Điểm sách: Việt Nam “Đổi mới”?! Hay: Treo đầu dê, bán thịt chó!

Âu Dương Thệ

14-7-2019

Các đời TBT Nguyễn Phú Trọng, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh. Photo Courtesy

Đây là tựa đề tập sách mới trên 700 trang vừa được phát hành trên toàn cầu theo dạng eBook của người viết. Đây cũng là kết quả nghiên cứu sau nhiều năm về chính sách gọi là “đổi mới” của chế độ toàn trị trải qua trên 30 năm, từ Đại hội 6 (1986) tới Đại hội 12 (2016) xuyên qua 5 đời Tổng bí thư, từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh tới Nguyễn Phú Trọng.

Sử dụng rất nhiều tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, người viết đã phân tích, giải thích và tổng hợp những câu hỏi quan trọng nhất. Xuyên qua 11 Chương, tập trung vào năm câu hỏi trung tâm và tìm giải đáp cho những câu hỏi này:

1. Tại sao phải đổi mới?

2. Đổi mới đã diễn ra như thế nào, có đổi mới thực không?

3. Hậu quả của những chủ trương và hành động này cho ĐCS như thế nào và đối với nhân dân và đất nước ra làm sao?

4. Viễn tượng cho ĐCS và đất nước như thế nào?

5. Làm sao để tương lai nằm trong tầm tay của dân tộc ta?

Những người cầm đầu chế độ toàn trị từ Nguyễn Văn Linh tới Nguyễn Phú Trọng từ 1986 tới nay đã chọn “Công thức Đổi mới” như thế nào? Bao gồm những yếu tố cơ bản nào và đã họ thực hiện từ những động cơ thầm kín nào?

Trong suốt trên 30 năm qua hai người cầm trịch chính trong chính trường ở VN là Đỗ MườiNguyễn Phú Trọng. Đây là hai nhân vật cực kì giáo điều bảo thủ, lạnh lùng và tàn bạo nhất, cả với nhân dân lẫn các đồng chí! Đỗ Mười[1] tuy chỉ làm Tổng bí thư hơn một nghiệm kì (1991-1997), nhưng sau đó vẫn tiếp tục đóng vai “Thái thượng hoàng” dùng quyền uy đứng đằng sau chỉ huy Lê Khả Phiêu (1997-2001) và nhất là Nông Đức Mạnh (2001-2011), mặc dầu ông đã bị bệnh tâm thần ngay từ thời thanh niên. Theo nhà văn Vũ Thư Hiên, cha ông từng là Bí thư của Hồ Chí Minh, nên hiểu rất rõ nội tình của triều đình đỏ, đã cho biết, Đỗ Mười đã bị “bệnh điên”[2]. Một người thiếu học và bệnh hoạn như thế, không đủ  khả năng và tư cách, nhưng lại chuyên quyền độc đoán trực tiếp và gián tiếp suốt nhiều thập niên, vì thế đã gây ra những tai hại vô lường cho nhân dân và đất nước!

Tiếp đó Nguyễn Phú Trọng lên nắm chức Tổng bí thư từ đầu năm 2011. Ông Trọng không chỉ là người tham nhũng quyền lực nhất. Suốt gần 10 năm Nguyễn Phú Trọng đã mở cuộc trường chinh dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm và tàn bạo đánh phá phe “Đồng chí X” Nguyễn Tấn Dũng và lạm dụng quyền lực để quyết ép các đồng liêu trong Bộ chính trị và Trung ương đảng để xếp cho mình vào “Trường hợp đặc biệt”, giành giữ ghế Tổng bí thư lần thứ hai, mặc dầu khi ấy đã 72 tuổi, vi phạm nghiêm trọng qui định trong Điều lệ đảng. Cho nên người ta đã gọi Nguyễn Phú Trọng là “Ông Đặc biệt”, ngoài cái tên quen thuộc là “Trọng Lú”. Thực ra ông Tổng-Chủ Trọng không lú lẫm về trí nhớ, nhưng lại rất cực kì lú lẫm trong tư duy, lú lẫm lẫn lộn về thời đại. Trong khi nhân loại đã chứng kiến tận mắt sự tan rã của Liên xô và các nước Cộng sản Đông Âu từ gần ba thập kỉ qua, chấm dứt thời đại coi chủ nghĩa Marx-Lenin là chiếc đũa thần; nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn ngoan cố ngang ngạnh hô lớn: Tinh thần Cách mạng Tháng Mười và những thành quả lịch sử cũng như những cống hiến to lớn của nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đối với loài người mãi mãi không bao giờ phai mờ, mãi mãi sẽ còn ghi đậm trong tâm trí của mọi người có lương tri trên toàn thế giới!”[3]

Ông tiếp tục dùng các thủ đoạn độc tài rất ranh ma, tàn bạo với dân và cả với nhiều đảng viên và ngay cả với các đồng chí trong Bộ chính trị. Vì thế ông đang cổ súy và tiếp nối cho sự dối trá, lường gạt trắng trợn để bảo vệ chế độ toàn trị cho cá nhân và bè cánh. Từ đấu tranh để VN “độc lập”, “tự do” qua lời thề của Hồ Chí Minh (1945), ngày nay hơn 70 năm sau, nhân dân VN đang bị chà đạp nhân quyền tàn bạo nhất trong lịch sử dân tộc và kể từ sau Hội nghị Thành Đô tại nhà khách “Kim Ngưu” (1990) VN đang trở thành con  “trâu vàng” kéo cày trả nợ cho âm mưu đế quốc mới của Bắc kinh với chủ trương “Thực hiện giấc mơ vĩ đại” Đại Hán của Tập Cận Bình!

Cũng chính vì thế qua thời gian dài cực kì độc quyền cai trị đất nước, những người đầy quyền lực, nắm tiền bạc, cướp đất đai và xây biệt điện từ trung ương tới địa phương đã tự chuyển biến, tự chuyển hóa, tha hóa đạo đức trở thành những phần tử tham nhũng, trục lợi, mọc lên các nhóm lợi ích chỉ biết lo các quyền lợi ích kỉ cho bản thân và phe nhóm. Đảng chỉ còn là một bình phong để cho các nhóm lợi ích thao túng! Từ cuối năm qua, do thói độc tài nên Nguyễn Phú Trọng còn thu vén thêm quyền lực, nắm thêm chức Chủ tịch nước, chà đạp cả nguyên tắc lãnh đạo tập thể theo “tập trung dân chủ” mà chính ông đã từng hô hoán là xương sống của cơ cấu tổ chức chế độ toàn trị! Vì thế từ chế độ toàn trị của một đảng đang biến thành chế độ độc tài của một cá nhân và phe nhóm. Từ tháng 4 đến nay tuy bị tai biến mạch máu não rất nặng, phải vắng mặt nhiều dịp quan trọng, nhưng ông vẫn lì lợm cố bám hai ghế Tổng-Chủ!

Nói tóm lại, trong suốt thời kì gọi là “đổi mới”, “từ thời Đỗ Mười, đặc biệt dưới thời Nguyễn Phú Trọng, hai TBT có tư duy và tâm lí của một nông dân (miền Bắc); nhìn đất nước và thế giới không thoát khỏi lũy tre làng, bảo thủ, trì trệ, ưa chuộng sĩ diện hão, thích tôn ti trật tự theo kiểu cũ, thỏa mãn với quá khứ, sợ những cái lạ. Bên trong thì nạt dân, bên ngoài vẫn coi Trung quốc như trung tâm của thiên hạ (thế giới), coi các nhà lãnh đạo Bắc kinh như thiên triều, nên chỉ biết giữ trung thành.

Về tính tình và thái độ cư xử, hai người này đóng vai Tổng bí thư giống hệt như một xã trưởng trong làng, hống hách, hách dịch, câu nệ; coi dân như con cháu trong nhà, chỉ thích được trọng vọng, không thích nghe lời chỉ trích, ai chống thì bị roi vọt, gông cùm. Vì thế họ chọn các cộng sự thân cận chỉ toàn những người giống như bọn trương tuần, cường hào ác bá đi bắt dân đóng thuế hành hạ dân như thời đầu Thế kỉ 20. Các trí thức và chuyên viên có suy nghĩ độc lập bị chèn ép, đàn áp, còn lại chỉ toàn những người khoa bảng và cầm bút chỉ biết nịnh hót![4]

***

Tập sách mới này là tiếp nối các công trình nghiên cứu của tác giả về chế độ toàn trị ở VN suốt gần nửa thế kỉ vừa qua. Trong đó bao gồm hai tập bằng tiếng Đức “Die Vietnampolitik der USA – Von der Johnson- zur Nixon-Kissinger Doktrin – Oder: Die Neuorientierung der amerikanischen Außenpolitik” (Chính sách VN của Hoa kì – từ học thuyết Johnson tới học thuyết Nixon-Kissinger. Hay: Sự thay đổi chính sách đối ngoại của Hoa kì), (1979, 541 trang). Tiếp đó là tập khảo cứu thứ hai “Die politische Entwicklung in Gesamtvietnam 1975 bis 1982: Anspruch und Wirklichkeit” (Tình hình phát triển chính trị trên toàn VN từ 1975-1982: Tham vọng và thực tế), (1987, 271 trang). Bên cạnh đó trong các thập niên qua tác giả nghiên cứu và phổ biến thường xuyên nhiều bài phân tích, bình luận và trả lời phỏng vấn thuộc nhiều lãnh vực khác nhau về tình hình VN và quốc tế, đặc biệt về nội tình ĐCSVN.

Tập sách này là người bạn đồng hành với:

* Những người nghiên cứu nghiêm túc, biết đặt tinh thần khoa học trên đảng phái.

* Những ai muốn quê hương VN thân yêu của chúng ta sớm tiến lên một xã hội có bộ mặt nhân ái, công bình, cùng chia sẻ những giá trị chung của nhân loại là dân chủ, tự do và nhân quyền…

Vì quê hương chúng ta còn quằn quại trong độc tài, đàn áp và tham nhũng. Nhiều người dân chủ, trong đó có cả phụ nữ và thanh niên, đang rất kiên tâm và can đảm đấu tranh bằng phương pháp phi bạo lực, nhưng vẫn bị đàn áp và giam cầm! Họ rất đáng được tin yêu và kính trọng, nhưng cũng cần được bảo vệ và đùm bọc!

Mỗi người chúng ta tùy hoàn cảnh đều có trách nhiệm góp phần tinh thần và vật chất để đưa VN sớm ra khỏi chế độ toàn trị, vươn lên đồng hành cùng với các dân tộc tiến bộ. Trong niềm tin yêu đó, tác giả không nhận thù lao từ tập sách này, dù đã bỏ nhiều năm tham khảo, nghiên cứu và phân tích. Sau khi trừ các phí tổn in ấn tối thiểu, tiền bán sách được góp vào một Quĩ Xây dựng Dân chủ cho Việt Nam.  Đây là đóng góp nhỏ vào công việc chung rất lớn và bức thiết cho đồng bào và quê hương!

Chân thành thân mời các nhân sĩ, những người nghiên cứu và những ai quan tâm tới hiện tình đất nước hãy đọc và phê bình góp ý kiến về Tập sách mới dạng eBook qua địa chỉ[5]: Việt Nam “Đổi mới”?! Hay: Treo đầu dê, bán thịt chó!

[1] . Đỗ Mười mất 1.10.18

[2] . Vũ Thư Hiên, trong Đêm giữa ban ngày

[3] . Nguyễn Phú Trọng diễn văn tại Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 –

   2017), ND 5.11.17

[4] . Trích từ Tập sách trên, tr. 676

[5] . Sách in gồm hai tập sẽ được phát hành sau

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây