Hong Kong và diễn ngôn cơm áo

Trịnh Hữu Long

19-8-2019

Bạn Vũ Khắc Ngọc này nghe nói là thầy giáo đã phanh phui vụ mua điểm ở Hà Giang năm ngoái. Rất ngưỡng mộ và trân trọng việc làm của bạn, nhưng hiểu biết và tư duy chính trị của bạn thể hiện qua status này thì thấp một cách thảm hại. Chẳng cần phải đọc được báo tiếng Anh hay tiếng Tàu cũng có thể hiểu tình hình Hong Kong tốt hơn và đúng đắn hơn bạn rất nhiều lần.

Nhưng phát ngôn của bạn lại không đáng ngạc nhiên cho lắm, vì hai lý do:

1. Không thiếu người có ăn học có cái nhìn thuần tuý giá áo túi cơm như bạn.

Người Hong Kong đã thoát ra khỏi những nhu cầu căn bản về cơm áo và an toàn cá nhân để có những nhu cầu cao cấp nhất trong tháp nhu cầu Maslow: nhu cầu tự thể hiện bản thân, bao gồm các hoạt động tự do tư tưởng và sáng tạo. Ở trình độ này, người Hong Kong quan tâm đến những thứ lớn hơn cả bản thân mình.

Bạn Ngọc không cô đơn. Hầu hết người Singapore đều nghĩ về phong trào Hong Kong theo đúng như cách bạn nghĩ. Lý do cũng rất đơn giản: người Singapore coi trọng nhu cầu kinh tế hơn nhu cầu tự do. Nói dễ hiểu thì chừng nào còn kiếm ăn được thì họ không có nhu cầu tự do, do đó không có nhu cầu đấu tranh chính trị.

2. Bằng cách phát ngôn chống lại một phong trào biểu tình đòi dân chủ, bạn tạo cho mình một địa vị an toàn hơn trong mắt chính quyền Việt Nam.

Có thể bạn chẳng ngờ nghệch về chính trị đến thế, nhưng bạn có nhu cầu tạo một vỏ bọc an toàn về chính trị hơn. Bám chặt vào những diễn ngôn phản dân chủ mà chính quyền vẫn thường dùng, bạn đưa ra một thông điệp không thể rõ ràng hơn tới chính quyền Việt Nam: Tôi vẫn chấp hành đúng đường lối chủ trương của Đảng, tôi không phải thành phần ”suy thoái” đâu.

Hiện tượng tâm lý này là hết sức phổ biến ở những nước độc tài như nước ta. Không có gì lạ. Nhất là trong trường hợp của bạn, ít nhiều đã bị chính quyền dòm ngó sau khi bạn phanh phui cả một bộ máy quan chức tham nhũng ở Hà Giang. Có thể chính bạn cũng chẳng nhận ra, vì cơ chế tâm lý này vận hành một cách hết sức tự nhiên.

Lựa chọn của bạn là hoàn toàn dễ hiểu đối với tôi. Tôi cũng gặp quá nhiều người như bạn và hoàn toàn tôn trọng lựa chọn đó. Còn lựa chọn của tôi là phản đối kịch liệt những luồng tư tưởng phản dân chủ bằng tất cả những cách thức ôn hoà có thể, mà status này của tôi là một ví dụ.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Có một quan sát của báo chí quốc tế về thành phần người dân Hong Kong chỉ trích biểu tình, mà tôi thấy có liên quan tới câu chuyện của thầy giáo Ngọc. Đó là những người chỉ trích biểu tình hầu hết là người lớn tuổi, dự đoán sẽ không sống đến năm 2047, là năm mà Hong Kong sẽ không còn được hưởng thiết chế “một quốc gia, hai hệ thống” hiện nay. Giới trẻ Hong Kong là những người dự trù sẽ sống qua thời điểm đó. Như vậy, họ biểu tình đúng là vì tương lai của chính mình. Tưởng không còn gì thiết thực hơn, vì tương lai ấy bao gồm cả “nồi cơm”.

  2. Thầy giáo Ngọc chẳng qua là có đầu óc thực dụng mà thôi. Ngoài dạy kiến thức cho các em học sinh, thầy còn muốn truyền cho các em tư tưởng cần thiết để sinh tồn dưới chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam. Quả thật vậy, Việt Nam là một trong số ít nơi còn lại trên thế giới mà người dân có thể thấy “nồi cơm” của mình bị “phá hủy” khi hành sử quyền hiến định là đi biểu tình. Trong suốt hơn một năm qua, biết bao nhiêu người dân Việt Nam đã bị bắt bớ, đánh đập, tù tội vì đã đi biểu tình? Khi một nhà cầm quyền nhắm tới đạp đổ “nồi cơm” của từng người, từng gia đình người dân như thế, ai lại không bị ám ảnh?

    Khi nào bớt lo chuyện “nồi cơm”, người dân Việt Nam sẽ thắc mắc tại sao lại để cho một chính quyền như thế ngồi lên đầu mình.

  3. Ngọc thân cô, thế cô ở một tỉnh hẻo lánh.
    Ngọc phanh phui được như vậy là tốt rồi.
    Hay nhìn gương thầy giáo chống tiêu cực, được bộ trưởng Giáo Dục Thiện Nhân tuyên dương. Mà rồi UV bộ CT Thiện Nhân có bảo vệ được thầy đâu?

Leave a Reply to Vũ Minh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây