Chu Sơn
19-8-2019
Tôi gặp Hà Huy Đỉnh khoảng đầu năm 1967 tại Đà Lạt. Tôi từ Huế vào, Hà Huy Đỉnh từ Sài Gòn lên. Chúng tôi quen nhau tại nhà Nguyễn Cảnh Công ở chân dốc Võ Tánh, cạnh bờ Hồ Xuân Hương. Nguyễn Cảnh Công là bạn Quốc học của tôi cũng từ Huế lên, đã học xong cử nhân triết tại đại học Đà Lạt, gia đình theo đạo Tin Lành.
Hà Huy Đỉnh đi cùng hai người bạn là Bùi Hồng Sĩ và Phạm Quốc Bảo. Bùi Hồng Sĩ là bạn thân và là đồng hương Quảng Ngãi của gia đình Nguyễn Cảnh Công. Trần Quốc Bảo, người Bắc di cư 1954, cũng là bạn của Bùi Hồng Sĩ như Hà Huy Đỉnh. Cả ba đều lớn hơn tôi và Nguyễn Cảnh Công 4-5 tuổi, đều đã học xong đại học từ 1960 – 1961 gì đó, đã đi làm hoặc tiếp tục học cao học, và đều là những thủ lãnh sinh viên nổi tiếng ở Sài Gòn. Đặc biệt Bùi Hồng Sĩ và Trần Quốc Bảo rất đẹp trai, nói năng hùng biện và hấp dẫn.
Hà Huy Đỉnh gây chú ý cho bất cứ ai ngay từ lần đầu gặp mặt, bởi dáng vẻ bên ngoài không giống ai và giọng nói có thanh sắc như phụ nữ, râu tóc để dài, mặc bà ba nâu, mặt tròn, má phính, nhưng đôi mắt rất sáng. Hà Huy Đỉnh vừa có dáng dấp như một ông Đạo (như Đạo Dừa rất nổi tiếng ở Mỹ Tho sau 1954), vừa có đôi nét như một diễn viên sân khấu hài. Hà Huy Đỉnh nói cười xởi lởi, hóm hỉnh và cợt nhả trên tất cả mọi chuyện ở đời.
Mặc dầu là sơ giao nhưng chúng tôi chuyện trò rôm rả, cởi mở những vấn đề thời sự. Thực ra tôi và anh chị em Cảnh Công nghe nhiều hơn nói. Chủ đạo và chủ động cuộc trao đổi là hai thủ lãnh của phong trào sinh viên Sài Gòn, Bùi Hồng Sĩ và Trần Quốc Bảo. Sĩ và Bảo không giấu giếm lập trường chống Cộng, mạnh mẽ ủng hộ cuộc chiến tranh của Mỹ và thần tượng nhân vật đang lên Nguyễn Cao Kỳ.
Hà Huy Đỉnh thường phá bĩnh thái độ nghiêm túc và khả năng hùng biện của hai người bạn đồng hành. Tôi nhớ gần như nguyên văn một trong những câu chen ngang của Đỉnh: “Tôi và Nguyễn Cao Kỳ chỉ giống nhau ở chỗ cùng để râu. Nhưng râu tôi thì giống râu cụ Hồ, còn râu của Nguyễn Cao Kỳ thì giống râu của các nhân vật cao bồi trong phim ảnh Mỹ. Tôi và cụ Hồ cũng chỉ giống nhau ở bộ râu và bộ áo quần bà ba nâu khi cụ còn ở chiến khu…” Câu nói đùa bỏ lửng của Đỉnh làm mọi người cười xòa và gây chú ý đặc biệt cho riêng tôi.
Cuộc giao tiếp giữa chúng tôi kết thúc, tưởng qua đi như bao cuộc gặp gỡ tình cờ và qua đường khác. Tôi mặc dù chú ý hơn mức bình thường cái con người có dáng vẻ và lời ăn tiếng nói “lập dị” ấy. Nhưng rồi chúng tôi đường ai nấy đi. Tôi tiếp tục trốn lính ở Đà Lạt. Hà Huy Đỉnh trở lại Sài Gòn với cuộc ta bà của anh.
Đầu tháng 8/1967 tôi bị bắt. Thông thường những ai trốn lính bị bắt đều bị đưa ra tòa án quân sự để chịu phạt tù, sau đó bị đưa đi làm lao công đào binh ở các đơn vị đang hành quân trong các vùng hỏa tuyến. Lúc bấy giờ báo chí Sài Gòn rộ lên phong trào tố cáo hai ông Thiệu – Kỳ (liên danh ứng cử tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới) bao che cho nhiều con ông cháu cha trốn lính. Để giải tỏa dư luận, Nguyễn Văn Thiệu nhân danh chủ tịch Hội đồng lãnh đạo quốc gia ký quyết định khoan hồng cho những ai trốn lính tự động ra trình diện sẽ được vào quân trường Thủ Đức để thụ huấn khóa 27 sĩ quan trừ bị.
Tôi bị bắt đúng vào thời điểm đó nên cũng được hưởng chung lệnh khoan hồng của ông Thiệu. Do vậy quân trấn Đà Lạt chở tôi vào Thủ Đức để trở thành sinh viên sĩ quan. Ở quân trường Thủ Đức, vào những ngày chủ nhật các sinh viên sĩ quan được hưởng chế độ thăm nuôi của thân nhân (cha mẹ, anh em, bạn bè, vợ hoặc bồ bịch), hoặc đi phép. Nhưng các sinh viên ở miền Trung như tôi chẳng có ai thăm viếng, nhà ở xa nên thật là buồn, trống trải và thiếu thốn đủ thứ. Vậy đó mà có một ngày chủ nhật loa phóng thanh gọi tên tôi ra khu tiếp tân. Tôi ra thì gặp Hà Huy Đỉnh.
Tôi ngỡ ngàng, Hà Huy Đỉnh thì vui mừng như gặp lại người bạn thân đã thất lạc lâu ngày. Đỉnh nói là anh đã trở lại Đà Lạt, nghe Nguyễn Cảnh Công bảo tôi đã bị bắt vào Thủ Đức và nhờ Đỉnh đi thăm tôi. Tôi hỏi làm sao ông tìm được tôi trong khi tôi chưa thông báo cho bất cứ ai số quân và địa chỉ đơn vị (KBC – khu bưu chính) tôi đang thụ huấn. Quân trường hiện đang có đến 4000 sinh viên của hai khóa 26 và 27. Đỉnh nói:
“Tìm ông không khó. Có phải ông ở chung đại đội với đám ‘con ông cháu cha’ được Nguyễn Văn Thiệu ký quyết định khoan hồng? Trong bọn ‘con ông cháu cha’ ấy có mấy đứa là bạn tôi, Võ Long Triều là một. Võ Long Triều đã từng là bộ trưởng trong nội các chiến tranh của Nguyễn Cao Kỳ khi Nguyễn Văn Thiệu còn là Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương. Nội các chiến tranh giải tán, một loạt bộ trưởng, thứ trưởng, đổng lý, tổng giám đốc và vây cánh bị cho ra rìa hay tự động rút lui vì mâu thuẫn quyền lợi hay bất đồng chính kiến. Còn giữ ‘trọng trách’ là còn hoãn dịch. Hết ‘trọng trách’ phải vào quân trường, luật lệ Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ là như thế. Đám ‘con ông cháu cha’ hô hào chống Cộng mà không muốn ra chiến trường, đến tuổi động viên tìm cách trốn lính”.
Đỉnh nói tiếp: “Ông cũng trốn lính nên bị bắt. Tôi cũng trốn lính nên làm ‘ông đạo’. Ở miền Nam ít ra cũng có đến bảy tám chục phần trăm thanh niên không muốn chết vì cuộc chiến tranh phi lý này. Quân đội mà tập hợp toàn những người cầm súng bất đắc dĩ như thế này rồi sẽ ra sao?”
Lời nói và thái độ của Hà Huy Đỉnh lần thứ hai gặp tôi tại khu tiếp tân của quân trường Thủ Đức hoàn toàn khác với lần đầu chúng tôi gặp nhau trên Đà Lạt chưa đầy 10 tháng trước. Lần này trước mặt tôi là một Hà Huy Đỉnh khác, mặc dù râu tóc, y phục và giọng nói (âm sắc) không thay đổi. Không còn bông đùa, giễu cợt và coi trời bằng vung. Hà Huy Đỉnh trở nên nghiêm chỉnh và có vẻ buồn. Hà Huy Đỉnh ân cần dặn tôi như một người bạn thân thiết: “Ông ráng chịu đựng, cố gắng biến cái hoạn nạn thành cơ hội rèn luyện cơ thể. Tôi sẽ vào thăm ông. Khi nào có phép ông ra nhà tôi số (…) Trần Bình Trọng”.
Như đã hứa, Đỉnh còn vào Thủ Đức thăm tôi mấy lần. Sau giai đoạn huấn nhục, được đi phép vào các ngày chủ nhật, tôi về Sài Gòn ở chơi với Đỉnh mấy lần. Ngồi sau xe lambretta do Đỉnh lái đi đó đi đây trong cái thành phố không còn ổn định và thật sự rối loạn trước và sau Tết Mậu Thân. Thỉnh thoảng nghe Đỉnh nói kể về thân thế và tâm sự trên cái chuồng bồ câu tối tăm của anh trong một con hẻm khá lớn song song với đường Trần Bình Trọng:
Hà Huy Đỉnh gốc người Hà Tĩnh, cháu kêu Hà Huy Tập bằng bác (hay chú) ruột. Cha Đỉnh không hoạt động cách mạng, không tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhưng bị Tây bắt (vì là anh em của Hà Huy Tập nên bị tình nghi). Sau khi ra tù, ông đưa gia đình (mẹ và các anh chị của Đỉnh) vào Nam Kỳ làm ăn sinh sống. Cuộc chuyển cư thành công, gia đình trở nên khá giả. Đỉnh sinh tại Sài Gòn năm ba lăm hay ba sáu gì đó. Thế chiến II kết thúc, cách mạng tháng Tám nổ ra, Tây quay trở lại, ông tham gia kháng chiến, nghe nói chết vì bệnh ở bưng biền. Đỉnh còn có một người anh hay chị gì đó đi kháng chiến và hy sinh trong chiến tranh. Mẹ Đỉnh ở lại thành, không hoạt động Cộng sản, cũng không làm ăn gì, gia đình sa sút, theo đạo Phật, nuôi chị em Đỉnh ăn học (Đỉnh còn có một bà chị, và một ông anh), bảo vệ hai hạt giống họ Hà.
Hà Huy Đỉnh học trung học Pétrus Ký (Trương Vĩnh Ký), đại học sư phạm Sài Gòn, môn sử địa. Năm 1961, trước khi làm lễ tốt nghiệp, Đỉnh “được mời” tới tổng nha cảnh sát. Cảnh sát nói với Đỉnh: “Chúng tôi biết anh là con cháu gia đình họ Hà, một gia đình Cộng sản gộc. Anh mà về dạy ở tỉnh thế nào Cộng sản cũng móc nối, như thế là nguy hiểm. Chúng tôi muốn anh ‘cộng tác’ để được bổ nhiệm ở Sài Gòn…”.
Đỉnh từ chối lời đề nghị làm mật vụ của cảnh sát, nhận bằng tốt nghiệp nhưng không nhận sứ vụ lệnh của bộ giáo dục để đi làm giáo sư ở một trường tỉnh nào đó. Đỉnh ghi tên theo học các chương trình cử nhân Anh văn, Pháp văn tại đại học Văn khoa, cử nhân luật tại đại học Luật khoa. Nói tiếng Anh, tiếng Pháp thông thạo, hiểu biết căn bản văn hóa, văn chương Anh, Mỹ, Pháp, hiểu biết căn bản luật học, kinh tế chính trị học, say mê học thuyết Rousseau, giao tiếp rộng rãi, tự tin và chững chạc với các ký giả phương Tây, quen biết nhiều các giới doanh nhân, các giới chức công quyền, nhưng không chịu ràng buộc với bất cứ cơ quan nghiệp vụ nào.
Không công chức. Không tư chức. Không đảng phái. Không hội đoàn. Không bồ bịch vợ con, chỉ có bạn bè để đi đó đi đây rong chơi tiêu dao ngày tháng. Hà Huy Đỉnh đích thực là kẻ lãng du nổi tiếng khắp các đường phố Sài Gòn. Cảnh sát công lộ, quân cảnh, nhân viên bưu điện và có lẽ cả mật vụ đều quen mặt “Đỉnh Râu”. Không phải là giai thoại: Một người bạn định cư ở nước ngoài nhớ Đỉnh, viết thư mà quên số nhà, trên phong bì ông ta chỉ đề: Gởi Ông Đỉnh Râu ở đường Trần Bình Trọng. Thư tới.
Cuộc sống của Đỉnh kích thích óc tò mò của tôi. Nhiều lần, tôi hỏi, Đỉnh trả lời tùy hứng. Tôi ghi lại theo ký ức, cảm nhận và cả suy đoán: Năm 1961, khi ở Tổng nha cảnh sát về, Đỉnh lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng: mất ngủ, bất an, cảm thấy bị nghi ngờ, theo dõi và lo sợ bị ám hại. Đỉnh không muốn làm gì cả và quyết định sẽ không làm gì (làm gì ở đây là chuyện nghề nghiệp). Đỉnh ghi tên theo học Anh văn, Pháp văn, và luật cốt để thỏa mãn óc tò mò, giải trí, lấp khoảng trống và có thêm bạn bè.
Học chăm chỉ nhưng thi cử thì gặp hay chăng chớ, có bằng hay không có bằng cũng chẳng để làm gì. Vì “làm gì”, Đỉnh nghĩ, cũng có con mắt soi mói và kế hoạch nham hiểm ác độc của bọn công an mật vụ. Nhóm từ “không làm gì” ở đây bao gồm: quan chức nhà nước, thương nhân, chủ công ty xí nghiệp… nghĩa là những chức vụ thuộc phạm vi công quyền hoặc những việc tư nhân có qui mô to lớn khiến chính quyền lưu ý và đòi hỏi cá nhân có kế hoạch lâu dài.
Vậy thì lấy gì tự cung các nhu cầu cấp thiết của bản thân? Hà Huy Đỉnh nhận dạy tiếng Anh, tiếng Pháp cho con em các gia đình thân quen, dạy tiếng Việt và tư vấn những vấn đề địa phương cho các phóng viên ký giả ngoại quốc, thiết lập hồ sơ thành lập công ty và lên kế hoạch kinh doanh cho các doanh nhân tập tểnh vào nghề. Nói chung: những công việc không bị bó buộc nhiều để “bảo lưu một chút tự do” và để giảm nhẹ sự “theo dõi kèm kẹp” của công an mật vụ, và cũng để “trốn lính”, Hà Huy Đỉnh còn đóng vai “ông đạo”.
Cha đi kháng chiến, mẹ Đỉnh đi về hướng cửa Phật. Từ nhỏ thỉnh thoảng Đỉnh cũng theo mẹ lên chùa. Mẹ qua đời, Đỉnh gởi tro cốt, lư hương, bài vị của mẹ ở chùa (sau 1975, Đỉnh tìm được hài cốt của cha và anh (hay chị) đem thiêu, tro cốt, lư hương, bài vị cũng gởi ở chùa). Ngôi chùa Đỉnh hay lui tới để thăm viếng và kỵ giỗ cha mẹ có tên là Giác Viên – một ngôi “chùa Huế” tọa lạc tại một địa điểm nào đó ở quận Tân Bình (?). (Tôi đã theo Đỉnh tới đó trong một lần kỵ). Đỉnh thích chùa, hâm mộ Phật pháp, nhưng không chịu được giới luật tu hành. Phật giáo đã lần hồi giúp anh vượt qua cơn khủng hoảng. Lần hồi anh giảm bớt lo âu, nghi kỵ và định kiến.
Hồi còn ở trường trung học, Đỉnh say mê học thuyết Tự do – Bình đẳng và chế độ Cộng hòa theo học thuyết của hai triết gia hàng đầu của thế kỷ ánh sáng là Montesquieu và J.J Rousseau, say mê cách mạng Pháp (1789), thần tượng Robespièrre. Nhưng từ sau khi đi chùa, lần hồi tiếp xúc với các sư tăng, thấm thấu bầu không khí tĩnh lặng của thiền môn, nghiền ngẫm Phật pháp, Hà Huy Đỉnh nhận ra rằng: cuộc cách mạng do Montesquieu, J.J Rousseau gợi mở và hô hào thực hiện: một số ý tưởng và biện pháp tiến hành (như ý chí thu tóm quyền lực) trong đó không phù hợp với bản chất “con người – phật tử ” nơi anh.
Bởi cách mạng theo những gì anh biết từ cách mạng Pháp năm 1789 (và cả các cuộc cách mạng Cộng sản ở Nga, ở Tàu, ở Việt Nam…, trong thế kỷ 20) là bạo động, là đổ máu, là bất nhân tàn bạo, mà kết quả chỉ thay người cầm quyền chứ không thay đổi bản chất của quyền lực là tham lam vô độ và bạo động không giới hạn, là cướp bóc, bắn giết và nô lệ con người. Lần hồi Hà Huy Đỉnh vùi dần học thuyết của hai ông Montesquieu, J. J Rousseau vào sâu trong tâm thức. Anh qui y Phật pháp, thực hành cuộc đấu tranh (với bản thân mình là chính) để chuyển hóa lo âu, sợ hãi và nghi kỵ, quen dần cuộc sống giản đơn dung dị, tiếp tục rong chơi ngoài vòng cương tỏa. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 1961 do đó mà tiêu tan dần.
(Còn tiếp)