Vợ chồng Trương Duy Nhất, Nguyễn Bá Thanh và Vũ “nhôm”! (Phần 3)

Quế Hương

27-6-2019

Tiếp theo phần 1phần 2

Trở lại hành trình từ một kẻ chưa tốt nghiệp PTTH, không nghiệp vụ, không qua đào tạo chuyên môn… biến thành “thượng tá tình báo” của Vũ “nhôm”. Chúng tôi xin tóm tắt như sau:

Vũ “nhôm” xuất thân trong gia đình có 9 anh chị em (5 trai, 4 gái): Thư, Đào, Minh, Bình, Nhựt, Phúc, Đức, Vũ, Hưng. Trong nhà, có mấy anh em trai làm nghề mua bán xe máy cũ. Họ mua cả xe Honda nhập từ Campuchia về, lẫn xe máy ăn trộm bán, sau đó đục lại số máy số khung, rồi làm giả giấy tờ đem đăng ký. Vì vậy, họ quen biết nhiều công an.

Giai đoạn Vũ học nghề làm nhôm kính, quả cầu nhôm…, rồi thi công các công trình cho công an Đà Nẵng và nhà một số quan chức thành phố, Vũ “nhôm” càng có mối quan hệ với nhiều công an hơn.

Rồi Vũ lấy vợ, tên là Nguyễn Thị Thu Hiền (Sinh ngày 3/4/1978, CMND số: 201410933, do Công an TP. Đà Nẵng cấp ngày 23/5/1996). Hiền là con gái ông Nguyễn Quang Lô, thời ấy ông Lô đang làm Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng. Đại diện nhà trai đứng ra cưới vợ cho Vũ là ông Nguyễn Đăng Lâm trong vai trò “bố nuôi”.

Ông Nguyễn Đăng Lâm, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (tiền thân của Đà Nẵng ngày nay) là người có bức “tâm thư” dài 5 trang với tiêu đề: “Đề nghị xem xét những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng – Huỳnh Đức Thơ”, gởi đến Trung ương vào tháng 3/2017, khi Vũ “nhôm” bắt đầu bị điều tra.

Ông Nguyễn Đăng Lâm, bố nuôi Vũ “nhôm”. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân

Lọt vào mắt xanh Nguyễn Bá Thanh, Vũ “nhôm” trở thành “đệ tử” số 1 và là tay “kinh tài” số 1 cho Nguyễn Bá Thanh. Từ đây, Vũ tiếp cận được Lê Ngọc Nam, lúc này là Trưởng phòng Tình báo CA Đà Nẵng. Khi ông Nam lên chức Phó Giám đốc Sở Công an Đà Nẵng, ông tuyển Vũ làm CTV cho Phòng Tình báo. Nhiều cán bộ cho biết, họ thấy Vũ “nhôm” sánh vai đi cùng Trần Việt Tân từ năm 2005 trên đường phố Đà Nẵng.

Năm 2000, Nguyễn Bá Thanh vướng vào “Vụ án cầu sông Hàn” với cáo buộc tham nhũng. Nguy cơ mất chức Chủ tịch Đà Nẵng khá rõ ràng. Trong một cuộc họp của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Tối cao, Ban Nội chính Trung ương… hồi tháng 8/2000, đã kết luận:

Văn bản cuộc họp và Báo cáo của Cơ quan điều tra. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân

Qua các tài liệu của đoàn công tác liên ngành thấy có đủ cơ sở để khẳng định đồng chí Nguyễn Bá Thanh có liên quan đến vụ án. Ngoài việc đưa và nhận hối lộ cần làm rõ thêm, cũng cần làm rõ việc đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã không tuân thủ các quy định về xây dựng trong việc không tổ chức đấu thầu xây dựng công trình đường Bắc-Nam và việc đồng ý với chủ trương trích 8% vốn xây dựng công trình cầu Sông Hàn sử dụng trái mục đích. Do đó, căn cứ thông báo số 112/TB-TW ngày 10-3-1998 của Bộ Chính trị đề nghị Thường vụ Bộ Chính trị xem xét đình chỉ công tác đối với đồng chí Nguyễn Bá Thanh để tạo điều kiện giải quyết vụ án triệt để, khách quan theo quy định của pháp luật.

Nếu Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng vẫn tiến hành theo dự kiến vào ngày 11-2-2001 và Thường vụ Bộ Chính trị thấy cần phải xem xét thêm việc đình chỉ công tác đối với đồng chí Nguyễn Bá Thanh thì đề nghị cho phép thông báo với Thành ủy Đà Nẵng kết quả điều tra vụ án, nội dung báo cáo của tổ công tác liên ngành về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của đồng chí Nguyễn Bá Thanh trước khi tiến hành Đại hội“. (Hết trích).

Thế nhưng, tại Đại hội đảng TP Đà Nẵng khoá XVIII (2000-2005), được tổ chức từ ngày 12-14/2/2001, với 300 đại biểu tham dự, bầu ra Ban Chấp hành 47 người, Ban Thường vụ 11 người và Đoàn đại biểu đi dự Đại hội 9 của đảng tại Hà Nội gồm 13 người. Trong cả 3 danh sách đều không có tên ông Trần Văn Thanh, đương kim Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Sở Công an, vì ông Thanh là người quyết tâm bắt Nguyễn Bá Thanh.

Người trúng uỷ viên BCH, BTV lại là cấp phó của ông Thanh, ông Lê Ngọc Nam, đại tá Phó Giám đốc Sở Công an. Sau đó, ông Trần Văn Thanh được điều ra Bộ Công an, ông Nam lên thay ông, làm Giám đốc Sở Công an Đà Nẵng.

Lê Ngọc Nam làm Giám đốc Sở Công an Đà Nẵng đến tháng 6/2006 thì chuyển lên Bộ Công an. Chức vụ cuối cùng của Lê Ngọc Nam là Trung tướng, Tổng cục phó, Tổng cục XDLL Bộ Công an.

Kế nhiệm ông Nam, đại tá Lê Xuân Sang (đã qua đời) giới thiệu Vũ với Trần Việt Tân. Trong lời khai của Vũ tại phiên toà phúc thẩm hôm 21/6/2019, Vũ cũng xác nhận điều này.

Ngày 1-10-2009, Vũ được tuyển dụng vào ngành công an với biên chế là nhân viên tình báo. Cấp bậc cuối cùng trong ngành Vũ có là “thượng tá” và chức vụ phó trưởng phòng B61, thuộc Tổng cục V, Bộ Công an.

Trong quá trình hoạt động, Phan Văn Anh Vũ còn được sử dụng hai CMND cho cùng một tên Phan Văn Anh Vũ (SN 2/11/1975, CMND số 201243660, cấp ngày 11/8/2009 và CMND số 201293660 cấp ngày 31/1/2000, do Công an TP. Đà Nẵng cấp). Ngoài ra, Vũ còn được cấp hai CMND với tên giả:

1. Lê Văn Sáu (Sinh ngày 5/1/1975, CMND số 201700179, do Công an TP. Đà Nẵng cấp ngày 11/8/2009).

2. Trần Đại Vũ (Sinh ngày 19/5/1975, CMND số 201700779, do Công an TP. Đà Nẵng cấp. Chưa rõ ngày cấp).

Theo hồ sơ vụ án, sau khi phát hiện những sai phạm của Phan Văn Anh Vũ, ngày 20/9/2017, Bộ Công an đã có quyết định kỷ luật giáng cấp bậc từ hàm thượng tá xuống trung tá, đồng thời cách chức phó trưởng phòng Biệt phái và cho xuất ngũ ra khỏi lực lượng công an. Sau đó, Vũ bị khởi tố, nhưng anh ta đã bỏ trốn sang Singapore, rồi bị bắt và dẫn độ về Việt Nam. Mãi đến ngày 25/5/2018, Vũ mới bị khai trừ khỏi Đảng.

Trong thời gian công tác trong ngành công an, với danh nghĩa thành lập công ty bình phong cho cơ quan là Cty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 tại Đà Nẵng hồi năm 2009 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 tại TP HCM, năm 2015.

Hai công ty của Vũ “nhôm”

Các công ty này, Bộ Công an không góp cổ phần mà do Vũ điều hành hoàn toàn. Nhờ mác là công ty bình phong của Bộ Công an, đã tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm các khu đất vàng ở Đà Nẵng và Sài Gòn.

(Còn nữa)

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

Comments are closed.