Sao nói lời “xin lỗi” với một doanh nghiệp khó thế?

Mạnh Quân

13-6-2019

Cách đây 4 năm, khi còn làm ở báo Thanh niên, một ông cũng có tý chức sắc về quản lý thị trường, chống buôn lậu rủ tôi và một nhóm phóng viên đến một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thịt trên đường Trường Chinh.

Tại buổi làm việc, không trình ra bất cứ giấy tờ gì nhưng ông này quát tháo, dọa dẫm DN kia rất kinh, đòi cung cấp giấy tờ, hóa đơn… đủ thứ, quy cho DN này đã nhập hàng ngàn tấn thịt loại B (ví dụ thế) nhưng lại đóng mác là loại A.

Biếm họa trên mạng

Đại diện của DN lúc đó chỉ là các nhân viên, họ tỏ ra rất lúng túng và lo lắng nhưng cũng nói rằng, do sếp đi vắng, đoàn công tác lại không có quyết định, giấy tờ gì, xuống đột xuất như vậy thì không thể nào có giấy tờ, hóa đơn cung cấp đầy đủ. Hoặc nếu có, chưa có lệnh của Giám đốc, không thể cung cấp.

Nhưng ông cán bộ kia lại lớn tiếng, rất gay gắt cho là DN chống đối, quay ra hò hét báo chí: Ghi âm, ghi hình lại, đưa lên báo… Đây là dấu hiệu cho thấy DN không tuân thủ, chấp hành việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý… Rồi sẽ làm rõ, xử lý nghiêm v.v…

Lúc đó, tôi cũng cảm thấy thái độ, cách làm việc của vị này thật khó coi, nhưng cũng hoang mang, không biết thực sự DN này có vi phạm gì không nên về không viết lách, nhưng cũng không tìm hiểu thêm. Cảm thấy mình bị lợi dụng đến để hù dọa DN, và ngay cả khi ở đó, có cảm giác gì đó, như là sự xấu hổ và thông cảm với mấy cô, cậu nhân viên của công ty đó, mà không thể nói ra. xấu hổ như là mình bị coi là kẻ đồng lõa với cái ông cán bộ trên.

Thế nhưng cho đến mấy năm sau, vụ Con Cưng, tôi thấy, cái cách mà quản lý thị trường đến làm việc ở doanh nghiệp này cũng không khác gì mấy. Cán bộ đi kiểm tra lại bắn tin cho một số phóng viên biết, đi theo đến cơ sở của DN này, lại lớn tiếng, lại o ép, dọa dẫm… Rồi ông này, ông kia khi trả lời báo chí, thậm chí ở một cuộc họp báo tại Tổng cục hải quan, một ông Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường còn nêu 7 sai phạm của Công ty Con Cưng, toàn tội to cả.

Cuối cùng, như kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương, cả kl của Quản lý thị trường, tuy có nêu tới 11 sai phạm của Con Cưng nhưng đại khái toàn những sai phạm không nghiêm trọng như họ nói ban đầu, như tuyên bố trong họp báo, chủ yếu là sai phạm về nhãn mác không đầy đủ, không công khai thông tin khi thực hiện chương trình khuyến mại…chứ không có trốn thuế, không làm hàng giả như có cán bộ QLTT trả lời báo chí ban đầu.

Lỗi nhỏ nhưng cho là lỗi nặng, sai nhỏ quy là trốn thuế, làm hàng giả…, công bố rộng rãi cho báo chí, khi chưa có kết luận kiểm tra cuối cùng, có lẽ là những trò cũng không có gì lạ của “một bộ phận không nhỏ” trong cán bộ, công chức nhà nước, khi thanh tra, kiểm tra DN, để hù dọa (và hù dọa để làm gì thì ai cũng hiểu).

Những trò đó là những thủ đoạn rất thô thiển, cứ tưởng nó cũng dần dần biến mất, ít ra bị thay thế bằng những thủ đoạn tinh vi, khéo léo hơn. Nhưng thực tế, đến nay, đâu đó vẫn còn tồn tại. Đôi khi, báo chí cũng bị đánh lừa, bám theo các đoàn kiểm tra, thanh tra, để rồi đăng tá lả các bản tin: Kiểm tra, phát hiện dấu hiệu sai phạm… ở DN A, B…Đến khi không có chuyện gì, chối phăng là tôi chỉ đăng theo phát biểu của cơ quan có thẩm quyền, rồi thì đó cũng chỉ là dấu hiệu…chứ tôi có nói họ sai đâu, thì có khi, DN cũng khốn đốn, bị khách hàng tẩy chay, có thể bị đẩy tới nguy cơ thua lỗ, phá sản…

Thế thì những trò đó, khi bị phát hiện rồi, cán bộ có khi chỉ bị xử lý, kiểm điểm hời hợt, bị “kỷ luật” bằng những hình thức chẳng có trong quy định về các hình thức kỷ luật của nhà nước…

Xử lý những cán bộ nhà nước đó còn khó như thế, nên đòi hỏi những người này phải xin lỗi DN mà họ cố tình làm hại, thật cứ như chuyện đùa! Những ông “cán bộ” nhà nước đó – có khi báo chí vẫn khối người tôn vinh như người anh hùng đấy, họ vẫn nhe nhởn: Ơ tôi có sai gì đâu mà kiểm điểm tôi? Các đường link báo chí viết về sai phạm của DN do chúng tôi phát hiện ra vẫn còn đây, sao tôi từ chỗ có công lại là có tội? Xin lỗi ư? thôi nhé!

-> Nói chung, thanh tra, kiểm tra DN, xem vụ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc hôm nay là biết chất của họ, có “một bộ phận rất không nhỏ” lực lượng cán bộ, công chức khi đi thanh tra, kiểm tra làm thế hết í mà.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bác Quân làm nhà báo đã biết ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 362/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Tiếp theo, ngày 4/6/2019 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Vậy sau khi qui hoạch xong, các nhà báo thất nghiệp nhiều, bỏ nghề, chỉ còn lại ít nhà báo dc qui hoạch vì hay nói theo ý Ban tuyên giáo. Lúc đó, các doanh nghiệp sẽ khỏe do ko còn nhà báo đi theo cán bộ thanh tra vòi vĩnh, viết bài nữa. Vậy các doanh nghiệp phải cám ơn Chính phủ nhé. Sau này, họp báo thường kỳ của Chính phủ, bộ, ban ngành chỉ lèo tèo vài nhà báo đặt hỏi theo ý Ban tuyên giáo để làm cho rõ, chứ ko còn nhà báo hỏi làm khó các quan chức nữa rồi. Cũng cám ơn Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch & ban hành Kế hoạch sớm để anh em nhà báo có đủ thời gian về báo cáo bà xã xin ý kiến chuyển nghề.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây