Con chim lạ Hà Huy Đỉnh (Phần 2)

Chu Sơn

20-8-2019

Tiếp theo phần 1

Tôi thụ huấn tại quân trường Thủ Đức 9 tháng, từ đầu thu 1967 đến hè 1968; những biến chuyển bên ngoài quân trường tác động đến tình hình huấn luyện của chúng tôi, và cũng là đề tài các cuộc trò chuyện của tôi và Đỉnh mỗi lần Đỉnh lên thăm tôi tại Thủ Đức, hay mỗi lần tôi về Sài Gòn ở chơi với anh.

Tình hình ở Sài Gòn cuối năm 1967 tạm ổn định, ngoài cuộc đấu tranh kiên trì của Phật giáo. Các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội lập hiến được tổ chức. Thiệu – Kỳ trúng cử, cùng là chủ nhân ông dinh Độc lập, mặc dù bị tố cáo gian lận. Quan hệ Mỹ – Việt Nam Cộng Hòa thắt chặt. Quân đội Mỹ trong năm 1967 tăng từ 382.000 đến 486.000. Các cuộc hành quân Việt – Mỹ gây nhiều tổn thất cho đối phương. Số phi vụ và cường độ oanh tạc miền Bắc gia tăng.

Hội đàm Mỹ – Việt Nam Cộng Hòa tại Canberra khẳng định quyết tâm đánh thắng Cộng sản bằng quân sự, không thừa nhận Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nhưng cuộc tổng tấn công của Cộng sản Tết Mậu Thân làm choáng váng tất cả. Dân chúng Mỹ và dư luận thế giới bàng hoàng, phẫn nộ. Cộng quân thiệt hại nặng phải rút lui, nhưng phong trào hòa bình – chỉ trích, phản đối cuộc chiến tranh mờ ám và tàn bạo của chính phủ Mỹ diễn ra rầm rộ và đều khắp trên thế giới. Tổng thống Johnson quyết định không tiếp tục vận động tranh cử nhiệm kỳ hai, tuyên bố sẵn sàng hòa đàm với BắcViệt. Đại tướng Westmoreland, tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam bị cách chức. Cộng quân vẫn còn liên tục tổ chức những cuộc tấn công liều chết với qui mô nhỏ trên khắp các vùng lãnh thổ. Sài Gòn bị tấn công đến lần thứ ba. Tôi đi phép Tết và chứng kiến các cuộc tấn công – phản công đẫm máu của hai phía tại Huế.

***

Khóa 27 Thủ Đức kết thúc. Tôi về Sài Gòn ở chơi với Đỉnh mấy ngày và cũng để chờ mua vé máy bay. Đỉnh có vẻ trầm mặc trong căn gác xọp xẹp tối tăm trên một con hẻm đường Trần Bình Trọng. Chúng tôi nói nhiều về cuộc chiến tranh. Đỉnh gần gũi với tôi trong những nhận định về cuộc xâm lược của Mỹ, về các chế độ độc tài từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu, nhưng chúng tôi không đồng nhất trong thái độ ứng xử sắp tới trước thời cuộc. Tôi nói: “Phải chấm dứt chiến tranh thôi. Tôi đã chứng kiến cảnh chém giết tàn bạo ở Huế hồi Tết. Để chấm dứt chiến cuộc, phải có bên thắng – bên thua. Là người Việt Nam, tôi không thể đứng về phía Mỹ. Phải chấp nhận chế độ Cộng sản thôi, mặc dù tôi có lập trường chống chiến tranh từ đầu và dị ứng với ý thức hệ Cộng sản”.

Đỉnh cười buồn, im lặng. Buổi tối trước ngày lên máy bay về lại Huế, tôi và Đỉnh gần như thức trắng đêm. Tôi cật vấn, và Đỉnh trả lời với một thái độ nghiêm chỉnh chứ không đùa cợt như hồi chúng tôi gặp nhau lần đầu trên Đà Lạt. Tôi hỏi, Đỉnh trả lời có vẻ bài bản:

“Nhận thức của ông về Mỹ và chế độ công cụ ở miền Nam là như thế, gia đình ông có gốc gác Cộng sản như thế, sao ông không theo Mặt Trận?”

“Nhiều người đã hỏi tôi câu đó. Thậm chí có người còn mạnh dạn rủ tôi theo Mặt Trận “làm cách mạng”. Họ tin tôi không tố cáo họ và sẵn sàng tham gia Mặt Trận tiếp nối truyền thống của gia đình. Đương nhiên, là con cháu của Hà Huy, tôi không tố cáo họ, nhưng theo Mặt Trận thì không. Vì Mặt trận là Cộng sản. Mà Cộng sản qua những gì tôi được biết là nhắm một lý tưởng, một mục tiêu duy nhất là triệt tiêu tư hữu, thiết lập chế độ công hữu triệt để và toàn diện, và chỉ thực hiện nó bằng một phương tiện duy nhất là bạo động. Mục tiêu ấy, phương tiện ấy tôi không đồng tình, vì nó đi ngược tình tự và quyền lợi dân tộc, trí khôn nhân loại và nó bất cập nhân tình thế thái”.

“Tôi đề nghị ông giải bày đầy đủ và cụ thể.”

“Người Cộng sản cho rằng tư hữu là nguồn gốc của mọi tội lỗi trên đời, giai cấp Tư sản là kẻ thù không đội trời chung của giai cấp Vô sản và nhân loại. Muốn giải cứu giai cấp vô sản và nhân loại, phải tiêu diệt quyền tư hữu, lật đổ ách thống trị của giai cấp Tư sản và chế độ Tư bản, đưa giai cấp Vô sản lên cầm quyền, thực hiện công hữu, xây dựng chế độ Cộng sản bằng cuộc cách mạng triệt để do đảng Cộng sản lãnh đạo. Ở Việt Nam do kinh tế công thương nghiệp chưa phát triển, đảng Cộng sản cho rằng lực lượng phản động chính là giai cấp Tư sản chưa hình thành như một thế lực đáng gờm, nên kẻ thù của cách mạng tập trung vào bốn thành phần: ‘bọn trí thức, bọn nhà giàu ở thành phố, bọn địa chủ, hào mục ở nông thôn’. Đảng Cộng sản còn công khai chủ trương tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo”.

“Trong cuộc vận động cách mạng 1930, chỉ ba tháng sau khi thành lập đảng, cao điểm là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đảng Cộng sản nêu cao khẩu hiệu: “Trí – Phú – Địa – Hào / Đào tận gốc / Trốc tận rễ. Trong kháng chiến chống Pháp, trong xây dựng Xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, đảng Cộng sản tiếp tục các phong trào cách mạng của mình: Rèn cán chỉnh quân, Cải cách ruộng đất, Cải tạo (công) thương nghiệp, Cải tạo văn hóa tư tưởng (đỉnh cao là cuộc trấn áp tiêu diệt nhóm Nhân Văn Giai Phẩm). Tất cả các cuộc vận động ấy nhằm “đào tận gốc”, “trốc tận rễ” bốn kẻ thù của giai cấp là Trí, Phú, Địa, Hào. Bởi theo nhận định của đảng Cộng sản: bốn kẻ thù giai cấp ấy (đứng đầu là trí thức) kiên trì đầu óc và ý chí tư hữu, tay sai của Phong kiến, Thưc dân. Như thế là hằng trăm ngàn người bị sỉ nhục, tra tấn, tù đày, giết chóc; cả triệu người khác là thân nhân của họ (bao gồm cả trẻ con) sống vật vờ đói rét, cực nhục bên lề xã hội mới đang hình thành. Cái xã hội ấy không có quá khứ; luân lý, đạo đức, văn hóa suy đồi…”

“Ông thường nhắc đến Montesquieu, J.J Rousseau, Phật và Mẹ, bốn vị đó có tác động gì tới nhận thức của ông?

“Chính Mẹ đã trao cho tôi những kinh nghiệm đắng cay về cách mạng Cộng sản: Lúc đầu, khác với cha tôi, bà có vẻ đồng tình với lý tưởng Cộng sản của các cậu tôi và khâm phục bác (hay chú C.S) Hà Huy Tập. Đặc biệt bà rất ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Nhưng bà đã chứng kiến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở quê nhà. Bà cũng có những thông tin chính xác về các phong trào Cộng sản sau khi theo cha tôi vào Nam Kỳ. Lý tưởng Cộng sản vơi cạn dần trong tâm thức bà. Sau cách mạng tháng 8/1945, tiễn cha tôi đi kháng chiến, bà thiết lập bàn thờ Phật tại nhà và đi chùa. Hồi nhỏ tôi tiếp cận đạo Phật qua Mẹ…” (Tôi sẽ trở câu chuyện Mẹ và Phật ở phần sau).

“Tôi học và và mày mò tìm hiểu về Montesquieu, J.J Rousseau từ năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ – CS) Thầy giáo say sưa giảng, học trò chăm chú lắng nghe bài Tam quyền phân lập trong chương trình Công dân giáo dục. Những năm trung học tiếp theo, nhiều đứa trong chúng tôi đã chuyền tay nhau các sách báo viết về hai ông, hay sách hai ông viết. Đến năm đệ nhất (lớp 12) trong chương trình Công dân giáo dục hay sử địa (phần lịch sử thế giới) thì những đại danh như Voltaire, Denis Diderot, Montesquieu, J.J Rousseau, và những chuyên đề: Chế độ Tư sản dân quyền, các học thuyết kinh tế chính trị, cách mạng Pháp 1789… đối với chúng tôi cứ như là chuyện cổ tích thời thơ ấu. Ba năm ở đại học Sư phạm, mấy năm lang thang ở Luật khoa, rồi Văn khoa (để học Anh văn, Pháp văn) tôi đã chăm chú Lịch sử chính trị và văn chương Âu – Mỹ cận đại, đặc biệt là các lý thuyết chính trị phủ nhận Machiavelle, đẩy lùi bóng tối trung cổ. Tôi đọc lướt từ Thomas Hobbes, qua John Locke, nhưng đến Montesquieu, J.J Rousseau, Voltaire, Diderot, Adam Smit, John Stuart Mille, và Kark Marx thì đặc biệt quan tâm.

“Montesquieu và J.J Rousseau là hai triết gia chính trị học nổi tiếng vào bậc nhất trong thời kỳ Khai sáng (thế kỷ 17 – 18). Học thuyết của họ đã ảnh hưởng quyết định đến cách mạng Pháp 1789, đã tác động, làm biến đổi tâm thức nhân loại và mô thức chính trị – xã hội trên bình diện toàn cầu suốt hơn hai thế kỷ (từ giữa thế kỷ18 đến ngày nay).

“Montesquieu xuất thân quí tộc, nhưng chán ghét chế độ chuyên chế cấu kết bởi chính quyền phong kiến (vua và quý tộc) và giáo hội Thiên Chúa giáo. Ông chủ trương xóa bỏ sự cấu kết ấy để xây dựng một mô hình quyền lực mới là chế độ quân chủ, tam quyền phân lập, gần giống với nền quân chủ lập hiến Anh quốc. Theo mô hình này: vua đứng đầu cơ quan hành pháp, quyền lực bị hạn chế và ràng buộc bởi pháp luật. Hai cơ quan còn lại là lập pháp, tư pháp riêng biệt và độc lập. Cách mạng Pháp 1789 bỏ yếu tố quân chủ, chỉ giữ lại mô hình tam quyền phân lập trong học thuyết Montesquieu để kết hợp với tư tưởng dân chủ cửa J.J Rousseau nhằm thiết lập nền móng tư tưởng cho chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Cũng như Montesquieu, J.J Rousseau chủ trương bãi bỏ chế độ phong kiến… Ông đấu tranh cho một xã hội của những Con Người Tự Do, Bình đẳng, có đủ Trí tuệ, Đức hạnh, Nghị lực và Ý chí để xây dựng một chính quyền tập hợp bởi những đại diện được bầu lên bởi các thành phần quần chúng. Theo ông, cái chính quyền đó phải vững mạnh để bảo vệ các quyền Tự Do của những Con Người – Công dân trong xã hội mới – xã hội Dân Chủ”.

“Giữa hai nhà lập thuyết lừng danh ấy, Cách mạng Pháp 1879 nghiêng về phía J.J Rousseau bởi tư tưởng Tự Do – Dân Chủ của ông. Có lẽ vì vậy mà năm 1794, khi cách mạng phát triển đến cao trào, di hài của ông được đưa vào chôn ở điện Panthéon. Motesquieu không được cái vinh quang ấy. Và cũng có lẽ vì cái tư tưởng Tự Do – Dân Chủ ấy mà năm 1814, khi triều đình Bourbons tái lập nền quân chủ, bia mộ của J.J Rousseau bị đập phá tan tành, di hài bị trục xuất khỏi điện Panthéon. Montesquieu không bị cái oan nghiệp ấy.

“Theo tôi, tư tưởng chính trị của Montesquieu có tính chất ôn hòa. Yếu tố Quân chủ lập hiến trong cuốn De L’esprit des lois (Tinh thần pháp luật) của ông là gạch nối lịch sử để sự chuyển đổi cơ cấu quyền lực chính trị diễn ra trong ổn định của trật tự pháp luật.

“Tư tưởng chính trị – giáo dục J. J. Rousseau thể hiện trong Du contrat social (Khế ước xã hội) và Emile ou de L’education (Emil hay về giáo dục) có tính cách mạng triệt để. Những Con Người – Công Dân ấy nối kết với nhau trong Tự do, Đức hạnh, Bình đẳng, Bác ái, ý thức Trách nhiệm, Bản lãnh và Ý chí vượt thoát (khỏi bóng đen của quá khứ), kiên định con đường cách mạng để cùng nhau xây dựng xã hội mới.

“Rousseau quan niệm rằng con người mới sinh ra đã là chủ thể Tự do và Lương thiện. Chế độ chính trị Phong kiến – Ky tô giáo trung cổ đã hủy hoại, làm lu mờ hai đức tính nền tảng ấy, con người trở nên vong thân, làm nô lệ cho chế độ xã hội đương thời. Nhiệm vụ của giáo dục là tách nó (con người) từ lúc mới chào đời ra khỏi chế độ và xã hội ấy, và bằng những phương pháp tinh tế kích thích, làm sống lại, un đúc và gián tiếp tạo điều kiện cho nó tự phát triển hai cái nguồn sống quí báu thiên bẩm ấy. Đó là giai đoạn thứ nhất trong chương trình giáo dục Rousseau. Giai đoạn thứ hai bắt đầu vào tuổi thiếu niên: Cậu trẻ tiếp tục được duy trì chương trình giai đoạn thứ nhất làm nền tảng cho việc giáo dục Thể lực và Ý chí để nó có đủ sức mạnh tinh thần và thể chất bước vào giai đoạn thứ ba bắt đầu từ tuổi thanh niên, là giai đoạn giáo dục Trí tuệ. Anh trẻ được người Thầy kích thích các tiềm năng trí tuệ, óc tò mò để chủ động tiếp thu các kiến thức của thời đại mới – thời đại Ánh sáng (các ngành khoa học kỹ thuât, kinh tế xã hội, văn học nghệ thuật…).

Người thầy không trao cho Anh trẻ những bài học, bắt Anh phải học thuộc lòng và trả bài. Người thầy chỉ giới thiệu, gợi ý, Anh trẻ chủ động tiếp cận các môn học, tìm kiếm các chủ đề, đặt vấn đề, tìm lời giải đáp, thiết kế giải pháp và tập tành các kỹ năng để thực hiện chương trình, kế hoạch của đời anh. Như thế là anh đã thành NGƯỜI. Anh lấy vợ, lập gia đình, chọn nghề nghiệp và cùng với những CON NGƯỜI khác, anh kiến tạo chế độ DÂN CHỦ.

“Để thực hiện một chương trình giáo dục như thế, người Thầy hoặc phụ huynh phải đầu tư công sức rất nhiều: học vấn phải uyên thâm, trái tim phải rộng mở, hiểu biết tâm lý trẻ phải thật sâu, khả năng sư phạm phải thật cao, nghị lực phải dồi dào và nhất là điều kiện và môi trường sống phải ổn định. Không phải ai đọc sách của Rousseau cũng có thể làm được công nghiệp khó khăn ấy. Ngày nay, sau hơn 200 năm sách của Rousseau xuất bản, nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới muốn áp dụng triết lý và mô hình giáo dục Rousseau mà chưa làm được hoàn chỉnh. Huống hồ gì lúc bấy giờ, nước Pháp vẫn đang bị bao phủ bởi bóng đêm chuyên chính “trung cổ”. Ngay chính Rousseau cũng không nuôi dạy con cái mình. 5 người con của ông đều được gởi vào cô nhi viện. Có thể do thường xuyên bị truy lùng, Roaseau không có điều kiện nuôi dạy con cái. Cũng có thể ông không có đủ khả năng, đức tính để nuôi dạy các con theo mô hình giáo dục do ông đề ra.

“Tôi không đồng ý với quan điểm J. J. Roausseau về “những đứa trẻ mới sinh ra đã là chủ thể tự do và tốt lành”. Nhưng phương pháp, nội dung và mục tiêu của triết học giáo dục Rousseau, theo tôi là mực thước cho muôn đời, chỉ có thêm bớt, sửa đổi một số yếu tố cho phù hợp với từng thời điểm, từng địa phương, chứ không cần, không thể phủ nhận bất cứ trụ điểm nào về mặt nguyên lý. Con Người là thành tựu của nền giáo dục Rousseau không là công cụ phục vụ cho chế độ chuyên chính và xã hội khắc nghiệt, khép kín cửa quyền, mà là chủ thể kiến tạo nên chế độ và xã hội mới – chế độ Dân Chủ tôn trọng, bảo vệ các quyền Con Người: quyền tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do luận bàn và lập hội, tự do sở hữu, tự do tín ngưỡng…”

“Chắc chắn là CON NGƯỜI – CÔNG DÂN theo học thuyết Rousseau chưa được un đúc kịp để trở thành lực lượng chính yếu làm nên cuộc cách mạng 1789, bởi từ thời điểm hai cuốn Du Contrat social, Emile ou de l’éducation xuất bản (1762) đến khi cách mạng bùng nổ chỉ vọn vẹn 27 năm. 27 năm, chưa đủ để CON NGƯỜI – CÔNG DÂN mà Rousseau muốn đào tạo bởi triết lý giáo dục của ông trở thành lực lượng cách mạng; nhưng học thuyết của ông đủ để thắp bùng lên ngọn lửa cách mạng vĩ đại từ cái khối quần chúng sôi sục sự bất mãn, căm giận chế độ và xã hội đương thời.

“Phe cách mạng bao gồm nhiều bộ phận quần chúng thuộc “lực lượng thứ ba” khác biệt về trình độ nhận thức, về điều kiện sống và lao tác, về sự tích lũy và sử dụng của cải, nhưng có chung một khát vọng, một mục tiêu là lật đổ guồng máy toàn trị ruỗng mục cấu kết bởi “lực lượng thứ hai” là giới tăng lữ nhà thờ Thiên chúa giáo và “lực lượng thứ nhất” là tập đoàn vua chúa quí tộc.

“Lực lượng thứ ba” (cách mạng) bao gồm các nhóm quần chúng có hoài bão, động cơ, động lực khác nhau:

– Những nông dân muốn nhanh chóng thoát khỏi cảnh đời nô lệ nghèo đói và lao động khổ sai trong các lãnh địa của quí tộc.

– Những công nhân bắt đầu hình thành giai cấp khát khao thoát khỏi tình trạng bị bóc lột, bị đối xử tàn tệ trong các cơ sở công thương nghiệp tư nhân đang phát triển.

– Dân nghèo thành thị và những kẻ vô gia cư đầu đường xó chợ ao ước có công ăn viêc làm, có nơi cư trú và chấm dứt tình trạng bị ức hiếp, chà đạp bởi bọn đầu gấu và cảnh binh.

– Những nhà tư bản chủ nhân các cơ sở công nghiệp, các công ty thương mại, ngân hàng, cùng những tiểu chủ muốn thoát khỏi sự kiềm tỏa của chính sách kinh tế, tài chánh bất lực và lỗi thời của triều đình phong kiến, muốn kiếm lợi thật nhiều và thật nhanh, muốn có tiếng nói và vị trí xã hội tương xứng với vai trò chủ đạo trước xu thế phát triển kinh tế công thương nghiệp hiện đại.

– Giới trung lưu tập hợp bởi các trí thức làm nghề tự do: các văn nhân nghệ sĩ, các luật sư, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, sinh viên… là những người khao khát Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Dân chủ và các tiến bộ khoa học kỹ thuật – tinh hoa của Thế kỷ Ánh sáng.

– Cuối cùng là các tướng lĩnh cùng binh lính của họ muốn vãn hồi an ninh trật tự trước tình trạng hỗn loạn do các xung đột ngày càng gia tăng mức độ khốc liệt giữa hai thế lực thù địch: bảo thủ – bảo hoàng, cấp tiến – cách mạng.

“Như thế, cuộc đại cách mang Pháp 1789 được làm nên bởi những con người “cũ” có khát vọng đổi đời, một số trong họ hấp thu tư tưởng mới ở những trình độ khác nhau, chứ chưa phải bởi những CON NGƯỜi mới hoàn thiện được un đúc theo tư tưởng của J.J. Rousseau. Trong Emile ou de l’éducation, Rousseau bảo rằng: “sứ mệnh của giáo dục là đào tạo nên những CON NGƯỜI trước khi nó làm bất cứ nghề nghiệp nào.” Làm “nghề nghiệp” ở đây có nghĩa là làm ăn – có tính cách cá nhân hoặc trong phạm vi xã hội hẹp mà còn khó khăn, cẩn trọng, công phu đến thế, huống hồ gì làm Cách Mạng – quan hệ đến vận mệnh của một dân tộc, một đất nước, thậm chí cả nhân loại không chỉ một đời mà nhiều đời, nhiều thế kỷ.

“Cái CON NGƯỜI mới ấy có sứ mệnh kiến tạo nên chế độ và xã hội mới, chứ nhất thiết không là công cụ phục vụ cho chế độ và xã hội đương thời.

“Khởi đầu với hào khí ngất trời, với uy lực vũ bão, phong trào quần chúng cách mạng đã tạo tác nên những sự kiện to lớn:

– Soạn thảo và công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền.

– Phá ngục Bastille

– Lật đổ ách thống trị của liên minh phong kiến quí tộc và tôn giáo (nhà vua Louis 16, hoàng hậu Marie Antoinette, một số nhà quí tộc, giáo sĩ lên đoạn đầu đài), tách tôn giáo ra khỏi cơ chế quyền lực thế tục, (nhưng vẫn công nhận quyền tự do tín ngưỡng).

– Tổ chức quốc hội lập hiến, soạn thảo và ban bố hiến pháp, thiết lập các cơ quan cai trị của chế độ Cộng hòa (tam quyền phân lập).

“Tuy vậy, cuộc cách mạng mà “lực lượng thứ ba” dự phóng với những mục tiêu: Tự do, Công bình, Bác ái và chế độ Dân chủ Cộng hòa đã không tựu thành như ước mơ và dự kiến ban đầu của họ. Tiến trình xây dựng và kiến tạo của nó khập khễnh với những sai lầm, những tội lỗi. Thực tế cách mạng tưởng chừng như vô vọng, tưởng chừng như quay ngược hành trình: phe bảo hoàng – bảo thủ còn mạnh, đe dọa chiến tranh từ các thế lực quân chủ bên ngoài gia tăng, các nhóm cách mạng sôi sục ngọn lửa căm hờn chế độ cũ và niềm hy vọng đổi đời nhưng chập choạng phương hướng, chia rẽ, tranh giành quyền lực, thù địch sát hại lẫn nhau. Máy chém không chỉ chặt đầu “bọn phản động thuộc chế độ cũ, mà còn quay lại chặt đầu những nhân vật lừng danh cách mạng và phe cánh. Robespièrre giết các đối thủ cách mạng của mình. Đến lược Robespièrre và các đồng chí của ông cũng bị đưa lên đoạn đầu đài bởi tội “phản cách mang”. Cách mạng thoái trào. Đế chế phục hồi. Một lần, rồi hai lần. Trong một thời gian dài, cách mạng tưởng chừng như đồng nghĩa với giết chóc và phá hoại.

“Thực tế: Cách mạng Pháp là một tiến trình lâu dài, có lúc tiến, có lúc thụt lùi, có lúc đi dích – dắc, có lúc đi vòng, có lúc ngừng nghỉ, nhưng nhân dân và trí thức Pháp không bỏ cuộc, vẫn đeo đuổi lý tưởng mà J. J. Roaseau và các nhà trí thức của kỷ nguyên Ánh sáng đã nhú mớm từ hạ bán thế kỷ 17 đến tận ngày nay. Bởi Tự do, Công bình, Bác ái và chế độ Dân chủ – Cộng hòa đến thời điểm này vẫn là những giá trị phổ biến, vẫn là mục tiêu đấu tranh dài lâu không chỉ của nhân dân Pháp mà của cả nhân loại.

“Sau đại cách mạng 1789, đến thời điểm này (1968), nước Pháp đã trải qua 5 cuộc cách mạng, 5 thời kỳ Cộng hòa, 2 lần phục hồi đế chế, hàng chục lần thay đổi chính quyền, 17 (?) lần thay đổi hiến pháp. Diễn tiến này chứng tỏ tinh thần và mục tiêu của cách mạng Pháp 1789 vẫn luôn ở trên một tiến trình, nó chuyển hóa để thích ứng với tình thế mới chứ nó không có điểm đích cuối cùng.

“Theo tôi: vấn đề CON NGƯỜI với những giá trị phổ biến như TỰ DO, ĐỨC HẠNH, CÔNG BẰNG, BÁC ÁI là chủ thể kiến tạo chế độ DÂN CHỦ theo triết lý giáo dục của Rousseau đến sau này vẫn còn nguyên những chuẩn mực giá trị của một tiến trình không thể đảo ngược. Không có CON NGƯỜI HOÀN THIỆN, mà chỉ có CON NGƯỜI luôn phấn đấu để tồn tại và chuyển hóa không ngừng theo chiều hướng tất yếu là tốt hơn.

“Sau cách mạng 1789, cho dù chế độ chính trị là Cộng hòa hay Đế chế, kinh tế nước Pháp cũng phát triển theo đường lối Tư bản chủ nghĩa công thương nghiệp hiện đại. Kinh tế Tư bản đã thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, làm thay đổi diện mạo xã hội. Nước Pháp trở nên văn minh và giàu mạnh cạnh tranh cùng Anh và Hòa Lan, là hai nước đã Tư bản hóa từ thế kỷ 17.

“Ở Mỹ kinh tế Tư bản cũng xẩy ra tiếp liền Anh, Hòa Lan. Cách mạng và Tuyên bố Nhân – Dân quyền Mỹ trước cách mạng Pháp đến 13 năm (1776). Như thế là châu Âu và Hoa Kỳ cùng tiến bước theo con đường hiện đại hóa. Khoa học kỹ thuật thúc đẩy phát triển kinh tế Tư bản. Kinh tế Tư bản thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật. Xã hội nhìn từ bên ngoài có vẻ giàu sang và văn minh hơn, nhưng quan hệ giữa người và người vẫn không vì thế mà được cải thiện. Giai cấp Tư sản từng bước sắm sửa vai trò chủ nhân ông của thời đại mới tại các cường quốc Tây phương. Các giá trị Tự do, Công bằng, Bác ái và Dân chủ theo tư tưởng của Rousseau và các triết gia Thế kỷ Ánh sáng bị thử thách. Các triết gia và trí thức đăm chiêu và phẫn nộ trước những tội ác và bóng tối của thời đại mới. Kinh tế Tư bản Mỹ gắn liền với thảm kịch buôn người, bóc lột đàn áp người lao động và kỳ thị chủng tộc. Kinh tế Tư bản châu Âu phồn thịnh trong sự thù địch chết người Tư sản / Cần lao. Tôn giáo đồng hành cùng guồng máy thống trị đàn áp, bóc lột và lạm quyền. Các giáo sĩ thừa sai là kẻ đưa đường chỉ lối cho các hạm đội và các thương đoàn trên những nẻo đường kiếm tìm thuộc địa nhằm giải quyết vấn đề thặng dư hàng hóa, thiếu thốn lao động và nguyên liệu của các cường quốc Âu Mỹ. Châu Á và châu Phi trở thành điểm nhắm của các sứ giả của nền Văn minh Ky tô giáo. Khủng hoảng phương Tây kết hợp với nghèo đói, lạc hậu Á – Phi trở thành khủng hoảng của toàn nhân loại.

“Nhiều triết gia, trí thức Âu châu thấy mình có trách nhiệm và sứ mệnh ngăn chặn hoặc chấm dứt cuộc khủng hoảng đó. Hai người nổi bật trong số họ là Kart Marx người Đức và John Stuart Mill người Anh.”

“John Stuart Mill là một triết gia, một nhà luật học, một chính trị gia đồng thời là nhà hoạt động xã hội hàng đầu của Anh quốc và châu Âu thế kỷ 19. Ông thể hiện lập trường tư tưởng hòa hoãn như cá tính dân tộc và truyền thống chính trị Anh. Ông viết và xuất bản nhiều sách để trình bày học thuyết của mình: Principles of political economy (Những nguyên tắc của kinh tế chính trị học.1848), On liberty (Bàn về Tự do. 1859), On representative gouvernement (Về chính thể đại diện. 1861)…

“John Stuart Mill cho rằng giai cấp Tư sản đã lạm dụng quyền tự do tuyệt đối được xã hội thừa nhận để đẩy mạnh khuynh hướng vụ lợi, ích kỷ, đàn áp bóc lột người lao động làm thuê là nguyên nhân hàng đầu của khủng hoảng. Theo ông hình thái kinh tế Tư bản là sự đi quá đà phát xuất từ hình thái kinh tế Tự do. Là người chủ trương thuyết Công lợi, J. S Mill đề nghị mọi thành phần xã hội cần có nhận thức và hành động đúng đắn là điều hòa quyền Tự do Cá nhân và Lợi ích Cộng đồng (xã hội và quyền lực nhà nước). Nhưng đồng thời, Stuart Mill cảnh báo tình trạng nhân danh Lợi ích xã hội bất chấp Tự do Cá nhân, làm tổn hại đến bản sắc, cá tính là nguồn cội hạnh phúc và năng lực sáng tạo của mọi người. Ông chỉ ra rằng Cá nhân có Tự do – xã hội mới ổn định và phát triển. Và ngược lại: xã hội có ổn định, phát triển, Tự do của Cá nhân mới bền vững.

“Cá nhân Tự do, xã hội ổn định và phát triển, theo J. S Mill, nhất thiết phải được điều hướng bởi nhà nước Đại diện (dân chủ) Pháp quyền.

“J. Stuart Mill đề xuất một triết lý và một đường lối chính trị cụ thể gồm bốn điểm:

(1) Đề cao Công Lợi, đồng thời tôn trọng bảo vệ Tự Do Cá Nhân và quyền lợi của các cộng đồng thiểu số.

(2) Cắt giảm quyền lực và tài sản của Quí tộc và Tư sản để các tầng lớp xã hội xích lại gần nhau hơn.

(3) Nhà nước và xã hội nhìn nhận những nhu cầu chính đáng của giai cấp Công nhân, tạo điều kiện để họ nâng cao hiểu biết, năng lực và đức hạnh để có đủ khả năng và tư cách tham gia các tổ chức ngành nghề (hợp tác xã, công đoàn), tham gia quản lý nhà máy, xí nghiệp và sở hữu một số cổ phần tương xứng trong các cơ sở kinh tế. Giai cấp Công nhân sẽ giàu có lên, sống hòa hợp hạnh phúc giữa các giai tầng và thành phần xã hội khác.

(4) Các dân tộc bình đẳng và tự quản lý. Để tự quản lý, các dân tộc phải đạt được một trình độ hiểu biêt nhất định. Đế quốc Anh có sứ mệnh giúp đở (các dân tộc) trong tinh thần huynh đệ và chung sống hòa bình.

“Hai công việc đầu cần làm ngay, nhưng hai mục tiêu sau cần tiến hành thận trọng, tiệm tiến bằng phương pháp duy nhất là giáo dục.

“J Stuart Mill đặc biệt chú trọng sự nghiệp giáo dục. Theo ông, giáo dục có vai trò quyết định trong mọi vận động xây dựng con người và cải tạo xã hội:

– Giáo dục đào tạo những Con Người Tự Do có năng lực và đức hạnh để thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ đối với chính mình và xã hội. Ông nói cụ thể: phổ thông giáo dục đi trước phổ thông bầu cử.

– Giáo dục un đúc tầng lớp Ưu tú (Trí thức) có sứ mệnh hướng dẫn xã hội.

– Giáo dục điều hướng tâm thức các tầng lớp nhân dân trong quá trình chuyển hóa hình thái kinh tế Tư bản, phục hồi hành thái kinh tế Tự do chân chính, tiệm tiến và cẩn trọng xây dựng hình thái kinh tế Xã hội chủ nghĩa trong hòa bình (không qua cách mạng, vì cách mạng là bạo động, không phù hợp với tâm hồn người Anh).

“J. Stuart Mill trình bày học thuyết của mình qua tác phẩm Principles of political economy xuất bản vào năm 1848, cùng thời điểm với Tuyên ngôn của đảng Cộng sản do K. Marx công bố.”

“K. Marx, người Phổ gốc Do Thái, trưởng thành trong lò triết học Đức, nhiều năm sống, nghiên cứu kinh tế, chính trị và xã hội ở Anh, hoạt động triết học và cách mạng cùng thời với J. Stuart Mill, nổi tiếng hơn J. Stuart Mill nhiều bởi thái độ dấn thân đầy nhiệt huyết và nội dung học thuyết “nóng” của ông. Marx soạn thảo Tuyên ngôn của đảng Cộng sản, nghiên cứu và hoàn thành công trình đồ sộ Capital, viết và công bố nhiều sách triết học, lịch sử, kinh tế chính trị học khác để truyền bá tư tưởng của mình.

“Tôi đọc Capital hơn một lần và nhiều sách báo viết về chủ nghĩa Cộng sản nhưng chẳng sáng tỏ điều gì; chắc là do sở học và khả năng nhận thức của tôi hạn chế không đủ sức để hiểu thấu đáo các vấn đề triết học, kinh tế chính trị xã hội học cao rộng của ông. Nhưng Tuyên ngôn của đảng Cộng sản thì tôi hiểu.

“Giả định rằng Tuyên ngôn của đảng Cộng sản (do Marx, Engels soạn thảo và công bố năm 1848) và các phong trào cách mạng mà đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện từ 1930 đến thời điểm này thể hiện đầy đủ chủ nghĩa Marx thì những ghi nhận của tôi sau đây là “chủ nghĩa Cộng sản theo nhận thức của tôi”, để rồi từ đó tôi bày tỏ quan điểm và thái độ của mình trước tình hình đất nước, và cũng để trả lời câu hỏi của ông.

“Marx, Engels, Lénin, Stalin, Mao Trạch Đông, …, Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam…) nhận định rằng từ thượng cổ đến ngày nay nhân loại luôn diễn ra tình trạng đấu tranh mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Lịch sử loài người đã trải qua 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn có một chế độ chính trị và một hình thái kinh tế khác biệt: (1) chế độ Cộng sản nguyên thủy – người tự do (Chu Sơn?) ức hiếp người nô lệ(C.S?), (2) chế độ Nô lệ – chủ nô ức hiếp nô lệ, (3) chế độ Phong kiến – quý tộc, chúa đất và thợ cả ức hiếp nông nô và thợ bạn, (4) chế độ Tư bản – giai cấp Tư sản ức hiếp giai cấp Vô sản. Trong chế độ Tư bản, xã hội loài người tập hợp chung quanh hai giai cấp lớn đấu tranh loại trừ nhau quyết liệt hơn bao giờ hết trên bình diện toàn cầu. Đảng Cộng sản thành lập nhằm đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp vô sản trên toàn thế giới:

– Đảng Cộng sản minh xác mối quan hệ thân hữu với các đảng công nhân khác, không vì lợi ích dân tộc, chỉ vì lợi ích giai cấp Vô sản.

– Đảng cộng sản phê phán nghiêm khắc tất cả các trào lưu Cộng sản và Xã hội chủ nghĩa phi Vô sản (không công hữu triệt để, không bạo động quyết liệt, không chuyên chính toàn diện, kể cả những khuynh hướng Cộng sản máy móc tả khuynh).

– Đảng Cộng sản công khai bày tỏ lập trường đấu tranh không khoan nhượng đối với các đảng đối lập cùng toàn bộ hệ thống quyền lực của giai cấp Tư sản và chế độ Tư bản chủ nghĩa.

– Đảng Cộng sản khẳng định ba mục tiêu của cuộc vận động cách mạng: (1) Tổ chức giai cấp vô sản thành lực lượng cách mạng. (2) Lật đổ ách thống trị của giai cấp Tư sản. (3)Thành lập chính quyền của giai cấp Vô sản.

– Đảng Cộng sản đề ra 10 biện pháp cách mạng, tập trung vào bốn biện pháp chính: (1) Tướt đoạt tài sản của giai cấp Tư sản và các lực lượng phụ thuộc. (2) Cấp bách giải quyết quyền lợi của giai cấp vô sản theo tình tự thời gian. (3) Xây dựng các công xưởng nhà nước. (4) Cưỡng bức giáo dục, chấm dứt tình trạng sử dụng lao động trẻ em.

– Đảng Cộng sản khẳng định đây là cuộc đấu tranh cuối cùng trong lịch sử xã hội loài người. Trong cuộc đấu tranh này:

– Giai cấp Tư sản nhất định thua,

– Giai cấp Vô sản nhất định thắng.

Như thế là người Vô sản chỉ mất xiềng xích mà giành được toàn thế giới.

Đảng Cộng sản đưa lời kêu gọi cuối cùng: Giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại.

“Rõ ràng Tuyên ngôn của đảng Cộng sản là tín điều. Những tín điều này do Marx và Engels phát đi năm 1848, làm rúng động toàn thế giới. Giai cấp tư sản kinh hoàng, giai cấp vô sản tràn trề hy vọng. Marx, Engels và đồng chí của hai ông hăm hở biến nó thành hiện thực. Họ tuyên truyền, vận động để tổ chức giai cấp vô sản trên toàn thế giới thành lực lượng cách mạng. Tháng 8 năm 1864, tại Luân Đôn, một đại hội những người Cộng sản đầu tiên được triệu tập do Marx và Engels chủ trì, 200 đại biểu từ Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu đến dự. Ngay từ lần tập họp đầu tiên này các đại biểu đã không đồng nhất là tín hữu – đồng chí như Marx và Engels dự kiến. Nhiều ý kiến, tư tưởng, lập trường chính trị khác biệt, mâu thuẫn được bộc lộ giữa những người Cộng sản với nhau. Những tín điều bị thử thách. Tuy vậy, một tổ chức mang tên Hội Liên Hiệp Lao Động Quốc Tế (the International Workingmen’s Association (IWA – Quốc tế I) đã hình thành, Marx được giao nhiệm vụ soạn thảo điều lệ và các văn kiện liên quan đến nội dung, chương trình và phương lược đấu tranh: Thành lập các tổ chức công nhân (công đoàn) rộng rãi và đều khắp, tập trung sự lãnh đạo, phát động nhiều hình thức đấu tranh như bãi công, tổ chức biểu tình, ra tuyên ngôn, tuyên cáo kêu đòi giảm thiểu thời gian lao động (8 tiếng/ngày), đòi tăng lương, đòi cải thiện điều kiện làm việc và đời sống công nhân. Sự ra đời của Hội Liên Hiệp Lao Động Quốc Tế (IWA- Quốc tế I) đã tác động mạnh mẽ vào phong trào công nhân và cảnh báo nguy cơ cho giới chủ toàn châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng ngay khi mới thành lập, Đệ Nhất Quốc Tế bất đắc dĩ kết tập những yếu tố dị biệt và mâu thuẫn báo hiệu một sự đổ vỡ không thể cứu chữa. Trong vòng 12 năm (1864 – 1876) Hội Liên Hiệp Lao Động Quốc Tế (Quốc tế I) đã tổ chức 5 lần đại hội để củng cố nội bộ, thống nhất đường lối và phương lược đấu tranh. Nhưng càng củng cố thống nhất thì càng tan rã. Năm 1876, Hội nhóm họp lần cuối cùng tại Phyladelphia (Hoa Kỳ) để tuyên bố giải tán.

“Như thế, giai cấp vô sản trên toàn thế giới đã không nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Marx theo tuyên ngôn 1848 để đoàn kết lại. Những tín điều hứa hẹn trong tuyên ngôn đã không thuyết phục được họ. Giai cấp vô sản biết rõ chính mình hơn bất cứ ai rằng họ không có hoài bão to lớn là chủ nhân ông của thế giới, họ không có những năng lực, những đức tính ưu việt, họ không tượng trưng cho tương lai của nhân loại như Marx đã khẳng định. Mục tiêu đấu tranh của họ chỉ nhằm cải thiện điều kiện lao động, tăng lương, giảm thiểu giờ làm việc… Họ chấp nhận sự lãnh đạo và sự điều hướng của các lãnh tụ công đoàn xanh, sự cổ vũ và giúp đỡ của các đảng phái, các tổ chức, các nhóm Xã hội Dân chủ và Nhân quyền. Họ kiên trì đấu tranh lâu dài để tháo gỡ xiềng xích, để cải thiện điều kiện lao động và đời sống. Họ cũng khát khao tư hữu và các quyền Con Người khác. Họ không có tham vọng làm chủ thế giới. Giai cấp Tư sản vì mục tiêu kinh tế lần hồi nhận ra rằng nếu tiếp tục bóc lột và đàn áp công nhân sẽ có hại nhiều hơn có lợi nên đã từng bước nhượng bộ những yêu sách của công nhân. Xã hội tư bản chuyển động.

“Marx, ngay từ lần khai hội đầu tiên của Quốc Tế I, đã tỏ ra chán nản trước sự khó khăn của tình thế: Đại diện các nhóm tham dự, đa phần đều bày tỏ sự khác biệt với ông về tư tưởng chính trị, về mục tiêu và phương lược đấu tranh. Ông và Engels với tư cách là người đứng ra triệu tập đã không thể qui tụ chung quanh mình một đa số đủ để hình thành nên một ban lãnh đạo của lực lượng cách mạng vô sản trên toàn thế giới như đã khẳng định trong Tuyên ngôn 1848. Những lần hội nghị tiếp theo (1866 tại Genève, 1867 tại Lausanne, 1868 tại Brussels) vai trò và tiếng nói của Marx khá mờ nhạt. Đến hội nghị lần thứ 5 tại Philadelphia (Hoa Kỳ) đã có nhiều tiếng nói công khai và mạnh mẽ chống lại hai ông. Cuối cùng, năm 1868, Marx và Engels với sự đồng thuận buồn rầu của tất cả các đại biểu, đã tuyên bố Hội Liên Hiệp Công Nhân Quốc Tế chấm dứt sứ mệnh lịch sử.

“Hội Liên hiệp Công nhân Quốc tế giải tán, nhưng phong trào đấu tranh của công nhân và các phong trào đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở Hoa Kỳ và châu Âu vẫn tiếp tục.

“Năm 1862 chế độ nô lệ được chính thức giải tán tại Hoa Kỳ.

“Ngày 1.5.1886 (10 năm sau ngày Quốc tế I tan rã), theo thông lệ là ngày kết toán tài chánh của các công ty Tư bản, cũng là ngày ký hợp đồng lao động mới giữa các công ty và người làm thuê. Tại Chicago, liên đoàn Lao động Mỹ nhóm họp, ra quyết định: Bắt đầu từ ngày này, người lao động sẽ không làm việc quá 8 tiếng trong một ngày. Giới chủ tư bản không chấp nhận. Liên đoàn Lao động Mỹ kêu gọi công nhân trên toàn nước Mỹ bãi công. Công nhân Mỹ hưởng ứng. Hàng ngàn cuộc bãi công, biểu tình tuần hành đã diễn ra với hàng triệu người tham gia. Giới chủ phản ứng mạnh: cảnh sát đàn áp đẫm máu làm chết hàng trăm người biểu tình. Nhiều thủ lĩnh công nhân bị bắt. Nhưng phong trào đấu tranh của công nhân vẫn tiếp tục quyết liệt. Cuối cùng giới chủ tư bản phải nhượng bộ vì lợi ích của mình. Người lao động làm thuê trên toàn nước Mỹ và thế giới bắt đầu chế độ lao động 8giờ/ ngày từ đó.

“Marx, sau Tuyên ngôn của đảng Cộng sản, nhất là sau cuộc thử nghiệm đắng cay với Hội Liên Hiệp Công Nhân Quốc Tế đã dồn hết sức lực vào công trình nghiên cứu và biên soạn Capital,… Phải chăng Capital là tập đại thành học thuyết của ông? Còn Tuyên ngôn đảng Cộng sản chỉ thể hiện nhiệt huyết của ông thời trai trẻ?

“Năm 1886, tại Paris, Engels triệu tập và chủ trì hội nghị của những người Cộng sản quốc tế (thường gọi là quốc tế II). Quốc tế II tồn tại được 28 năm, đã tiến hành 10 lần đại hội, nhưng không để lại dấu ấn sâu sắc nào trong lịch sử ngoài quyết định lấy 1.5 làm ngày kỷ niệm sự nghiệp đấu tranh của giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Quốc tế II âm thầm giải tán năm 1914, sau khi Engels qua đời.

“Đến 1919, Lenin thành lập Quốc tế III (Comintern). Cuộc cách mạng tại Nga năm 1917 do ông và đảng Cộng sản Nga (Bolchevich) chủ trì đã lật đổ chế độ chuyên chính Sa Hoàng, hình thành nên nhà nước Xô Viết làm chấn động cả thế giới, làm sống lại ý thức hệ Cộng sản đã lụi tàn dần ở châu Âu và Hoa Kỳ từ sau khi Marx qua đời. Việc Lênin thành lập Quốc Tế III đã nối liền nước Nga Xô Viểt với Tây Âu ra toàn thế giới với học thuyết Marx – Lê nin.

“Lênin nhận định và lý luận rằng chủ nghĩa tư bản và các nhà nước tư sản ở châu Âu và Hoa Kỳ đã gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa thực dân; sự tồn tại của nó phụ thuộc vào tài nguyên, lao động và thị trường tiêu thụ ở các xứ thuộc địa. Do vậy cần liên kết cuộc vận động cách mạng vô sản tại chính quốc với phong trào giải phóng dân tộc ở các quốc gia bị đế quốc thực dân xâm chiếm và đô hộ.

“Lê Nin khẳng định:

“1/ Với sự điều hướng của Quốc tế III, đảng Cộng sản và giai cấp công nhân ở các chính quốc cần ưu tiên giúp đỡ đảng Cộng sản và Liên minh công nông ở thuộc địa đánh đổ chủ nghĩa thực dân. Một khi chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa bị tiêu diệt, các nguồn cung ứng cho kinh tế tư bản (nguyên vật liệu, lao động, thị trường tiêu thụ) bị đình chỉ, tất yếu dẫn đến tình trạng chủ nghĩa tư bản ở chính quốc bị lung lay. Khi đó giai cấp công nhân sẽ vùng lên làm cuộc lật đổ của mình: Đánh bại giai cấp tư sản, thiết lập chính quyền chuyên chính vô sản và nền kinh tế công hữu.

“2/ Với sự điều hướng của Quốc tế III, sự hỗ trợ của đảng Cộng sản chính quốc, đảng Cộng sản và Liên minh công nông ở các xứ thuộc địa trong quá trình chống đuổi thực dân có thể thỏa hiệp tạm thời với các lực lượng, các thành phần dân tộc phi vô sản. Sự thỏa hiệp này là mưu lược có tính chất chiến thuật, chính trị giai đoạn, bí mật và độc lập trong cơ chế tổ chức và chiến lược lâu dài, luôn luôn kiên định lập trường cộng sản, đến khi giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống đuổi thực dân, sự thỏa hiệp này tức thì chấm dứt để không bị mắc míu, chia quyền trong cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa tất yếu sẽ diễn ra tiếp liền theo. Bởi đây là trận chiến cuối cùng theo quan điểm của Marx.

“Thực tế: Quốc tế III là tổ chức vòng ngoài của đảng Cộng sản Nga, vì lợi ích của nước Nga Xô Viết là chủ yếu, khi cần thì Lênin thành lập (1919), khi không cần thì Stalin dẹp bỏ (1943).

“Sự hình thành Quốc tế III với vấn đề dân tộc và thuộc địa trong sách lược của Lê Nin đã cuốn hút tâm trí Nguyễn Ái Quốc, một người đã chuyển hóa hoài bão theo truyền thống của cha (Nguyễn Sinh Sắc): “Sinh Cung” và “Tất Thành” ra khát vọng và sứ mệnh của mình: “Ái Quốc”. Việc làm này chứng tỏ sự tự tín đầy kiêu hãnh của một thanh niên biết rõ vai trò và vị trí của mình trong đất nước bị xâm lược và dân tộc bị nô lệ. Dĩ nhiên khi tham gia vào đảng Cộng sản Pháp, và tham dự đại hội Quốc tế Cộng sản tại Nga, Nguyễn Ái Quốc đã đọc tuyên ngôn của đảng Cộng sản và không khó khăn gì để ông nhận ra rằng đảng Cộng sản theo quan điểm của Marx và Engels “chỉ vì lợi ích của giai cấp vô sản trên toàn thế giới chứ không vì lợi ích của bất cứ dân tộc nào”. Nhưng Nguyễn Ái Quốc đã bị tín điều của chủ nghĩa Lênin và sự thành công to lớn của cách mạng Nga khuất phục. Ông cả tin rằng đảng Cộng sản Nga và Quốc tế III sẽ giúp ông đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa thực dân; và: chủ nghĩa Xã hội theo học thuyết Marx – Lenin sẽ đem lại áo cơm và vinh quang cho “Người Cùng Khổ”. Ông là người tài giỏi, đầy nhiệt huyết, mưu lược – thủ đoạn và ý chí kiên cường trên con đường đã sai trong bối cảnh nhân loại chia cắt làm hai thế giới kình chống nhau dưới hai chiêu bài: Tự do và Cộng sản”.

“Chống xâm lược mà sai sao”?

– “Chống ngoại xâm chẳng những không sai, mà còn là lý tưởng, là trách nhiệm bức thiết và cao cả của mọi người công dân yêu nước. Nhưng chống đuổi ngoại xâm để rồi thực hiện Chế độ Cộng sản không chỉ là sai lầm nghiêm trọng, mà là tội ác. Vả lại, chống đuổi ngoại xâm bằng sự nhờ cậy và sự điều hướng của các thế lực bên ngoài dưới danh nghĩa Quốc tế III là đưa đất nước vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng nhân loại cũng là một cái sai nghiêm trọng nữa. Sự nhờ cậy dưới chiêu bài “nghĩa vụ quốc tế” đã và sẽ tạo cơ hội cho những tham vọng đế quốc khác còn tàn ác bất nhân hơn đế quốc tư bản…”

– “Có phải ông đem cái cảm thức của ông lúc này để phê phán cảm thức dẫn đến sự chọn lựa lịch sử của nhà yêu nước vĩ đại gần 50 năm trước?

– “Kết quả chọn lựa lịch sử của Nguyễn Ái Quốc gần nửa thế kỷ trước đến lúc này đối với chúng ta là một vấn nạn. Độc lập, thống nhất là lý tưởng là khát vọng của dân tộc. Điện Biên Phủ là niềm tự hào đồng thời là món nợ mà dân tộc phải trả. Nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Rèn cán chỉnh quân, Cải cách ruộng đất, Cải tạo văn hóa và trí thức, Cải tạo công thương nghiệp trên miền Bắc sau 1954, thảm sát Tết (Mậu Thân. CS) ở Huế là những cảnh báo về một tương lai đen tối của đất nước và dân tộc một khi chiến tranh chấm dứt, chế độ Cộng sản và liên minh công – nông lên ngôi…”

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. “Con chim lạ” HHĐ.này nếu ở miền Bắc CS.thì sẽ bị cô lập hay ít nhất
    cũng phải câm mồm còn muốn tiến thân thì làm “chỉ điểm” Chu Sơn
    là tên “phản động,chống đối chính quyền nhân dân v.v.”.
    Đúng là chế độ dân chủ rất khó để điều động công dân tuân theo lệnh
    một cách răm rắp khi đất nước có chiến tranh,nên thất bại là chắc rồi.
    Nói thẳng ra là bài này có nhiều nhận định vừa đúng vừa sai,nên nếu
    đọc kỹ thì mới nhận ra cách lý luận và thâm ý của tác giả.
    “Chiến tranh của Mỹ” là luận điệu của CS.được hỗ trợ mạnh mẽ bởi giới
    trí thức thiên tả- thân cộng (thân cộng nên mới có suy nghĩ như CS.).
    Nói “chiến tranh của Mỹ” tức là miền Nam khi khổng khi không cho Mỹ
    nhảy vào gây ra chiến tranh chống CS.mà không biêt ai chủ động tiến
    chiếm miền Nam.Người nước ngoài có thể không biết,kể cả không cần
    biết nhưng dân miền Nam mà không biết thì cũng LẠ hay bị “đầu độc”
    bởi chủ nghĩa CS.đang chiếm thế thượng phong thời bấy giờ ?

  2. 1-Bài của tác giả Chu Sơn rất đáng đọc.
    Xứng đáng đăng ở Tiếng Dân
    Nhân nói tới người bạn (con chim lạ) ông nói nhiều về chủ nghĩa tư bản với các nhà lý luận Rousseau và Montesquieu (các nhà nho phiên âm là Lư Thoa và Mạnh Đức Tư Cưu.
    2- Các tài liệu do các nhà sử học nghiên cứu và công bố không giống như những người đấu tranh chính trị phát biểu về Hồ Chí Minh.

  3. Trích: ““Chống ngoại xâm chẳng những không sai, mà còn là lý tưởng, là trách nhiệm bức thiết và cao cả của mọi người công dân yêu nước. Nhưng chống đuổi ngoại xâm để rồi thực hiện Chế độ Cộng sản không chỉ là sai lầm nghiêm trọng, mà là tội ác. Vả lại, chống đuổi ngoại xâm bằng sự nhờ cậy và sự điều hướng của các thế lực bên ngoài dưới danh nghĩa Quốc tế III là đưa đất nước vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng nhân loại cũng là một cái sai nghiêm trọng nữa. Sự nhờ cậy dưới chiêu bài “nghĩa vụ quốc tế” đã và sẽ tạo cơ hội cho những tham vọng đế quốc khác còn tàn ác bất nhân hơn đế quốc tư bản…”

    Đây chính là “cốt lõi” của vấn đề, và cũng là để chứng minh Hồ Chí Minh đã biết rõ những mâu thuẫn giữa Cộng Sản và Dân Tộc, và rõ ràng ông ta đã chọn CS dù biết rằng “lợi quyền của giai cấp Công nhân” sẽ phản bội lại lợi ích của Dân Tộc…..

    Do đó, những người cố “đẩy” Hồ Chí Minh vào cái gọi là “tinh thần Quốc Gia – Dân Tộc” chỉ là những kẻ …vì quá yêu “người” mà vô tình ép “người” thành kẻ phản bội lại lý tưởng CS – một lý tưởng mà cho đến chết , “người” cũng quyết không buông bỏ.(*)

    (*) Khi chết mà “người” cũng mong được về với tổ tiên của “người” là cụ Max, cụ Lê như Tố Hữu đã làm thơ để “hờ”…bác:

    “Bác đã lên đường theo TỔ TIÊN,
    Mác – Lênin, thế giới Người hiền” (Tố Hữu)

  4. Bài này và các bài tương tự xứng đáng đăng ở đây và một số trang khác.

  5. Đây cũng là tác giá đã viết về Giáo Dục đăng trên Tiếng Dân.
    Cùng một dòng suy nghĩ.
    Hoan nghênh.
    Mong cứ viết tiếp.
    Đừng để ý tới những comments phá thối, bất mãn và cực đoan (như ở bài về GD).

Comments are closed.