Chúng ta sẽ bảo vệ con cái bằng cách nào?

Nguyễn Đạt An

11-8-2019

Dù vô cùng phẫn nộ và đau buồn, tôi sẽ không đăng hình của cháu bé bị bỏ quên và phải chịu chết khô trên xe bus đưa đón học sinh ở Hà Nội vì thói tắc trách, sự nhẫn tâm và lòng tham trong kinh doanh của nhà trường Gateway. Hay tôi cũng sẽ không đăng hình nỗi đau đớn và những giọt nước mắt của bố mẹ và gia đình cháu.

Tôi chỉ đăng hình một em bé ngồi trên chiếc thuyền giữa một lòng hồ cạn kiệt nước với ánh mắt buồn vô hạn.

Đứa bé ngồi trên chiếc thuyền giữa một lòng hồ cạn nước. Photo Courtesy

Thật ra, chúng ta cũng đang bỏ rơi, bỏ quên thế hệ trẻ, con cháu chúng ta, trong một điều kiện nguy hiểm và kinh khủng tương tự, nhưng ở mức độ lớn hơn và toàn diện hơn.

Chẳng phải chúng cũng sẽ phải nhận lấy cái chết đau đớn và kinh khủng trong điều kiện hấp nóng, sốc nhiệt, lũ quét, đói kém, dịch bệnh, siêu bão, ô nhiễm… vì ngôi nhà duy nhất của chúng – là hành tinh Trái Đất – đang bị những người lớn như chúng ta tàn phá và hủy hoại?

Chẳng phải chúng ta cũng ham tiền, thích hưởng thụ, ích kỷ, xấu xa, chỉ biết nghĩ đến điều trước mắt mà không hề quan tâm và yêu thương gì chúng, khi giết chết tương lai của chúng bằng cách ủng hộ một nếp sống tiêu thụ, chiều theo bản năng động vật, bôi bẩn môi trường, gây sụp đổ hệ sinh thái sự sống của Đất Trời?

Cảm xúc thì bùng nổ bất chợt khi thấy một sự việc xảy ra gây cơn shock tâm lý. Chúng ta dễ dàng nổi cơn giận dữ, bức xúc, đòi hỏi công lý với một sự kiện diễn ra ngay lập tức trước mắt chúng ta, phản ứng tức thời về mặt tâm lý và cảm xúc. Đó là điều dễ hiểu của bộ não của con người, và đấy là điều tốt, như một cơ chế để bảo vệ sự sống của chúng ta.

Tuy nhiên, cảm xúc ấy, cơn giận dữ ấy, đòi hỏi công lý ấy cũng cần phải được phân tích dưới góc độ của lý trí để hiểu rằng, chính tất cả chúng ta đã cho phép điều đó xảy ra dưới một nền văn minh xã hội và kinh tế tiêu dùng, mà tất cả diễn ra vì đồng tiền tệ bạc.

Gateway là một dịch vụ giáo dục được quảng cáo là “đạt chuẩn quốc tế”, “chuyên nghiệp về giáo dục”, “truyền cảm hứng sáng tạo”, “giáo dục bền vững”… Khoan hãy nói đó là một cơ sở kinh doanh của “con ông cháu cha”, nhưng tôi bảo đảm rằng tất cả các bậc cha mẹ khi nghe và xem quảng cáo của những hình thức sản phẩm, dịch vụ tương tự ấy sẽ tin theo răm rắp.

Ví dụ như chúng ta tin “sữa Vinamilk sẽ tốt cho sức khỏe”, “gà rán Kentucky ngon, bổ, rẻ”, “Efferagal chữa dứt cơn đau ngay lập tức”, “Samsung Galaxy S9 chuẩn mực công nghệ mới”… Thậm chí có những quảng cáo liên quan đến vận động chính trị, đánh vào ý thức hệ và quan niệm cố hữu, mà các ứng cử viên tổng thống, lãnh đạo đảng phái sử dụng để kích động sự hận thù và lòng tham của con người, để rồi tiếp tục các chính sách gây hại cho môi trường sống. Và cuối cùng, chính guồng máy kinh tế tư bản hiện đại đã cuốn tất cả vào vòng quay của nó, khiến tất cả phải liên tục đòi hỏi “xăng dầu luôn có sẵn”, “hàng hóa phải rẻ đi”, “kinh tế luôn tăng trưởng”, và “ai cũng có xe hơi”… Và trên hết tất cả, là quảng cáo tột đỉnh của “ĐỒNG TIỀN LÀ TẤT CẢ”.

Mọi người đều điên cuồng phó mặc mọi sự trên đời cho TIỀN, tin rằng có TIỀN là có tất cả, lao vào kiếm tiền, rồi dùng tiền để giao phó con cái, cuộc sống, tính mạng và thậm chí tương lai của mọi thế hệ cho tiền, chẳng cần biết rằng và hiểu rằng, đằng sau một lon CocaCola, một hộp sữa uống liền, một bao nylon, một cái ống hút, một chuyến bay du lịch, một bộ ghế salon gỗ, chiếc điện thoại “thông minh”, ánh sáng thắp lên hoang phí nơi các trung tâm thương mại… là những đống rác khổng lồ, các nhà máy thủy điện xả lũ, khí thải công nghiệp gây hiệu ứng nhà kính, sự tuyệt chủng hàng loạt của mọi giống loài.

Và tất cả lao đi như không có điểm dừng, không giới hạn vì thói quen, lòng tham và sự vô ý thức của một xã hội yêu thích thứ phù phiếm và không phân biệt được điều tối quan trọng cho sự sống con người. Người ta không ăn được TIỀN, không uống được XĂNG DẦU.

Tôi cũng muốn đăng hình xác chết những em bé bị vùi lấp dưới đống bùn lầy do các cơn bão lũ gây ra. Tôi cũng muốn đăng hình giọt nước mắt, ánh mắt phẫn nộ, nỗi buồn khổ của gia đình các em khi ôm xác con cái mình trên tay. Nhưng không. Tôi không đăng những hình ảnh ấy trên đây, vì thật ra, trong tương lai gần, chính con cái chúng ta và cả chúng ta cũng cùng chung một số phận như vậy, khi ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU xảy ra. Chẳng ai thoát được cả. Và tất cả đều đã quá trễ.

Cú shock tâm lý khi sự việc xảy đến là phản ứng hiển nhiên. Điều quan trọng chính là, nhận ra và ngăn chặn trước khi nó đến. Nhưng cơ chế của bộ não con người không thực sự cho phép chúng ta chuẩn bị và hành động trái ngược với thói thường, với những điều mông lung xảy ra ở nơi xa xôi kiểu như “biến đổi khí hậu”, “đại tuyệt chủng”, “băng tan”, “khí methane”, “phá rừng”… vì chúng ta đang bị thói quen, cảm xúc, sự ngu muội, tranh chấp chính trị, lòng tham, khuynh hướng đám đông lôi kéo. Và vì thế, tôi nghĩ rằng, rồi thì chúng ta cũng sẽ quen dần đi với những hình ảnh bi thảm và tàn khốc của các cái chết như thế, vì lẽ mọi người vẫn sẽ quay ra kinh doanh, làm việc, ăn uống, mua sắm, vui chơi… sau một khoảng thời gian ngắn của “phản ứng tâm lý”. Chẳng có gì thay đổi. Chẳng có gì khác xảy ra.

Trong một hệ thống như thế, chúng ta không cách nào để bảo vệ được con cái chúng ta đâu. Và đấy là bi kịch của một giống loài tự xưng mình là Homo Sapiens.

Ghi chú: Tựa đề bài viết do Tiếng Dân đặt

Bình Luận từ Facebook