Tin Biển Đông
RFI cập nhật tình hình Biển Đông : Nghi vấn về các tàu Trung Quốc ở bãi Tư Chính. Đến ngày 5/9/2019, không chỉ tàu Hải Dương 8 mà tất cả các tàu hộ tống (có thể theo dõi được bằng tín hiệu AIS) đều rời khỏi khu vực lô dầu 06.1 và bãi Tư Chính của Việt Nam, về tạm nghỉ ở Đá Chữ Thập.
Các nhà quan sát đều thận trọng lưu ý, chưa thể khẳng định tình hình căng thẳng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã hoàn toàn hạ nhiệt, vì trước đây nhóm tàu Hải Dương 8 đã từng rời đi vào ngày 7/8 rồi quay lại vào ngày 13/8, cho thấy việc đến Đá Chữ Thập có lẽ chỉ để tiếp tế nhiên liệu và lương thực.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, sau khi dành gần một tháng trước để “khảo sát” khu vực thềm lục địa của Malaysia, tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc đã về nghỉ ở Đá Chữ Thập từ tuần trước. Ở đó còn có những chiếc thuyền dân quân biển thuộc hạm đội Yue Tai Yu.
Cho nên, nhiều khả năng các tàu Trung Quốc đồng loạt về Đá Chữ Thập chỉ nằm trong kế hoạch tạm nghỉ để tiếp nhiên liệu theo kế hoạch của họ. Đá Chữ Thập không chỉ là một trong những căn cứ hậu cần, sở hữu đường băng dài nhất của Trung Quốc ở Biển Đông, mà còn có vị trí “đắc địa”. Từ căn cứ này đi theo hướng tây nam là đến được thềm lục địa Việt Nam (nơi Hải Dương 8 khảo sát), còn theo hướng đông nam là tới thềm lục địa Malaysia (Hải Dương 4).
Trang Thế Giới và VN dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc: Tất cả căn cứ quân sự Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông đều bất hợp pháp. Đại sứ Harry Harris phát biểu: “Chúng tôi không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ. Điều chúng tôi thực sự tin tưởng là phần lớn vùng biển được gọi là Biển Đông là vùng biển quốc tế. Tất cả những căn cứ quân sự mà Trung Quốc đã tạo ra… thực ra là vạn lý trường thành bằng cát ở giữa Biển Đông, đều bất hợp pháp”.
Infonet có bài: Tiết lộ bất ngờ của TT Duterte về cuộc họp bàn Biển Đông với ông Tập Cận Bình. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kể lại cuộc gặp hồi với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cuối tháng 8/2019 như sau: “Theo phép lịch sự, tôi nói với ông Tập Cận Bình rằng tôi không thúc giục cần có ngay câu trả lời. Và tôi không hài lòng với câu trả lời của ông ấy, nhưng tôi sẽ không hỏi thêm câu hỏi này lần nào nữa. Tôi chỉ nói, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu bởi tôi biết ông Tập cũng đang chịu áp lực lớn từ những diễn biến ở Hong Kong”.
Mời đọc thêm: Tên lửa bờ 4K51 Rubezh Việt Nam tác chiến chống hạm thế nào? (DNVN). – Ông Duterte hé lộ cuộc đối thoại với ông Tập Cận Bình về phán quyết Biển Đông (VTC). – Gặp ông Tập Cận Bình, ông Duterte nói vấn đề Biển Đông vẫn sẽ là ‘cái gai’ (TN). – Ông Duterte không hài lòng do ông Tập phủ nhận phán quyết về Biển Đông (MTG).
Cao tốc Bắc – Nam: Văn bản bị đóng dấu mật tùy tiện
Trang Đầu Tư Tài Chính VN dẫn lời Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: ‘Kết quả trúng thầu sơ tuyển cao tốc Bắc – Nam là tài liệu mật‘. Trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện đã có kết quả sơ tuyển thầu đường bộ cao tốc Bắc-Nam nhưng đây là tài liệu mật, không thể công bố. Phải bí mật để: ‘Đưa, nhận hối lộ chỉ anh biết, tôi biết’.
Nhà báo Mai Quốc Ấn bình luận về tài liệu mật này: “Càng cô lập thông tin bao nhiêu, càng trái minh bạch bao nhiêu thì MẬT NGỌT của ‘hoa hồng’ lại quả càng nhiều bấy nhiêu. Rất nhiều vụ bị lộ có cùng nguyên lý tương tự. Tội phạm tham nhũng mà, giống nhau về hành vi và cách thức phạm tội lẫn thói quen tội phạm. Công trình chứ không phải tư trình. Quốc lộ chứ không phải khu vực an ninh quân sự bí mật mà cũng đóng dấu mật thì chỉ có thể lý giải là loại TO GAN LỚN MẬT“.
Mời đọc thêm: VCCI lo loạn dấu mật với danh mục bí mật ngành công thương (TT). – Kết quả sơ tuyển thầu cao tốc Bắc – Nam là ‘tài liệu mật’ (VOA). – Kết quả trúng sơ tuyển thầu cao tốc Bắc – Nam là tài liệu mật, không thể tiết lộ (VTC). – CSVN giấu tin Trung Cộng trúng thầu cao tốc Bắc-Nam? (NV).
Vụ Mobifone mua AVG
Báo Tiền Phong dẫn lời thẩm phán Trương Việt Toàn, TAND TP Hà Nội, nhận định vụ Mobifone mua AVG: Luật không quy định ‘chính sách hình sự đặc biệt’. Ông Toàn cho biết, luật hình sự VN hiện hành không có khái niệm này, “tòa án xét xử chỉ tuân theo pháp luật và pháp luật, hoàn toàn không có chính sách đặc biệt như cơ quan điều tra đề nghị trong kết luận. Khi xét xử, nếu bị cáo có tội, tòa án sẽ chỉ căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định cụ thể trong luật để ra hình phạt”.
LS Giang Hồng Thanh nói: “Không có câu từ, ngôn ngữ pháp lý nào thể hiện chính sách hình sự đặc biệt”. BLHS chỉ có những điều khoản rải rác thể hiện nội dung giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở mức rất cao cho người phạm tội.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phong tỏa và kê biên tài sản của các quan chức trong vụ AVG, Zing đưa tin. LS Lê Văn Thiệp nhận định, “việc kê biên tài sản của ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn là cần thiết. Dù đường đi của khoản 3 triệu USD mà ông Son đã nhận hối lộ chưa được làm rõ thì bị can vẫn phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả”.
Cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà cũng bị cơ quan công phong tỏa 2 tài khoản ngân hàng, mở tại Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered ở Việt Nam và Vietcombank, có tổng cộng gần 1,8 tỉ đồng.
Mời đọc thêm: Vụ Mobifone mua AVG: Ba triệu USD ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ đang ở đâu? (TP). – Vụ AVG: Kê biên nhà, phong toả tài khoản hàng loạt quan chức (TĐ). – Vụ AVG: Cơ quan điều tra đang giữ gần 66 tỷ đồng do các bị can và gia đình tự nguyện nộp (VNF). – Vụ AVG: Tài khoản tiết kiệm bị phong tỏa của ông Nguyễn Bắc Son có bao nhiêu tiền? (PT). – Những con số ‘giật mình’ trong thương vụ MobiFone-AVG (PLTP).
Đồng bằng Sông Cửu Long sắp chìm xuống biển
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: ĐBSCL chỉ còn trên mực nước biển 0,8m, nguy cơ di tản 12 triệu người. Mặc dù trước đó các nhà khoa học cảnh báo, đến cuối thế kỷ này, gần như toàn bộ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có thể chìm dưới nước, nhấn chìm vựa lúa nuôi sống cả nước, thế nhưng, dường như mọi việc đang đến nhanh hơn, khi các nhà khoa học Hà Lan phát hiện rằng, ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m, so với mức 2,6m theo công bố hiện tại.
Ngày 28/8, nhóm nghiên cứu của ĐH Utrecht, Hà Lan, do nhà địa chất Philip Minderhoud dẫn đầu, công bố dữ liệu mới nhất về tốc độ chìm của ĐBSCL trên Tạp chí khoa học Nature Communications, khu vực này thực tế chỉ cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, so với 2,6m mà các dữ liệu vệ tinh công bố trước đây. Và 0,8m này sẽ bị nước biển nhấn chìm trong khoảng 57 năm, có nghĩa là trong 50 năm tới, 12 triệu dân cư ở khu vực này sẽ phải di cư.
Vẫn không rõ chính quyền đón nhận thông tin này như thế nào, liệu họ có kế hoạch gì để di dời hơn chục triệu người dân trong vòng 50 năm tới, hay chờ nước lên để nhấn chìm tất cả? Dường như các nhà hoạch định chính sách vẫn còn xem ĐBSCL là tiềm năng phát triển kinh tế, thay vì mối đe dọa, sẽ phải di dời hơn chục triệu dân, khi hơn tháng trước họ còn có ý định: Cần có cảng biển nước sâu cho đồng bằng sông Cửu Long
Mời đọc thêm: Đồng bằng sông Cửu Long đang chìm với tốc độ nhanh nhất thế giới (SBTN). – Đường Hồ Chí Minh sạt lở nghiêm trọng, người, xe ‘thấp thỏm’ xếp hàng chờ thông đường (TN). – Hàng loạt điểm sạt lở, đất đá tràn mặt đường… chờ được hốt dọn (GT). – Đường 250 tỷ đồng chưa bàn giao đã sạt lở biến dạng (TTTĐ). – Đường 250 tỷ đồng sạt lở nghiêm trọng: Chưa xác định được nguyên nhân (NNVN). – Sạt lở “ăn” 1/3 mặt đường QL9 , hơn 1.450 nhà dân ở Quảng Trị ngập lụt (GT).
Ô nhiễm môi trường
Thông Tấn Xã VN có bài: Hà Nội ô nhiễm bụi ở ngưỡng rất cao là do hiện tượng nghịch nhiệt. Liên quan đến chỉ số đánh giá chất lượng không khí Hà Nội, mấy ngày gần đây đều ở ngưỡng rất cao, thường xuyên ở mức có hại cho sức khỏe người dân, chiều 4/9, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho rằng, để đánh giá toàn diện chất lượng không khí tại một khu vực nhất định cần phải phân tích, đánh giá số liệu quan trắc của nhiều thông số liên tục trong ngày và trong năm.
Theo trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giải thích, “nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới”, và theo “nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM2.5) tăng cao đột biến”.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Tại diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường” do Trung tâm truyền thông Bộ TN&MT cùng với báo Lao Động tổ chức ngày 5/9, lãnh đạo Tổng cục Môi trường thừa nhận, chỉ có 242/272 khu công nghiệp trên toàn quốc có hệ thống xử lý nước thải, “hằng ngày riêng nước thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường là 7 triệu mét khối nhưng thật sự năng lực xử lý trên toàn quốc chỉ đạt 14,5%”.
Mời đọc thêm: Đã đến lúc thu phí phát thải để cải thiện chất lượng không khí (Tin Tức). – Thực trạng bệnh tật đáng báo động từ việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm ở Việt Nam (24h). – Giải quyết ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (TTXVN). – Kiến nghị Thủ tướng thành lập Tiểu ban giải quyết vấn đề ô nhiễm tại sông Bắc Hưng Hải (TNMT).
Công an “nhân dân”?
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Nguyên thượng úy công an nhận 1 tỉ để tống người vào tù bằng ma túy. Liên quan đến vụ án “ném ma túy vào xe để tống bạn trai vào tù”, bị can Nguyễn Thị Vững, cựu thượng úy tại Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu Bộ Công an, đang bị Công an TP. Hà Nội đề nghị truy tố. “Mặc dù trước đó Vững không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng kết quả điều tra cho thấy Vững có vai trò là đồng phạm giúp sức tích cực trong vụ án vì động cơ vụ lợi”.
Bà Vững đã cung cấp ma túy để đồng phạm là Nguyễn Thị Vân bỏ vào xe của nạn nhân Nguyễn Văn Thiện, cũng là người chung sống với Vân, nhằm đổ tội cho ông này. “Hai bên thỏa thuận sau khi Vân bỏ ma túy vào xe anh Thiện thì sẽ báo cho Vững để Vững báo công an bắt giữ Thiện. Đổi lại, Vân phải trả công cho Vững 1 tỉ đồng”.
Mời đọc thêm: Đề nghị truy tố cựu thượng úy công an vì đẩy người khác vào tù bằng ma túy (TT). – Khởi tố nguyên Thượng úy công an vụ cài ma túy đẩy người vô tội vào tù (PLN).
***
Mời đọc thêm: Hải quan: Hàng loạt công ty liên quan Asanzo là doanh nghiệp ‘ma’ (TT). – Bộ GTVT muốn mua lại ACV: Có gì khó hiểu không? (ĐV). – ‘Cổ phần hóa mặt tiền’! (TT). – Thép Việt Nam vừa bị Malaysia áp thuế, vừa bị Indonesia khởi kiện (TT).