Môi trường bị tàn phá và biến đổi khí hậu gây ra bao hệ lụy

BTV Tiếng Dân

22-7-2019

Ô nhiễm môi trường

Người dân khắp nơi trên cả nước đang đối mặt với vấn nạn ô nhiễm nặng nề. Rác thải không được xử lý tới nơi tới chốn, đã và đang gây ra ô nhiễm khắp nơi, từ ô nhiễm không khí, đến ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm đang gây ra nhiều bệnh tật cho dân, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của đất nước, bởi tiền làm ra phải dành phần lớn để chữa trị bệnh tật sinh ra do ô nhiễm.

VOV có đăng loạt ảnh: Bãi rác quá tải bốc mùi thối gây ô nhiễm ở Bình Thuận.

Bãi rác Bình Tú nằm cách khu dân cư thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành chưa đầy 1km. Ảnh: VOV
Ruồi xanh từ bãi rác bay xuống bu đầy cây cối, dây điện, vật dụng quanh nhà dân. Ảnh: VOV

Những hình ảnh này không chỉ là “đặc trưng” của một địa phương tỉnh Bình Thuận, mà có thể thấy hầu như khắp các địa phương, tại các thành phố lớn nhỏ trên cả nước, như ở Hậu Lộc – Thanh Hóa: Các xã ven biển ngập trong rác thải, hay ở Hà Tĩnh, rác thải bủa vây trường, ngập phố

Không chỉ trong đất liền, mà ngoài đảo, rác chất thành núi, lềnh bềnh đón khách trên nhiều đảo ngọc ở Việt Nam. Nếu tình trạng này kéo dài, không có hướng xử lý, thì một lúc nào đó, người dân trên cả nước sẽ ngập ngụa sống trong rác thải, rồi bệnh tật hoành hành, tuổi thọ trung bình của người dân sẽ giảm. Không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá, bất chấp nguy cơ bệnh tật và những hệ lụy mà người dân gánh chịu.

***

VTV có bài: Hà Nội chậm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô. Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường hiện đang gây ô nhiễm ở thủ đô nhưng vẫn chưa được di dời. “Nhiều hoạt động sản xuất như in ấn, giặt là và sử dụng kho bãi… diễn ra trên diện tích đất của công ty. Chưa nói đến mức độ ảnh hưởng về tiếng ồn, ô nhiễm khói, bụi, nước thải từ hoạt động sản xuất của các đơn vị này đang xả thẳng ra môi trường”.

Báo Thanh Niên có bài: ‘Quả bom ô nhiễm’ chờ chuyển công năng. Đó là Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ở Đồng Nai, lâu nay được ví như “quả bom” ô nhiễm môi trường. Chính phủ có chủ trương chuyển đổi công năng, bỏ KCN Biên Hòa 1, xây dựng thành khu đô thị, nhằm thay đổi diện mạo TP Biên Hòa. Mặc dù đã có chủ trương chuyển đổi công năng cách đây hơn 10 năm, nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.

Sở TNMT tỉnh Đồng Nai xác nhận, hiện có hơn 80 doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp này và xả thải hơn 9.000 m3 nước/ngày/đêm. Trong đó, chỉ có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, “số còn lại được các DN tự xử lý, rồi đổ trực tiếp ra sông Đồng Nai. Tình trạng này đã khiến nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của hàng triệu người dân”.

Biến đổi khí hậu

Trái đất càng ngày càng nóng lên. Mặc dù đang ở vào thời điểm 10 ngày cuối của tháng 7/2019, theo đúng mô hình thời tiết thông thường của Bắc Bán Cầu thì sắp vào mùa thu, vậy mà sóng nhiệt hoành hành khắp nước Mỹ: Nhiều thành phố phải mở nơi trú ẩn cho dân, theo VTC.

Bài báo cho biết, “từ lễ hội đến các cuộc đua ngựa, bóng chày, hàng loạt sự kiện bị hủy hoặc hoãn, do sóng nhiệt tại Mỹ. Thành phố New York phải ra chỉ thị các bước tránh làm căng thẳng hệ thống điện. Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ cho biết, đợt nắng nóng nguy hiểm đã khiến nhiệt độ tăng lên mức trên 32 độ C, độ ẩm cao, khiến cảm giác nóng hơn đáng kể”.

Nắng nóng thiêu đốt nước Mỹ, nướng chín bánh trên lưng ôtô, theo Zing. Để lột tả mức độ nguy hiểm của đợt nóng đang diễn ra, các nhân viên ở Cơ quan Thời tiết Quốc gia tại Omaha, bang Nebraska đã thử nướng bánh quy sau lưng một chiếc xe hơi trong bãi đậu xe, chỉ bằng nhiệt độ từ mặt trời.

“Họ đặt 4 chiếc bánh quy trên khay nướng và để phía sau xe hơi, dưới ánh nắng Mặt Trời. Sau 60 phút, chiếc khay đạt nhiệt độ gần 80 độ C trong khi mặt trên của bánh đạt nhiệt độ 67 độ C. Sau khoảng 8 giờ, mặt ngoài chiếc bánh đã chín tới mức được xem là có thể ăn được”.

Nhân viên ở Cơ quan Thời tiết Quốc gia tại Omaha, bang Nebraska nướng bánh quy trên lưng xe hơi bằng nhiệt nóng từ Mặt Trời. Nguồn: NYT/ Zing

Về tình hình VN, nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An dự báo: “Bắt đầu từ ngày 2/8/2019 cho đến ít nhất ngày 5/8/2019 (vì dự báo GFS chỉ mới giới hạn đến ngày này), toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, từ Nam Bộ, Trung Bộ đến Bắc Bộ sẽ đối mặt với một đợt khô hạn và nắng nóng mới”.

Lý do: Có hai vùng áp thấp đồng thời xuất hiện ở: “1. Phía Tây bán đảo Đông Dương, ảnh hưởng lên nền nhiệt của cả Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia, bán đảo Malaysia, và thậm chí là Singapore. 2. Phía Nam quần đảo Nhật Bản, kéo dài cả một khu vực bờ Đông Trung Quốc ra tận đảo Guam (Mỹ), bao trùm cả Đài Loan, miền Nam Trung Quốc, khu vực phía Bắc Philippines”.

Con người chỉ có một nơi trú ẩn duy nhất là trái đất, nếu không gìn giữ, một lúc nào đó loài người sẽ biến mất khỏi hành tinh này. Trái đất đã và đang bị hủy hoại từng ngày, từng giờ, càng ngày càng nóng lên. Rồi một ngày nào đó, những tảng băng ở Bắc Cực sẽ tan ra, nước biển dâng lên, sẽ nhấn chìm mọi thứ, bất kể những thành quả phát triển kinh tế tăng trưởng bao nhiêu.

_______

Mời đọc thêm: WMO: Trái đất vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sửNắng nóng gay gắt tại Mỹ, 150 triệu dân bị ảnh hưởng (VOV). – Mỹ cảnh báo người dân vì nhiệt độ “siêu nóng” (VNews). – Mỹ cảnh báo người dân những mối nguy hiểm khi nhiệt độ ‘siêu nóng’ (TTXVN).

Sóng nhiệt châu Âu thiêu đốt, nước Pháp chịu cái nóng kỷ lục 45,9 độ C (Zing). – Vùng cực Bắc lạnh lẽo nhất trên Trái Đất ghi nhận mức nhiệt kỷ lục (BNews). – Các thành phố lớn châu Á sẽ bị thời tiết “cực đoan chưa từng có” (TCGT). – Vì sao Đà Nẵng cắt tỉa hàng chục ngàn cây xanh giữa mùa nắng nóng? (Infonet).

Người dân Bình An, Kiên Giang đang ngày đêm đối mặt với ô nhiễm (BNews). – Sơn La yêu cầu xử lý nghiêm xưởng gia công cơ khí bị “tố” gây ô nhiễm (VOV). – Thanh Oai – Hà Nội: Dân kêu cứu vì xưởng mộc hoạt động gây ô nhiễm (TN&MT). – Chống ô nhiễm không khí: Thiếu dữ liệu nghiên cứu (CN&TN).

Bình Luận từ Facebook