Cải cách ở Nhật Bản cuối thế kỷ 19 và bản lĩnh của Mục đồng Hồng ngưu

Nguyễn Lương Hải Khôi

8-7-2019

Hai cuộc cải cách ở Nhật Bản cuối thế kỷ 19 và Bản lĩnh tinh thần của Mục đồng Hồng ngưu (Trẻ trâu Bò đỏ) ở Nhật Bản

1) Hai cuộc cải cách ở Nhật Bản cuối thế kỷ 19

Cuộc đổi mới đầu tiên là Mạc phủ ở Edo, khởi động từ 1852, mở cửa nền kinh tế cho phương tây vào giao thương, gửi cán bộ đi du học bên Tây, nhưng giữ nguyên thể chế chính trị, luật pháp, cấu trúc xã hội, giáo dục và tư tưởng.

“Đổi mới” của Việt Nam năm 1986 cách đây hơn 30 năm giống cuộc đổi mới này của Mạc phủ.

Đến 1868, các võ sỹ samurai, đứng đầu là hai lãnh địa Choshu và Satsuma, làm đảo chính quân sự, lật đổ Mạc phủ, rồi tiến hành “duy tân”.

“Duy tân” cũng có nghĩa là đổi mới, nhưng lần này, họ đổi mới toàn diện về thể chế: kinh tế, giáo dục, tư tưởng, xã hội, chính trị.

Cuộc duy tân lần hai này giống cách mạng tháng 8 năm 2045 ở Việt Nam (Bây giờ là 2019 rồi, đợi hơn 25 năm nữa sẽ có).

2) Bản lĩnh tinh thần của Mục đồng Hồng ngưu (Trẻ trâu Bò đỏ) ở Nhật Bản

Quốc gia nào, thời nào, cũng có Trẻ trâu. Số phận quốc gia chỉ khác nhau ở chỗ… Trẻ trâu của nó có thay đổi hay không.

Trẻ trâu ở Nhật Bản thế kỷ 19 đã tự thay đổi mình đến mức đáng khâm phục.

Khi Mạc phủ đổi mới (đổi mới lần 1) thì anh em Trẻ trâu Nhật Bản chống đối kịch liệt. Các cuộc thách đấu giữa võ sỹ các phe diễn ra như cơm bữa.

Phản đối mạnh mẽ nhất là… hai lãnh địa Choshu và Satsuma. Võ sỹ của hai lãnh địa này cứ gặp người Tây ở đâu là… giết.

Một lần, ở Yokohama, một đoàn võ sỹ Satsuma đang di chuyển trên đại lộ Tokaido, có một nhóm kỵ sỹ người Anh phi ngựa ngang qua. Các anh samurai của Satsuma đuổi theo giết luôn.

Anh quốc đòi xin lỗi và bồi thường. Chính quyền Mạc phủ làm ngay, còn lãnh địa Satsuma bác bỏ: Mày ngon về Satsuma mà đòi bồi thường.

Anh quốc cử một chiếc tàu đến bờ biển Satsuma, nã pháo vào thành (thành đó tên là Kagoshima, ngày nay thành tên của tỉnh).

Anh quốc tức quá, đến nã pháo vào thành rồi bỏ đi thôi, chứ không có ý định đổ bộ (trên bờ có hàng vạn thanh kiếm tuốt trần đang chờ).

Satsuma lập tức cho thuyền rượt theo, nhưng lần này không phải để giết, mà ngược lại, họ làm cho Anh quốc kinh ngạc, vì họ xin lỗi, xin bồi thường và xin Anh quốc nhận người của lãnh địa Satsuma sang du học.

Vì sao? Vì Anh quốc đã trình diễn cho các võ sỹ Satsuma một trình độ vượt trội về kỹ thuật: Tàu neo ngoài khơi xa, câu pháo chính xác vào trong thành, còn pháo thần công của Kagoshima bắn ra… không tới nơi.

3) Thay đổi ngoạn mục về tư tưởng

Các võ sỹ Satsuma (cùng lãnh địa đồng minh là Choshu) sang du học Anh quốc. Họ hiểu vấn đề cực nhanh: đằng sau loạt đạn pháo thần sầu của Anh quốc bắn vào thành Kagoshima là sức mạnh về thể chế chính trị, kinh tế, tư tưởng, giáo dục, văn hoá.

Họ kết luận: Học phương tây là phải học toàn diện, chứ không phải chỉ mở cửa để cho tự do kinh tế hay học lỏm vài món kĩ thuật bề nổi như Mạc phủ.

Họ quay về nước, một lần nữa, chống lại Mạc phủ, nhưng lần này không phải vì Mạc phủ mở cửa với phương Tây… mà vì… mở của không đủ.

Từ chỗ chống Mạc phủ mở cửa với phương Tây (cực đoan đến mức gặp Tây là giết), họ chuyển sang tiêu diệt Mạc phủ, vì họ biết Mạc phủ sẽ duy trì cái thế cải cách nửa vời để bảo vệ quyền lợi dòng họ… trong khi xu hướng thực dân hoá ở châu Âu khiến cho Nhật Bản không thể chờ lâu hơn nữa.

Đó là nguồn gốc tư tưởng của các trận đánh kinh thiên động địa năm 1867 tiêu diệt chế độ Mạc phủ, xây dựng chính phủ Minh Trị đầu năm 1868. Nhật Bản từng bước duy tân toàn diện, đuổi kịp Anh quốc trong vòng một thế hệ.

Sự tự thay đổi tinh thần ngoạn mục của Satsuma và Choshu đã khiến chính Fukuzawa Yukichi cũng phải kinh ngạc. Khi hai lãnh địa này kiểm soát thành Edo thì Fukuzawa than thở: Ôi, bọn Trẻ trâu, cứ gặp Tây là giết, bây giờ chúng nó cướp được chính quyền mất rồi.

Nhưng khi biết các anh võ sỹ Trẻ trâu này lật đổ Mạc phủ để Tây phương hoá toàn diện thì Fukuzawa vô cùng hoan hỷ và ủng hộ. Ông trở thành Thầy của bọn Trẻ trâu sau đó.

Đó là sự khác biệt của Trẻ trâu được đào tạo bởi văn hoá Võ sỹ đạo.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.