Lâm thì tất cả mới chỉ là một nửa sự thật

Thuỳ Dương

13-9-2019

Bộ trưởng Công an Tô Lâm (trái) và cựu Bộ trưởng Bộ Truyền thông – Thông tin Trương Minh Tuấn. Ảnh trên mạng

Kết luận điều tra vụ Mobifone mua AVG vừa mới công bố, cho ta cái nhìn toàn diện về tệ nạn tham nhũng đang hoành hoành trên đất nước Việt Nam. Rồi đây, khi thời gian lùi xa, AVG vẫn sẽ là vụ án lịch sử. Không chỉ ở quy mô, tầm vóc của tham nhũng, đưa và nhận hối lộ; không chỉ ở hậu quả khủng khiếp về kinh tế, chính trị, xã hội mà nó gây ra, AVG còn là vụ án được bày đặt công phu, có phân vai, có lớp lang rõ ràng. Có người tung, kẻ hứng nhịp nhàng, khẩn trương và đồng bộ.

Những kẻ phạm tội hầu hết đều là những vị tai to, mặt lớn, giữ trọng trách trong guồng máy quản lý cao cấp. Hơn thế, biết là béo bở, biết là coi thường luật pháp nên mỗi bước đi đều được Son, Tuấn và đồng bọn tính toán kỹ lưỡng, xóa sạch dấu vết. Thậm chí khi có bảo bối công văn 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015 do Tô Lâm, Thứ trưởng, nay là Bộ trưởng Công an ký, thì tất cả chúng nó tưởng rằng xác chết AVG đã được đóng quan tài và đào sâu chôn chặt không ai có thể mò ra.

Nhưng Nhân tính không bằng Trời tính. Ông Nguyễn Văn Tung (Có thể tên thật, có thể bí danh; có thể 1 người cũng có thể là nhóm người…) đã miệt mài, chịu khó thu nhập chứng cứ, tung lên mạng xã hội và gửi tới những người có trách nhiệm. Nhờ đó, Đảng, Nhà nước đã vạch trần bộ mặt thật lũ quan tham và lấy lại cho Nhân dân hàng chục ngàn tỷ trong túi bọn cướp ngày này. Công lao lớn nhất, phát hiện ra đại án AVG khó có thể nói ai khác ngoài ông Nguyễn Văn Tung. Giá mà có cơ chế nào đó để trích thưởng vài trăm tỷ, kể cả nghìn tỷ cho ông Tung cũng rất nên làm. Vì thông qua việc khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho ông Tung, tự nó sẽ nhen lên ngọn lửa tố giác tội phạm tham nhũng gộc trên phạm vi quốc gia.

Những kẻ quyền lực vô song, bất chấp luật pháp, cướp ngày của Nhân dân đã không thể ngờ rằng dù cơ chế còn lỏng lẻo, pháp luật còn nhiều sơ hở, bấp bênh, công lý thì gầy còm nhưng vẫn còn đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kiên định và mưu lược, quyết tâm lôi ra ánh sáng vụ AVG. Không mưu lược sao có thể bóc dỡ từng lớp, từng lớp sai phạm đã được che chắn tinh vi của cả ê kíp được đào tạo bài bản để xóa dấu vết như thế. Không mưu lược, chắc chắn lạc đường vì toàn bộ vụ án đã mờ đặc sương khói và rất nhiều bẫy được chúng nó giăng ra. Sự nghiêm túc, kiên định của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng đã bẻ gãy ý chí, đã đập tan ý đồ cứu bồ (để cứu mình) của một bộ phận không nhỏ cán bộ cao cấp (Kể cả những người trong Bộ Chính trị, và UBKTTW). Từ đó vụ án mới được phanh phui.

Giờ đây, theo kết luận điều tra vừa được công bố, một số đối tượng đã vào vòng tố tụng. Tài sản đã được thu hồi. Nhưng nếu chỉ có vậy thì vụ án xem chừng vẫn bỏ lọt tội phạm và bản án nếu có tuyên thì vẫn chỉ là một nửa sự thật. Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là vai trò hết sức quan trọng của Tô Lâm và Bộ Công an trong vụ án này.

Sự thật, nếu không có Tô Lâm và mấy văn bản được nhóm tội phạm dùng như bảo bối thì vụ án không chắc đã xẩy ra. Thậm chí có thể nói không thể xẩy ra. Nếu có xẩy ra thì cũng không vất vả gian nan trong điều tra xét xử thế này. Tô Lâm và Bộ Công an đã làm gì? Xin thưa, đã làm sai chức năng nhiệm vụ, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Mọi việc bắt đầu từ công văn 517 ngày 5/10/2014 của AVG gửi Bộ TTTT giả vờ đánh tiếng có đối tác nước ngoài (Cty 8206) Hong Kong chào giá AVG 700 Triệu USD, đặt cọc 10 triệu USD. Tiếp đó, Bộ TTTT gửi CV số 200, ngày 26/11/2014 cho Bộ Công an và Bộ Công an trả lời ngày 8/12/2014. Điểm đáng nói là Bộ Công an tuyệt nhiên không đã động gì về việc thực hư công ty 8206 Hong Kong cũng như giá cả và việc đã đặt cọc. Mà chỉ nói Bộ TTTT nên bán cho DNNN. Có vẻ như Bộ TTTT và Bộ CA đã được phím rằng Cty 8206 có liên quan tình báo Hoa nam… chẳng qua chỉ là câu chuyện làm quà mà thôi. Nếu phán đoán này là đúng thì Bộ CA và Bộ TTTT đã làm một việc vô cùng nguy hiểm, lừa đối Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Làm cho Giặc giả, tưởng là Giặc thật, Mai này giặc thật lại tưởng là giặc giả thì làm thế nào.

Chưa hết, màn kịch đến hồi tung hứng hỏi giá giữa Bộ Công an và Bộ TTTT. Ở bước trước, Bộ Công an nói AVG muốn bán cổ phần thì phải bán cho DNNN. Thì lần này Bộ CA, dù biết AVG sẽ được đạo diễn để bán cho Mobifone và Bộ CA cũng biết rõ Mobifone sẽ được cổ phần hóa sớm. Nhưng Bộ Công an đáng lẽ phải làm đúng chức năng là ngăn chặn Bộ TTTT vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì lại đi làm việc không đúng chức năng là thẩm định giá. Theo đó Bộ Công an cho rằng giá mua đã thấp hơn giá định của các tổ chức định giá. (AVG năm 2015 chỉ là xác chết, thua lỗ, nợ nần cực lớn. Cho chưa chắc ai giám nhận. Nhưng qua bàn tay phù phép của chúng đã trở thành DN có giá trị tới 33.000 tỷ đồng (theo VCBS) hoặc 16.000 tỷ đồng (theo AMAX). Việc bộ TTTT cắc cớ hỏi giá Bộ Công an mà không hỏi bộ kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính dẫn chúng ta đến suy luận dường như, trong phi vụ này, Bộ TTTT cánh hẩu với Bộ Công an hơn các Bộ ngành còn lại.

Còn nữa, công văn số 418/BCA-TCAN. Đây là đỉnh cao của sự vô pháp. Hợp đồng mua bán và các tài liệu liên quan giữa AVG và Mobifone tuyệt đối không thể được xếp vào dánh mục tài liệu mật. Đây là Quy định của Bộ Công an. Vậy nhưng Thượng tướng, nay là Đại tướng Tô Lâm vẫn ký. Và chỉ chờ có vậy, ngày 21/12/2015, Trương Minh Tuấn phát hành quyết định 236 Phê duyệt dự án đầu tư, theo đó cho cho phép Mobifone mua 95 % cổ phần AVG với giá 8.900 tỷ đồng.

Xin hỏi ông Tô Lâm, Ông là Giáo sư, tiến sỹ an ninh, nếu những hành vi nói trên chưa đủ cấu thành tội phạm thì từ trước đến nay và từ nay về sau ngành Công an và cá nhân ông cư xử thế nào với các hành vi tương tự? Ông đã từng và sẽ bỏ qua cho những ai vi phạm giống thế này không? Nếu kết thúc vụ này, ông vẫn vô can, Ông sẽ ăn nói với cán bộ chiến sỹ của mình như thế nào, bào chữa với Nhân dân thế nào?

Một điểm mờ nữa cần lôi ra ánh sáng đó là số tiền đưa và nhận hối lộ. Vu án thất thoát hơn 7.000 tỷ mà hối lộ chỉ 3 – 4 triệu đô và tập trung vào mấy người đã bị bắt thì ba xạo quá. Không thể tin được. Xưa nay luật bất thành văn là 10%, 15%, 30%…; của đồng chia ba, của nhà chia đôi…Cơ quan điều tra cần phải cố gắng và công minh hơn nữa. Tập trung điều tra tiếp tội danh đưa và nhận hối lộ. Đừng vội bàn về chính sách hình sự đặc biệt nầy nọ. Và nếu Bộ Công an không điều tra được thì phải thay đổi cơ quan điều tra. Nên nhớ, mới đây Tướng Phạm Quý Ngọ, uy danh lẫy lừng là vậy nhưng mặt nạ cũng đã bị lật ngay tại phiên tòa xét xử Phạm Chí Dũng đó thôi.

Khui ra vụ AVG, lấy lại tài sản cho Nhà nước và Nhân dân là thành công bước đầu. Tuy vậy, điều tra, truy tố, xét xử đúng người đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm trong vụ án này còn là đòi hỏi bức thiết hơn. Chỉ có như vậy, sự thật vụ án mới được phơi bày. Niềm tin của nhân dân đối với TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng mới vững bền, trọn vẹn, thành quả công cuộc đốt lò mấy năm qua mới đi vào thực chất và mới chứng tỏ được rằng chống tham nhũng là không có vùng cấm.

Cuối cùng là bài học rút ra. Giờ mà chong đèn rồi nghĩ lại, rồi tổng kết bài học thì có khi viết được cuốn sách dày cộp. Nhưng để làm gì, người viết thấy không cần thiết. Cái đọng lại nhất, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thuộc chính là vai trò của Nhân dân. Không có Nhân dân, xin thưa TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng không thể phanh phui vụ án này. Hãy nhìn sự lúng túng, bế tắc; sự chậm trễ, chồng chéo của Thanh tra chính phủ, của cơ quan điều tra trước khi có chỉ đạo của UBKTTW thì rõ.

Và vì thế, thay vì cứ ngồi nghe báo cáo về chống tự diễn biến, tự chuyển hóa hoặc lên mặt rao giảng đạo đức của một bộ phận cán bộ cao cấp thoái hóa biến chất thì xin hãy mở đường cho Nhân dân, động viên, trao cơ hội cho Nhân dân, lắng nghe và bảo bệ Nhân dân. Thúc đẩy dân chủ, công khai, minh bạch… Đó mới là then chốt của then chốt trong phòng chống tham nhũng.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “thì tất cả mới chỉ là một nửa sự thật”

    Ở Việt Nam, được một nửa sự thật đã là tốt lắm rồi, không nên đòi hỏi quá đáng . (rất) nhiều chuyện ở Việt Nam chỉ mong được 1/4 sự thật còn chưa được nữa, chiện này được nửa sự thật là cả 1 thành tích hiếm có, đáng trân trọng . Ngay cả “giải phóng miền Nam” với công lao của ông bà Thùy Dương & những đội quân khăn rằn … có được 1 chút gì gọi là sự thật đâu ?

    Giới phản biện ôn hòa & có học đề xuất Đảng làm gì tốt thì cũng nên nhắc tới

    Hội đồng thẩm định giải thích về việc ‘loại’ sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại (TN 12-9-19)

    Yessir, Gs Hồ Ngọc Đại chịu ảnh hưởng về triết lý giáo dục của Marx nên mới lập ra “công nghệ giáo dục”, được giải Phan Chu Trinh về giáo dục, sách vở do nhà giáo nhân dân Phạm Toàn, 1 trí thức lớn, thần tượng của Phạm Đoan Trang, soạn ra . Hội đồng thẩm định finally làm 1 điều tốt, là loại thẳng cẳng sách vở của “công nghệ giáo dục”.

    Thui thì trí thức nhà mềnh đừng bênh vực “công nghệ giáo dục” nữa . Trí thức nhà mềnh yêu Đảng phải biết tâm lý dân chúng bây giờ tương đối volatile đ/v Đảng . Bất cứ cái gì cũng có thể trở thành “cách mạng” được . Cách mạng tiền lẻ, cách mạng cây xanh, cách mạng bình nhang … Cứ bênh vực “công nghệ giáo dục”, thuyết phục để “công nghệ giáo dục” được áp dụng, dân nổi đóa làm thêm 1 cuộc cách mạng nữa thì … phiền Đảng của các trí thức nhà mềnh .

  2. Nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí ngài hào kiệt tổng bí tịt Nguyễn Phú Trọng Lú thế thiên hành đạo!

Comments are closed.