Mâu thuẫn của rác

Mai Quốc Ấn

22-6-2019

Rác thải nhựa hiện nay là vấn nạn không chỉ của quốc gia mà cả thế giới. Đứng trong top các quốc gia xả thải nhựa ra đại dương trong 10 năm trở lại đây có Việt Nam.

Nhận ra vấn nạn này, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Liên minh chống rác thải nhựa. Nhiều UBND địa phương trên cả nước cũng đã tuyên bố hạn chế tối đa rác thải nhựa. Không dùng nước đóng chai mà dùng nước cho vào chai thuỷ tinh là một ví dụ.

Tuy nhiên, điều đáng ra nên khen này bị phủ định bởi một lộ trình song song về nhập khẩu rác mà trong đó rác nhựa chiếm đa số.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố về việc cấm nhập khẩu rác thì Việt Nam lại trở thành một trong các bãi rác của thế giới thông qua con đường nhập khẩu. Quốc gia cho vay nợ ODA nhiều nhất là Nhật Bản cũng chính là nguồn rác mà Việt Nam nhập siêu. Đến Thái Lan cũng là nơi “xả rác” vào Việt Nam. Những thiết bị cũ như máy lạnh, máy lọc nước, tủ lạnh, tủ làm đá và các mặt hàng điện tử vỏ nhựa bị thải loại đang tràn sang Việt Nam. Đỉnh điểm nhập khẩu rác có lúc lên đến 100.000 tấn/tháng.

Một loại rác tiềm tàng khác là hàng Trung Quốc. Nhập chính ngạch hay tiểu ngạch thì các mặt hàng đa dạng và rẻ tiền có thành phần nhựa của Trung Quốc cũng góp phần biến Việt Nam thành bãi rác suốt 20 năm nay.

Trong nước, nếu bạn xem quảng cáo trên tivi thì mật độ của nước đóng chai và các loại nước chấm, tương ớt, sữa hộp, nước ngọt,.v.v.. dày đặc. Toàn đồ nhựa!

Tôi từng nửa đùa nửa thật với em Kim Cúc (ảnh)- người phụ nữ cần mẫn nhặt rác khắp Việt Nam về một hệ thống “rác văn bản” đang hoành hành đất nước này. Nghĩa là trong sự nhỏ bé của một mình Kim Cúc hay nhóm các bạn của em trong hành trình nhặt rác có thể chỉ gom được một số lượng rác vài chục kg/người. Còn với một chữ ký, người ta đưa rác vào Việt Nam tính bằng container, bằng ngàn hay chục ngàn tấn.

Xử lý rác của Việt Nam nặng về chôn lấp với chừng 80% rác được chôn. Lẫn lộn rác nhựa và rác hữu cơ. Để nhựa phân rã thì chừng vài chục năm đến trăm năm. Để nhựa phân huỷ thì có khi 300-400 năm. Trong khi đó, rác vẫn tăng mỗi ngày và quỹ đất quốc gia cho chôn rác đang báo động đỏ.

Công nghệ đốt rác được nhắc đến nhiều và đang triển khai nhưng mối lo về các họng khói có thể phát tán dioxin là có thật. Và tro sau khi đốt rác cũng thế. Ít nhất tôi biết tro đốt rác của Cần Thơ đã được đem đi san lấp. Với hệ thống sông ngòi và nước ngầm chằng chịt của Việt Nam, nghĩ tới thôi đã rùng mình.

Xử lý rác không phải không có công nghệ nhưng mỗi địa phương như một “sứ quân”. Có công ty xin triển khai xử lý rác mà không cần chi phí vẫn không được cấp phép ở hai cửa. Cửa giấy phép của Tổng cục Môi trường và cửa cấp đất của địa phương.

Nói đâu xa, ngay giữa trung tâm kinh tế lớn nhất quốc gia là Tp.HCM thì cư dân khu Nam Sài Gòn phải bịt mũi đều đặn, đeo khẩu trang thường xuyên vì bãi rác Đa Phước. Tình trạng ấy đầy rẫy khắp các hộ dân quanh bãi rác của từng địa phương trên cả nước, kể cả thủ đô.

Cách Chính phủ lập Liên Minh chống rác thải nhựa rất đáng hoan nghênh và tôi thấy cũng nhiều báo hoan nghênh. Nhưng Chính phủ với người điều hành cao nhất là Thủ tướng nếu làm một hội thảo mở mà tất cả những doanh nghiệp, cá nhân có công nghệ xử lý rác sẽ vạch trần từng sân sau của quan chức đang thao túng về rác. Điều ấy mới thực sự đáng hoan nghênh!

Sự mâu thuẫn đầy tính nghịch lý này có ai báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chưa? Báo cáo chưa và báo cáo đúng hay không thì tôi không biết nhưng khả năng có đơn tố cáo về việc thao túng tiền xử lý tại các dự án rác là có khả năng cao.

Đến giờ chưa thấy “lò” chống tham nhũng “đốt” đại án môi trường nhưng tôi tin sẽ sớm thôi. So với các đại án đất đai, số tiền và dòng tiền của rác đủ sức làm những người thích hóng tin phải há hốc mồm ngạc nhiên. Tội phạm môi trường là thứ tội phạm dễ để lại dấu vết và vô cùng khó phi tang chứng cứ; kể cả đổ rác vào những khu vực tưởng chừng là “đất cấm” như đất công an, đất quân đội.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây