Cái chết của một nền giáo dục

Trung Bảo

7-8-2019

Cái tin cháu trai ở Hà Nội bị nhà trường bỏ quên trong xe đưa rước rồi chết, có làm ai trong chúng ta không cảm thấy đau đớn? Trẻ con ở xứ này có thể gặp những rủi ro rất dễ dàng, từ đứa nhỏ học trường quốc tế đến những đứa nhỏ ở các vùng quê nghèo.

Tôi vẫn nhớ như in nét mặt nhăn nhúm của hai anh em bị chết đuối được vớt lên trước mắt tôi mà chỉ ít giờ trước đó chúng vẫn tắm sông câu cá cùng, khi ấy tôi lớn hơn tuổi Rio bây giờ một chút. Đà Nẵng gần 30 năm trước chưa có con đường 2/9 với dãy nhà hàng sang trọng, đoạn đường này khi ấy là xưởng đóng tàu Sông Thu nơi chúng tôi thường trốn nhà mỗi trưa ra đó tắm sông hoặc câu cá.

Khi đứa em gái một thằng trong bọn câu cá, chừng 6 tuổi rơi xuống sông, chỗ rất sâu để hạ thuỷ tàu lớn, thằng anh trạc tuổi tôi khi ấy nhảy ngay xuống cứu em và chìm nghỉm không bao giờ ngoi lên nữa cùng em. Chúng tôi hoảng sợ, đứng trân người nhìn dòng nước, cuối cùng một đứa trong bọn la lên, tất cả la lên, chạy ra quán nước gần đó kêu cứu.

Vài tiếng sau, hai cái xác tím tái của hai anh em được vớt lên để nằm trên bàn bi da với gương mặt nhăn nhúm đau đớn vì ngạt. Tôi đứng đó, nhìn kỹ và đến giờ không quên được cái cảm giác trống trơn của mình, mới vài tiếng trước hai anh em vẫn ngồi câu cá với chúng tôi. Mãi sau này mới hiểu đó chính là sự bất lực của người không biết làm gì khi có chuyện khủng khiếp xảy ra. Chẳng ai dạy tôi phải làm gì. Cũng chẳng ai dạy các bạn trẻ của 30 năm sau cần phải làm gì nếu chẳng may mọi việc chệch khỏi lịch trình thông thường.

Có lần, tôi chở con trai đi học hơi trễ, cậu tự lên lớp còn tôi lái xe đi làm. Sáng đó lớp cậu có giờ học bơi và cả lớp đã xuống hồ bơi, cậu vào lớp không có ai và ngồi một mình ở đó cho tới khi cô giáo lớp bên cạnh nhìn thấy. Đến chiều, cậu kể tôi nghe, tôi giật mình và nghĩ đến trong chừng ấy thời gian dù trong môi trường an toàn đến mấy vẫn có thể có bất trắc.

Từ đó, tôi luôn nhắc nhở con trai mình các cách giữ liên lạc, cách tìm được nhau trong đám đông nếu bị lạc, nhớ số điện thoại và địa chỉ nhà, cách gọi taxi và tới đây sẽ là cách xài tiền. Ví dụ mỗi chiều đi biển, tôi luôn bắt cậu ghi nhớ vị trí tôi để túi xách trên bãi biển và dặn nếu chẳng may lạc ba thì tuyệt đối không được chạy đi tìm mà phải tìm đường quay lại chỗ để túi xách, ba sẽ ở đó đợi con.

Sự đau đớn dày vò chúng ta khi cứ phải đọc bản tin trẻ chết đuối, được gọi trại đi là “đuối nước”, trẻ đi ra đường bị bạo hành, và bây giờ là bị bỏ quên cho đến chết trên xe đưa đón. Những cái chết, những sự bạo hành thể xác hay tinh thần với những đứa trẻ có làm người lớn như chúng ta tự hỏi hằng ngày chúng ta đang để trẻ học điều gì không?

Học chữ nhiều như cái cách nền giáo dục thảm hại này nhồi nhét cho các đứa nhỏ để làm gì mà không dạy cho chúng nó những kỹ năng cần thiết như bơi, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, biết phản ứng khi bị bạo hành, biết kêu cứu khi bị rơi vào cảnh nguy hiểm. Thắng Thế Lê có hỏi sao không ai dạy đứa bé ấy cách nhấn còi khi bị bỏ quên trên xe là một ví dụ.

Cuộc sống thường chẳng bao giờ để lặp lại những tình huống giống nhau nhưng kỹ năng ứng biến thì phải được trang bị mỗi ngày và nhắc đi nhắc lại. Quên những thứ kiến thức vô bổ mà nhà trướng cố nhồi nhét vào đầu tụi nhỏ đi, ví dụ như “tốt nghiệp mẫu giáo” phải nhận diện được và biết yêu mến bác Hồ. Hãy tự mình đưa con đến các trung tâm hoạt động kỹ năng sống hoặc cho trẻ tham gia các chương trình hoạt động mà hay nhất là trở thành một Hướng Đạo sinh.

Từ rất lâu rồi, tôi đã không còn tin cái nền giáo dục này có thể dạy người ta trở thành một con người. Từ cái căn bản nhất là dạy con trẻ cách kêu cứu nền giáo dục này cũng thất bại. Thất bại thảm hại. Và chúng ta sẽ thảm hại hơn nữa nếu khoanh tay đứng nhìn.

Nền giáo dục này đã chết còn chúng ta cũng sẽ để con trẻ chết dần nếu cứ để nó nhào nặn chúng thành những cỗ máy chỉ biết học các thứ vô bổ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây