Trúc Nguyễn
9-6-2019
Do đặc thù lịch sử, đất nước sinh ra nhiều nhà hiền triết lớn của thế giới như Ấn Độ, ngày nay còn lưu lại nhiều thánh tích, khu tâm linh như: thánh tích Sông Hằng, Bồ Đề Đạo Tràng…
Nhưng ai đã từng đến Ấn thì thấy, ở ngoài cổng các khu thánh tích là những đội quân trẻ em thất học đi ăn xin và những kẻ chăn dắt. Vấn đề vệ sinh môi trường, giao thông công cộng, văn minh đô thị… cũng là chuyện đau đầu của chính quyền sở tại (1). Theo báo Vnexpress thì gần đây còn là “quốc gia nguy hiểm đối với phụ nữ đi du lịch” (2).
Láng giềng của Ấn là Trung Quốc, ở góc độ lịch sử này cũng có những điểm tương đồng: là cái nôi của những nhà tư tưởng lớn, cùng với nhiều thánh tích nổi tiếng. Hiện nay xu hướng du lịch tâm linh cũng đang thịnh với chùa, tượng thuộc hàng kỷ lục cao, to của thế giới đang xây dựng… (3)
Nhưng theo một bài của báo Tuổi Trẻ: “Chính quyền Bắc Kinh từng xấu hổ vì cách hành xử vô văn hóa, kém văn minh của dân mình đến mức phải ra danh sách những điều cấm làm khi đi du lịch” (4). Còn hàng hóa “Made in China” thì dù có lợi thế giá rẻ nhưng không ít sản phẩm kém chất lượng, chứa phụ tố độc hại, không chỉ là sự e ngại của nhiều nước trên thế giới mà chính người TQ cũng lo sợ.
Tờ Daily Telegraph đưa tin, ảnh, khi tàu chiến đi làm nhiệm vụ đậu ở cảng Sydney thì các quân nhân TQ cuống cuồng đi săn hàng, nhiều thùng hàng mặt nạ làm trắng da, sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh và sữa tươi Devondale… được vận chuyển lên tàu (9).
Ở nước ta hơn chục năm nay nhiều tượng đài, khu du lịch tâm linh bề thế, lộng lẫy ngoài sức tưởng tượng cũng đã và đang được đầu tư, xây dựng. Người dân kiếm một mảnh đất để cắm dùi, để trồng trọt thì gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chỉ một đại gia phía Bắc qua vài dự án đã xây khu tâm linh trên chục ngàn héc ta… (5)
Đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp, đất để xây dựng trường học và công trình phúc lợi xã hội như bệnh viện, khu vui chơi… ngày càng bị thu hẹp, cùng với đó là tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại. Báo Tuổi Trẻ từng phát hiện “Chùa Ba Vàng bị nghi án chiếm dụng hàng chục ngàn mét vuông đất rừng quốc gia”(6). Giữa Quốc Hội, họ “khẳng khái” rằng không có BOT chùa, không có quan chức góp tiền làm chùa, xây khu tâm linh, thế hàng chục, trăm, ngàn… hec ta đất công, đất rừng quốc gia nêu trên ở đâu ra?
Đỉnh núi thâm u hùng vĩ được coi là “cột trụ quốc gia” như Fansipan hay “long mạch xứ đàng trong” như bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hills… ngàn năm được tổ tiên bảo tồn gìn giữ, nay dưới danh nghĩa “tâm linh” một diện tích lớn đã bị bê tông hóa… Ở quần thể tâm linh Bái Đính thì chỉ có ghế ngồi là miễn phí, ngoài ra từ gởi xe cho đến đi vệ sinh… tất tần tật đều bị thu tiền. Thau, chậu, hòm công đức thì đặt ở mọi vi trí để thâu nạp tiền cúng dường (7).
Nhiều ý kiến cho rằng, khu tâm linh, siêu chùa có chức năng mang lại nguồn thu cho đại gia lợi ích nhóm hơn là có giá trị giáo dưỡng đạo đức của thánh hiền như họ rêu rao. Chùa, khu tâm linh, tượng đài… được xây với mật độ dày từ Bắc chí Nam nhưng đạo đức ngoài xã hội càng ngày càng đi xuống: đạo lý, nghĩa tình, tôn ti thượng hạ bị đảo lộn, bạo lực, thảm sát gia tăng, độ tàn độc máu lạnh không giới hạn… là sự thất bại không thể bào chữa của ngành quản lý văn hóa và tổ chức tự phong “đảm nhận vai trò chăn dắt tâm linh đất nước”.
Mỗi năm cả trăm cơn bão lũ đi qua trên cả nước, cường độ nổi giận của thiên nhiên diễn ra ngày càng nguy hiểm khó lường. Năm nào lở đất, bão, lũ quét cũng hủy hoại hàng trăm hec ta mùa màng của nông dân, cướp đi cả trăm sinh mạng con người… là vấn đề nghiêm trọng phải siết chặt hành lang pháp lý trào lưu xây khu tâm linh, đặc biệt là ở các địa điểm trọng yếu như đỉnh núi, rừng phòng hộ, ven biển… Các khu tâm linh, chùa đã và đang được xây dựng trên đất công cần phải được tổng rà soát, công khai các thông số dự án cụ thể thu chi, để người dân tỏ tường, giám sát…
Nếu buông lỏng quản lý thì các nhà đầu tư lắm mưu mẹo dễ đi đêm với quan chức tham nhũng để hợp thức hóa quyền sở hữu đất công, rồi buôn bán vòng vèo dưới các hình thức như IPO, sở hữu chung, sở hữu chéo, chuyển nhượng cổ phần… biến tài nguyên quốc gia thành sở hữu của các nhà kinh doanh nước ngoài. Về sau nhà nước muốn thu hồi sẽ gặp vô cùng khó khăn, hoặc sẽ phải đối diện rủi ro pháp lý ở các tòa án quốc tế… gây tổn hại lớn về danh dự và tài chánh.
Kinh Nikaya thuật lại câu chuyện, khi hay tin đức Thích Ca sắp mất, một nhà sư ở xa lặn lội về nơi Phật trú xứ rồi khóc lóc âu sầu… Đức Phật cho gọi vô, hỏi thăm rồi căn dặn: Sá chi cái “sắc thân” (thân thể vật lý) hôi thối này mà ông nhọc công lặn lội đường xa về đây. Ta chết rồi thì “Pháp thân huệ mạng” (di sản tâm linh, tư tưởng triết học) của ta vẫn còn, nếu ông tinh chuyên Giới Định Tuệ thì khi nào, ở đâu cũng có Pháp Thân của ta…
Mới đây trong tâm thư viết cho học trò, thiền sư Nhật Hạnh đã nói rõ: “Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Chùa hay Tổ Đình nào đó, Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, chánh niệm, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy nơi ấy”… (8)
Đất nước mà thiết chế luật pháp lỏng lẻo thì tham nhũng, tiêu cực… lộng hành. Xây chùa, tượng đài, khu tâm linh nhiều đến đâu mà vắng bóng Giới – Định – Tuệ cũng chỉ làm chỗ ẩn núp cho ma vương.
————–
Ghi chú:
(1) 5 nỗi sợ hãi phổ biến về du lịch Ấn Độ – VnExpress Du Lịch (VNE).
(2) Ấn Độ bị xếp là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ (VNE).
(3) Cuộc đua xây chùa, dựng tượng và đế chế kinh doanh tâm linh ở TQ (Zing).
(4) Du khách Trung Quốc lại hành xử kém văn hóa (TT).
(5) Soi độ giàu “khủng” của đại gia Nguyễn Văn Trường xây chùa Tam Chúc (KT).
(6) Chùa Ba Vàng: 10 năm biến thành nguy nga rộng hàng chục ngàn mét vuông (TT).
(7) Đại biểu Quốc hội chỉ ra sự bất thường ở dự án gắn mác tâm linh của Xuân Trường (MGĐ).
Một lũ bán mua cả thánh thần
Vì danh, vì lợi chỉ lo thân
Mồm thì lem lẻm chuyện nhân đức
Thấy tiền, mắt sáng chúng quên dân.
Thời nay lễ hội nhiều hơn nấm
Cớ sao vẫn thiếu một chữ nhân.
Chùa to, tượng lớn xây chi lắm
Hỡi lũ con buôn, hại cõi trần.
Nguồn Mạng.