24-6-2019
Cao tốc Bắc – Nam được nhiều chuyên gia cảnh báo nhưng vẫn làm. Và nỗi lo lâu nay là công trình này rơi vào tay Trung Quốc được người dân rất quan tâm.
Trong cuộc tiếp xúc của tri gần đây, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiêm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã cho rằng người dân không cần lo lắng vì: “Trách nhiệm của Quốc hội là giám sát chặt chẽ công trình này. Đây là lợi ích quốc gia, cử tri không cần lo lắng không đảm bảo cái này hay cái kia.”
Thưa ông Nguyễn Thiện Nhân, với vai trò ĐBQH thì câu nói ấy không ổn chút nào!
Dự án lớn về đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được tính toán hoàn vốn trong… 1.000 năm. Tổng đội vốn dự án này tăng gần… 500% và cứ liên tục hoãn đưa vào sử dụng, tiền lãi trả gần 650 tỉ/năm và vốn lẫn lãi đều được tính vào nợ công chia đều toàn dân. Công trình được giám sát như thế nào mà tệ hại đến vậy?
Xin nhắc lại một chút về lợi ích quốc gia và tính giám sát của Quốc hội ở hai dự án lớn khác là bauxite Tây Nguyên. Một làn sóng cảnh báo của rất nhiều chuyên gia và cả tướng lĩnh quân đội, cựu chiến binh, người dân đã được đưa ra. Hai nhà máy khai thác bauxite là Nhân Cơ và Tân Rai vẫn cứ được thông qua. Chưa làm xong hai nhà máy này đã lộ biết bao nhiêu bất cập về thiết bị, về hạ tầng giao thông, về môi trường,.v.v…
Con số nợ và lỗ hơn 100.000 tỉ đồng của Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng không thể nhắc đến khi họ là chủ đầu tư. Vậy hai đại dự án này đã được giám sát như thế nào?
Thuận Phong làm phân bón giả được 6 bộ ngành bắt quả tang và Bộ Tư pháp khẳng định là hàng giả vẫn chẳng bị khởi tố đù vụ việc đã hơn 4 năm nay. Giám sát mà trên bảo dưới không nghe, mà người giám sát có bắt quả tang tại trận vẫn không xử lý được thì sao gọi là giám sát?
Và không xa hội trường Ba Đình nơi Quốc hội vẫn họp, toà nhà 8B Lê Trực vẫn không bị cắt tầng xây lố bất kể các văn bản về luật đã quy định. Nếu Quốc hội cần thêm ví dụ thì rất rất nhiều thứ sai phạm chứng minh lâu nay trách nhiệm giám sát của chính Quốc hội đang rất bất ổn.
Quốc hội là cơ quan lập pháp. Đã lập pháp thì cần tạo ra thứ pháp luật ngăn ngừa tội phạm, đề phòng gian thương, áp lực quan tham, khoan thư sức dân, bảo vệ đất nước chứ đâu thể để cảnh trái ngang diễn ra rồi mới lên tiếng. Mà lên tiếng lâu còn chưa xử được như những vụ đã nêu thì muốn dân tin sao đây?
“Quốc hội là của dân. Dân quyết sai dân chịu chứ kỷ luật ai?” là câu nói kinh điển của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Xin hỏi ông ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân rằng với chất lượng giám sát tệ như vậy thì ai sẽ kỷ luật Quốc hội?
Hay là nhân dân nên kỷ luật nội bộ nhau?
Lời thẳng thì khó nghe nhưng vẫn phải nói. Khá nhiều quốc gia từng có cảnh nhân dân giải tán Quốc hội khi Quốc hội hoạt động không hiệu quả và không lắng nghe dân. Xưa nay đi thuyền thì nhìn nước biết an toàn hay không. Mà thế nước xưa nay lại nằm ở lòng dân…
Lòng dân đang thế nào, xin mời ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Quốc hội cứ thử một lần trưng cầu ý dân theo luật cho minh bạch.
Chứ trấn an dân trong khi thực tế như trên thì càng nghĩ càng thấy không ổn!
“Trách nhiệm của Quốc hội là giám sát chặt chẽ công trình này”. Nói là vậy, nhưng với nhiều sai phạm bác Ấn liệt kê ra trong bài viết thì thấy những ng đã quyết ko ai chịu trách nhiệm gì hoặc có thì cũng chỉ nhận lỗi, rồi mọi việc đâu lại vào đấy. Quyết mà ko chịu trách nhiệm thì ai chẳng làm dc. Bác Nhân nói cho có nói, vì nếu dân hỏi mà ko trả lời thì dân lại nói lãnh đạo ko biết gì. Việc nói lấy dc chỉ gây thêm mất lòng tin của ng dân đối với lãnh đạo thôi. Thật đúng là “Càng nghĩ càng không ổn”.