Vĩnh biệt nhà văn hóa Phạm Toàn 1.7.1932 – 26.6.2019

Phạm Đình Trọng

27-6-2019

Phạm Toàn nghệ sĩ

Nhiều người đã biết Phạm Toàn, nhà giáo; Phạm Toàn – Châu Diên, nhà văn; Phạm Toàn, một trong ba chân kiềng vững chãi của trang web mang chí khí Việt Nam, trang web boxitvn. Ít người biết đến Phạm Toàn nghệ sĩ.

Đầu năm 2013, trong một tháng về Hà Nội để được đắm trong hơi lạnh của một mùa heo may sắp qua đi, tôi đã có một tuần được sống trong gian nhà anh Phạm Toàn thuê bên Hồ Tây và tôi đã thấy một Phạm Toàn nghệ sĩ.

Nghệ sĩ trong phong cách sống. Nghệ sĩ trong làm việc say mê quên tuổi tác, quên thời gian. Gần mười hai giờ khuya tôi và anh Toàn mới rời laptop, tắt đèn đi ngủ. Anh Toàn có phòng ngủ riêng. Tôi ngủ ngay phòng làm việc trên chiếc giường đơn. Chợt thức giấc tôi thấy trong quầng sáng đèn thu gọn vào chỗ bàn làm việc, bóng anh Toàn nghiêng nghiêng bên bàn phím và tiếng bàn phím đổ hồi, khi rào rào hối hả như mưa sa, khi ngập ngừng, khoan nhặt như giọt nước mưa phùn mùa xuân nhỏ tí tách dưới mái hiên. Coi đồng hồ, chưa đến bốn giờ sáng, tôi xoay mặt vào tường ngủ tiếp. Gần bảy giờ sáng tôi trở dậy đã thấy trên bàn uống nước hôm thì hai phần xôi gói trong lá chuối xanh, hôm thì hai ổ bánh mì bên cạnh lọ ruốc bông. Hộp cà phê hòa tan bên cạnh chiếc ấm điện, nước đang reo trong ấm. Ăn sáng xong, anh Toàn lại ôm máy, khi dịch sách, khi viết bài.

Hết mạch làm việc buổi chiều, anh Toàn dẫn tôi đi dạo trên con đường ven Hồ Tây. Sương khói bảng lảng trên mặt hồ. Sương khói bảng lảng cả trong hồn người gợi lên bao liên tưởng gần xa. Chỉ hai con rồng bê tông thô thiển lù lù nổi trên sóng nước Hồ Tây, choán mất tầm nhìn cả một khoảng hồ rộng đầy gợi cảm, anh Toàn than cho Hà Nội đang bị kẻ có quyền lớn mà văn hóa thấp, thẩm mĩ kém phóng tay tiêu tiền thuế của dân không phải để làm đẹp Hà Nội mà chỉ làm xấu xí Hà Nội, làm cho không gian văn hóa, không gian lịch sử và chiều sâu tâm linh của Hà Nội thành kệch cỡm, ô trọc.

Bữa ăn tối, hôm thì chúng tôi ghé vào quán vịt cỏ Vân Đình bên đường Lạc Long Quân. Một con vịt luộc. Một chai rượu nhỏ. Thêm mỗi người một tô bún măng vịt là xong bữa tối. Hôm thì những người bạn thân thiết kéo chúng tôi đi nhà hàng. Chúng tôi đi bộ ra nhà hàng Sen bên Hồ Tây theo lời mời của kiến trúc sư Trần Thanh Vân. Chúng tôi đi bộ đến quán cà phê Lộc Vàng nghe tiếng hát Lộc Vàng.

Vụ án Lộc Vàng và Toán Xồm tù đày cả một dòng nhạc trữ tình, chà đạp lên cuộc đời Lộc Vàng và giết chết người nghệ sĩ tài hoa Toán Xồm. Lộc Vàng và Toán Xồm những nghệ sĩ chân chính, đích thực đã phải trải qua cả chục năm trời trong nhà tù hà khắc của nhà nước cộng sản chỉ vì họ hát những bài hát còn lắng mãi trong hồn một thế hệ hào hoa mà bây giờ gọi là nhạc tiền chiến. Ra tù, nhà bị nhà nước chiếm, Toán Xồm sống vật vờ hè đường rồi chết thảm ngay trên hè phố trong một đêm mùa đông mưa phùn gió bấc. Bây giờ chỉ còn Lộc Vàng, nhân chứng về một thời tăm tối, đau buồn cần phải được khắc vào lịch sử. Lộc Vàng hỏi chúng tôi thích nghe anh hát bài gì rồi anh cầm mic bước lên bục diễn. Nghệ sĩ ca nhạc Lộc Vàng say sưa hát Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Giọt Mưa Thu. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán mải mê chụp ảnh Lộc Vàng, chụp ảnh chúng tôi. Còn ông già Phạm Toàn thì như một đứa trẻ hồn nhiên, mắt sáng lấp lánh nhìn Lộc Vàng, miệng thì thầm theo tiếng nhạc

Từ quán xá trở về đã muộn, anh Phạm Toàn lại ngồi ngay vào bàn làm việc. Có đêm đã khuya, Andre Menras Hồ Cương Quyết mới gửi bài viết bốn trang bằng tiếng Pháp từ Paris, Pháp sang cho anh Nguyễn Huệ Chi. Anh Nguyễn Huệ Chi lại chuyển email cho anh Phạm Toàn đề nghị anh Toàn dịch ngay để sáng hôm sau có bài trên trang boxitvn. Thế là đêm đó, bàn phím máy tính của anh Toàn lại rào rào đến hai, ba giờ sáng.

Cầm quyển sách anh Phạm Toàn tặng, Nền Dân Trị Mỹ của Alexis de Tocqueville, một học giả Pháp “hiểu nước Mỹ hơn cả người Mỹ”, dày hơn tám trăm trang, khổ 16 X 24 do anh Phạm Toàn dịch từ tiếng Pháp vừa được nhà xuất bản Tri Thức phát hành, tôi lại như nghe thấy tiếng bàn phím máy tính rào rào như mưa sầm sập, như gió ào ào trong những đêm thâu thanh vắng.

Ngày một tháng bảy năm trước, từ Sài Gòn, tôi gọi điện chúc mừng sinh nhật, anh Toàn cười vang bảo rằng mình có nghĩ đến sinh nhật bao giờ đâu. Chả năm nào mình làm sinh nhật cả. Rồi anh khoe ngay anh vừa hoàn thành tập Toán Lớp Một.

Mãi đến bây giờ mới soạn sách Toán Lớp Một vì nhóm Cánh Buồm chỉ chủ trương làm mảng sách xã hội. Qua chuyện trò, tôi biết rằng anh Phạm Toàn day dứt nhận ra giáo dục cộng sản không có con người cá thể, chỉ có con người bày đàn, con người công cụ. Tài nguyên lớn nhất của đất nước là con người, Giáo dục cộng sản đã làm hỏng con người Việt Nam và những con người đó đang phá nát đất nước Việt Nam. Phải có những con người tử tế cứu đất nước, cứu giống nòi. Anh Phạm Toàn tập trung công sức nhóm Cánh Buồm vào làm sách xã hội giáo dục tính người cho lớp người trẻ. Nhưng bà Nguyễn Thị Bình, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục tin ở nhóm Cánh Buồm, đặt Cánh Buồm làm cả sách Toán. Bà thúc giục mãi, Cánh Buồm lại phải làm cả sách về những chữ số.

Không ai có thể nghĩ một ông già ngoài tám mươi tuổi mỗi ngày làm việc không dưới mười hai tiếng. Con người ham làm việc đó phải có tâm hồn nghệ sĩ và có một tình yêu thật lớn lao với cuộc sống. Những người như vậy đôi khi bỗng nhớ ra năm tháng tuổi tác mới chợt nhận ra tuổi mình đã cao. Nhưng nhớ đến công việc lại có cái hăm hở, hối hả, miệt mài làm việc của người trẻ, lại quên năm tháng, tuổi tác.

Nghệ sĩ trong tiếng cười sảng khoái, vô tư. Nghệ sĩ trong những câu chuyện tếu táo. Vô tư và tếu táo nhưng con người nghệ sĩ Phạm Toàn đã phẫn nộ gọi phiên tòa xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bảy năm tù là phiên tòa ô nhục và Phạm Toàn đã dành nhiều đêm cho những bài viết bộc lộ tình yêu và khâm phục với Cù Huy Hà Vũ, dành nhiều thời gian giúp vợ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hoàn chỉnh những văn bản về Cù Huy Hà Vũ. Tình yêu và sự khâm phục của anh Phạm Toàn dành cho Cù Huy Hà Vũ cũng là tình yêu và sự khâm phục của tôi và tháng ba năm trước tôi đã đến nhà anh Phạm Toàn ngủ một đêm để bốn giờ sáng hôm sau chúng tôi ngồi taxi đến 24 phố Điện Biên Phủ cùng vợ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, luật sư Dương Hà đến nhà tù K5 ở Yên Định, Thanh Hóa thăm Cù Huy Hà Vũ.

Nghệ sĩ trong tình bạn đẹp đẽ với những người bạn từ thuở hàn vi, từ lúc hoạn nạn đến tận hôm nay. Tôi đã được nghe anh Phạm Toàn nhắc đến các anh Nguyễn Đỗ Ngọc, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Vũ Bão…, suồng sã, thân tình, chí cốt, không có chút nào khoảng cách giữa những nhân cách con người và tâm hồn nghệ sĩ đó.

Năm 1993, một cô gái trẻ người Úc đến Việt Nam học ngôn ngữ và văn hóa Việt. Đến Hà Nội hôm trước thì ngay hôm sau cô tìm đến thầy giáo Phạm Toàn xin được làm học trò thầy Toàn. Giúp cô gái Úc nhanh chóng nói được tiếng Việt, đọc được sách báo chữ Việt, hiểu được văn hóa Việt Nam, ông thầy tài hoa và nghệ sĩ Phạm Toàn còn đánh thức được trái tim cô gái Úc, chinh phục được trái tim cô gái có học vấn lịch lãm ở một xứ sở xa xôi, của một nền văn hóa khác biệt. Cô gái Úc đem lòng yêu ông thầy người Việt lớn hơn cô hơn ba mươi tuổi. Đó không phải chỉ là tình yêu đàn ông, đàn bà.Đó còn là tình yêu của hai nền văn hóa dành cho nhau, soi vào nhau. Ngày anh Toàn phải mổ tim, cô gái Úc đã bay từ Úc sang Hà Nội, đến bên giường bệnh nâng giấc cho anh Toàn. Tháng tư năm nay, đang ở với anh Toàn tôi đành phải chuyển đi chỗ khác nhường gian nhà bên Hồ Tây cho cô gái Úc từ Myanmar về ở lại với anh Toàn.

Có phải văn hóa là “vàng mười” và cuộc gặp gỡ của hai nền văn hóa là “ràng buộc tình cờ”? Có phải vì những “mong”, những “chờ”, vì những “biệt ly” với người đàn bà tóc vàng Úc mà tâm hồn nghệ sĩ Phạm Toàn đã viết thành thơ:

Áo xiêm ràng buộc tình cờ

Một mong là nghĩa

Một chờ là nhân

Vàng mười

Hạnh phúc

phân vân

Chợt xa

Đã thấy mây vần trời xanh

Đã nghe nức nở nắng hanh

Chợt khuất lối nhỏ

đã thành biệt ly

Bài viết mừng nhà văn hóa Phạm Toàn bước sang tuổi tám mốt, 1.7.2013.

Một số hình ảnh của tác giả Phạm Đình Trọng chụp nhà văn Phạm Toàn:

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây