Dân biểu đảng Cộng hòa ở quận Cam lên tiếng phản đối chính sách nhập cư của chính quyền Trump

Cal Matters

Tác giả: Dan Morain

Dịch giả: Mai V. Phạm

19-8-2019

Ông Tyler Diep, dân biểu hạ viện bang California, bên ngoài tòa nhà California Capitol. Photo Courtesy

Năm 1991, gia đình dân biểu tiểu bang Tyler Diệp (Địa hạt 72, quận Cam, California) cần đến phúc lợi xã hội khi vừa bước chân đến Mỹ từ Việt Nam. Bởi thế, ông Diệp tức giận khi Tổng thống Trump tuyên bố kế hoạch sẽ giới hạn người nhập cư nhận trợ cấp xã hội.

Ủy viên Tyler Diệp nhớ lại những gì ông thấy khi còn là một cậu bé 8 tuổi, ngạc nhiên khi vừa đặt đến San Diego cùng với bố mẹ từ quê hương Việt Nam vào năm 1991.

Sạch sẽ. Yên tĩnh. To lớn hơn so với Sài Gòn.”

Bố mẹ của ông Diệp đã phải đợi 8 năm để được đến Mỹ. Họ không nói được tiếng Anh khi ở căn hộ đầu tiên gần Đại học San Diego. Họ không có tiền, không có công việc, không có gì khác ngoài khát vọng đạt được “Giấc mơ Mỹ”. Họ không thể làm điều đó nếu không có sự trợ giúp từ chính phủ.

Thứ Hai tuần trước, ông Diệp, 36 tuổi, đang ở sân bay John Wayne cho một tuần làm việc nữa ở thành phố Sacramento khi ông đọc bài báo của Washington Post, về chi tiết kế hoạch mới nhất của chính quyền Trump:

Những người nhập cư hợp pháp sử dụng các lợi ích công cộng, như Trợ cấp y tế (Medicaid), phiếu trợ cấp thực phẩm (food stamps), hoặc hỗ trợ nhà ở, có thể sẽ gặp khó khăn để được thẻ xanh theo một thay đổi chính sách Đó là biện pháp mà chính quyền Trump xem xét nhằm giảm lượng người nhập cư”.

Là một dân biểu mới, Diệp đại diện cho [cư dân] quận Orange County, nơi có 20% cử tri là người Mỹ gốc Việt. Ông cũng là đảng viên của Đảng Cộng hòa. Mặc dù Đảng Cộng hòa đang suy giảm ở California, ông Diệp không phải duy nhất. Cũng có một dân biểu đảng Cộng hòa người Mỹ gốc Việt ở tiểu bang Massachusetts.

Ông Diệp không đề cử nhiều dự luật và hiếm khi phát biểu [tại các phiên họp]. Ông không phải là một chính trị gia táo bạo và chắc chắn không phải là người thích dài dòng. Nhưng ông ấy biết mình đến từ đâu và cảm thấy không có lựa chọn nào khác, ngoài việc lên tiếng phản đối Trump trên Twitter. Vì thế, ông đã tweet phản hồi về thay đổi chính sách nhập cư của Trump: “Gia đình tôi đến đây [Mỹ] một cách hợp pháp, nhưng chúng tôi cần phúc lợi xã hội trong vài năm đầu. Có chuyện gì xảy ra với các anh vậy?

Giống như dự đoán, đã có một số comment chỉ trích ông Diệp. Nhưng ông ấy không quan tâm, và cảm thấy không cần thiết để bảo vệ chính sách “tỏ ra chống người nhập cư”.

Ông nói: “Tôi nhớ tấm check phúc lợi của chúng tôi là 800 đô la một tháng: 500 đô la thuê nhà, 100 trả góp tiền vé máy bay, và 200 đô la chi phí sinh hoạt. Tôi không nhớ lúc đó có phiếu hỗ trợ thực phẩm, nhưng có phúc lợi xã hộitrợ cấp y tế”.

Ba mẹ ông Diệp đăng ký cho chính họ và con trai tham gia một lớp học tiếng Anh. Mặc dù ông Diệp không thể nhớ rõ, khóa học dường như chắc chắn được tài trợ bởi chính phủ. Ông Diệp học 6 tháng thì thành thạo tiếng Anh. Còn với ba mẹ ông thì khó khăn hơn, nhưng họ cũng đã học được. Họ không nhận phúc lợi sau khoảng 2 năm và giữ trợ cấp y tế do chính phủ tài trợ lâu hơn một chút.

Ở Sài Gòn, mẹ ông Diệp đã từng là giáo viên. Còn ở Mỹ, bà ấy làm nail. Cha ông là một nhà báo [bên Việt Nam]. Còn ở Mỹ, ông ấy là giảng viên song ngữ tại một trường tiểu học, một thợ in và trong những năm gần đây, ông làm việc cho General Dynamics NASSCO [một nhà thầu của hải quân Mỹ] ở San Diego, giúp đóng những chiếc tàu cho hải quân, bảo vệ nước Mỹ.

Họ có thêm một cô con gái và đã mua một ngôi nhà ở Lemon Grove. Em gái ông Diệp sắp học xong tại Đại học San Diego, một trường đại học công được hỗ trợ của chính phủ. Ông Diệp cũng từng học ở đây.

Hiện tại, ông Diệp đại diện cho các cử tri trong một quận, vốn từng là thủ phủ của chủ nghĩa bảo thủ ở California, nhưng vừa mang lại cho đảng Dân chủ một lợi thế. Và ông Diệp cũng là đại diện cho một cộng đồng người nhập cư – người Mỹ gốc Việt – vốn cũng đang rời bỏ đảng Cộng hòa.

Để lấy lại ưu thế quan trọng tại một tiểu bang ngày càng đa dạng một cách nhanh chóng, đảng Cộng hòa sẽ cần các nhà lãnh đạo như ông Diệp.

Ông Diệp là đảng viên Cộng hòa vì sự chú trọng của đảng Cộng hòa về trách nhiệm cá nhân và thường tránh xa chủ nghĩa xã hội. Đã từng sống ở Việt Nam, nên ông không muốn dính dáng đến chủ nghĩa xã hội.

Trong hội đồng thành phố, ông Diệp là một người ôn hòa. Vì những trải nghiệm thời thơ ấu của mình, ông không gặp vấn đề gì với các chương trình an sinh xã hội, bao gồm cả Covered California, là phiên bản Affordable Care Act (Đạo Luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp Túi Tiền) của bang California, nhằm cung cấp bảo hiểm y tế. Cho đến tuần trước, ông Diệp đã không lên tiếng về các chính sách nhập cư của ông Trump.

Ông nói: “Tôi đã giữ im lặng một khoảng thời gian, nhưng đã đến lúc tôi không biết liệu chính sách [nhập cư] này sẽ chấm dứt hay không. Có vẻ như mỗi ngày nhiều thay đổi được đưa ra nhắm mục tiêu vào những người nhập cư, thậm chí là những người nhập cư hợp pháp”.

Câu chuyện của ông Diệp cũng giống với nhiều người đến từ Việt Nam. Cướp biển đã giết một trong những người chú của ông khi tìm cách trốn thoát Việt Nam bằng thuyền. Các cô chú khác đã tới được Mỹ. Gia đình họ và nhiều anh em họ của ông Diệp cũng đã bắt đầu ở nước Mỹ, quê hương thứ hai, nhờ vào phúc lợi xã hội của chính phủ. Chính vì điều đó, ông Diệp không đưa ra lời xin lỗi sau khi lên tiếng phê bình chính sách nhập cư của chính quyền Trump.

Ông Diệp nói: “Đó là giấc mơ Mỹ. Khi bạn đến đây và không có gì cả. Miễn là bạn sẵn sàng làm việc chăm chỉ và nắm bắt cơ hội được trao cho bạn, thì bạn có thể thành công ở đất nước này. Bối cảnh hoặc nơi bạn sinh ra không quan trọng”.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

Comments are closed.