Hãy dạy học sinh thói quen biết tôn trọng, bằng cách tôn trọng các em

Nguyễn Thị Oanh

2-8-2019

Trên mạng đang có nhiều ý kiến trái chiều về vụ bắt các em học sinh tiểu học ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, phải tham dự lễ tri ân các liệt sĩ nhân ngày 27/7 tại nghĩa trang vào ban đêm. Chuyện về một buổi lễ… chẳng giống ai cả về thời gian lẫn địa điểm có lẽ sẽ bớt được chút nặng nề nếu như không có những bức ảnh kèm theo cho thấy các em học sinh phải ngồi bệt dưới đất, cạnh các bia mộ, trong khi đó người lớn lại ngồi trên ghế và trong rạp có mái che.

Nhớ trước đây tôi từng viết một status về giáo dục, nhân xem một bức ảnh buồn trong ngày khai trường. Đó là bức ảnh chụp các học sinh ngồi xổm trên sân trường lầy lội bùn đất còn các thầy cô và khách mời thì vô tư ngồi chỗ khô ráo trên cao. Bức ảnh ấy, với tôi, không chỉ buồn mà còn gợi lên cảm giác chua xót. Bởi nó cho thấy một sự thật là dù có hô hào bằng đủ mọi mỹ từ thì trẻ em ở đất nước chúng ta vẫn luôn phải… đứng sau người lớn về mọi mặt quyền lợi.

Và bữa nay thì bức ảnh các học sinh trong nghĩa trang ban đêm ở Hải Dương không chỉ là một minh chứng bổ sung thêm cho nhận định trên mà nó còn thể hiện rõ hơn những căn bệnh khó chữa của xã hội chúng ta.

Bức ảnh bắt các em học sinh ngồi bên mộ các liệt sĩ gây tranh cãi trên mạng mấy ngày qua. Ảnh: Facebook

Đầu tiên là căn bệnh hình thức. Bệnh này đã trở thành kinh niên, bởi nó là sản phẩm của một nền giáo dục thiếu thực chất mà nhiều thế hệ đã “được” thụ hưởng suốt bao thập niên qua. Đáng nói là chính thói quen giả dối và mị dân của giới lãnh đạo đã góp phần không nhỏ trong việc “gieo mầm” cho căn bệnh này lan rộng. Mỗi năm có bao nhiêu ngày kỷ niệm và lễ lạt các kiểu? Rồi sau những bài diễn văn sáo rỗng trong các dịp lễ lạt ấy, có bao nhiêu phần trăm còn đọng lại để biến thành những hành động cụ thể?

Đó còn là bệnh vô cảm và thiếu sự tôn trọng. Tiếc thay, đây lại là căn bệnh phổ biến ở phần đông quan chức và công chức của ta! Vô cảm nên mới xem chuyện người lớn ngồi trên cao để trẻ em ngồi dưới đất là chuyện bình thường. Vô cảm nên mới chẳng thèm để ý rằng việc bắt những đứa trẻ phải ra nghĩa trang dự lễ vào ban đêm là một điều bất bình thường, nếu không muốn nói là quái đản.

Tôi không biết cha mẹ các em nhỏ này có được xin phép chấp thuận cho con tham gia buổi lễ đó không? Hay đây là yêu cầu bắt buộc của nhà trường, theo “lệnh” từ chính quyền địa phương? Tuy nhiên, dù có là thế nào, tôi vẫn cảm thấy những đứa trẻ đó chẳng hề được tôn trọng, bởi người ta sử dụng các em cho một màn trình diễn tình cảm nhưng hình như lại không thèm đếm xỉa gì đến cảm xúc của các em!

Tôi cố thử phóng lớn những tấm ảnh nhiều lần để nhìn xem nét mặt các em thể hiện điều gì? Rõ ràng là chỉ thấy sự ngơ ngác hoặc nhẫn nhịn chịu đựng. Mà sao có thể khác được khi vào giờ đó các em lại phải ngồi trên nền đất lạnh nghe đọc diễn văn, hoặc “chịu trận” xem các tiết mục biểu diễn văn nghệ của người lớn?

Có một số ý kiến bảo rằng đừng cường điệu hoặc nghiêm trọng hoá vụ này, vì chút thời gian như thế để dạy cho trẻ em ngày nay về lòng biết ơn liệu có đáng gì so với hy sinh xương máu của những người đã ngã xuống cho đất nước. Tôi tin người Việt ai cũng hiểu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, và những hoạt động tri ân hay đền ơn đáp nghĩa thương binh liệt sĩ vẫn là những điều luôn được xã hội trân trọng. Nhưng hãy thể hiện lòng biết ơn bằng những hành động cụ thể, thiết thực quanh năm, chứ không phải bằng những buổi lễ chỉ diễn ra mỗi năm một lần trong ngày 27/7. Lại càng không phải theo cách “kinh dị” để làm tình, làm tội học sinh như vậy!

Nếu đến Canada vào dịp tháng 11, các bạn sẽ thấy hình ảnh những bông hoa poppy (anh túc) đỏ rực ở khắp mọi nơi. Đây là biểu tượng để tưởng nhớ đến các binh sĩ đã ngã xuống trong Thế chiến thứ nhất, xuất phát từ bài thơ nổi tiếng “In Flanders Fields” (Trên những cánh đồng Flanders) của Đại tá John McCrae. Thật ra, cùng với các nước trong khối Commonwealth, người Canada cũng chỉ có một ngày 11/11 hàng năm gọi là Ngày tưởng nhớ (Remembrance Day hoặc Poppy Day). Tuy nhiên, trong suốt tháng 11, ở khắp mọi nơi như các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, trường học, siêu thị và những địa điểm công cộng khác… người ta thường đặt những chiếc hộp đựng các bông poppy đỏ có ghim cài sẵn. Ai muốn thì cứ việc đến lấy một bông và bỏ các đồng xu (thường là đồng 2 CAD hoặc tuỳ ý) vào lại hộp.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều người Canada đủ mọi lứa tuổi lặng lẽ ghé lại những chiếc hộp nhỏ để lấy hoa cài lên ngực, và tự động bỏ tiền vào đó mà không cần ai phải hô hào kêu gọi hay nhắc nhở! Mỗi năm, Royal Canadian Legion (một tổ chức phi lợi nhuận của các cựu chiến binh Canada thành lập từ năm 1925) thu được hàng triệu đô la từ việc bán các bông poppy cài áo theo cách như vậy mà không cần phải tốn một xu chi phí bán hàng hay marketing.

Còn nhớ, lần đầu tiên đến thăm một trường tiểu học cũng ở Canada cách nay hơn 10 năm. Lần đó cả đoàn khách VN chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng và ấn tượng khi nhìn thấy một vài học sinh nhỏ đến trường trễ đang đi vội trên hành lang chợt dừng khựng lại như có phanh. Tất cả các em đứng thẳng người trong tư thế chào cờ, miệng hát nhẩm theo tiếng nhạc phát ra trên hệ thống loa công cộng. Hoá ra là vào đầu ngày, nhà trường luôn cử quốc ca để chào cờ. Nhưng cách thức là toàn thể học sinh, giáo viên và nhân viên ai đang ở đâu thì cứ ở đó khi nghe quốc ca cử lên. Miễn là khi ấy phải dừng công việc đang làm và đứng chào cờ với tác phong nghiêm túc, bất kể bên cạnh có người nào hay không!

Khi thấy các vị khách tỏ vẻ ngạc nhiên về cách chào cờ này, thầy hiệu trưởng giải thích: “Chúng tôi dạy cho học sinh việc biết tôn trọng quốc ca và quốc kỳ ở mọi nơi, mọi lúc. Không chỉ vào những dịp lễ mà bất cứ khi nào nghe thấy quốc ca cũng phải thể hiện thái độ trân trọng và nghiêm túc. Đó là văn hoá tối thiểu của một công dân!”.

Tôi nghe ông hiệu trưởng Canada nói mà nhớ tới những buổi lễ chào cờ hay sinh hoạt dưới cờ dài lê thê vào sáng thứ Hai đầu tuần, vốn vẫn được duy trì trong các trường công lập của ta từ thời thế hệ chúng tôi cho đến nay. Rồi lại tự hỏi: “Không biết cách nào dạy học sinh yêu nước hiệu quả hơn?”

Chừng nào không bỏ được bệnh hình thức thì nền giáo dục còn tiếp tục phù phiếm và vô định. Đào tạo ra mà không sử dụng được, hoặc “thừa thầy thiếu thợ”, hoặc chất lượng lao động quá thấp là vì thế!

Chừng nào không học được thói quen biết tôn trọng thì nền giáo dục còn tiếp tục vô cảm và thiếu nhân văn. Sản sinh ra một bộ máy công quyền không quan tâm tới lợi ích của đất nước và luôn coi rẻ nhân dân là vì thế!

Thật không may là trong thực trạng xã hội hiện nay, để giải quyết được hai mệnh đề trên, chúng ta lại lâm vào tình thế phải loanh quanh với câu đố kiểu kinh điển là “quả trứng có trước hay con gà có trước”. Bởi nền giáo dục kém đào tạo ra những con người kém (cả về năng lực và tính cách). Rồi những con người đó, nếu được trao quyền hành và trách nhiệm, lại có thể tiếp tục làm kìm hãm sự phát triển tiến bộ của xã hội nói chung và giáo dục nói riêng.

Vì vậy, những bức ảnh học sinh dự lễ ở nghĩa trang vào ban đêm, không chỉ đơn thuần là chuyện lạ lùng mà còn nói lên rất nhiều điều đáng phải suy nghĩ sau đó.

Thêm một số ảnh của tác giả Nguyễn Thị Oanh:

Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tẩy não, nhồi sọ từ lúc còn bé thơ. Đó là trò dơ bẩn, đê tiện muôn đời của cộng sản.

    Các em bé lớn lên nghĩ rằng mình đã được “rèn luyện” để nhớ ơn anh hùng liệt sĩ. Nếu không được thấy ánh sáng văn minh để nhận ra đó chỉ là trò bẩn thỉu của cộng sản dùng để tẩy não thì các em sẽ biến thành công cụ của nhà cầm quyền. Đó là điều mà bọn cầm quyền thối nát ở Hải Dương, Hà Tĩnh rất mong muốn.

  2. Vậy mà chúng vẫn kí kết công ước quốc tế về quyền và bảo vệ trẻ em, đúng là một lũ bịp bợm

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây