Bàn về sách “Sửa đổi lối làm việc”

Nguyễn Đình Cống

12-9-2019

Quyển sách “Sửa đổi lối làm việc” (SĐLLV) được Hồ Chí Minh viết năm 1947, lấy bút danh XYZ. Nó được các cơ quan tuyên truyền của Đảng đánh giá là “cuốn sách giáo khoa có nội dung sâu sắc, toàn diện về giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng”. Gần đây do đạo đức của đảng viên thoái hóa quá mức, nhiều người đề nghị đem nó ra dùng như một phương thuốc thần kỳ. Họ hô hào hãy quay lại với Bác Hồ và SĐLLV (*).

Trước đây tôi đã vài lần tìm hiểu, nghiên cứu SĐLLV, cũng rút ra được vài bài học bổ ích. Nay xem lại thì cảm nhận được những điều khác lạ. Khi xem sự thoái hóa đạo dức (không những của nhiều cán bộ mà của phần đông xã hội) là một bệnh nặng thì SĐLLV chẳng phải là thuốc thích hợp, càng không phải là thuốc thần kỳ mà chỉ là một loại thuốc ít tác dụng. Tại sao lại như vậy?

Trước hết phân tích sự ra đời của sách.

Trong bài thơ “Theo chân Bác” Tố Hữu mô tả việc tìm đường cứu nước của Bác như sau:

Ở trong nước: “Đã tắt lâu rồi lửa nghĩa quân. Phan Đình Phùng đó, Tống Duy Tân. Nguyễn Trung Trực lại Hòang Hoa Thám. Đầu dám thay đầu, chân nối chân… Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu. Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng. Bạn cùng ai nương bóng ngoại hầu”.

Trên thế giới: “Năm Châu thăm thẳm trời im tiếng. Sách thánh hiền xưa đã Bạc màu. Găng Đi quay lại chiếc xa xưa. Dệt tầm lòng nhân đựng gió mưa. Nghiệp lớn Tôn Văn vừa dựng đó. Trăm năm tay lái vững vàng chưa”.

Thế rồi Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương của Lê Nin, trong đó có vài câu nói đến việc giải phóng các dân tộc thuộc địa. Như người bị đuối nước vớ được cọc, chưa biết độ vững chắc của nó nhưng cứ ôm chặt cái đã. Như người khát đã lâu, tìm được nguồn nước, chưa biết nó có chứa chất độc hay không, cứ uống cái đã. Rồi dần dần nhân ra, cọc chẳng chắc chắn gì, trong nước có độc hại… Nhưng đã lỡ ôm nó, uống nó, đành “đâm lao phải theo lao”. Hiểu được thế, nhưng giấu kín trong lòng, không nói ra cho mọi người biết. Hồ Chí Minh âm thầm tìm cách khắc phục tai họa tất yếu sẽ xẩy ra…

Biện pháp đầu tiên được nghĩ tới là “đu giây” giữa Đệ Tam Quốc tế và Mỹ vào thời kỳ 1941 đến 1946. Nhưng rồi do éo le của lịch sử và không thuyết phục được lực lượng cộng sản trong nước (Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Hoan …) nên đành phải chọn “nhất biên đảo”, xem Mỹ là tên đế quốc đầu sỏ, là kẻ thù số một của nhân loại.

Buộc phải theo Đệ Tam QT (mặc dầu nó đã bị Stalin giải tán do sức ép của Mỹ và Anh), Hồ Chí Minh thấy được một số tác hại của chủ nghĩa duy vật, của đấu tranh giai cấp và Vô sản chuyên chính với cán bộ xuất thân công nông. Vô sản chuyên chính tất yếu sẽ sinh ra những thói chuyên quyền, kiêu ngạo, tham nhũng. Độc hại của Vô sản chuyên chính, của đấu tranh giai cấp sẽ được kết hợp với những yếu kém của CB công nông tạo thành những tai họa lây lan, Làm sao ngăn ngừa, dập tắt các tai họa này, Hồ Chí Minh nghĩ ra viết sách SĐLLV. Nhưng rồi những tai họa không bị dẹp mà ngày càng phát triển, hủy hoại nền tảng văn hóa và đạo đức của dân tộc.

Tiếp đến bàn về nội dung. Sách SĐLLV gồm 6 chương: 1- Phê bình và sửa chữa. 2-Mấy điều kinh nghiệm. 3-Tư cách và đạo đức cách mạng. 4-Vấn đề cán bộ. 5-Cách lãnh đạo. 6- Chống thói ba hoa.

Từng câu, từng điều trong toàn bộ nội dung đều đúng, phần nhiều đã được đề cập đến từ xưa và được rút ra từ thực tế. Nhưng cho rằng sách SĐLLV là “cuốn sách giáo khoa có nội dung sâu sắc, toàn diện về giáo dục…”  thì hơi quá. Chỉ với 6 chương nó đã bỏ qua một số vấn đề khá quan trọng, ví như sự tuyên truyền dối trá, sự tham nhũng quyền lực, sự kiêu ngạo CS, hoặc như một nhận xét rất cô đọng và xác đáng là: Độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết. Mặt khác sách đã bỏ qua hoặc cố tình che giầu nguyên nhân cơ bản sinh ra các tai họa.

Sách cho rằng những thói hư tật xấu là do bên ngoài thâm nhập vào một số cán bộ, đảng viện mà không chỉ ra rằng chúng cũng có nguồn gốc từ trong chủ nghĩa. Trước đây rất phổ biến công thức sau: “Mọi xấu xa là tàn tích của phong kiến đế quốc”

Hồ Chí Minh đã chọn con đường cứu nước theo chủ nghĩa Mác Lê. Ông đã thấy con đường đó tất yếu làm sản sinh các tai họa, đó là những phản ứng phụ không cách gì tránh được (tôi đã viết bài “Phản ứng phụ của đường lối cộng sản”, công bố vào tháng 11 năm 2016). Viết sách SĐLLV ông Hồ định ngăn ngừa và khắc phục tai họa, nhưng rồi cơ bản ông đã thất bại. Sau này các lãnh đạo của Đảng nối tiếp ông, ra hết Nghị quyết này đến NQ khác nhằm làm trong sạch, củng cố Đảng, hướng dẫn các cán bộ cao cấp phải nêu gương v.v…, nhưng cũng đều thất bại là chủ yếu.

Có môt con đường khác có khả năng tránh được nhiều tai họa, đó là từ bỏ vô sản chuyên chính, thiết lập nền dân chủ phân quyền. Tôi theo dõi nhiều nước văn minh hiện đại, chưa thấy người ta viết sách để huấn luyện công chức, đảng viên phê bình và sửa chữa sai lầm, chưa thấy đảng cầm quyền nào ra nghị quyết làm trong sạch đảng.

Phải chăng Hồ Chí Minh viết SĐLLV là nhằm chữa những cái sai nhỏ, sinh ra từ một cái sai lớn hơn nhiều.

(*) Thí dụ đề xuất của Nguyễn Trần Bạt trong bài “Hãy trở về với Bác của chúng ta”, của GS Tương Lai trong sách “Chân lý là cụ thể”, của PGS Đào Công Tiến trong sách “Góp ý”.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cuốn sách này rất thích hợp với tình hình xã hội và trình độ cán bộ năm 1947.
    Nguyễn Đình Cống dùng con mắt thời nay để nhận định về cuốn sách này

  2. Tác giả bài viết có kiến thức rất sâu rộng , nói cực kỳ chính xác !

Comments are closed.