Triển vọng giải quyết các nghị trình của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka

Đỗ Kim Thêm

27-6-2019

Bối cảnh

Trong hai ngày 28 và 29 tháng 6 năm 2019, Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka, với sự tham dự của các nguyên thủ của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, trong còn có cả cơ quan Liên Âu, 8 quốc gia khách mời và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và nhiều định chế quốc tế khác.

Mục tiêu của Hội nghị là tăng cường hợp tác đa phương để duy trì và củng cố trật tự quốc tế cho một nền thương mại tự do và công bình trong bối cảnh các biện pháp bảo hộ mậu dịch của nhiều quốc gia và cuộc chiến thương mại Mỹ-Hoa đang leo thang.

Nước Nhật đề ra ba chủ đề thảo luận là chuẩn bị thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Part-nership, RCEP), mô hình “Lưu hành Tự do Dữ liệu trong Thành tín, (Data Free Flow with Trust, DFFT), trong đó các biện pháp khẩn thiết để cải cách hoạt động cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là tiền đề quan trọng nhất.

Hội nghị duyệt xét các biện pháp tổng quát dựa theo Phúc trình 1.5˚C của Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (Intergovern-mental Panel on Climate Change), và sau đó, tháng 10, Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Canh tân Môi trường Xanh (Green Innovation Summit), nơi quy tụ các nhà nghiên cứu và đại diện của giới công nghiệp và tài chính để nghiên cứu các bước thực hiện.

Khác với hầu hết các định chế quốc tế được thành lập sau năm 1945, mà mục tiêu chính là giải quyết các vấn đề vãn hồi hoà bình và tái thiết hậu chiến, G20 là một diễn đàn được thành lập vào năm 1999, một cơ chế cho các cuộc họp cấp bộ trưởng. Năm 2008, tổ chức được nâng cấp thành hội nghị thượng đỉnh cho 20 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên, họ là đại diện cho bốn phần năm sản lượng kinh tế và hai phần ba dân số toàn cầu.

Nhìn chung, hiện nay, trật tự toàn cầu đang lung lay và các nước phương Tây sống trong một thời đại bất thường: chủ nghĩa đa phương trong tinh thần trọng pháp không còn được tôn trọng, nền kinh tế thị trường lâm vào khủng hoảng vận hành và các hệ thống dân chủ, tự do không còn thanh danh như xưa. Một số quốc gia theo chính sách dân tộc mị dân, chống trào lưu toàn cầu hoá, các luồng di dân và khủng bố Hồi giáo. Bắc Hàn và Iran, hai quốc gia có bom nguyên tử, đe doạ an ninh. Quan trọng và nguy hiểm nhất là sự kiện Trung Quốc trỗi dậy và uy hiếp làm biến đổi trật tự thế giới theo định hướng của Trung Quốc qua dự án “Nhất đái, Nhất lộ”.

Trong sáu tháng đầu năm 2019, tình hình biến động dồn dập hơn. Các quan điểm về chiến lược địa chính trị của Washington trước các điểm nóng Đài Loan, Biển Đông và Ấn Độ-Thái Bình Dương mang một sắc thái mới trong cuộc xung đột khu vực. Hậu quả là các cường quốc (Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn và nhiều nước khác) cũng bị can dự vào với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sôi động nhất là do những đe doạ leo thang dẫn đến nguy cơ chiến tranh Mỹ với Iran, Mỹ thất bại thương thuyết với Bắc Hàn và biểu tình tại Hồng Kông.

Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2019 tại Osaka trở thành một diễn đàn cho hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hoa tiếp xúc trong các cuộc hội thảo song phương. Vấn đề là ba luận điểm chính trong chương trình nghị sự do Nhật đề ra có còn thu hút công luận và chính giới không và giải pháp như nghị trình đề ra sẽ đạt đến mức độ nào.

Cải cách WTO

Quan điểm chung của các thành viên Hội nghị là do tình hình thương mại thế giới thay đổi, tổ chức WTO cần phải cải cách triệt để, nhất là soạn thảo lại luật thương mại và đầu tư toàn cầu cho phù hợp, nhưng không nhất thiết chỉ giới hạn giải quyết trong phạm vi thương chiến Mỹ-Hoa. Thực tế cho thấy, đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp và không thể hy vọng có một bước tiến đột phá nào tại Osaka. Cải cách tổ chức WTO theo cơ chế đa phương vẫn cần sự lãnh đạo và chức năng của một quyền lực để định hình chương trình nghị sự và cổ vũ (regulatory power and advocacy).

Lý do hiển nhiên là Trung Quốc và Hoa kỳ không thể đồng thuận về các mục tiêu trước mắt về các biện pháp quan thuế biểu. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, thương chiến Hoa-Mỹ sẽ còn kéo dài và tùy thuộc vào diễn tiến bầu cử tổng thống Mỹ trong tương lai. Cụ thể nhất là, với chủ trương American First, Mỹ khá gay gắt với hoạt động của tổ chức WTO. Mỹ cho rằng WTO đã lỗi thời, đe doạ sẽ rời bỏ WTO. Trước mắt là cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp thuộc tài phán WTO, một hình thức toà án tối cao về thương mại thế giới đang bị suy yếu. Mỹ sẽ không bổ nhiệm các trọng tài viên mới cho bộ phận thường trực của bảy người, nên cơ chế giải quyết tranh chấp WTO sẽ không còn hoạt động vào tháng 12 năm 2019. Khi cuộc đối đầu song phương chưa kết thúc, các cuộc thảo luận đa phương này bị lu mờ.

Từ ngày gia nhập tổ chức WTO năm 2001, Trung Quốc là nước hưởng nhiều lợi thế nhất trong tiến trình toàn cầu hoá, biết tận dụng các khe hở luật lệ để khuyếch trương xuất cảng sản phẩm. Các biện pháp trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, các ưu quyền cho một nước đang phát triển, buộc các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc chuyển giao công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh của Trung Quốc là những thí dụ chính.

Trung Quốc đã tuyên bố là sẽ đồng thuận việc cải tổ WTO. Đó là một điều trớ trêu và bất hạnh cho tiến trình cải cách WTO. Hoa Kỳ có đủ khả năng và nguồn lực để thực hiện cải cách, nhưng Hoa Kỳ lại không muốn tiến hành vì đi ngược lại chủ trương American First; còn Trung Quốc đã vi phạm trầm trọng mọi thứ luật thương mại quốc tế, không có khả năng và nguồn lực lại tự nhận muốn lãnh đạo cải cách để tiếp tục làm lũng đoạn thịnh vượng cho thế giới.

Về quan điểm, cơ quan Liên Âu ủng hộ chủ trương đa phương trong tinh thần trọng pháp và bảo vệ vai trò của WTO, nhưng lại không thể thuyết phục Hoa Kỳ thay đổi chiều huớng, nên không thể tác động nhiều để giải quyết tranh chấp việc cải cách.

Châu Âu và Nhật Bản có thể hợp tác trong tiến trình này. Cả hai cùng có một lập luận chung là các cải cách WTO, nếu thành công, sẽ là một sức ép, buộc Trung Quốc phải thay đổi các luật lệ về vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, cải thiện khả năng cho phép doanh nghiệp ngoại quốc thâm nhập thị trường, tạo một sân chơi bình đẳng, nhất là tuyệt đối tôn trọng giải quyết vấn đề tác quyền trí tuệ bằng phương tiện luật định. Cả hai không chấp nhận các biện pháp lũng đoạn hay mua chuộc.

Hoa Kỳ không ủng hộ cho lập trường này, vì dành ưu tiên cho thương thảo kinh tế song phương hơn là tinh thần trọng pháp trong cơ chế đa phương. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 2018, ông Trump công nhiên theo đuổi lập trường chống toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế , đây là một bằng chứng.

Đối với các nền kinh tế mới nổi và đặc biệt là các nước thuộc châu Mỹ La tinh, một phần vì thiếu nguồn lực chuyên môn, một phần vì quan điểm chính trị, tất cả không cổ  vũ cho chủ thuyết đa phương. Các nước ASEAN cũng lâm vào trường hợp tương tự; do khống chế chính trị của Trung Quốc, nên không có tác động nào khởi sắc để đóng góp cho việc cải cách WTO.

Biến đổi khí hậu

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dành ưu tiên cho vấn đề thay đổi khí hậu để thảo luận, nhưng không ai hy vọng là sẽ có tiến triển rõ rệt nào, vì hai lý do. Một là, dù sẽ thảo luận trên phuơng dịiện hình thức tại Osaka, nhưng các cuộc thảo luận chuyên đề còn cần nhiều nỗ lực liên tục của Nhật Bản. Tháng 10 năm nay, Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Canh tân Môi trường Xanh, để nghiên cứu các bước thực hiện. Thứ hai là do Trump không quan tâm cộng tác trong vấn đề này.

Lưu hành Tự do Dữ liệu

Trong một bài phát biểu tại Davos vào tháng Giêng, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra khái niệm này và muốn chủ đề này thảo luận sâu rộng trong nghị trình G20. Trở ngại chính cho chuyên đề là sự khác biệt trong các khảo hướng về quyền riêng tư dữ liệu, nội địa hóa và các vấn đề liên quan giữa Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc. Do dó, không thể đạt được sự đồng thuận tại Osaka. Nhưng Abe đã xác định được một vấn đề quan trọng và G20 có thể đóng góp có giá trị bằng cách đưa nó vào chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Thanh thế đang lên của Abe và Nhật Bản

Trong bối cảnh hiện nay, những kỳ vọng cao độ về bước đột phá của G20 tại Osaka để giải quyết vấn đề như nghị trình đưa ra là không thực tế. Như thông lệ, G20 sẽ đưa ra một Bảng Thông báo chung các diễn biến và xác định các ưu tiên cho cải cách các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại như trợ cấp và tác quyền trí tuệ. Các nhà lãnh đạo sẽ giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng thương mại chuẩn bị các biện pháp chuyển tiếp cho cuộc họp tiếp theo của WTO dự kiến vào tháng 6 năm 2020 tại Kazakhstan.

Nhưng điều đó không có nghĩa là một thất bại cho Shinzo Abe và Nhật Bản trên trường quốc tế. Ngược lại, vai trò của Abe được nâng cao. Thuận lợi lớn nhất là uy tín cá nhân, Abe được lòng tin cẩn của cả hai ông Trump và Putin. Trong chuyến thăm gần đây của Abe tại Iran, nhằm giảm căng thẳng giữa Mỹ-Iran, dù chưa có chưa có kết quả, nhưng là một bằng chứng khác cho thấy thanh thế Abe trên chính trường.

Dưới thời Trump, Mỹ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo về các vấn đề toàn cầu.  Vấn đề là liệu Trung Quốc, Liên Âu và Nhật Bản có thể thay thế không. Thoạt đầu, có nhiều ước đoán loại suy cho rằng, Liên Âu tiêu biểu cho thế giới tự do, nền kinh tế thị trường và tinh thần trọng pháp sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò đầu tàu này. Nhưng cơ chế Liên Âu không thể vận hảnh hoàn hảo. Các suy yếu nội tại làm các cải cách không thể tiến hành. Do đó, Liên Âu không thể thay cho Mỹ trong vai trò này.

Vấn đề duy nhất còn lại là Đức, trong thực tế, là đầu tàu của Liên Âu, sẽ thay thế cho Liên Âu trong vai trò này. Bà Angela Merkel, với tài năng và đức độ, đã thu phục cảm tình của công luận và chính khách quốc tế. Sau bầu cử, vị thế của Bà suy giảm. Cầm quyện trong một chính phủ liên minh không thực lực, Bà phải nhân nhượng quá nhiều nên không thể giải quyết các bất ổn quốc nội, nhất là việc giải quyết các vấn đề di dân. Do đó, Bà quyết định không tiếp tục tranh cử và đang âm thầm từ giả chính trường, dù đang còn tại chức.

Việc cải cách châu Âu và nước Đức đang bị đình đốn, trong khi đó Nhật bước vào một kỷ nguyên với với triều đại Lệnh Hoà và Nhật Hoàng Naruhito vừa được tấn phong. Abe không những muốn chứng tỏ là một nhà chính trị hiếu khách lão luyện mà Nhật Bản cũng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn cho trong việc phát triển khu vực và hợp tác quốc tế. Với thanh thế đang phá huy cho Abe và Nhật Bản, một tiến trình mới đang khởi đầu cho G20.

Nhưng G20 sẽ làm gì là một thách thức khác. Xác định nghị trình khả thi và được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên đòi hỏi G20 phải có một viễn kiến thu hút. Tất cả còn là bước khởi đầu cho một thời kỳ mới, của các hợp tác quốc tế trong chiều hướng hồi phục cơ chế đa phương trong tinh thần trọng pháp.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. No CONCRETE OUTCOMES from G20 Osaka this time, except a Good Timing for World Leaders seeing, greeting and talking together about actual global problems.

Comments are closed.