BTV Tiếng Dân
4-6-2019
Zing đưa tin: 206 đại biểu phản đối quy định ‘uống rượu không được lái xe’. Sau 2 lần lấy ý kiến, trên 200 đại biểu Quốc hội tiếp tục không tán thành với quy định “đã uống rượu bia không được điều khiển phương tiện giao thông”. Cụ thể, cả 2 phương án quy định liên quan đến việc uống rượu, bia khi lái xe, đều không nhận được sự đồng ý của đa số ĐBQH (trên 50%).
Nhà báo Phạm Việt Thắng viết: Ôi thôi, Quốc hội. Về phương án 2, người có nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở vượt quá quy định của pháp luật, cũng không nhận được phiếu bầu quá bán, chỉ hơn 49% số đại biểu đồng ý. Ông Thắng đặt câu hỏi: “Nồng độ cồn vượt quá quy định của pháp luật mà vẫn không bị cấm lái xe thì có nên đặt ra quy định của pháp luật về nồng độ cồn nữa không?”
Ông Thắng bình luận: “Người có nồng độ cồn vượt quá quy định của pháp luật mà vẫn được phép điều khiển phương tiện giao thông, thì Quốc hội đừng mong tai nạn giao thông, số người chết giảm xuống. Hãy nhớ rằng, cánh tay các vị giơ hay rụt hôm nay là hạnh phúc hoặc tai ương của biết bao nhiêu gia đình đấy“.
Nhà báo Bạch Hoàn viết: Thật kinh tởm cho cái gọi là biểu quyết của đại biểu Quốc hội. Tác giả bình luận: “Nhiều người không thể lý giải nổi tại sao đại biểu Quốc hội lại có thể làm ngơ trước những thảm kịch xảy ra vì bia rượu đến thế. Nhưng tôi thì chẳng lấy gì làm bất ngờ.
Chừng nào những loại đại biểu như Nguyễn Sỹ Cương, Dương Trung Quốc vẫn được ngoạc miệng ra giữa nghị trường, với luận điệu bảo vệ các chính sách có lợi cho doanh nghiệp rượu bia bất chấp nguy cơ hủy diệt giống nòi, thì chừng đó những kết quả bỏ phiếu gây phẫn nộ kia sẽ còn tiếp diễn”.
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam có bài: Một sự thất vọng. Ông Lam viết, “Mặc kệ Việt Nam đang sắp trở thành quốc gia top quán quân thế giới về tiêu thụ rượu bia; mắc kệ đại thảm họa tai nạn giao thông mà bia rượu là một nguyên nhân lớn, số đại biểu quốc hội phản đối luật cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có độ cồn vẫn cao ngang ngửa số đồng thuận. Có lẽ, với các đại biểu đó, khi bấm nút biểu quyết thì tôi không chắc, còn lúc khác, đi đâu và làm gì trong máu họ cũng có sẵn cồn!”
LS Lê Nguyễn Duy Hậu cho rằng, Quốc hội không ủng hộ lái xe khi đã uống rượu. LS Hậu viết, “việc không đồng ý quá bán bất kỳ phương án nào hôm nay của Quốc hội có thể là một việc làm có suy xét, trách nhiệm. Việc nghi ngờ hay lên án ĐBQH bị nhóm lợi ích mua chuộc là một cáo buộc rất nghiêm trọng và do đó cần có bằng chứng chứ không thể nói vô trách nhiệm được. Mình cũng như mọi người lên án hành vi say rượu lái xe, nhưng cũng cần phải hết sức thận trọng“.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: Có người vu khống động cơ của đại biểu khi bàn về luật rượu, bia, Zing đưa tin. Về “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”, bà nghị Thúy méc với Quốc hội rằng, “có tình trạng một số tổ chức, cá nhân thay vì đưa ra những lý lẽ, chứng cứ để thuyết phục đại biểu Quốc hội thì lại có hành vi xuyên tạc, vu khống động cơ phát biểu của đại biểu, nhằm hạ uy tín của đại biểu, giảm vai trò và tiếng nói của Quốc hội“.
Quốc hội khóa 14, nơi tập trung nhiều đại biểu nói năng văng mạng, mà có người cho rằng, có thể các đại biểu đó đang say rượu, cần kiểm tra nồng độ cồn của họ. Hôm qua, ĐB Nguyễn Bắc Việt, thuộc tỉnh Ninh Thuận, đề nghị sớm có luật… phê bình và tự phê bình, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông nghị Việt đề nghị, Quốc hội sớm đưa vào nghị trình dự luật “phê bình và tự phê bình”, nhằm “nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ“.
____
Mời đọc thêm: Quốc hội xin ý kiến đại biểu về thời gian cấm bán rượu, bia (VNE). – Quốc hội chưa thống nhất phương án thời gian cấm bán rượu, bia (CT). – Đại biểu ‘giằng co’ việc siết luật đối với người lái xe uống rượu bia (TT). – Quy định “uống rượu bia không lái xe” chưa được Quốc hội đưa vào luật (RFA). – Vì sao nhiều ĐBQH chưa tán thành quy định cấm uống rượu, bia khi lái xe? (VOV). Mời đọc lại: Kỹ năng hùng biện của đại biểu Quốc hội ngày càng tồi! (Mai Bá Kiếm/ TD).