Đế chế Mai Hồng Quỳ ở trường ĐH Luật TPHCM

Mai Bá Kiếm

5-6-2019

Bà Mai Hồng Quỳ, cựu Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM, bây giờ là Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, TPHCM. Ảnh: PL/ GDVN

Trong giới luật ở Việt Nam, có lẽ rất ít người không biết bà Mai Hồng Quỳ, bởi vì bà Quỳ quá “nổi tiếng” do quá nhiều tai tiếng!

Với hai năm làm quyền hiệu trưởng (2006-2008) và hai nhiệm kỳ hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM (2008- 2018), bà Mai Hồng Quỳ đã rất thành công trong việc thiết lập một guồng máy “gia đình trị”, mà có lẽ đến con kiến cũng khó có thể chui lọt:

1. Đưa em rể làm phó hiệu trưởng Lê Trường Sơn phụ trách các mảng công tác: Đào tạo hệ vừa làm vừa học (VLVH) khi chưa có bằng tiến sĩ; xây dựng cơ bản và mua sắm vật tư, trang thiết bị cho trường.

2. Phân công cháu của mình và cháu của chồng là Lê Thị Hoài An và Nguyễn Thị Thu Hương, thay nhau làm Phó trưởng phòng kế hoạch tài chính kiêm kế toán trưởng, khi không đủ điều kiện về bằng cấp chuyên môn kế toán.

3. Phân công em con chú ruột là Mai Quốc Thu Trang làm thủ quỹ và chỉ đạo bà Trang mở tài khoản cá nhân số:1900206231434 tại Agribank, CN Trung tâm Sài gòn (mở ngày 31/7/2013 và đóng ngày 04/4/2018 do bị lộ) để nhận tiền học lại của SV hệ VLVH.

Với hệ thống kế toán, tài chính “gia đình hoá” như vậy, thì họ bòn rút bao nhiêu tiền của trường Luật, đố ai mà biết được?

Bà Quỳ về hưu tháng 3/2018 đến nay đã 15 tháng, nhưng trường ĐH Luật TP.HCM vẫn không có Hiệu trưởng.

Phó Hiệu trưởng Trần Hoàng Hải sinh 1962, quá tuổi, không thể bổ nhiệm Hiệu trưởng, nhưng ông Hải trong ekip bà Quỳ, nên phải lách luật bằng cách phụ trách Trường để duy trì đế chế của họ.

Trong khi đó, còn nhiều PGS TS khác có đủ điều kiện cứng lại không được bổ nhiệm?

Bởi vì, những vị đủ tiêu chuẩn thì không thuộc ekip của Bà Quỳ, và họ luôn bị cái cớ “phiếu tín nhiệm” để chặn đường (người bỏ phiếu tín nhiệm đều là trưởng các đơn vị do bà Quỳ và ông Hải bổ nhiệm).

Trước đó, khi mới lên Hiệu trưởng, với bản tính chuyên quyền, bà Quỳ lập tức đàn áp những người không thuộc ekip, và hàng loạt nhà giáo giỏi, tâm huyết với trường phải ra đi vì không thuộc ekip của bà Quỳ, ông Hoàng Hải.

Như ông TS Lê Tiến Châu, bây giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Q9, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp, ông Bùi Quang Huy – bí thư Trung ương Đoàn và bà TS Trần Thanh Hương – luật sư của một công ty lớn…

Buồn thay, ông Trần Hoàng Hải, lại đi theo vết xe “đàn chị” Mai Hồng Quỳ, bố trí con gái mình là Trần Hoàng Tú Linh chỉ có bằng “cử nhân khoa học chính trị” dạy môn Anh văn pháp lý. Trong khi đó, giảng viên của khoa AVPL phải có bằng thạc sĩ trở lên mới được giảng dạy.

Bất chấp luật pháp, ông Trần Hoàng Hải vẫn bao che vi phạm, khi ký quyết định đặc cách chuyển từ nhân viên hợp đồng lao động sang viên chức cho bà Mai Quốc Thu Trang, người trước đó 2 tháng ông Hải đã kết luận bà sử dụng tài khoản cá nhân (1900206231434) để thu rất nhiều tiền học phí học lại, thi lại từ các đơn vị liên kết đào tạo ở các địa phương và SV hệ VLVH.

Phẫn nộ trước thực trạng này, cuối tháng 3/2018, ông Lê Minh Tuấn đã tố cáo việc thu tiền học lại, thi lại của SV hệ VLVH qua tài khoản cá nhân của bà Trang (TK:1900206231434) với Đoàn Kiểm toán nhà nước. Nhưng, do thư tố cáo gửi quá trễ, không đủ thời gian kiểm tra theo kế hoạch, nên Kiểm toán đề nghị Bộ GDĐT và Trường cho điều tra xem xét, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết và công bố cho cán bộ giáo viên nhà trường.

Tuy nhiên, thay vì giải quyết theo đúng quy định pháp luật, ông Trần Hoàng Hải lại thành lập tổ công tác nội bộ với thành phần là những người thân tín để kiểm tra, và sau đó ký Kết luận số 630/KL-ĐHL ngày 21/8/2018 đã khẳng định có số TK cá nhân của bà Trang là 1900206231431.

Và, số tài khoản này đã được bà Trang sử dụng để nhận tiền học lại, thi lại của sinh viên các Trung tâm liên kết đào tạo ở các tỉnh và Trung tâm Anh ngữ VASS.

Vậy, phải chăng bà Trang đã dùng 2 tài khoản cá nhân là 1900206231434 (ngày 31/7/2013) và tài khoản 1900206231431 để nhận tiền học phí, học lại của SV?

Một câu hỏi mà chỉ khi nào cơ quan điều tra Công an vào cuộc mới có thể trả lời được.

Cũng cần nói thêm, liên kết với trường Luật và Trung tâm Anh văn VASS là do bà Quỳ và ông Hải “móc nối”, “liên kết ma” để đào tạo tiếng Anh, cấp chứng chỉ đạt chuẩn tiếng Anh đầu ra cho các nghiên cứu sinh, HV cao học và SV thuộc các chương trình đào tạo.

Nhưng khi hỏi VASS là gì, thì không cán bộ, giảng viên nào biết được VASS có mối liên hệ thế nào với nhà trường? Họ chỉ thấy VASS đặt cơ sở trong trường, sử dụng cơ sở vật chất của trường; VASS dạy và thu rất nhiều tiền từ HV và SV.

Cụ thể: Để đạt 6 tín chỉ chuẩn đầu ra tiếng Anh hệ VLVH SV phải đóng 5 triệu đồng và học chỉ có 8 tuần, mỗi tuần 3 buổi, buổi 3g trong lớp rất đông.

Còn chuẩn đầu ra tiếng Anh hệ thạc sĩ, các tỉnh đóng 10-15 triệu đồng nhưng học qua loa, thi chiếu lệ; còn SV hệ chính quy thì bị ép phải học và thi để được cấp chứng chỉ đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh tại VASS.
Mặc dù SV than phiền khắp nơi (trang web của trường cũng còn lưu những tiếng kêu ai oán của sinh viên).

Trong khi đó, nếu SV có chứng chỉ tiếng Anh được cấp từ các trường đại học hay cơ sở khác mà được Bộ GDĐT công nhận thì Trường ĐH Luật TP HCM không công nhận. (Xem QĐ số 1062/QĐ-ĐHL ngày 10/5/2016, quy định “Chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN phải do trường ĐH Luật TP.HCM cấp, còn giá trị áp dụng trong thời hạn 2 năm – tính đến ngày nộp chúng chỉ theo kế hoạch của trường).

Trở lại Kết luận số 630-ĐHL nêu trên, không có bất cứ thông tin gì về số tiền học phí, học lại được gửi vào và chuyển ra từ TK 1900206231434 của bà Trang; bao nhiêu đơn vị liên kết và học viên đã nộp tiền vào tài khoản này?

Bao nhiêu tiền đã rút ra, ai rút, thời gian nào rút ra? Ai đã yêu cầu các đơn vị liên kết và học viên nộp tiền vào tài khoản cá nhân này mà không nộp vào tài khoản của Trường? Đây là câu hỏi lớn cần được cơ quan có thẩm quyền trả lời.

Việc mờ ám này của “hệ thống tài chính gia đình” đã gây phẫn nộ đối với CB, GV và NV. Tại nhiều cuộc họp, mặc dù bị yêu cầu nhưng ông Hải không thèm công bố bất cứ thông tin nào về số tiền gửi vào, rút ra trong tài khoản này và ngang nhiên cho rằng, đây là “thông tin mật” không thể công bố.

Hành vi này vi phạm nghiêm trọng Luật Kế toán, quy định về quản lý tài sản nhà nước, vì trường không được phép thu tiền học phí, học lại, học hoàn thiện… bằng tài khoản cá nhân.

Đây là hành vi phạm pháp luật hình sự, theo Điều 221 của Bộ Luật Hình sự về tội vi phạm quy định của nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại từ trên 100 triệu); điều 352 Bộ luật Hình sự về tội Tham ô tài sản từ 100 triệu trở lên có thể phạt tù từ 7 năm trở lên.
Bên tố cáo còn có số liệu SV học lại, qua kiểm tra, đối chiếu các dữ liệu cho thấy số tiền chênh lệch đã lên đến 7 lần (cụ thể khai báo thu được là 2,22 tỷ nhưng theo tính toán sơ bộ thì con số này là hơn 15 tỷ, chênh lệch trên 13 tỷ đồng).

Cơ quan điều tra có thể truy xuất dữ liệu của Phòng quản lý hệ VLVH, Phòng kế toán tài chính, Trung tâm công nghệ thông tin và Trung tâm khảo thí để tính toán con số chênh lệch cụ thể.

Bên cạnh đó, có những điều rất vô lý: tại sao mỗi năm Trường chỉ lập 2 phiếu thu học phí học lại, mỗi phiếu thu chung cho 400-500 học viên hệ VLVH từ hàng chục lớp khác nhau, nộp tiền thời điểm khác nhau, trong khi theo nguyên tắc thì khi học viên nộp tiền, hay một đơn vị liên kết chuyển tiền, thì Trường phải cấp 1 phiếu thu theo quy định?

Ví dụ: Phiếu thu 205 ngày 7/9/2015 cho 510 sinh viên với số tiền 424 triệu; Phiếu thu 21 ngày 14/3/2014 cho 486 sinh viên, Phiếu thu 139 ngày 23/8/2016 cho 495 sinh viên… (Trang 8 Kết luận số 1045 của Bộ GD&ĐT ngày 29/12/2917).

Đề nghị Công an để làm việc với Công ty PSC đang quản lý phần mềm của trường và các bộ phận chức năng của Trường (Phòng Tài chính Kế toán, Trung tâm khảo thí, Phòng quản lý hệ vừa làm vừa học) để điều tra, xác minh theo tên học viên, tên lớp, tên môn học, số tín chỉ, đơn giá, lớp tham gia học lại và bảng điểm lớp thi gửi, để phát hiện sai phạm này.

Cũng giống như bà Qùy, từ tháng 3/2018, ông Hải quyết định việc chi tiền học lại, học bổ sung hoàn thiện mà không theo quy định cụ thể nào của Trường và ông Hải tự quyết chia cho mình phần rất nhiều.

Đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT buộc ông Trần Hoàng Hải công khai, minh bạch các khoản thu học lại theo quy định của pháp luật và làm rõ cách thu và quản lý nguồn thu học phí học lại, học bổ sung hoàn thiện và phân chia số tiền tại trường ĐH Luật TP.HCM có đúng pháp luật không?

Với những khoản nêu trên, tưởng chừng nhỏ mà không nhỏ, vì ĐH Luật TPHCM có nguồn thu rất lớn. Nguồn thu trong báo cáo hằng năm gần 500 tỷ, vậy nguồn thu thực bên ngoài báo cáo là bao nhiêu? Con số này chỉ có Mai Hồng Quỳ và Trần Hoàng Hải mới trả lời nổi!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bà Quỳ này là người làm cho 3X cái bằng ĐH luật rởm vì 3X chưa bao giờ học ĐH. Nhờ cái bằng này mà 3X vào BCT, lên TT và từ đó tàn phá đất nước. Còn bà Quỳ thì lên vùn vụt

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây