Ngẫm về “Miễn tử kim bài”

Nguyễn Thái Nguyên

16-7-2019

Trong chuyến công tác tại Nghệ An từ 28-30/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã được bố trí nghỉ tại khách sạn Phương Đông, thành phố Vinh. Khách sạn này được tỉnh Ngệ An xây dựng vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước mang tên cúng cơm là Phương Đông. Sau này ông Lê Thanh Thản bỏ trên 60% vốn vào nâng cấp và mở rộng thành khách sạn cao cấp mang tên Mường Thanh Grand Phương Đông. Cũng từng có lão trượng băn khoăn, với tâm trạng đầy lo lắng cho lãnh đạo, nêu câu hỏi, “sao anh Trọng lại ở vào khách sạn của Mường Thanh làm gì nhỉ?”

Chuyện lãnh đạo đảng và nhà nước đi công tác địa phương, ăn nghỉ ở đâu là do các thư ký giúp việc, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ bàn với địa phương quyết định, bản thân lãnh đạo không cần biết những chuyện như thế. Vả lại ở Nghệ An, Mường Thanh không chỉ có một mà có đến 10 khách sạn, trong đó có một số cái đạt chuẩn lưu trú cho khách VIP, nên việc TBT ở Mường Thanh Grand Phương Đông là bình thường như nhiều vị lãnh đạo đảng và nhà nước đã từng đến Nghệ An và nghỉ ở khách sạn này. Tỉnh thì không mất gì lại được tiếng, Mường Thanh bỏ ra ít tiền mà giữ được “Tình xưa nghĩa cũ mặn nồng” với các vị lãnh đạo đảng nhà nước, thì không phải ai có tiền cũng làm được.

Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 19/11/2017: “Đã nhiều lần được Phương Đông đón tiếp chu đáo, tôi rất hài lòng. Cảm ơn Phương Đông và chúc các bạn ngày càng phát triển”. (Báo Kinh tế Đô thị ngày 20/2/2018). Hoặc như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 185 năm ngày thành lập tỉnh bắc Ninh ngày 12/02/2017 cũng được bố trí ở khách sạn Mường Thanh Luxury Bắc Ninh… Nhìn chung, chuỗi khách sạn của Mường Thanh rải ra hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, ngự ở những vị trí đẹp, đẳng cấp cao nên có duyên đón các đoàn khách cấp cao, hay nhận tài trợ ăn ở cho các sự kiện lớn cũng là lẽ thường.

Chuyện lưu trú của lãnh đạo ở khách sạn Mường Thanh tại các địa phương, tưởng chừng đã đi vào quên lãng như bao nhiêu đoàn công tác khác, thì bỗng chốc lại dấy lên những đồn đoán, dị nghị gây phiền lòng không chỉ cho các vị lãnh đạo sau khi Tập đoàn Mường Thanh và cá nhân ông Lê Thanh Thản bị Công an Hà Nội quyết định khởi tố. Trong số các sự việc được bàn thảo nhiều, thậm chí cả tranh cãi khá nặng lời trên mạng là “bài thơ” của TBT Nguyễn Phú Trọng (lúc đó ông chưa giữ thêm chức Chủ tịch nước) viết tặng Mường Thanh vào ngày 30 tháng 10 năm 2017, khi ông về làm việc với Nghệ An và ở tại khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông. Thật ra, gọi là “bài thơ” thì hơi quá bởi nó chỉ có 4 câu ghép vần thể lục bát: “Lần này lại đến Phương Đông/ Tình xưa nghĩa cũ mặn nồng Mường Thanh/ Cố lên các chị, các anh/ Quê hương vẫy gọi, sử xanh lưu truyền”.

Không có gì để bàn nhiều về nội dung hay giá trị nghệ thuật của bài thơ, nhưng “công lực” cực lớn của bài thơ lại xuất phát từ người đề tặng. Khi viết mấy câu thơ này, chắc TBT cũng chỉ xuất phát từ một cảm hứng như thế nào đó về kết quả kinh doanh được tô vẽ “tuyệt vời” của Tập đoàn Mường Thanh, do những người có quyền hạn trình lên TBT hay cảm nhận được tình cảm nhiệt tình chu đáo của đội ngũ nhân viên khách sạn mà tức cảnh sinh ra… thơ.

Tổng bí thư có lẽ không thể hình dung câu chuyện “hậu tặng thơ” khi người được ban tặng đã như một đại công thần hay Hoàng thân quốc thích xưa được vua ban cho ân sủng là… “Miễn tử Kim bài”, để đến nỗi cả một thời gian dài trước và sau khi được tặng thơ, “Mường Thanh sai phạm từ Bắc vào Nam” và “Hầu hết các sai phạm đó đều được hợp thức hóa” (Báo Tuổi trẻ). Ngay “Bách khoa toàn thư mở” (Wikipedia) cũng đã nhanh chóng dành một trang chuyên nói về “Vụ Mường Thanh”, liệt kê một danh mục khá dài về các sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh, thể hiện nội dung của “Vụ Mường Thanh”.

Mới đây, trên trang hoicodo.om, ngày 11/7/2019, có một bạn dư luận viên nào đó đặt bút danh Thanh Phong đã viết một bài dài tiêu đề: “Nực cười chuyện suy diễn từ thơ TBT Nguyễn Phú Trọng đề tặng tập đoàn Mường Thanh”. Tác giả Thanh Phong khẳng định: “Xung quanh một số cá nhân nói rằng việc đề thơ cho thấy mối quan hệ thân tình giữa ông Tổng Bí thư và tập đoàn này. Họ cũng đặt ra giả thuyết việc chậm trễ trong xử lý tập đoàn này có nguyên nhân từ việc này thì xin thưa, đó là ý nghĩ của những kẻ đang dựng chuyện thuyết âm mưu, dựng chuyện mà thôi…”. “Tổng Bí thư khen Mường Thanh khi mà họ đang được đánh giá tốt. Nghĩa là động cơ khen ở đây là sự tốt đẹp, đóng góp của tập đoàn này cho xã hội. Sự thân tình vì thế hoàn toàn không có chỗ đứng trong trường hợp này… Và vì thế, những suy luận kiểu như đó là nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng không dám xử lý đối với tập đoàn này chỉ là chuyện trời ơi, vô nghĩa lý…”. Và vân vân… Thôi thì bỏ qua văn chương chữ nghĩa của vị dư luận viên này, mà tìm hiểu nội dung ý tứ thì thấy các bài viết kiểu như của tác giả Thanh Phong chỉ thể hiện một thái độ coi thiên hạ như rơm như rác, toàn là âm mưu nói xấu lãnh đạo…

Vì thế mà phải nói cho rõ thêm vài ý, thực tế là thế nào đây? Vào thời điểm TBT tặng thơ thì các sai phạm của tập đoàn Mường Thanh đã được phơi bày ra nhiều lắm. Chỉ có thể những người giúp việc TBT, vì những lý do như thế nào đó mà giấu nhẹm không cho TBT biết chăng? Xin nêu vài dẫn chứng:

+ Ngày 10/7/2017 trên trang toquoc.vn, Đức Hoàng có bài viết khá dài với tiêu đề: “Từ bao giờ Mường Thanh được phép sai phạm?” Từ ngày 5/7, tại phiên trả lời chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội về những sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh, thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội đã nói: “Trên địa bàn Hà Nội có tới 12 dự án đã xây dựng và đưa vào sử dụng của Tập đoàn Mường Thanh có dấu hiệu trốn thuế và vi phạm các quy định tại điều 273 Bộ luật Hình sự… Bộ Công An cũng đã nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn vị này ở 21 tỉnh thành trên cả nước…” (Mọi người đều biết, một khi Thanh tra CP chuyển hồ sơ sang cho Công an thì không phải để… khen ngợi Mường Thanh “đang làm ăn tốt”!).

+ Trước đó, cũng trên trang mạng này, ngày 15/5/2017 có bài: “Mường Thanh vừa xây sai phép vừa bán căn hộ chui ở Đà Nẵng”.

+ Ngày 16/5 có bài “Vòi Bạch tuộc sai phạm của Mường Thanh sẽ dài đến đâu?”. Bài báo này còn đưa ra hướng dẫn: “Chỉ cần gõ từ khóa Mường Thanh xây trái phép trên Google thì trong vòng 0,54 giây sẽ cho 331.000 kết quả. Điều đó cho thấy sai phạm của Mường Thanh kéo dài và có hệ thống… trên khắp các tỉnh Bắc Trung Nam”.

+ Ngày 27/6/2017 có bài “Chủ tịch Đà Nẵng nghi ngờ việc hợp thức hóa sai phạm của Mường Thanh”.

Và hàng loạt bài viết khác trước tháng 10/2017 chứ không như quy kết cho “nhiều người dựng chuyện” trong bài viết của Thanh Phong. Không hiểu sao Thanh Phong quy cho những người khác “dựng chuyện” rồi nói bừa rằng “sự thân tình vì thế hoàn toàn không có chỗ đứng trong trường hợp này” một khi TBT đã viết rõ ràng “Tình xưa nghĩa cũ mặn nồng Mường Thanh”? Có ai “suy diễn” đâu mà phải “nực cười”? Nếu có chuyện suy diễn thì người đó chính là tác giả Thanh Phong thôi. “Thân” thì có làm sao mà phải chối, phải cãi? Thân không có nghĩa là khuyến khích, bao che cho kẻ được thân làm càn, bất chấp pháp luật. Bảo vệ lãnh đạo kiểu ấy thì quá là làm hại lãnh đạo rồi.

Vì sao Mường Thanh có thể liên tục sai phạm trong nhiều năm? Vì sao sai phạm không chỉ ở một địa phương mà diễn ra trên “toàn tuyến” Bắc Trung Nam? Vì sao sai phạm không được ngăn chặn, xử lý mà “hầu hết được hợp thức hóa”? Và nhiều câu hỏi vì sao chưa có lời giải khác. Nếu các cơ quan chức năng “không biết” thì có trời biết, đất biết, quỷ thần biết và ông Thản cùng những ai đó không thể không biết! Vậy chỉ Hà Nội khởi tố vụ án liệu có xử lý được sai phạm mang tính hệ thống này của Mường Thanh? Chắc Hà Nội và Bộ Công an cũng đã có sự cân nhắc về những vấn đề này, tôi không dám bàn sâu hơn vào những việc liên quan đến quá trình tố tụng mà xin quay lại với chủ đề ai đó đã nêu ra, “Miễn tử Kim bài” ( ).

***

Chuyện kể rằng, dù Bao Chửng (Bao Thanh Thiên hay Bao Công) được vua Tống ban cho “Thượng phương Bảo kiếm”, nhưng khi gặp phải kẻ tội phạm khét tiếng là Công tử thế gia Lỗ Trai Lang ở Quảng Đông có “Miễn tử Kim bài” Tổ truyền cho thì Bao Công cũng bất lực, dù tay công tử này phạm nhiều tội ác tày trời mà vẫn coi trời bằng vung!

Không thể không xử trí kẻ thủ ác này, nhưng nếu tấu lên Hoàng thượng thì chắc chắn Hoàng thượng sẽ không chuẩn tấu. Bao Công phải làm một việc phạm tội “khi quân” là lừa dối Hoàng thượng bằng cách trên bản tấu trình vụ án, ông viết tên phạm nhân là Ngư Tề Tức , chứ không viết là Lỗ Trai Lang . Đương nhiên là Hoàng thượng chuẩn tấu. Sau đó Bao Công chỉ cần thêm một vài nét đơn giản thì chuyển từ Ngư Tề Tức thành ra Lỗ Trai Lang và tay tội phạm khét tiếng này đã bị “Cẩu đầu trảm”.

Thật ra đây là truyền thuyết được đưa vào văn học nghệ thuật mà trực tiếp là môn “Tạp kịch” thời Tống, còn thực tế lịch sử thì vào thời Tống (960-1279) chưa hề có chuyện vua ban “Thượng phương bảo kiếm”, giao quyền “tiền trảm hậu tấu” cho một số đại thần. Phải đến triều vua Vạn Lịch, hiệu Thần Tông, 1575 thì mới có chuyện Hoàng đế ban “Thượng phương bảo kiếm” cho Ngự sử xuất tuần, ban cho người cầm giữ kiếm có quyền siêu đẳng, “như Trẫm đích thân tới”.

Trường hợp duy nhất được ghi chép lại, vua Tống có ban “Miễn tử Kim bài” cho hai tướng là Lý Trọng Tiến và Miêu Phó trong trường hợp tăng quyền dẹp loạn, trấn an quân nổi dậy ở địa phương để hai ông này mạnh tay hành xử ngoài luật mà không bị xử tội. Nhưng sau đó, hai người này phạm tôi mưu phản, người thì tự tử còn người bị xử chém nên “Miễn từ kim bài” cũng dẹp bỏ hoàn toàn. Phải đến triều Minh, cùng với Thượng phương bảo kiếm, Miễn tử kim bài mới xuất hiện trở lại (Công thần được cấp “Thiết khoán” và phong hiệu “Tứ đẳng”).

Sở dĩ chuyện Bao Công được giới văn nghệ sĩ viết và dựng thành kinh kịch nhiều và hấp dẫn như thế cũng có lý do của nó. Vào thời Tống, pháp luật còn được giữ nghiêm. Ví như chuyện Hứa vương Triệu Nguyên Hy giữ chức Phủ doãn Phủ Khai Phong vào thời Tống Thái Tông (976), một lần phạm phải sai lầm, bị quan Ngự sử vạch tội. Nguyên Hy bất bình tâu với Thái Tông: “Thần là con trai Thiên tử phạm phải sự cố lại bị thẩm vấn, mong được khoan thứ”. Vua Thái Tông nói với con: “Pháp chế lễ nghi triều đình như thế, ai dám làm trái? Trẫm nếu cho qua thì quần thần sẽ họp lại phê phán. Ngươi là Phủ doãn Phủ Khai Phong, làm sao lại có thể không tôn trọng pháp luật?”. Cuối cùng Hoàng tử Triệu Nguyên Hy vẫn bị xử phạt theo luật.

Thực tế thì Tống Thái Tông có một lần muốn che chở cho một người thân tín phạm pháp. Hầu Mạc Trần thường tự cho mình là người được vua Tống Thái Tông sủng ái nên sống phóng túng ngang ngược, không e sợ điều gì, kể cả giết người bừa bãi. Khi hắn bị triều thần vạch tội và bị khép vào tội chết, vua Thái Tông có ý che chở, nói: “Vua một nước mà lại không thể bao che cho một người ư?”. Biết là vậy, nhưng Tể tướng Triệu Phổ liền can: “Con sâu mọt khổng lồ này phạm tử tội hơn mười lần. Bệ hạ không chém, tức thì pháp luật trong thiên hạ bị loạn. Pháp mới đáng tiếc. Thằng nhãi ranh này sao đủ tiếc thay?”. Cuối cùng Thái Tông không thể không chuẩn tấu việc khép Hầu Mạc Trần vào tội chết.

Một khi pháp luật được thượng tôn, đến Hoàng đế không bao che được kẻ phạm tội là người thân tín, nói gì đến một tấm sắt khắc chữ “Miễn tử kim bài”? Một số triều đại phong kiến xưa, cả bên tàu lẫn bên ta đã từng có ý thức thượng tôn pháp luật như thế. Còn thời nay? Nhìn vào thực trạng “Pháp chế xã hội chủ nghĩa” mà không khỏi âu lo và chán nản. Nền tư pháp ấy đã được liên tục “cải cách” từ thời ông Trần Đức Lương đến ông Trương Tấn Sang mà càng cải cách càng thấy quá nhiều bất ổn, đang gây mất niềm tin và bất bình không nhỏ trong xã hội.

Tôi nghĩ dù Lê Thanh Thản (và nhiều kẻ khác nữa) có lợi dụng sự ân sủng của lãnh đạo mà làm càn, vi phạm pháp luật như nhiều tài liệu và báo chí đã vạch ra, nếu các cơ quan và quan chức có trách nhiệm, báo cáo đầy đủ với Tổng Bí thư về tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Mường Thanh, thì chắc rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không vị thân mà bao che cho ông Thản được. Nếu thế thì chẳng phải sẽ cháy luôn cả danh xưng “người đốt lò” mà ông từng tự nhận trong thời gian qua?

Bình Luận từ Facebook