BTV Tiếng Dân
19-6-2019
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: PVN dùng nguồn tiền nào ‘giải cứu’ dự án thua lỗ ngàn tỉ? Bài viết lưu ý, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, một trong các dự án được đầu tư ngàn tỉ để rồi lỗ ngàn tỉ, hoạt động trở lại không phải nhờ nội lực của PVTEX, mà từ khoản tiền lên tới cả trăm tỉ đồng được PVN “bơm” thông qua một kế hoạch được gọi là “giải cứu”. Dù quan chức PVN đã cảnh báo rằng, sẽ có những rủi ro trong trường hợp doanh nghiệp phá sản.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, nhận định: “Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã nêu rõ quan điểm mang tính nguyên tắc là không sử dụng tiền ngân sách để cứu các dự án thua lỗ, nên tôi cho rằng các cơ quan chức năng sẽ không bao giờ phê duyệt cho PVN sử dụng ngân sách để giải cứu Nhà máy xơ sợi Đình Vũ”.
VnEconomy thống kê: Vẫn còn 93 doanh nghiệp chưa cổ phần hoá. Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thừa nhận, tính đến tháng 5/2019, đã có 34/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa còn lại là 93/127 doanh nghiệp, chiếm 73% kế hoạch đề ra. Nói cách khác, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp làm ít, hưởng nhiều, duy trì gánh nặng ngân sách.
Bài thứ nhất trong loạt bài trên trang Đầu Tư Chứng Khoán về những nguồn lực bị đánh cắp: Những cái tên chỉ còn trên giấy. Theo đó, thoái vốn nhà nước là “một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ”, để vừa dứt gánh nặng, vừa thu được đồng nào hay đồng ấy, nhưng đang được thực hiện với tốc độ “rùa bò” và “nhiều khả năng không hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Quyết định 1232/2017 của Thủ tướng Chính phủ”.
Không chỉ thế, “thời gian qua xuất hiện những thương vụ thoái vốn nhà nước có dấu hiệu thiếu minh bạch, không tối đa hóa được giá trị thu về, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa bị buông lỏng quản lý dẫn đến mất vốn, thất thoát vốn nhà nước”.
Sau nhiều năm các tập đoàn tư bản đỏ lộng hành, quan hệ lợi ích nhóm đan cài vào nhau chằng chịt, bây giờ lãnh đạo CSVN lại muốn bán “lúa giống” nhưng cũng không dễ bán.
Báo Sài Gòn Giải Phóng đặt câu hỏi về doanh nghiệp nhà nước: Có nên giữ vai trò chủ đạo? Sau nhiều năm ưu ái cho các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong nền kinh tế nhà nước (KTNN) giữ vai trò chủ đạo để đổi lấy gánh nặng ngày càng tăng, TS. Lê Xuân Bá, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thừa nhận:
“Đã bao năm nay chúng ta cứ loay hoay với tư duy KTNN là chủ đạo, bắt đảm đương vai trò mà DNNN không làm được. DNNN là chủ lực của KTNN nhưng kém hiệu quả làm sao giữ vai trò chủ đạo được… Vì thế, đừng nên mắc kẹt vào tư duy KTNN là chủ đạo, bởi thực tế nó không làm nổi”.
Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài: Khó khăn tăng trưởng quý II. Bài viết cảnh báo, “sản xuất nông nghiệp quý II gần như chắc chắn sẽ tăng trưởng thấp. Nắng nóng tại miền Nam và thời tiết bất thường tại miền Bắc, khiến năng suất và sản lượng lúa vụ đông-xuân giảm. Năng suất lúa đông-xuân tại miền Nam giảm 0,8 tạ/ha, còn tại miền Bắc giảm 0,3 tạ/ha”.
Theo đó, “sức ép với kinh tế Việt Nam đang ngày một gia tăng với những biến số bên ngoài rất khó lường. Trong bối cảnh này việc tận dụng tối đa nội lực, bao gồm nguồn lực tư nhân và nguồn vốn ngân sách cần là ưu tiên số 1”. Đáng tiếc là cả 2 nguồn nội lực này ngày càng bị bào mòn, suy kiệt.
Trang Chất Lượng VN đưa tin: Vừa đóng cửa gần 400 chi nhánh, đại gia Lê Phước Vũ lại giải thể thêm công ty con. Tập đoàn Hoa Sen đưa ra lý do: “Doanh nghiệp đang sở hữu, vận hành hơn 10 nhà máy sản xuất từ Bắc vào Nam. Do đó, nhằm tối ưu hóa và linh hoạt trong hoạt động vận tải, HĐQT quyết định sắp xếp lại mảng vận tải”. Đây chỉ là cách nói để giảm nhẹ tình hình ngày càng xuống dốc của tập đoàn này.
Đầu tháng 9/2016, khi hậu quả của vụ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh đầu độc biển miền Trung đang là một quả bom chấn động cả nước, ông Lê Phước Vũ nói: “Ngu gì không làm thép”.
Ông Vũ còn ra sức thuyết phục mọi người để ông làm thép, khi nói rằng: “Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. 90% dự án thép thế giới đều dùng của Trung Quốc chế tạo. Còn nếu nhập từ châu Âu thì làm gì có lời”.
Ông Vũ không phải là “đại gia” tư bản đỏ duy nhất ở VN tuyên bố chấp nhận đánh đổi môi trường lấy kinh tế, để rồi “mất cả chì lẫn chài”. Đó là lối mòn nhiều doanh nghiệp TQ đã đi qua và cũng là vũng lầy mà chính phủ Việt Nam đang sa vào, kéo người dân xuống bờ vực thắm.
_____
Mời đọc thêm: Đại gia Lê Phước Vũ đóng cửa thêm công ty con của tập đoàn Hoa Sen (LĐ). – Tôn Hoa Sen giải thể công ty con sau khi đóng cửa hàng trăm chi nhánh (Zing). – Xuất nhập khẩu với Mỹ: Không dễ chơi (KTĐT). – Thủy sản Minh Phú bị tố lẩn tránh thuế tại Mỹ (TP). – Xuất khẩu điện thoại trong tháng 5 sụt giảm (TGTT). – Áp lực bán tháo tăng cao, thị trường chứng khoán giảm sâu (TBKTSG). – VAMC muốn thoát cảnh làm ‘trạm trung chuyển’ nợ xấu của các ngân hàng (VNF).
– Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nhiều mục tiêu vẫn còn trên giấy (TCTC). – Mối lo lớn sau tiến trình cổ phần hóa chậm trễ (ĐT). – Cần cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước để hoạt động hiệu quả (CAND). – Cổ phần hóa DNNN: ‘Làm quyết liệt thì sợ sai, sai thì sợ chết’ — TS Nguyễn Đình Cung: ‘Cả DNNN lẫn tư nhân ai cũng mong được như khối bên kia’ (VietQ). – Công ty con thua lỗ, nợ nần: VICEM khó cổ phần hóa (SGGP). – EVN trái “lệnh” Chính phủ về công bố thông tin doanh nghiệp (TTTĐ). – 19 tập đoàn, tổng công ty vào kế hoạch giám sát của ‘siêu’ Ủy ban (Zing).