Nguyễn Thùy Dương: Sống nghèo, chết khổ

LTS: Loạt bài “Sống nghèo, chết khổ” của cô Nguyễn Thùy Dương, một dân oan Thủ Thiêm, tác giả của quả “Tomadép” tặng bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, lãnh đạo thành Hồ, hồi tháng 10/2018. Cô Dương còn nổi tiếng với những phát biểu chất vấn các quan chức lãnh đạo thành Hồ, đến nỗi họ sợ, nên tìm mọi cách ngăn không cho cô vào hội trường tham dự các buổi tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm.

Loạt bài “Sống nghèo, chết khổ” của cô Dương kể lại nguồn gốc đất mà cô đang đòi, là của ông bà Cố cô: Ông Bảy Hạt và bà Bảy Siêng, những người đã đổ xương máu, khai hoang từ thời Pháp thuộc ra sao, đã bị chính quyền “cách mạng” sau “giải phóng” lấy như thế nào. Đến đời bà ngoại cô đã vất vả đòi lại mà không được, bây giờ đến đời cô vẫn tiếp tục đi đòi.

Kính mời quý độc giả đọc loạt bài sau đây, để thấy rõ bản chất của chế độ này đối xử với dân ra sao, nhất là đối với những gia đình “có công với cách mạng” như gia đình cô Dương.

Cô Nguyễn Thùy Dương, một dân oan Thủ Thiêm, là người liên tục chất vấn các lãnh đạo TPHCM, vụ cướp đất của dân Thủ Thiêm. Ảnh: FB nhân vật

_____

Nguyễn Thùy Dương

Phần 1: Duyên phận cùng khổ

Ông Bảy có 7 anh chị anh. Chị lớn lấy chồng, còn lại sáu anh em trai ế vợ đều hết do nghèo quá không ai lấy. Theo phong tục miền Nam, ông Bảy dù thứ 7 nhưng là con thứ 6 trong nhà. Má ông Bảy đẻ ông Tám khó quá nên lìa đời. Hai năm sau, ba ông cũng đi chầu ông bà. Chị Hai nghèo ráng lo thằng Tám, còn lại mấy anh em đi ở mướn cho nhà giàu.

Ông Bảy đi ở hồi 7-8 tuổi, còn nhỏ chỉ phụ cắt cỏ, gieo hột giống, phụ việc vặt trong nhà chủ kiếm cơm. Chủ thương cho học, được học chữ nho để đọc được thôi, về sau ông được học lỏm thêm được thêm chữ Việt. Vậy là ông biết hai tuồng chữ, đọc thì được, chứ viết như cua bò. Sau lớn lên ông thích tuồng chữ Nho hơn, coi hát đình quệt cho nó oai.

Năm ông Bảy hơn 10 tuổi, chủ giao ông chăn bò, chăn được chục năm thì ông lấy vợ. Vợ ông Bảy là cô ở đợ chung nhà luôn. Năm sau, bà Bảy đẻ được thằng con trai coi bộ cũng được lắm. Ông sáng lùa bò ra đồng, đi chợ về nấu cơm cho vợ. Nhưng ai có dè bà Bảy ở nhà chờ đói quá, bà ra sau nhà thọc (hái) trái đu đủ chín hòm hòm vô gọt ăn. Ông Bảy đi chợ về nghe con khóc dữ, chạy vô thì vợ sùi bọt mép cứng đơ rồi.

Đám ma bà Bảy diễn ra đơn giản, ông Bảy xin nghỉ, ôm con đi xin sữa. Đứa nhỏ thiếu sữa, bịnh ngặt không lâu cũng chết. Ông Bảy buồn, xin chủ cho nghỉ, ông bán mấy con bò. Bị vì hồi đó chăn lâu nên ông bà cho con bò cái già, nó đẻ được mấy lứa. Ông nhập chung bầy bò chủ chăn luôn. Ông lãnh lương cũng được một mớ, ông chia cho mấy anh em, rồi quẩy giỏ bỏ xứ mà đi. Năm đó, ông mới hơn 20 tuổi. Mang tiếng bỏ xứ chứ cũng không xa lắm, cách có con sông thôi. Bỏ từ thành Tuy Hạ qua Cát Lái (cách 5 cây số).

Ông Bảy bỏ xứ đi mần mướn tiếp. Ông cứ cặm cụi mần không để ý chuyện vợ con, bao nhiêu tiền ông đi đá gà, đá cá. Chơi hết tiền thì thôi, không trộm cắp ai hết. Nhà ông Bảy ở kế bên một nhà làm thuốc. Thầy thuốc nhà đó già rồi, thiên hạ đồn có tay phục dược dữ lắm. Gia đình giàu có, quan trong huyện cũng phải tìm tới. Nhà đó có đứa cháu ngoại coi cũng ngộ. Con nhỏ hay chạy chơi vòng quanh mấy bụi bông trang, da trắng phau, mắt to tròn, mũi thanh, thấy thương lắm. Mấy bữa đi đá gà về ông Bảy hay mua cho nó mấy cái bánh. Con nhỏ khoái lắm.

Rồi nhà con nhỏ phá sản, ông ngoại nó khám bịnh cho quan. Dần lâu sa đà vô bàn đèn, thuốc phiện, gia sản bán hết, không ai tới khám. Ông ngoại nó chết vừa chôn người ta siết nhà luôn. Cả gia đình mười mấy người dọn ra bờ ruộng ở, nhà làm thuốc nên không trữ ruộng. Tới lúc bại sản không có nổi công ruộng để mần. Nên đi cắt cỏ bàng, cỏ lát về đan đệm, đan giỏ.

Con nhỏ lớn lên đẹp lắm, nó cao nhong nhỏng. Ông Bảy đứng tới mang tai con nhỏ. Nó lớn lên lấy chồng gặp phải thằng âm hồn, con nhỏ sanh đứa con gái. Thằng chồng bỏ, tại hổng biết sanh, trước đó thằng chồng lấy hai bà vợ đều sanh con gái. Con nhỏ năm đó mới 18, trẻ măng như bông chớm nở, ôm đứa con gái khóc không nên tiếng. Đêm ông Bảy nằm nghe đứa nhỏ khóc mà tội. Ông nhớ thằng con trai ông, năm đó nó cũng khóc như vậy, rồi lịm dần trên tay ông. Được đâu một tháng, sau khi cô Bảy hàng xóm bị chồng bỏ, ông Bảy mê đá gà bên này bỏ đá gà, qua xin chắp nối với cô Bảy.

Nhà cô Bảy đan chiếu mừng húm. Có thằng rước dùm đỡ miệng ăn, nghèo quá mà. Ngặt nổi cô Bảy hông chịu, do anh Bảy lớn hơn cô 18 tuổi. Má cô Bảy đánh cô dữ lắm, roi phướn đánh tím mình mẩy. Cuối cùng cô chịu về ở với ông Bảy. Ngày theo chồng, cô Bảy chỉ quẩy cái giỏ mấy bộ đồ cũ, ôm theo đứa con nhỏ.

Ông Bảy tính tới tính lui. Hồi đó, một mình ênh sao cũng được, giờ có vợ con phải lo cho vợ con. Ông được người chỉ đi xin ruộng quan Tây. Nào giờ, ông có biết quan Tây đâu. Ông sợ Tây lắm, Tây nó lớn lắm, tóc cũng khác màu. Ông cũng đánh liều ra đồn Cát Lái xin ruộng. Hên sao, ông gặp quan Việt với quan Tây. Ông thấy đỡ lo, có quan Việt là mừng. Ông nói qua hoàn cảnh rồi cũng thiệt tình kể qua có người chỉ qua xin ruộng. Quan Việt nói gì đó với quan Tây, ông Tây nghe xong cười haha, rồi lại nói gì đó với ông Việt. Hai ông cùng cười, cuối cùng ông Việt nói lại:

– Đất gì là đất xin, đất này là của trời đất. Mày khai được tới đâu, cho tới đó. Miễn thuế 3 năm đầu.

Ông Bảy mừng quá, bái lạy lia lịa. Quan Việt tiếp lời:

– Mày biết mấy tuồng chữ.

– Dạ, thưa quan. Con biết hai tuồng chữ mà rành chữ nho hơn. Có điều con biết đọc thôi à!

– Mày đỡ hơn thằng hồi nãy. Mày tên gì?

– Dạ, thưa Quan. Con tên Nguyễn Văn Cát, tên thường kêu là Bảy Hạt. Vợ con là Nguyễn Thị Siêng, tên thường kêu là Bảy Siêng.

– Mày nghèo là đúng rồi. Siêng cỡ nào cũng số hột cát à con. Dìa đi!

Ông Bảy bái quan rồi dìa. Cái ông lo là lấy gì ăn trong lúc khai hoang? Vợ thì còn con nhỏ? Kể từ bữa đó, ông nghỉ đi ở. Ông lên rừng đào củ mài về luộc đem theo ra đồng cắt cỏ khai hoang. Bà Bảy ban đầu ở nhà sau thấy chồng cực quá cũng ra đồng phụ. Ông bà bẻ tràm dựng cái lều nhỏ bỏ con trên bờ còn mình đi cắt cỏ. Ông lựa khoản đất gần chỗ nước vô ra cho có nước. Lần đầu, ông bà bắt tay mần ruộng. Vợ chồng ăn củ mài thay cơm. Đứa con thiếu sữa ốm nhách. May sao, bữa đó thằng Chín đi ngang. Nó hỏi:

– Chú Bảy! Cơm đâu mà chú thím hổng ăn, đi ăn củ mài chi cho khổ dạ?

– Gạo đâu mà ăn, hổng ăn củ mài cho đói hả?

– Hông có thì đi xin, tía con cũng xin mà. Hồi đó đói y như chú thím đi xin lúa về ăn.

– Ở đâu mà xin?

– Quan Tây chứ đâu trời, quan thiếu gì lúa!

Ông bà Bảy hết hồn nhìn thằng Chín.

***

Phần 2: Cuộc vực dậy như mơ, bước đầu theo Việt Minh

Ngã ba sông

Ngày hôm sau, dù là sợ nhưng ông Bảy cũng tới phủ quan trong thành Cát Lái. Gặp quan ông khúm núm chắp tay xá hai Quan. Quan Việt nhai trầu, Quan Tây phì phèo điếu thuốc phất tay ra hiệu cho ông Bảy nói chuyện:

– Dạ, thưa hai quan. Hôm bữa trước, con có tới xin ruộng. Được hai quan cho, con mừng lắm. Hai vợ chồng con nhờ bà con phụ mần cỏ, dọn bàng cũng được khá khá, ngặt nỗi. Vợ chồng con nghèo, có đứa con gái nhỏ, vợ con thì bầu bì. Tình thiệt với quan, tụi con phải đào củ mài ăn qua ngày. Nay qua đây xin quan thương cho con xin lúa giống về làm tiếp.

– Mày mần được mấy mẫu rồi? Hồi giờ, mày có mần ruộng chưa? Tao nghe lính báo mày khai hoang gần mé sông.

– Thưa quan lớn! Sáu mẫu hơn. Hồi giờ, con chỉ chăn trâu bò, cắt cỏ, mần mướn thôi quan. Con tính khai gần mé sông cho đỡ dẫn nước thưa quan!

– Ừa! Liệu mà làm, ba năm hông đóng thuế là tao lấy lại ruộng. Tao cho mày hai chục giạ lúa, dư để làm giống. Còn thì để cho vợ con làm cái ăn, mần mà gặp Việt Minh ở đâu về báo quan chưa?

– Dạ, thưa quan! Việt Minh ra sao quan? Con hổng biết.

– Mày về thấy người lạ lúp lén báo tao. Thôi đem lúa về đi.

Ông Bảy xá hai quan rồi theo chú lính qua cổng sau lấy lúa. May sao có xe bò dân đi qua, ông gửi nhờ đi về chứ làm sao mà vác cho nổi. Bà Bảy thấy xe bò bỏ lúa xuống bà mừng lắm. Bữa đó, nhà ông bà có một bữa cơm trắng với cá lóc kho, rau muống luộc.

Mùa lúa năm đó, ông Bảy không trúng lắm nhưng cũng đủ ăn, đủ sống. Ruộng gần sông tiện thì có tiện về con nước, mà khổ cũng khổ vì con nước. Ông lên quan xin khai khúc ruộng trên rồi chịu khó khai nước lên, làm dưới này đắp lại bờ không cũng muốn chết. Xong mùa lúa cũng là lúc bà Bảy đẻ được cho ông đứa con trai đầu. Ông cưng lắm, vừa được con trai. Trong nhà vừa có cái bồ hơn ba trăm giạ lúa.

Ông vừa lo chợ búa, vừa khai ruộng trên, làm ruộng dưới, đi sớm về khuya. Ra tháng bà tự lo được, ông với mấy anh em trong xóm phụ nhau làm dần công. Mãn mùa năm đó, ông mua được hai con trâu. Ruộng trên thì qua mùa lúa năm sau là làm được. Cách năm sau đó, bà Bảy đẻ được đứa con trai nữa. Cũng năm đó, dịch trái rạ bùng phát. Đứa con gái lớn may mắn qua khỏi nhưng hai đứa con trai nhỏ không qua nổi. Bà Bảy ngồi nhìn con như vô hồn, bà không chịu cho ai đem con bà ra đồng chôn. Ông Tám em trai bà đứng ôm vai chị: Chị Bảy ơi! Đừng buồn mà. Tui thương chị mà chị Bảy! Tui cũng thương thằng Tí với thằng Tèo nữa.

Bà Bảy như manh lá chuối khô quắt queo trong gió. Ông im lặng hút thuốc. Xóm không có thầy chùa, phải qua xóm trong kiếm thầy. Hòm đóng bằng mấy tấm ván đóng lại. Ông Bảy đem con đi chôn ở đâu bà cũng không biết. Năm sau, ông bà trúng lúa đóng đủ thuế lúa cho quan. Trong nhà lúa ngàn giạ. Ông Bảy qua sông, về quê thăm anh chị em, gói ghém mua mấy bao thuốc vấn cho anh em trai, sấp vải cho chị hai.

Ông về tới nhà ông Sáu đã giữa trưa. Ngồi hút điếu thuốc, uống ly nước trà rồi thủng thẳng nói chuyện. Đêm đó, ông ngủ lại nhà ông Sáu. Nửa đêm có tiếng gõ cửa, ông Bảy ngủ ở nhà trên lên tiếng: Ai?

Ngoài kia im bặt, ông Sáu bưng đèn dầu ra dấu cho ông Bảy giữ im lặng rồi nói nhỏ: “Thằng con lớn của anh Năm với chú Tám mình. Họ đi Việt Minh, ban ngày Tây lùng dữ lắm. Tối mới về đây“.

Ông Sáu mở cửa hé cho đám người mặc đồ đen đi vô. Người có súng, người có dao. Vợ chồng ông Sáu dọn cơm ra cho họ ăn, cửa đóng chặt lại. Ánh đèn dầu loe loét sáng, ăn xong họ nói chuyện gì mà ông Bảy không rõ. Họ rút đi, ông Tám với thằng Hai ở lại nói chuyện với ông Bảy:

– Sao tụi mày đi theo Việt Minh, phạm pháp, quan bắt chết, sống chui nhũi như vậy nữa.

– Anh Bảy à! Để giặc Tây trên đất nước mình mới là phạm pháp, phạm cái pháp làm người, cái pháp quân tử với ông cha. Tây họ đâu phải người mình đâu anh Bảy. Tui mấy lần qua bên anh, ngặt nỗi tui thấy anh thân với quan Tây quá, tui hông ghé. Quan Tây cho anh ruộng để mần chẳng qua lấy lòng dân, bình định lòng dân thôi chứ họ thương gì dân mình. Mình tiếp tay cho Tây là phường phản quốc đó anh Bảy!

Ít học thiệt nhưng nghe tới chữ phản quốc là ông biết rất nghiêm trọng. Ông hỏi ông Sáu:

– Vậy tao làm sao để không phản quốc?

– Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách, mỗi người phụ một tay, hy sinh một chút để quốc gia sớm ngày độc lập. Nhiệm vụ tui sẽ báo anh sau. Hẹn anh đêm mùng 1 tháng sau, tui sẽ ghé thăm anh.

Ông Sáu với thằng Hai đi rồi, ông Bảy ngồi châm thuốc hút, một lát cũng ngã lưng lên tấm ván chợt mắt. Sáng ra ông về sớm, phần vì lo vợ con, trâu bò ở nhà, phần vì nhiều suy tư. Ghe qua tới bến sông, ông đi vô xóm. Vừa đi vừa lên tiếng: “Hai à! Siêng à!”

Đứa con gái nhỏ chạy ra ôm chân ông. Ông đồng con gái lên cổ đi vô nhà. Ông cởi áo dài, máng lên sào, lấy đôi guốc trong giỏ ra bỏ lên kệ. Đời nghĩ cũng ngộ, mang guốc cho khỏi đau chân, dậm gai. Mà mang thì sợ mau hư nên không kẹp nách thì cũng bỏ trong giỏ xách. Ông vấn thuốc rê hút rồi hỏi bà: “hai bữa rày, ai coi trâu bò?”

– Tui nhờ cậu Tám coi dùm, cẩu được nghỉ học mấy bữa. Tui nấu cơm đem ra cho công cấy họ ăn. Cậu Tám giờ lớn bộn, cao hơn tui luôn, tiếng Tây nói cũng rành. Hôm qua, quan xuống thăm xóm, cẩu ra nói chuyện chạy ro ro. Quan khoái lắm. Cẩu nói, nửa mà cẩu lớn cẩu đi lính như quan Tây.

Ông Bảy nghe như sét đánh ngang tai! Ông thở dài rồi vô nhà trong nằm. Ông nghĩ tới ngày ăn củ mài của hai vợ chồng, ông nhớ vẻ hoảng sợ của bà Bảy khi nước vô lở bờ, ông nhớ ngày bà lấy ông cả người toàn dấu đòn roi, ông nhớ ánh mắt đẹp mà vô hồn của bà ngày chiếc xe bò chở hai cái hòm đi. Ông muốn bà sung sướng, ông muốn bà vui vẻ sau bao nhiêu đau khổ mà sao khó quá.

Cái câu: Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách và hai chữ phản quốc cứ lởn vởn trong đầu ông. Đời! Sống khó lắm!

***

Phần 3: Sống nghèo, chết khổ

Với lý do có quá nhiều đọc giả đọc phần đầu cứ hồi hộp khúc cuối. Mà nếu viết hết truyện này phải tầm 10 chương, nên mình rút lại viết 3 chương cuối. Nói về người con gái chung duy nhất của hai ông bà Bảy còn sống sót sau nhiều tai nạn, dịch bệnh.

oOo

Cô Tiếu ngồi ở bờ mương nước mắt tự nhiên chảy ra. Cô không khóc mà cũng không biết tại sao lại như vậy. Từ hôm qua tới hôm nay, cô không có hột cơm bỏ bụng. Cô đi năn nỉ mấy chỗ bán nhu yếu phẩm bán cho cô một hộp sữa đặc. Hay bán cho cô một ít thôi cũng được, cô trả gấp đôi, gấp ba tiền.

Dù cô nghèo nhưng cũng ráng gom hết tiền đi mua sữa đặc cho ba mình – ông Bảy. Ông Bảy bệnh nặng lắm, chắc không qua nổi ngày mai. Từ lúc nhà nước mở ra Hợp Tác Xã bắt ông hiến đất, ông đâu có chịu, ông nói: “Đất của tui có gần chục mẫu, dân nghèo xin tui cho bớt bây giờ còn có năm mẫu mấy. Hiến nữa là sao sống được? Mỗi nhân khẩu mấy ông chia 900 thước thì chỉ có chết thôi. Tui hổng hiến gì hết“.

Họ đưa gia đình ông Bảy vào diện bất hợp tác với chính quyền. Họ kiểm tra nhà liên tục vì nghi ngờ có chứa phản động. Ông Bảy tức lắm vì họ không bán phân bón cho ông, ông làm gì họ cũng làm khó. Ông chửi thẳng luôn: Mịe! Tụi mày, anh em cháu tao chết sạch. Cả dòng họ tao chết hết vì đi theo tụi bây. Dòng họ bên vợ tao cũng chết vì nghe tụi bây, tao có một đứa con gái một là con Tiếu, cũng để theo tụi bây đưa đường, đưa tin, đưa đạn dược tới mức tù đày mang tật. Mà bây giờ, bây ăn ở như vậy, bây phải người không?

Chửi thì chửi vậy, qua năm sau ông cũng bị ép vô Hợp Tác Xã. Từ hồi vô HTX, ông Bảy xuống sắc rõ, ông không mần ruộng nữa mà để hết cho cô Tiếu và mấy đứa cháu ngoại mần. Ông chỉ ngồi nhìn ruộng rồi đôi mắt già nua đỏ lên, ông vấn thuốc hút, vừa hút vừa cười sằng sặc, nước mắt tuôn ra. Ông lấy cái khăn rằn lau mặt, đứng lên chống gậy về, vừa đi vừa nói mấy câu trong vô định: Vô ơn là lính, bạc nghĩa là làng.

Đất của ông Bảy đo được năm mẫu hai. Họ trừ đủ thứ còn lại bốn mẫu tám. Họ cấp cho nhà ông một mẫu hai với công khai hoang là năm công nữa. Vị chi được một mẫu bảy. Một công mần trúng lắm thì cũng chỉ được 20 chục giạ một mùa. Đằng này chiến tranh kết thúc thì hạn hán xảy ra, phân bón không có, đói nghèo một năm.

Qua năm sau, lúa trúng hai mùa tưởng đâu có được chén cơm đủ ăn thì họ chở lúa đi hết. Họ cấp phát lúa theo đầu người, dùng lúa trả công cho công thợ. Lỗ lãi ra sao dân không biết.

Nửa đêm ông nghe tiếng bước chân, tiếng mở cửa nhà, ông hắng giọng. Người kia lên tiếng: “Tui nè ba”. Ông Bảy giở mùng chui ra, thấy con gái ướt như chuột, quần săn ngang gối: “Bây đi đâu giờ này về”?

– Tui đi ra ruộng, ăn trộm lúa. Lúa của mình, để mai mốt cắt rồi họ chở đi hết.

Bà Bảy kêu con đi thay đồ. Hai ông bà nhìn nhau nằm xuống ngó lên nóc mùng. Đèn dầu tắt rồi mà hai cặp mắt già nua còn mở trừng trong bóng tối. Con mình phải đi ăn trộm trên chính mảnh đất còn lại của gia đình, trên chính lúa nó trồng ra. Nếu bị bắt còn có thể bị ở tù.

Hồi xưa, con ở tù một lần ở Chí Hoà vì tình nghi hoạt động Cộng Sản, ông bà đã sợ lắm rồi. Khi con đi nó bình thường, khi nó về mắt đã lệch đi vì bị chích điện, bị tra tấn. Tội hoạt động Cộng sản là nghiêm trọng lắm. Người phụ nữ nhỏ bé đã nhất quyết không khai một lời nào về Đồng Bưng Sáu Xã, về những ai đang hoạt động đưa tin từ Cát Lái, Bình Trưng tới Đồng Bưng. Những đòn đánh dã man vì lính VNCH đã có gần như đầy đủ bằng chứng hoạt động của cô Tiếu. Đặc biệt người chiêu hồi đã khai rõ, Tiếu giấu thùng đạn trong đống cỏ chở đi, móc nối đưa tin đắc lực, giữ các thông tin về mắc xích hoạt động.

Gia đình có một dòng họ bên nội kháng Pháp chết sạch, bà ngoại bị giết vì tiếp tay Việt Minh, cậu là công chức Pháp lại dẫn Việt Minh về đánh bót Pháp, sau chết mất xác. Cô Tiếu nhớ lại mỗi lần nghe tiếng cán bộ mở cửa là tim treo lên cổ, là ám ảnh khủng khiếp, gai óc nổi lên. Hai tháng tra tấn liên tục mà không lấy được tin gì. Nha cảnh sát Chí Hoà phải thả cô Tiếu ra, cô không biết đường về.

Lúc họ bắt cô ở nhà, còng lại rồi chở đi. Cô không biết mình bị chở đi đâu. Từ nhỏ, cô chỉ quanh quẩn ở huyện Thủ Đức, chứ chỗ này lạ lắm. May sao cô gặp một bà Đầm, bà cho tiền mướn xích lô chở về tới bến Bạch Đằng, cô đi đò về Thủ Thiêm, rồi đi bộ về nhà.

Bữa đó, thấy con, bà Bảy đã khóc nhiều lắm. Bà tưởng đời này bà mãi là tre già khóc tiễn măng non. Khuya đêm đó, cán bộ ghé thăm nhiều lắm. Họ động viên hỏi thăm coi cô khai gì, cô có tính chiêu hồi không? Họ nói năng thâm tình lắm, tới gần sáng mới rút đi.

***

Cô Tiếu vẫn thẩn thờ. Tại sao hồi ba mình cầm đèn dẫn lối cho họ đi trong đêm hành quân, nấu cơm cho quân ăn, không ai đòi ba mình giấy chứng nhận. Mà bây giờ, ba mình sắp chết rồi, họ đòi giấy chứng nhận của bác sĩ, họ mới bán sữa. Mà bác sĩ đâu chịu vô cái vùng heo hút này để khám, ba mình lại không nằm xe bò nổi.

Cô nhớ thùng sữa hộp quan Pháp cho ba mình lúc quan tới thăm, kêu nhà cô đi qua Pháp khi họ rút về nước. Ông Bảy từ chối vì không muốn bỏ mồ mả ông bà, bỏ anh em chiến sĩ. Ông quan vỗ vai ba cô rồi đi. Ông nói không biết còn có cơ hội gặp lại không. Bây giờ thì cô Tiếu chắc rồi, không bao giờ gặp lại.

Chiều hôm đó, nhằm ngày 23 tháng Chạp năm 1979, ông Bảy tắt thở mà không được uống một giọt sữa nào trong cơn thèm của người sắp chết. Đứa cháu ngoại lớn đang đi nghĩa vụ không kịp về nhìn mặt ông ngoại lần cuối. Trước khi đi, ông Bảy dặn con: “Tiếu! Ruộng của ba khai hoang, kêu họ trả đủ lại cho mình nghe con. Của ba để lại cho con nghe Tiếu. Ráng lo cho má nghe con“.

Ánh mắt tật nguyền của cô Tiếu không rõ là căm giận hay đau thương. Cô không khóc, cô chỉ nắm tay ba mình. Cô nhớ ba cô từng nói: Tao khổ nhiều rồi, đặt bây tên Tiếu cho bây vui cười cả đời. Tiếu là cười mà, sách nho viết vậy.

***

Phần 4: Sống nghèo, chết khổ

Ông Bảy qua đời đến cái hòm cũng phải mua thiếu, trại hòm cho mượn cặp chim phụng chạm khắc đóng đầu hàng. Họ nói, nếu hỏng có tiền thì ra tới huyệt mộ họ cạy cặp chim đem về cũng được. Nhưng cô Tiếu hông chịu, vì ngày cô lấy chồng, ba cô làm đám cưới hết 2 con bò, đãi ăn hai ngày hai đêm, quần áo, vàng bạc, vải vóc không thiếu. Nay cha chết mà để người ta cạy đầu hàng, cô chịu không đặng.

***

Ông Bảy được bầu làm ông hương đình. Cô Tiếu lớn lên gặp lúc chiến trận dữ dội, không được học nhiều do chạy nạn. Chạy từ Xóm Mới chạy riết vô Bình Trưng. Nhờ có bà cô của ông Bảy hiếm muộn không con cái, nên cho ông phần đất thừa tự ở xã Bình Trưng. Cô Tiếu không được học nhiều, cô biết mặt chữ, biết nói tiếng Pháp.

Cô thích đi chăn bò, chăn trâu kiếm lúa, mấy bữa thả trâu về Xóm Mới. Cô mon men cùng đám bạn leo lên tường nhìn vô thành Cát Lái, nhìn qua nhìn lại, nhìn đúng phòng lính Tây ngủ. Họ ngủ hông bận đồ, cả đám hét lên té đụi xuống đám cỏ dưới đất. Thời Pháp thành Cát Lái chưa có bến Cảng cho tàu ra vô, con chim sắt bay từ cái đường láng, bay xuống mặt nước sông rồi bay vút lên trời. Đám trẻ chăn trâu, bò khoái lắm. Cô Tiếu được coi là dữ tinh nhất trong đám trẻ.

Bữa trước, cô đang cho bò ăn cỏ, máy bay đáp xuống, bầy bò chạy tán loạn. Cánh quạt quạt cô sấp mặt xuống cỏ. Cô trườn lên phía mặt trước máy bay cho đỡ gió theo kinh nghiệm gặp con chim sắt mấy lần. Cô bật dậy, chạy ù vô thành, không thèm nói chuyện với quan Việt. Cô liếng thoắt với quan Tây, đại khái là ông phải cho con chim sắt hạ chỗ khác, tránh bầy bò của tui ra, cô vừa nói vừa nhảy nhót. Một con nhóc 12 tuổi đòi quan bắt lính đi kiếm bò về cho mình. Nếu không, đền đủ tiền cả bầy bò cho mình. Cả phủ quan cười ầm lên rồi bắt lính đi lùa bò phụ.

Mười 14 tuổi, cô đi đưa thư liên lạc, gửi thuốc men cho Việt Minh, từ Rạch Chiếc cho tới Tam Đa (Long Trường bây giờ). 19 tuổi lấy chồng, sinh được hai con thì chồng chết. Sau đi bước nữa, sinh được hai đứa con nữa thì cũng gãy đổ. Cô một mình phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con, giúp đỡ cách mạng. Chỉ với ý nghĩ đơn giản: người Việt làm chủ nước Việt, khi đó, cuộc sống của ai cũng sung sướng hơn gấp ngàn lần. Tây dù sao cũng tóc vàng, mắt xanh. Hông phải người mình, hông được.

***

Sau khi chôn cất ông Bảy ở mảnh đất sau nhà, chủ trại hòm cho lính vô đòi tiền liên tục. Cô Sáu phải vô trại hẹn nợ để thủng thẳng cô trả chứ cô quyết không quỵt đâu mà lo. Nghĩ thói đời cũng bạc, chủ trại hòm đó ngày xưa nghèo khó từng ở nhờ nhà cô, cả cha lẫn con. Ông Bảy đối người không tệ, cho ăn uống, giúp đỡ qua cơn hoạn nạn. Vậy mà tới khi ông nằm xuống, họ quên mất cái nghĩa hàn vi.

Nghĩ chủ trại hòm đã bạc vậy mà thói đời nhiều thứ còn chua chát hơn. Ông Bảy mồ chưa nảy đậu, Hợp Tác Xã gạch tên ông, thu lại 900 thước đất ruộng. Có nghĩa là ông không để lại được phần ruộng của chính ông được chia trên chân đất cũ của mình cho con cháu mình. Đời còn gì nghẹn ngào hơn, cha chết, nợ chồng chất, mẹ già hai đứa con sau còn nhỏ, phần ruộng của cha mình bị thu lại. Cô Tiếu trở nên khắc nghiệt hơn hẳn.

Sau này, Hợp Tác Xã không còn chở lúa đi nữa. Họ chở một phần thôi, phần còn lại thuộc về dân. Nhưng trừ tiền phân bón, thuốc thang cũng không còn gì nữa. Cô Sáu nuôi mấy con heo, lấy vỏ trấu xay ra làm cám cho heo ăn, mót vỏ mít, cắt rau dền gai về băm ra nấu cháo cho heo ăn.

Bà Bảy lớn tuổi không làm được gì. Bà ở nhà cho heo ăn phụ con gái mấy lúc nó đi làm đồng, đi xúc tép, cắm câu, đặt truôn… Mấy hữa, bà Bảy bằm rau dền gai, gai đâm hai bàn tay bà nhốm đỏ hết. Bà vẫn vô thức xếp rồi băm.

***

Năm 1990, HTX giải thể vì hoạt động không hiệu quả. Bà Tiếu nhớ lời cha dặn đi đòi ruộng lại. Bốn mẫu tám, anh chia tui một mẫu, bảy trăm bốn mươi bảy mét. Cha tui chết anh trừ 900 thước vị chi còn một mẫu sáu, tám trăm mét. Bốn mẫu tám là 48.000m2 – 16.800 = 31.200m2. Nhưng cán bộ trừ sao không hiểu: 48.000m2 – 16.800m2 = 20.396m2. Và thông báo phần đất này đã giao cho dân, không trả lại bà Tiếu.

Trước đó, cuối năm 1989, bà Tiếu gả con gái Út cho một chàng trai dân gốc An Phú, huyện Thủ Đức. Con trai của một chủ lưới chim. Ngày 28/8/1990, cô Út sinh được đứa con gái đầu lòng ở trạm xá Ấp Tây, xã Bình Trưng, huyện Thủ Đức. Cô mong con lớn lên hiền lành, nhu mì như cây liễu trong ngôi chùa bên xóm, nên đặt con tên Thùy Dương.

Đứa nhỏ dặt dẹo khó nuôi, khóc miết, trái tính. Cô Út ẵm con đi coi thầy thì được phán: không cọp cũng hùm chứ thuỳ mị gì mà mong. Về kiếm ai tuổi cọp cho nhận làm con nuôi người ta. Về lấy cái thúng, bỏ vô, đem ra đầu đường, nhờ người tuổi cọp đó lượm về nhận đỡ đầu.

Cô Út nghe lời, về nhờ chị Ba mình tuổi Dần đi lượm con nhỏ vô dùm. Đặt tên ở nhà là Xí Được, ý là con lượm được chứ không phải con ruột.

***

Phần cuối: Lấy của người nghèo chia cho người nhà

Bà Tiếu đi hái rau mát ngoài ruộng về thấy hàng rào kẽm gai rào trước nhà đâu mất. Bà vô hỏi má mình là bà Bảy:

– Má! Cái hàng rào kẽm gai của mình đâu rồi má?

– Tám Thuận nó tháo qua rào mì nó trồng rồi!

Bà Tiếu thủng thẳng qua nói chuyện với Tám Thuận:

– Anh Tám! Hàng rào của em, anh tháo rào mì. Chừng nào mì lớn, anh trả hàng rào cho em nha anh Tám!

Tám Thuận trợn trừng nhìn bà Tiếu, ổng đang là cán bộ xã lấy hàng rào, mà con mẹ dân đen dám ăn nói như vậy. Tám Thuận quát luôn:

– Hàng rào gì của mày? Mày liệu hồn, tao còng đầu mày đó!

Bà Tiếu không nói gì, bà quày quả về nhà tháo bó rau mát xuống. Dặn má mình xắt rau trộn cám cho vịt ăn. Bà đạp thẳng lên xã gặp cán bộ xã.

– Anh Năm! Khoẻ hả anh? Tui lên hỏi anh Mỹ nó rút về nước hết chưa anh?

Ông Năm Ghẻ lạ gì tính bà Tiếu hồi đi hoạt động. Từ ngày thống nhất, bà không liên hệ gì với chính quyền, bà mà tới thì lo nhiều hơn vui. Nên ông cũng nhẹ nhàng đáp lời:

– Dạ, họ rút về hết rồi chị.

– Tụi này bậy quá, rút về mà để quên đồ anh ơi!

– Sao kỳ vậy chị?

– Hồi Mỹ Nguỵ nó chỉ kiềm kẹp thôi là nó có cái kiềm với cái kẹp. Nó về nó đem theo cái kiềm với cái kẹp. Không biết nó có để quên cái còng, còng đầu không, mà thằng Tám Thuận vừa ăn cắp kẽm gai, vừa đòi còng đầu tui vậy anh? Anh kêu nó về đây còng đầu tui thử?

Nói rồi bà bỏ về. Sáng hôm sau, Tám Thuận đem cuộn kẽm gai qua rào lại cho bà, lẳng lặng chuồn mất.

***

Năm con Xí Được 3 tuổi, nó ý thức được, chiều chiều bà cố nó dẫn nó lên bờ hầm cá trên đường lộ ngồi. Bà cố nó già lắm rồi, da nhăn, tóc bạc búi một cục đằng sau đầu. Bà cố nó hay ăn trầu, bà có cái ngoáy trầu bằng đồng cầm nặng trịch à.

Cố dẫn nó lên ngồi đầu lộ, lâu lắm mới dẫn nó về. Cố chống gậy nó lủng chủm chạy theo. Bên đường là con kênh chạy dọc về nhà. Lâu lâu, nó hỏi Cố: Lên đây chi vậy cố? Ngày nào cũng ngồi chán lắm!

Bà cố nó chỉ nói: Cứ lên đợi đi, thế nào nó cũng về à!

– Chờ ai vậy Cố? Con chán rồi! Con hông chờ đâu, Cố dẫn con đi uống nước trái vải đi!

Con nhỏ khoái chai nước trái vải bằng thuỷ tinh trong suốt, thơm phức. Mà tới 1000 đồng 1 chai lận. Lâu lâu, Cố nó cũng dẫn nó đi. Lúc trả tiền, Cố nó mở mấy lớp túi nilong lấy ra hai tờ 500 đồng đỏ chói đưa cho chủ quán.

Cứ như vậy, mỗi buổi chiều, nó chạy chân sáo theo Cố nó chờ. Cho đến khi nó gần 6 tuổi, Cố nó yếu lắm rồi. Nhưng cứ ngày nào đi nổi, Cố đều dẫn nó lên đầu đường để chờ. Rồi Cố cũng nói:

– Cố chờ thằng Tám. Ông cố Tám của con. Nó tên Nguyễn Văn Tấn – Tám Tấn, nó đánh bót Thủ Thiêm cuối thời Pháp mà chưa về nữa. Hồi đó, nó hứa Pháp về nước là nó về nhà ở với chị Bảy là ở với Cố, con biết hôn. Cái thằng nó tệ lắm. Hơn 50 chục năm rồi mà nó chưa về. Người ta nói nó chết rồi, xác thả xuống sông. Cố có lên Thủ Thiêm kiếm mà không có. Nó đẹp lắm, cao ráo, trắng trẻo. Nó đi lính Pháp mà nghĩ lại người Pháp không phải người mình nên bỏ theo Việt Minh. Quan Pháp kêu vợ nó làm sao bắt được nó về thì quan thưởng, con đó giả bệnh dụ má của bà cố qua cắt giác. Rồi để cho lính bắt bà sơ con luôn. Thằng Tám nghe tin về cứu mẹ thì họ giết bà sơ rồi. Nó điên lên đánh bót Tân Lập, bót Cả Bảy. Nó về kiếm vợ nó mà nó không giết con nhỏ. Nó chỉ bắn một phát lên trời rồi bỏ đi. Lần cuối nó về nhà là lúc nhà còn ngoài Xóm Mới. Đêm đó mưa lắm. Nó ướt nhem, nó nhìn cố, nắm tay cố, nó rờ ngoại con. Nó hứa Pháp rút nó về, nó còn kêu Cố lên báo quan nó về ăn trộm tiền. Chứ không thì họ cũng biết nó về, liên luỵ Cố. Ngoại trừ ông Cố con, con cháu trong nhà, nó là người thân duy nhất của Cố. Cái thằng cũng bạc, hơn 50 chục năm rồi mà nó hổng về!

24/2 âm lịch năm 1996, bà Bảy mất, bà thọ 83 tuổi. Bà mất khi không được nhìn đứa em trai mình thương yêu nhất – thằng Tám của bà. Để khi đứa cháu cố của bà năm nào lớn lên, nó cảm nhận được nỗi đau của người đàn ông mất mẹ do vợ hại. Nó cảm nhận được nỗi đau, giằng xé của người chị chờ em hơn 50 năm trường vẫn không tin em đã chết. Nỗi đau của người đàn ông trẻ về thăm chị đêm mưa, để rồi phải tự mình kêu chị đi báo quan.

Có những thứ trên vạn dặm chiến trường vẫn khiến người ta ngoảnh lại đau thương, nhung nhớ muốn được tựa vào đó là tình thân ruột thịt. Suốt bao năm nay, tôi tự hỏi, ai trả lại được cho những con người thiên cổ nghẹn ngào đó một kết cục tốt đẹp. Mong sao họ gặp nhau khi đã mất, có thể ôm nhau, cái ôm của thương nhớ đợi chờ.

***

Bà Tiếu suy tính, nếu thằng cán bộ đã nhất quyết trừ sai, nó nói ruộng mình trừ phần mình nhận lãnh ra còn 20.396 m2 thì mình cứ đi đòi số đó. Bà ráng viết đơn, đạp xe đi gửi lên huyện, nó trả lời không trả, dù có chủ trương của ông Nguyễn Văn Linh nào đó kêu trả dân về chân đất cũ.

Thế là bà Tiếu và 10 hộ dân được lãnh ruộng của ba má bà xảy ra tranh chấp. Người dân được cấp ruộng thì chắc rằng đây là phần ruộng nhà nước cấp cho mình. Bà Tiếu thì đòi phần ruộng của ba má mình, bà nói thẳng: “Nhà nước chia lắm! Chia lên kinh tế mới đó, không làm hợp tác xã nữa thì trả ruộng cho tui”.

Khi người dân đứng giữa cuộc tranh chấp chính quyền địa phương không hòa giải, mà cứ mặc tình họ. Dân lúc đó dùng vũ lực để nói chuyện với nhau. Ngày nào, cánh đồng Cát Lái cũng xảy ra đánh lộn, chém lộn, phản, mát, dao phay luôn có sẵn. Khung cảnh giành ruộng cứ như cuộc chiến thời phong kiến. Sai lầm bắt nguồn từ đâu? Có phải chăng từ cải cách ruộng đất đưa đất vào Hợp Tác Xã?

Năm 1998, thành phố HCM ra quyết định thu hồi phần đất trên giao cho Ủy ban Nhân dân Quận 2 quản lý. Họ nạy ra lý do là phần đất trên do ông bà Bảy thuê của chế độ cũ. Nhưng họ quên mất trong quyết định giao 17.747m2 đất có 1 chi tiết rất nhỏ nhưng khẳng định đó không phải là đất thuê.

Năm 2002, 11 hộ dân vẫn tiếp tục kiện tụng, tuy nhiên có một điều vi diệu đã xảy ra. Vào thời điểm này, Quận 2 bắt đầu Công Nghiệp Hoá – Hiện Đại Hoá đất nước, ống khói công nghiệp là biểu tượng phát triển. Họ quy hoạch một phần phường Cát Lái để làm khu công nghiệp. Họ chia thành 4 khu, khu Công Nghiệp Cát Lái cụm 1 (KCNCL), cụm 2, cụm 3, cụm 4. Ở phần đất của KCNCL cụm 1, 2 giá đền bù chỉ có 60-80 nghìn đồng/1m2. Nhưng ở khu Công Nghiệp Cát Lái cụm 3, 4 có giá từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng cho 1m2. Đất bà Tiếu và 10 hộ xã viên tranh chấp nằm ở cụm 4. Nó được chuyển đổi công năng thành khu dân cư nên giá đền bù cao hơn khu 1, 2.

Thật ra chính sách về giá đền bù đã sai ngay từ đầu khi bắt hàng trăm hộ dân ở khu CNCL cụm 1 chịu hy sinh, nhận đền bù thấp để phát triển đất nước. Không có một truyền thống hay chính sách nào có thể hút máu dân một khu vực để nuôi dân một nước cả. Nếu có, nó chỉ là chính sách của giống khác loài.

Xui rủi thay người nhà cán bộ toàn có đất ở khu CNCL cụm 1, 2. Khi hàng trăm hộ dân đau khổ thì họ vẫn bình chân như vại. Họ không nhận tiền đền bù, họ nhận đất. Tất cả các phần đất đang tranh chấp của dân ở khu CNCL cụm 3, 4 được hoán đổi cho người nhà cán bộ. Đúng là mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số con bình đẳng hơn.

Khu Cụm 3, 4 ngoài bà Tiếu và 10 hộ dân, còn hàng chục gia đình đang tranh khác cũng mất đất. Để đến khi các hộ dân hoà giải tỉ lệ xong, Quận 2 trả lời không còn đất để đền. Khó vậy mà họ cũng nghĩ ra được. Đúng không cô Thái Thị Hạnh người xuất thân là lính của Bác Hai – Lê Thanh Hải trong phong trào Thanh Niên Xung Phong? Lúc đó ai ký hoán đổi đất vậy cô?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Đọc bài viết của Dương với lời viết, hành văn mộc mạc, chân thật đúng với chất ng dân Nam Bộ. Cám ơn Dương đã viết lại một câu chuyện sống động đầy sóng gió, đau thương của gia đình. Nếu Dương ko viết câu chuyện thì sau này con cháu còn có ai biết dc một phần giai đoạn lịch sử của ng Miền Nam ra sao? Sao Dương chưa xuất bản thành sách?
    Cũng mong Dương & dân oan Thủ Thiêm sớm có 01 tác phẩm văn học về Đại án Thủ Thiêm để nhiều ng thấy rõ thêm Đại án này. Có thể là: “Chuyện kể về 100 dân oan”.

  2. Tôi đọc đi đọc lại mấy lần câu chuyện chết nghèo sống khổ của tác giả Nguyễn Thùy Dương, nói thật, rất cảm động bởi lối văn mộc mạc giàu hình ảnh đặc biệt miền Nam, không lai tạp chữ nghĩa lộn xộn và tào lao của báo chí ba xu thời nay…thật là hiếm có!

    Lại biết cô là một dân oan Thủ Thiêm dấn thân vào xã hội để đòi lại sự công bằng cho mọi người- Sự ngưỡng mộ của BK này càng nhân lên nhiều lần. Thưa tác giả.

    Cảm ơn tác giả đã thắp niềm hy vọng cho những người đã qua bờ dốc bên kia cuộc đời được an ủi rằng nước Việt vẫn còn đó những người trẻ biết dùng chữ nghĩa được ăn được học vào việc vực dậy một xã hội đang rệu rã…

    Tự dưng tôi lại ước muốn tất cả nhà báo nhà văn Việt Nam cũng hành động được như cô bé này. Mà thôi…có người thức người ngủ người lơ mơ ngoài kia, còi tàu đã vang tiếng, sao vẫn chưa can đảm bước lên vậy kìa??

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây