Tản mạn lần cuối về Việt Đỏ, Khmer Đỏ, Singapore và… báo chí

Nguyễn Lương Hải Khôi

28-6-2019

1) Dựng tượng Lý Quang Diệu nào

Ông Nguyễn Xuân Phúc nếu đã phê phán ông Lý Hiển Long, thì nên phê luôn ông Lý Quang Diệu, không phải vì họ nói mình xâm lược, mà vì một lý do khác, buồn hơn nhiều.

Khi lãnh tụ Lê Duẩn kính yêu bắt đầu thanh lọc giai cấp ở miền Nam, cùng thời điểm với Bác Pol Pot kính mến thanh lọc giai cấp ở Campuchia, người dân miền Nam Việt Nam chạy nhào ra biển. Không ai biết có bao nhiêu nguời chết trên biển, chỉ biết là vô số.

Liên Hiệp quốc (UNHCR) đề nghị Singapore giúp đỡ. Singapore bắt trả tiền thuê đất làm trại tị nạn tạm thời, 8000 USD/ năm. Khi các nước chia nhau nhận thuyền nhân Việt Nam cư trú vĩnh viễn, Singapore từ chối, bắt buộc UNHCR phải chuyển họ đi nước khác.

Singapore trước 1975 chưa phải là “thiên đường” như bây giờ, và Singapore vốn đã hưởng lợi ở tầm chiến lược từ chiến tranh Việt Nam… (Hồi ký Lý Quang Diệu “From the third to the first” nói rõ huởng lợi cái gì)

Nếu có một nước Việt Nam mới, cái nước ấy nên đúc tượng Lý Quang Diệu ở Hà Nội, dưới chân tượng có một ghi chú nhỏ. Mỗi người Việt phải có một vài phút giây nào đó trong đời suy nghĩ về cái lịch sử ấy, tất nhiên, không phải để “tự kỷ ám thị” mình lúc nào cũng là “nạn nhân”.

2) Một lý tưởng, hai số phận

Cả Bác Pol Pot kính mến và Bác Lê Duẩn kính yêu đều thực thi một chính sách giống nhau là thanh lọc giai cấp, một bác ở Cam, một bác ở miền Nam VN.

Hai Bác chỉ khác nhau ở một điểm: một Bác bị đập chết, đầu lâu xương chéo của nạn nhân được chất vào viện bảo tàng. Cái nhãn diệt chủng đóng đinh vào lịch sử.

Ai có thể cãi được những đống hộp sọ chất cao như núi trong các bảo tàng?

Nhưng, toà án xét xử Khmer Đỏ gần đây, để có thể khép Khmer Đỏ vào tội “diệt chủng”, họ phải tìm trong số nạn nhân khổng lồ của Khmer Đỏ những người bị giết không chỉ vì thanh lọc giai cấp. Đó là người Chăm, người Việt, người Hoa.

Có yếu tố khác biệt về dân tộc như vậy mới khép tội diệt chủng được, nhưng rõ ràng, nạn nhân của Khmer Đỏ thì hầu hết là chính người Khmer, và hơn nữa, người Chăm, người Việt, người Hoa ở Campuchia những ngày đó bị giết trước hết cũng không ngoài lý do thanh lọc giai cấp.

Bác Pol Pot giết họ không phải vì ghét họ, mà vì… yêu họ. Bác muốn dân tộc mình lên thiên đường thật nhanh.

Ngày nay các nhà sử học chỉ ước tính đại khái, người chết thời Bác Lênin kính yêu và Bác Stalin kính mến khoảng vài chục triệu, Bác Mao cũng khiến vài chục triệu người chết trong “ba ngọn cờ hồng” rồi “đại nhảy vọt” các kiểu.

Bác Pol Pot làm những gì bác Lê nin, bác Stalin, bác Mao, và cả Bác gì… vốn là thuyền nhân đầu tiên của VN năm 1911… đã làm, gây ra hậu quả tương tự về bản chất, chỉ khác nhau về quy mô.

3) Để không bị gọi là diệt chủng?

Bác Pol Pot xui xẻo nhất. Bác làm những việc đó thời hưng thịnh của hệ thống cộng sản, nhưng lại có người đào mả nạn nhân lên chụp hình rồi chất vào bảo tàng, cũng là lúc truyền thông đại chúng bắt đầu bùng nổ. Hình ảnh lưu lại rất… sống động, không như mấy bức hình đen trắng nhập nhoè như thời bác Lenin.

Gần đây, thân nhân những người thuyền nhân Việt Nam còn sống sót đã làm một tấm bia tưởng nhớ, rất nhỏ, xin đặt bên bờ biển Indonesia, để tưởng nhớ cha mẹ ông bà họ.

Khi những con thuyền lênh đênh trên biển bắt đầu cạn nước ngọt, hết thực phẩm, người ta cần giảm số người trên tàu. Người cao tuổi sẽ tự gieo mình xuống biển trước để con cháu còn cơ hội vào bờ.

Chúng ta hãy nhìn tấm bia. Để không bị gọi là “diệt chủng”, cần làm được những việc như thế: vỗ vai Indonesia và bảo “cậu cất đi nó đi giúp tớ”. (Điều cần làm tiếp theo là bảo vệ đặc quyền kể chuyện “lịch sử” theo cách mình muốn.)

4) Nếu Bác Polpot không mang quân đập Việt Nam?

Sau khi đập tan kinh tế thị trường, và trước khi hoàn thiện chuỗi “sản xuất – cung ứng” nhu yếu phẩm kiểu cộng sản chủ nghĩa, thì nước cộng sản nào cũng vấp phải nạn đói. Đi kèm nạn đói là… toàn dân trở thành… phản cách mạng. Đi cùng với việc toàn dân trở thành phản cách mạng là… lực lượng trấn áp phản cách mạng ở tầm… khoa học công nghệ. Đó là nguyên nhân cái chết của hàng triệu người Khmer. Dán nhãn “diệt chủng” là sai về bản chất.

Vượt qua được giai đoạn này, củng cố được chuỗi cung ứng (nhu yếu phẩm và những thứ khác) của mô hình cộng sản thì xã hội sẽ ổn định trở lại. Trong trường hợp Liên Xô thì bắt đầu đạt được những thành tựu ấn tượng: vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa, bom nguyên tử, đường sắt… Về mặt xã hội, đó là lúc chấm dứt mọi bất công trên đời, người yêu người sống để yêu nhau.

Liên Xô là niềm mơ ước của mọi lãnh tụ phe ta. Và con đường mà Liên Xô chấp nhận đi qua – phơi xác hàng chục triệu người, cả chết vì đói lẫn chết vì bị giết- cũng là con đường các lãnh tụ cộng sản của các nước đi sau chấp nhận.

Khi Bác Lê Duẩn kính mến bỏ tù hàng triệu người miền Nam, không phải là Bác lãnh tụ ghét miền Nam nên trả thù (Bác là dân miền Nam chính gốc). Bác chỉ xử lý trước “phản cách mạng tiềm năng” trong khi đập tan mọi thiết chế của nền kinh tế tự do mà họ đã xây dựng.

Nếu Bác Polpot không mang quân đập Việt Nam? Chắc chắn sẽ chẳng ai làm “nghĩa vụ quốc tế” cả. Ngày nay, tượng đài nghìn tỷ của Bác Pol Pot sẽ dựng khắp các lối mòn xứ Cam.

5) Báo chí – cảm xúc hay trí tuệ?

Đọc báo Tây, bạn dễ có cảm giác bị thách thức về trí tuệ, vì nhà báo triển khai tối đa cái tôi cá nhân cả trong logic lẫn tri thức. Đọc báo Nhật, cũng vậy, nhưng mọi dấu ấn chủ quan của nhà báo được xóa sạch, quan điểm được thể hiện qua các cấu trúc câu chuyện.

Còn báo chí Việt Nam? Phần lớn, ta chỉ gặp ở đó cảm xúc. Phần đông khai thác cảm xúc “ấm ức” vì VN bị gọi là “xâm lược” khi tấn công Khmer Đỏ. Các bạn lèm bèm kể công giải cứu, giống như những gì được học trong sách giáo khoa.

Khi các bạn hỏi “Lúc Khmer Đỏ giết người Campuchia, “phương Tây” đã ở đâu?”, các bạn tưởng Lý Hiển Long không có câu trả lời sao?

“Phương tây” lúc đó đang lo cứu nạn nhân của Việt Đỏ trên biển. Liên Hiệp quốc (UNHCR) tổ chức những con thuyền chạy dọc ngang biển Đông để cứu người, đưa vào các trại tỵ nạn trên bờ biển Indonesia, Malaysia, Singapore… Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng tham gia, trong đó có cả giáo hội Làng Mai ở Pháp của Thầy Thích Nhất Hạnh.

Tại sao họ không nhảy vào đất Cam để cứu nạn nhân Khmer Đỏ? Cũng như trước đó họ không thể nhảy vào Trung Quốc để cứu nạn nhân của “đại nhảy vọt” và “ba ngọn cờ hồng” vậy. Cờ đến tay lãnh tụ thì lãnh tụ phất thôi.

Mặt khác, trước sức tấn công như vũ bão của giai cấp vô sản toàn thế giới, phe Cộng hòa phương Tây khi đó còn không dám chắc mình sẽ sống sót trước phe Cộng sản. Họ chỉ có thể cứu người chạy khỏi nơi đó, không ai có thể mang quân vào đánh.

Tất nhiên, ông Lý Hiển Long không thể trả lời ông Nguyễn Xuân Phúc như vậy. Vì trả lời kiểu đó thì ông Phúc sẽ nín lặng, nhưng sẽ khơi cho người Việt thảo luận về chính sách tàn nhẫn của ông Lý Quang Diệu với thuyền nhân Việt Nam đương thời. Ông Long hiển nhiên không thích điều này.

Tôi viết cái tút nhảm này vì không muốn “chúng ta” quên.

Cái lịch sử ấy mới là điều các bạn nhà báo trẻ nên suy nghĩ. Chứ việc họ dán nhãn Việt Nam của bạn là “xâm lược” hay “giải cứu” thì có ý nghĩa gì? Ngay cả khi họ nói Việt Nam của bạn “giải cứu” thì cũng lợi lộc gì cho các cô gái Việt đứng trên phố đèn đỏ bên Sing, tối nay?

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Hồ Chí Minh là thần tượng của Pol Pot.

    Tất cả những gì mà Pol Pot làm với dân Miên là học từ Hồ Chí Minh, chỉ có điều là thời Hồ Chí Minh thì VN chưa “thống nhất” (miền Nam chưa được phỏng giái) nên Hồ chưa thể mạnh tay trong “đấu tranh tiêu diệt kẻ thù giai cấp” theo đúng sách của Mao – ngược lại Pol Pot đã làm được vì lúc đó Kampuchia đã “hoàn toàn được giải phóng”, dân Miên đành thúc thủ vì không còn chỗ để “di cư vào Nam” như dân Bắc Việt thời 1954 hoặc “vươn ra biển lớn” như dân Miền Nam sau ngày 30/4/1975

    Tác giả nói đúng là “thành quả” giết 3 triệu dân Miên của CS Miên với “thành quả” đẩy hàng nửa triệu người Việt Nam chết trên biển,hàng triệu người khác phải tha hương cùng hàng chục ngàn người chết trong số hơn một triệu người khác bị hành hạ trong trại cải tạo của CSVN ….thì cũng chẳng sai biệt gì mấy.

    Tóm lại thành tích diệt chủng của CSVN cũng không thua gì thành tích diệt chùng của CS Miên nếu tính số nạn nhân bị giết hại hay bị hành hạ, bị trả thù một cách đê tiện, “sống không bằng chết” trong các trại tù “cải tạo” của CSVN.

  2. Tôi rất tâm đắc với ý tưởng của tác giả Nguyễn Lương Hải Khôi
    Đúng vậy, công bằng mà nói thì Lý Hiển Long trong cách phát ngôn (bừa bãi) về vấn đề VN- Cambuchia chỉ đáng gọi bằng “thằng”.
    Cách mà hắn trả lời “phê phán” của Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Bangkok, Thái Lan chiều 22-6, rất mập mờ, quanh co, nếu không muốn nói là coi thường danh dự của Phúc và dân tộc VN
    Trích: “Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam, chỉ nhắc lại một chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hoà bình, ổn định và thịnh vượng hôm nay không mặc nhiên mà có, và bối cảnh hiện nay đòi hỏi ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác.”
    https://tuoitre.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-phe-phan-phat-bieu-cua-thu-tuong-ly-hien-long-20190623012713901.htm
    Điều đáng nói (đáng chửi) ở đây chính là thái độ “nói lấy lệ” của thủ tướng Việt cộng, khi chẳng biết (hay chẳng dám) nói gì để đáp lễ một câu nói phủi tay coi như “sự đã rồi’ của Lý Hiển Long. Sao Phúc không dám mạnh dạn đòi hỏi Long phải công khai xin lỗi Việt Nam, nhất là khi chính quyền Hà Nội của Phúc là mục tiêu chính cho lời chỉ trích của Long? Thật đúng là anh hùng xó bếp, khi ra biển lớn mới thấy uy thế anh hùng hay anh hèn của thủ tướng “nhà mình”
    Nói tóm lại, Việt Đỏ, Khờ-me Đỏ hay Singapore quả là một thí dụ điển hình của tình trạng “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” xứng đáng đứng chung một nhóm “cá mè một lứa” như nhau.

    • Hải Khôi viết rất đầy (nhiều), lôi ra từ chuyện đồng bào ngày xưa vượt biển, đến việc diệt chủng Campuchia..
      Nhưng để nói việc Việt cộng đem quân đánh Campuchia thì Hải Khôi lại quên bén mất là vụ này bắt nguồn từ chuyện thảm sát Ba Chúc, An Giang. Mà chuyện thảm sát Ba Chúc là do Việt cộng dàn dựng thì tất cả những thứ xãy ra sau đó đều do Việt cộng sắp đặt. Bởi chúng có sự liên kết với nhau.
      Anh Nguyễn Vĩnh Long Hồ có nêu ra 6 điểm nghi vấn trong vụ thảm sát Ba Chúc. Các nghi vấn này dẫn đến sự dàn dựng của vẹm.
      MỘT LẦN NỮA XIN NHẮC LẠI: NẾU BẤT CỨ AI TIN POLPOT THẢM SÁT BA CHÚC XIN LÝ GIẢI 6 ĐIỂM NGHI VẤN CỦA ANH LONG HỒ.
      Nếu lờ đi 6 nghi vấn này mà vẫn khư khư nói PolPot thảm sát Ba Chúc thì không đáng là người có tư duy.
      Còn một việc nữa là khi “cứu Campuchia khỏi nạn diệt chủng”. Từng đoàn xe của bộ đội Minh râu chở đầy chiến lợi phẩm từ Campuchia về Việt Nam. Ngay cả giường tủ cũng không từ. Rất nhiều sĩ quan Minh râu giàu lên vì thu được vàng và đá quý từ Campuchia. Chuyện này tại sao Hải Khôi lờ đi không nói tới. Hải Khôi thật sự không biết?
      Chở đồ từ xứ người về xứ mình trong chiến tranh thì giống Đức quốc xã lắm. Không muốn gọi là xâm lược cũng không được.

Leave a Reply to Trúc Bạch Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây