Người Trung

Nguyễn Tiến Tường

01-7-2019

Duyên hải trung trung bộ, một rẻo đồng bằng nhỏ hẹp, cằn cỗi phù sa. Như cái đòn gánh, gánh hai đầu đất nước, gánh khổ. Ngày xưa bom rơi như trút, cách một quãng lại có một hố bom. Ở giữa hai hố bom có một con đường sống mũi mà làm thành một xóm.

Hoà bình rồi khoán ruộng, khoảnh tốt khoảnh xấu chia đều canh tác. Nhà tranh phên đất, tối lửa tắt đèn mượn từng giọt dầu thắp. Trẻ con đi học san sẻ từng giọt mực lấm lem. Cho nhau miếng kem cái kẹo, bấm ngón tay làm dấu mà cắn. Bấu vai nhau mà sống, gừng cay muối mặn, qua hết đoạn trường.

Người trung ăn sớm lo chiều. Khi kỵ chạp cặp chai rượu chục trứng, nải chuối đến nhà, cùng góp của góp công. Miếng ăn dè sẻn, mâm sáu người ngồi, đĩa thịt 12 miếng, đĩa lòng cũng vậy, gọi là “hai phay hai lòng”. Ăn từ thức dở đến thức ngon hoặc đùm lá chuối mang về cho con cháu.

Người trung khổ, chẳng thấy trách trả nhau. Người lên núi đào vàng, kẻ xuống biển bắt từng con ốc nhỏ li ti, ăn hết ốc thì xâu thành mành treo trước cửa. Lâu lâu khổ quá ngẩng mặt chửi trời một cái rồi thôi.

Duyên hải bây giờ làng rỗng, lứa trung niên lớp lớp ra đi tìm đường sống. Chỉ người già trẻ con ở lại. Gió Lào bỏng rát cuốn cọng rơm vàng hanh hao một miền hoang vắng. Khổ tới khi bỏ xứ mà nào có trách trả gì nhau. Vẫn lời ru gừng cay muối mặn…

Người trung ngày xưa cũng gọi “chầu tê”, ngày kia cũng gọi “chầu tê”. Sống đâu thì biết đó. Có gì để lựa chọn bây giờ.

Nếu lựa chọn được, đã không chạm tay vào cái cây con thú. Đã đốt formosa thay vì vô tình làm hại cả đại ngàn. Người nông dân ngồi bấu chặt tay ăn năn trong bão lửa, đã gói ghém cái tận khổ miền trung vào vai áo bạc rồi.

Tội tình chỗ mô thì còn chỗ nớ, lửa còn chưa tắt. Trách trả nhau mà đành đoạn hay sao. Lửa là tai ương. Tai ương đo định lòng người. Lửa là cái khổ. Người trung gặp cái khổ thì bước qua cái khổ đã. Đúng sai để lúc hạ hồi.

Rằng qua hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau. Lửa trời chưa đủ hay sao mà còn thắp bão lửa trong lòng…

Mưa đi trời ạ. Khổ chi mà khổ da diết rứa bây hè…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. -Miền Trung khô hạn, Miền Trung mưa bão là vấn đề dân Việt đã biết lâu rồi, khổ lắm, nói mãi. Nhưng sau 44 năm giải phóng, các đồng chí lãnh đạo tài tình, sáng suốt thế nào mà để đến giờ ng dân Miền Trung vẫn khổ, vẫn hoạn nạn? Sau khi bà Ngân nhậm chức Chủ tịch Quốc hội được 1 ngày, trong buổi gặp mặt báo chí ngày 23/7/2016, Bà nói: “Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả…”. Vậy là bà Ngân đã làm dc nhiều cho đất nc nhưng lại quên mất Miền Trung rồi?
    -Khô hạn làm các hồ chứa Miền Trung cạn nước, làm các cánh rừng bị cháy tại Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định…Khô hạn cực đoan sẽ dẫn đến mưa bão cực đoan. Lúc này, đang có áp thấp ở biển Đông di chuyển vào bờ có khả năng mạnh lên thành bão sẽ gây lũ quét, sạt lở đất. Hết khổ vì khô hạn, dân lại khổ tiếp vì mưa bão. Điệp khúc này xảy ra từ đời lãnh đạo này đến đời lãnh đạo khác tại các tỉnh Miền trung. Nhưng bao năm, họ ko có một kế hoạch dài hạn chống hạn, chống lũ để khắc phục, hạn chế thiên tai, mà chỉ biết khi tai ương xảy ra liền lập tức đổ thừa tại ông Trời. Ko lẽ ông Trời ghét dân Miền Trung đến thế sao? Các lãnh đạo phải nhận trách nhiệm chứ ko dc đổ thừa nữa. Tai ương 10 phần nhưng nếu có kế hoạch hạn chế rủi ro & dc thực hiện trước thì rủi ro chỉ còn 2~3 phần. Ko có kế hoạch dài hạn thực hiện hạn chế thiên tai, lãnh đạo với tư duy nhiệm kỳ ko dám chịu trách nhiệm khi xảy ra thiên tai, thì 44 năm tới nữa cũng vẫn đổ thừa tại ông Trời, rồi vừa khóc, vừa chửi rủa nhau.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây