Làm báo không dễ

Báo chí sạch

Trung Bảo

11-8-2019

Không phải dễ mà làm báo, trở thành nhà báo và để thành danh trong nghề thì càng trần ai lai khổ. Nhiều người cứ hay bĩu môi cười khẩy khi nói về nghề báo và nhà báo, nhưng thật ra những thứ họ thường và thích đọc đâu có phải là báo chí. Cũng chẳng phải lỗi tại người đọc, lỗi ở chỗ chúng ta hoàn toàn không có một nền báo chí đúng nghĩa. Độc lập – Trung lập – Tự lập.

Không muốn nhắc nhưng sự việc liên quan đến chuyện gia đình của một cô giáo ở Bình Thuận xứng đáng trở thành một ví dụ để thảo luận nghề nghiệp với những ai, bất hạnh thay, muốn chọn nghề báo.

“Sau 6 ngày, sau khi quẳng hết lên trang báo, báo chí dường như đang bỏ ngỏ việc xác định đúng – sai. Đó là con đường tiếp cận với việc tự sát hơn là mưu sinh”, Cựu Phó Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ – nhà báo Trương Quang Vĩnh viết trên facebook của mình.

Nghề báo ngày nay đã thay đổi rất lớn so với nghề báo của thời giáo sư John Hohenberg (Mỹ), người viết cuốn cẩm nang KÝ GIẢ CHUYÊN NGHIỆP, được nhà xuất bản Hiện Đại (Sài Gòn) phát hành vào những năm 1960 với bản dịch của Lê Thái Bằng và Lê Đình Điểu. Dù thay đổi thế nào với internet, multimedia, new media… hãy đọc những dòng sau đây trong cuốn sách mà thế hệ tôi khi bước vào nghề báo thường được những nhà báo kỳ cựu của Sài Gòn khuyên tìm mua trong các tiệm sách cũ.

Giáo sư J. Hohenberg viết: “Không có gì lạ khi ký giả có khả năng và lương tâm thường có khuynh hướng đòi hỏi những giá trị hẳn hoi và đức tính thận trọng trong công việc nhiều hơn những người hành nghề khác”.

Một cái tên vô cùng nổi tiếng của báo chí thế giới là Joseph Pulitzer lại định nghĩa về nghề nghiệp như sau: “Một ký giả là một người canh chừng trên chiếc cầu của con thuyền nhà nước. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi ở chân trời khi thời tiết tốt. Anh tường thuật những gì đang nổi lềnh bềnh mà chiếc tàu có thể cứu vớt được. Anh xuất hiện qua sương mù và bão tố để dẫn đầu trong việc báo trước những hiểm nguy. Anh không nghĩ đến tiền lương của anh hoặc đến số lời của ông chủ anh. Anh ở đó để coi chừng an ninh và hạnh phúc của nhân dân tín nhiệm ở nơi anh”. Ông viết điều này vào năm 1904, cách nền báo chí cách mạng Việt Nam 115 năm.

Báo chí cho dù đổi thay về công nghệ, phương pháp phát hành hay loại hình chuyển tải… thì không ai có thể phủ nhận hay thay đổi được những điều cốt lõi mà các nhà báo tiền bối đúc rút ở trên. Nếu khác đi, đó không phải là nghề báo.

Làm báo có dễ không? Làm báo là một công việc cực nhọc và đòi hỏi một trình độ lẫn lương tâm nhất định. Không thể có chuyện một kẻ mới hôm qua còn là du đãng đánh người bằng nắm đấm hay lưu manh trấn lột tiền bằng con chữ mà thoắt trở thành nhà báo chỉ trong sớm hôm.

Bạn có thể giải thích cho con bạn về một nghề nghiệp với công việc cụ thể nhưng bạn sẽ khó hơn nếu nó hỏi: “nhà báo làm việc gì?” Nếu coi thông tin là một món hàng và người đọc là người mua thì nhà báo là kẻ “chế tác”. Không thể nhặt thông tin thô đem về và để vậy đưa lên mặt báo. Nó đòi hỏi được “mài giũa” bằng các kỹ năng và nguyên tắc nghề nghiệp để trở thành một “món hàng” tinh xảo. Thậm chí, cho đến lúc đó có nên “bán” món hàng ấy không còn phụ thuộc vào lương tâm hoặc trách nhiệm xã hội của người ký giả.

Những tin tức đi ngược đạo đức hay tội ác quá rùng rợn phải được cân nhắc thật kỹ càng trước khi đưa đến với công chúng. Bản tin về chuyện gia đình của cô giáo ở Bình Thuận hay người cha giết con ruột để sống với nhân tình ở Đà Nẵng là những ví dụ như vậy.

Hai năm trước, trong loạt bài về vụ việc công ty Oglivy VN kết hợp với các báo để dìm chết nước mắm truyền thống, tôi đã bỏ đi một bài cuối cùng không công bố. Bởi, nếu công bố những thông tin đó thì có thể đâu đó những người đã âm thầm chuyển thông tin đến cho tôi sẽ gặp rắc rối. Đó không hề là một ví dụ cho vấn đề đạo đức, đó là một ví dụ đối với việc nhà báo phải biết chọn lựa nên công bố cái gì và giữ lại điều gì.

Nghề báo ở Việt Nam đang tự rẻ rúng chính mình bằng việc chạy đua theo lượng view và trả cho người làm một mức thù lao rẻ mạt. Không có người làm báo nào dám vỗ ngực tự hào mình sống được bằng đồng lương và nhuận bút, như nó lẽ ra phải vậy. Đôi khi nhìn một nhà báo mà mình quý mến lại bẻ cong ngòi bút trong một số vấn đề, chỉ thấy xót xa cho nghề nghiệp.

Các bạn vẫn thường chửi rủa nhà báo, thôi tạm bỏ qua chuyện nhiều bạn không phân biệt nổi đâu là một bài báo, hãy nhớ rằng các bạn đang đọc gần như miễn phí mọi công sức của chúng tôi. Các bạn muốn phải có những tác phẩm báo chí kinh thiên động địa nhưng các bạn không muốn trả tiền cho điều đó.

Nghề nghiệp nào tiên quyết cũng phải nuôi sống nổi người làm. Nhưng, nghề báo không đơn giản “chỉ là nghề kiếm cơm” như cách nhiều viên chức báo chí tâm sự. Nghề báo thật sự luôn luôn lấp lánh tinh thần hiệp sĩ của những người muốn tiến lên phía trước, giành lấy ngọn đuốc để canh gác, để hướng dẫn cho xã hội vượt qua đám mây mù mờ mịt của thời cuộc. Như vậy cũng chưa đủ, nhà báo cần phải được trang bị những kỹ năng làm việc hết sức chuyên môn và một lượng kiến thức rộng lớn.

Nghề báo không hề dễ làm và cũng không hề thấp kém như nhiều kẻ đang cố vấy bẩn nó, hoặc những kẻ cười cợt khinh khi nó.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Nghĩ về nhà báo

    Làm nhà báo xem ra cũng khó
    Phải biết khi nói có nói không
    Làm ra kiên định lập trường
    Giống như loài tắc kè bông mới là

    Vào làng báo lén qua cửa nhỏ
    Bao nhiêu điều phải bỏ bên ngoài
    Phải bản lãnh, phải có tài
    Ứng phó trên dưới, liệu bài lo toan

    Bọn có tật phải lo nắm thóp
    Họ cam tâm đóng góp cho ta
    Với độc giả, ráng làm ra
    Ngòi bút trung thực, chính tà phân minh

    Nghề nào cũng có vịnh có nhục
    Cũng có người cương trực, nhố nhăng
    Thế tịnh cử như hiếu bằng (1)
    Người trong làng báo chẳng vàng thì thau

    (1) Thơ Khuất Nguyên, Ly Tao, câu 141,142
    Thế tịnh cử như hiếu bằng hề
    Phù hà quynh độc nhi bất dư thính ?

    Nhượng Tống dịch:
    Đời đều bè đảng gian tà
    Một mình ta nói, nói mà ai nghe

    12.8.2019
    Cử Hai

  2. Học tập nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh

    https://www.qdnd.vn/50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh/hoc-tap-nha-bao-cach-mang-ho-chi-minh-576574

    Để có được những bài viết đó, Bác yêu cầu nhà báo phải “có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”

    “Dù đối tượng cụ thể đó là ai thì họ vẫn là nhân dân, là quần chúng cách mạng nên tính quần chúng là điều báo chí phải hết sức coi trọng. Bởi thế, trong các bài báo Bác viết, đều hết sức ngắn gọn, cô đọng, súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, không dài dòng, sáo rỗng. Tuy nhiên, ngắn gọn không có nghĩa là “cụt lủn” mà là “gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”, “chớ lạm dụng chữ”, “đánh đố quần chúng”, “sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”… Cách viết như vậy, là biểu hiện đặc trưng phong cách báo chí của Người, vừa đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa chứa chan tính quần chúng, vừa hừng hực tinh thần chiến đấu, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, đến nay vẫn còn nguyên giá trị”

    “Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng … nói riêng cần phải khẳng định mạnh mẽ hơn; phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội và là diễn đàn của nhân dân, góp phần định hướng dư luận xã hội, cầu nối “ý Đảng với lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

    Théc méc của tớ, Trung Bảo có xứng đáng là 1 nhà báo cách mạng noi gương nhà báo cách mạn Hồ Chí Minh không ? Bác Lăng Nhà không thiêng hay sao mà Trung Bảo toàn học triết lý làm báo của bọn tư bẩn không dzậy ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây