Xử lý tham nhũng như Hàn Quốc, Việt Nam “xóa sổ” quan chức

Bá Tân

2-7-2019

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyun, bị cách chức vì vi phạm luật chống tham nhũng. Ảnh: Việt Anh/ VNE

Đầu tháng 6 vừa qua, đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Do-hyun bị sa thải với cáo buộc vi phạm đạo luật chống tham nhũng của Hàn Quốc.

Trước đó gần một tháng, vị đại sứ này bị triệu hồi về nước để giải trình hành vi nhận tài trợ vé máy bay cùng với nơi ăn nghỉ tại khách sạn trong một lần tham gia sự kiện do đối tác tổ chức. Theo quy định của Hàn Quốc, hành vi nói trên của ông Kim Do-hyun đã vi phạm đạo luật chống tham nhũng, vì thế vị đại sứ này bị sa thải ngay lập tức sau khi bị phát hiện.

Ở Hàn Quốc, cách nghiêm trị nói trên không phải cá biệt, mọi hành vi tham nhũng, kể cả nhỏ nhất, đều bị trừng phạt kịp thời. Đạo luật chống tham nhũng của Hàn Quốc trở thành “lưới trời lồng lộng” ai vướng vào đó, kể cả quan chức dưới đáy cho đến tổng thống đều không chạy thoát bởi cơ quan hành pháp độc lập với đảng cầm quyền, cùng với sự giám sát chặt chẽ và thực quyền của dân chúng. Kể cả tổng thống đương nhiệm vẫn có thể bị bắt, bị tù giam là chuyện không lạ ở Hàn Quốc.

Hành vi và mức độ tham nhũng của ông Kim Do-hyun, theo cách nói hiện thời của Việt Nam chỉ là tham nhũng vặt. Hàn Quốc không nương tay với mọi hành vi tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt. Với “ma trận” tham nhũng vặt, Hàn Quốc và Việt Nam như là sự đối nghịch, ánh sáng với bóng tối, lửa với nước, cá biệt với phổ cập.

Hàn Quốc hiếm khi xẩy ra tham nhũng vặt, nếu có, sẽ bị nghiêm trị kịp thời. Việt Nam thì ngược lại, tham nhũng vặt đang là “chuyện thường ngày” mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi ngành. Tham nhũng vặt trở nên “phổ cập” trong mọi tầng nấc quan chức. Số quan chức không tham nhũng vặt là vô cùng cá biệt, tìm cho ra khó hơn tìm sao giữa ban ngày.

Đụng vào công việc, đụng vào thủ tục giấy tờ là nhũng nhiễu, vòi vĩnh, thậm chí Trấn lột trắng trợn. Tham nhũng vặt trở thành đặc trưng, truyền thống của quan chức. Tham nhũng vặt đang là căn bệnh nan y khó chữa trị hơn căn bệnh ung thư. Chỉ một bộ phận người dân trở thành nạn nhân của con bệnh ung thư, trong khi hầu hết dân chúng trở thành nạn nhân của “dịch tả” tham nhũng vặt.

Lần đầu dính vào tham nhũng vặt, lập tức quan chức Hàn Quốc bị sa thải. Nếu xử lý theo “liều thuốc” như vậy, e rằng giới quan chức Việt Nam sẽ bị “xóa sổ”. Tham nhũng vặt tràn lan, đụng đâu gặp đó, nếu nghiêm trị như Hàn Quốc, đội ngũ quan chức Việt Nam sẽ còn mấy người.

Không dám làm như Hàn Quốc, lãnh đạo Việt Nam vẫn tiếp tục dung dưỡng bè lũ tham nhũng vặt, đừng trách dân chúng mất lòng tin, đừng vu oan dân chúng khi họ phải vùng lên. Mọi cuộc “chém gió” trên diễn đàn đều trở nên vô tích sự, nếu đội quân quan chức vẫn ngày đêm “miệt mài” tham nhũng.

Phòng chống tham nhũng giống như phòng chống dịch bệnh. Nghiêm trị tham nhũng vặt là trị mầm bệnh vừa chớm nở, vừa dễ chữa trị vừa ít tốn kém. Mặc kệ cho tham nhũng vặt, chỉ trị những đại án, là chữa bệnh giai đoạn cuối, vừa không khỏi bệnh vừa rất tốn kém. Thầy thuốc giỏi là người chữa trị cắt bệnh khi mới có dấu hiệu. Thầy thuốc kém, thậm chí thất đức trong nghề nghiệp, khi biết bệnh nhưng không chữa trị kịp thời, hoặc cố tình ủ bệnh, nhằm “kiếm chác” trên thân xác con bệnh. Chống và diệt trừ tham nhũng cũng như vậy.

Trên mặt trận chữa trị căn bệnh tham nhũng, bác Trọng trở thành vị thầy thuốc cự phách. Bên cạnh trị đúng liều bệnh nặng, bác Trọng rất coi trọng cách chữa loại bệnh tham nhũng vặt. Giá như các vị tiền nhiệm đều làm được như bác Trọng. Sẽ là tuyệt vời nếu cả hệ thống chính trị thực sự và luôn luôn kề vai sát cánh với bác Trọng trên mặt trận diệt trừ tham nhũng, để cho bác Trọng đơn độc, đó là mưu đồ của bọn tham nhũng.

Bọn tham nhũng là giặc của Dân. Trong lịch sử dân tộc thời kỳ hiện đại, chưa có ai cầm đầu bộ máy diệt trừ tham nhũng được như bác Trọng. Chiến tích diệt trừ tham nhũng của bác Trọng không tạc vào bia đá, nhưng sẽ được lưu truyền lâu dài bằng bia miệng của dân chúng.

Thể chế (chế độ) như là một cơ thể, để cho tham nhũng vặt tràn lan, tạo ra phẫn nộ tột đỉnh trong lòng Dân, không sớm thì muộn, sẽ không tránh khỏi bị tiêu diệt.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thích thơ của ông Bá Tân, chứ đọc bài này thú thực tín nhiệm thấp. Đơn giản là ông Bá Tân vẫn có cách nhìn chưa bao quát rộng khắp Thế giới khi hiện nay nắm số liệu không khó, chỉ cần đọc tiếng Việt chứ chưa cần Ông phải giỏi tiếng Anh … Cụ thể Ông lấy Nam Hàn làm tấm gương cho Việt Nam thì cũng được, tuy nhiên theo tôi đã muốn học thực lòng – thích đứng trên vai những người khổng lồ để có thể thay đổi nhanh chóng – thì nên tìm ngay những „thầy“ giỏi nhất nhì thế gian để học như Châu Âu là Đan Mạch, Niu Di-lân (New Zealand), Phần Lan với các vị trí 1, 2, 3 hay gần hơn đã quen biết hơn với Việt Nam là Singapur vị trí thứ 3, chứ vị trí của Nam Hàn chỉ khiêm tốn ở mức 45 (trên 180 nước) ông Bá Tân ạ!
    Và vấn đề thứ hai cần nói rõ là trong đấu tranh chống tham nhũng nên bỏ khái niệm „tham nhũng vặt“ với tôi là cách dùng từ chính thống hiện nay nhưng thực chất từ này mĩ miều quá và đáng lẽ chỉ nên chấp nhận ở cách nói dân dã, chứ đặc biệt trong tố tụng hình sự không thể dùng làm thuật ngữ pháp lý, vì đọc nó liên tưởng tới họ chỉ tham nhũng cái gì đó „vặt vãnh, không đáng kể“ (Thế giới họ nói là tham nhũng giá trị thấp nếu số tiền ít). Chính vì thế khi xử lý ở Việt Nam thì như mới nhất ông Trương Hòa Bình – Phó thủ tướng thường trực đã đưa ra 1 số biện pháp mạnh hơn https://vnexpress.net/thoi-su/pho-thu-tuong-keu-goi-toan-xa-hoi-len-an-hanh-vi-dua-nhan-hoi-lo-3944336.html tuy vậy vẫn còn gọi tên các hành vi đó là „nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà“ chứ chưa gọi đúng tên của nó khi người dân, – dù chưa đủ tuổi trưởng thành lấy đồ của người khác bỏ chạy thì quy ngay là tội ăn cướp và xử lý hình sự ngay. Còn ở đây ông Phó thủ tướng cũng chỉ mới răn đe: “Các trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý hình sự chứ không xử lý hành chính” (Đến ngay Vụ Thủ Thiêm mà còn có thể thoát hình sự nếu chịu nôn ra phần nào đó – trong khi các nước trong sạch cứ tam nhũng là tội hình sự liền!) – trong khi nếu so sánh thì ai cũng có thể thấy cán bộ dù „vòi vĩnh“ của dân thì số tiền lớn rất, rất nhiều so số tiền 45,000 đồng mà qua đó những đứa trẻ đáng nhẽ bị án tù gần cả năm (may thay bị hoãn). Và hành vi đó cũng chỉ có thể sử dụng câu „cướp giật“ được, vì bản chất của hành vi đòi và nhận hối lộ của những kẻ thi hành công vụ thực ra còn tồi tệ hơn cướp giật của những đứa trẻ đang đói!
    Về nội dung thứ ba: sự tín nhiệm „Bác Trọng“ thì đáng tiếc tôi cũng không phục ông Trọng „trở thành vị thầy thuốc cự phách.“ Như ông Bá Tân và không ít người khác – mặc dù tôi cũng muốn khách quan không hề có ý định hạ thấp vai trò Ông Trọng (tạm chưa đề cập đến tài sản nhà ông Trọng chưa đượ minh bạch!)! Cần phải hiểu ở Việt Nam – thậm chí Trung Quốc (tham nhũng mức 87 – hơn VN: mức 117) mức tham nhũng đỡ hơn nhiều so VN nhưng họ đã xác định không diệt tham nhũng là nguy cơn đe dọa sự tồn vong của chế độ, nên tôi hiểu ông Trọng đã học tập mô hình Trung Quốc (ở họ cho UVBCT vô tù thì Việt Nam cũng bắt đầu có Đinh La Thăng vô khám). Tóm lại việc diệt tham nhũng có thể hiểu tham nhũng không thể đổ lỗi cho dân tạo ra, mà chủ yếu do hệ thống quyền lực tự sinh ra và bây giờ hệ thống quyền lực muốn tồn tại thí nó đang cố gắng làm trong sạch. Ông Trọng có thể nói hơn người khác trong chống tham nhũng – như so ông Ba Dũng với vai trò Thủ trưởng cơ quan chống tham nhũng (Thanh tra CP) – tuy vậy cũng nên hiểu ông Trọng có nhiều thuận lợi hơn hẳn ông Nguyễn Tấn Dũng khi xây được cơ quan chống tham nhũng trong cơ quan quyền lực nhất là Trung ương ĐẢng so với trước ông Dũng chỉ có Thanh tra CP. Và phải chăng mọi người ngây ngất với „cái lò đã nóng củi tươi cũng cháy của ông Trọng“ thì sợ chỉ nhìn thấy cây mà chưa thấy rừng khi chỉ số tham nhũng của Việt Nam năm 2018 nằm ở mức 117 thì xem ra nó còn thụt lùi so 2017 là 10 bậc https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47042901

  2. bác trọng, nguyên bí thư thành ủy Ciputra, quả là “vị thày thuốc cự phách”.
    bác đã cực kỳ nhân văn, tôn trọng nhân quyền, khéo léo từ chối kê khai tài sản.
    với vị thày thuốc này, chẳng mấy chốc mà xứ Đông Lào ta sạch bong.
    Ô hô ! Ô hô !

  3. Thầy thuốc mà không biết nguyên nhân của căn bệnh, không chữa dứt căn bệnh mà chỉ làm giảm vài triệu chứng, còn sau đó vẫn vậy thì sao gọi là thầy thuốc cự phách. Nịnh bợ không phải lối.

Comments are closed.