Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: Hiệp ước phòng thủ Mỹ-Philippines ‘áp dụng cho các tình huống ở Biển Đông’. Phát biểu trước báo giới tại TP Quezon ở Philippines ngày 23/5, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim tuyên bố, Biển Đông “rất quan trọng đối với tất cả chúng ta” và các lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở vùng biển này. Ông Kim nói:
“Dù không phải là bên tranh chấp, chúng tôi rất quan tâm tới những gì đang diễn ra ở Biển Đông và đó là lý do chúng tôi làm việc tận lực để bảo vệ tự do hàng hải và tự do hàng không. Những nguyên tắc và giá trị này quan trọng đối với tất cả chúng ta, không chỉ cho khu vực Thái Bình Dương mà cả cộng đồng quốc tế”.
Infonet đặt câu hỏi: Bành trướng ở Biển Đông, Trung Quốc sắp lĩnh “đòn đau mới” từ Mỹ? Bài viết bàn về bản dự thảo đang được các Thượng nghị sĩ hai đảng trình lên Thượng viện Mỹ, nhằm mở đường cho chính phủ nước này trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc tham gia vào những hành động “trái phép và nguy hiểm” của Bắc Kinh trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đáng lưu ý, dự luật này còn yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ cứ mỗi sáu tháng phải trình cho Quốc hội báo cáo chỉ ra những cá nhân hoặc công ty Trung Quốc tham gia hoạt động xây dựng hoặc phát triển các dự án ở Biển Đông. Những hoạt động nằm trong danh mục cấm của dự luật gồm cải tạo đất, xây đảo nhân tạo, xây hải đăng và lắp đặt các cơ sở hạ tầng.
Mỹ, Nhật, Hàn và Úc tập trận chung gần biển Đông, theo báo Tiền Phong. Phó đô đốc Philip Sawyer, tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết, cuộc tập trận mang tên Đội tiên phong Thái Bình Dương vừa diễn ra gần đảo Guam: “Lực lượng chung mang tên Đội tiên phong Thái Bình Dương từ 4 quốc gia biển cùng chung ý chí và mang lại an ninh trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên những giá trị và lợi ích chung”.
Cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài trong 6 ngày, với sự tham gia của 2 tàu khu trục Nhật Bản, 2 tàu khu trục Úc và 1 tàu khu trục Hàn Quốc, cùng 3.000 thủy thủ. Còn Hải quân Mỹ huy động 5 tàu, các máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra biển tham gia chiến dịch.
Mời đọc thêm: Mỹ-Trung so kè tàu sân bay, mèo nào cắn mỉu nào? (TP). – Nghị sĩ Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc ở Biển Đông (TN). – Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm đến tình hình biển Đông (PLTP). – Tin nổi bật 24/5: Gây hấn ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ phải nếm “trái đắng” từ Mỹ (Infonet). – Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia lần đầu tập trận hải quân chung (TTXVN).
Tin nhân quyền
Hàng trăm người biểu tình khi Thủ tướng Phúc đến thăm Na Uy, VOA đưa tin. Ngày 24/5, hàng trăm người Việt đã biểu tình ở thủ đô Oslo, kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do cho các tù nhân lương tâm và tôn trọng nhân quyền, đúng lúc Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu thăm chính thức Na Uy trong 3 ngày.
Ông Sơn Nguyễn, một người tham gia cuộc biểu tình, chia sẻ: “Có những biểu ngữ như: Trả tự do cho tù nhân lương tâm, Không bán nước, Đả đảo cộng sản, Na Uy không được giúp kẻ ác…Chúng tôi không muốn người dân Na Uy dùng tiền để giúp cho cộng sản. Đó cũng là một thông điệp cho cả hệ thống Na Uy, bao gồm cả Thủ tướng Na Uy”.
Trang Kênh Bến Gỗ có clip, ghi lại “nước mắt của người dân xã Long Hưng – Biên Hòa – Đồng Nai. Mọi người sắp phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất”:
Nước mắt của người dân xã Long Hưng – Biên Hòa – Đồng Nai
Nước mắt của người dân xã Long Hưng – Biên Hòa – Đồng NaiMọi người sắp phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Publiée par Kênh Bến Gỗ sur Mercredi 22 mai 2019
RFA dẫn lời tổ chức Ân xá Quốc tế: vụ tra tấn Nguyễn Văn Hóa là “vô cùng nghiêm trọng”. Tổ chức này đánh giá, vụ tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, từng là cộng tác viên của RFA, bị công an quản giáo trại giam An Điềm đánh đập, gây thương tích hôm 12/5 và sau đó bị biệt giam là “vô cùng nghiêm trọng”.
Ông Nguyễn Trường Sơn, người tổ chức chiến dịch cho Ân xá Quốc tế ở VN và Campuchia cho biết, sự việc này không những vi phạm luật pháp Việt Nam mà còn vi phạm cả luật pháp quốc tế: “Chúng tôi khẳng định rằng Nguyễn Văn Hóa là một tù nhân lương tâm, có nghĩa, đáng lý ra anh không phải chịu cảnh tù đày ngay từ đầu”.
RFA đưa tin: Tù nhân Trần Công/ Phan Văn Thu – người đứng đầu nhóm Công án Bia Sơn suy kiệt trong nhà tù. Tù chính trị Phan Văn Thu còn có tên , là người đứng đầu nhóm Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn, hiện thụ án chung thân tại Trại giam Gia Trung, Gia Lai, đang bị suy kiệt trong tù. Ông Thu hiện đang bị giam chung với mục sư Nguyễn Trung Tôn, do bản thân suy kiệt đến mức không thể tự phục vụ được nên mục sư Tôn phải giúp đỡ cho ông Thu.
Vợ ông Thu cho biết: “Có kêu lên trung ương, trại giam, làm đơn xin cho ông được đi khám bệnh viện tuyến trên… nhưng họ nói ông chưa đủ điều kiện để tạm dừng thi hành án thành ra sau khi trị liệu xong họ lại đưa về trại giam tiếp”.
Mời đọc thêm: Cán bộ bị kỷ luật vì đăng tin về vụ ‘giao đất vàng’ trên Facebook (VOA). – Facebook tăng giới hạn nội dung ở Việt Nam 500% trong năm 2018 — Công đoàn ngoài quốc doanh: Khai tử lồng trong giấy khai sinh — Sa di Thích Đồng Long phản đối đàn áp (RFA). – “Thực hành dân chủ rộng rãi”: gần Mỹ, xa Tàu (VNTB).
Thủy điện xã nước, giết chết dân
Thủy điện xả nước “quên thông báo”, dân đưa thi thể lên nhà máy “bắt đền”, báo Người Lao Động đưa tin. Vụ việc xảy ra vào khoảng 14 giờ ngày 23/5, ông Vi Văn May, ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An cùng em trai chèo thuyền đánh bắt cá dưới khu vực đập thủy điện Nậm Nơn thì nhà máy thủy điện xả nước. Do bất ngờ nên thuyền bị nước cuốn lật, hai anh em rơi xuống sông. Phát hiện vụ việc, người dân đã thông báo với nhà máy đóng các cửa xả, người em trai được cứu sống, còn ông May bị nước nhấn chìm.
Chiều tối 23/5, người thân đã đưa thi thể ông May lên nhà máy thủy điện Nậm Nơn để yêu cầu làm rõ sự việc. Đến khoảng 2 giờ ngày 24/5, sau khi lập biên bản thống nhất sự việc giữa nhà máy thủy điện Nậm Nơn và người nhà nạn nhân cùng chính quyền địa phương, gia đình đã đưa thi thể ông May về mai táng.
Thủy điện thừa nhận đã chủ quan trong khi xả nước khiến người dân chết đuối, theo báo Thanh Niên. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó TGĐ điều hành Công ty CP Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Nậm Nơn thừa nhận: “Do chủ quan trong điều tiết lượng nước hồ chứa, nghĩ lượng nước không lớn, nên anh em không phát thông báo”. Ông Toản cho biết thêm, hiện cơ quan điều tra đang vào cuộc để điều tra quy trình vận hành của kíp trực.
Báo Dân Việt đặt câu hỏi về vụ xả cửa thủy điện ở Nghệ An, một người chết: Lãnh đạo huyện nói gì? Lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết, sau trận lũ lịch sử vào tháng 8/2018, đài quan sát và còi hú để thủy điện Nậm Nơn xả lũ đã bị hư hỏng, đặc biệt biển báo khu vực nguy hiểm vùng hạ du bị nước lũ cuốn mất từ đó đến nay, nhưng Nhà máy thủy điện Nậm Nơn vẫn chưa khắc phục, xây dựng lại:
“Trong khi đó, các vị trí đặt camera giám sát quy trình xả lũ thời điểm chiều 23/3 cũng bị mất nhưng chưa được khắc phục. Camera bị mất có nhiều nguyên nhân, vô tình hay hữu ý gì đó tôi không biết”. Quản lý kiểu này thì khả năng sẽ còn nhiều người thiệt mạng oan uổng vì thủy điện.
Mời đọc thêm: Nhà máy thủy điện xả nước, một người tử vong (Zing). – Điều tra nguyên nhân một người tử vong dưới chân đập thủy điện (PLVN). – Dân vây nhà máy thủy điện yêu cầu làm rõ cái chết của nạn nhân (VOV). – Dân yêu cầu làm rõ việc một người tử vong khi thủy điện Nậm Nơn mở cửa xả (GDTĐ). – Vụ người dân tử vong ở đập thủy điện Nghệ An: Chủ đầu tư thừa nhận chủ quan (ĐSPL).
Màn kịch giá điện
Thanh tra Chính phủ chính thức vào cuộc việc tăng giá điện, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ngày 24/5, tại trụ sở TTCP, Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam chủ trì công bố quyết định kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán điện từ ngày 20/3, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian kiểm tra là 35 ngày, đoàn kiểm tra gồm 12 thành viên, trong đó có một số thành viên đến từ Bộ Tài chính và Bộ Công thương.
Nhiều người cho rằng, đây cũng chỉ là trò diễn “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vì TTCP cũng chỉ là một bộ phận của Chính phủ VN, mà lãnh đạo EVN và Bộ Công thương đã nhiều lần khẳng định, chuyện tăng giá điện đã làm đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mời đọc thêm: Thanh tra Chính phủ bắt đầu kiểm tra việc tăng giá điện của EVN (VTC). – Thanh tra Chính phủ đề nghị EVN phối hợp chặt chẽ khi kiểm tra việc tăng giá điện (NLĐ). – Sẽ kiểm tra giá điện trong 35 ngày (PLVN). – Thanh tra Chính phủ sẽ “làm rõ đúng, sai việc tăng giá điện” (LĐ). – Tính giá điện tăng: Ai đúng, ai sai? (LĐTĐ). – Bộ Công thương “xin rút kinh nghiệm” sau thông tin “đòi xử lý người có ý kiến về giá điện” (SGGP).
Các vụ “ăn” đất
Báo Tiền Phong có bài: Lộ diện nhiều vi phạm về quản lý đất đai tại Bình Định. Theo đó, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước khu vực III về vấn đề quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại tỉnh Bình Định vừa chỉ ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai tại tỉnh này.
Chẳng hạn như, trường hợp Công ty CP Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn được UBND tỉnh Bình Định giới thiệu đất cho mục đích đầu tư xây dựng xưởng cơ khí, nhà để xe kho bãi vật liệu. Tuy nhiên, công ty này tự ý đầu tư tài sản trên thửa đất này khi chưa được giao đất, ký hợp đồng thuê đất.
Chưa có phép, dự án khu dân cư tại KCN ở Long An vẫn phân lô bán nền, Infonet đưa tin. Bài viết dẫn trường hợp KCN Đức Hòa III – Hồng Đạt, tháng 11/2016, UBND tỉnh Long An chấp thuận cho công ty này làm chủ đầu tư khu dân cư. Sau đó, Hồng Đạt thi công hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã chuyển nhượng 2.500 lô cho khách hàng theo hình thức ký hợp đồng nguyên tắc.
VTC đặt câu hỏi: Bao giờ cư dân 8B Lê Trực biết kết quả thanh tra Giấy phép xây dựng? Ngày 12/10/2015, UBND quận Ba Đình, Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm ở công trình này. Tuy nhiên, đến nay UBND quận Ba Đình vẫn chưa có câu trả lời về việc giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp ngày 24/3/2014 là đúng hay không.
Bài viết đặt câu hỏi: “Điều lạ là Giấy phép xây dựng này như UBND quận Ba Đình trả lời là đã được thanh tra thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, vậy kết quả thanh tra như thế nào? Sau hơn 4 năm nay, không lẽ Giấy phép xây dựng này vẫn ‘đang thanh tra’?”
Chuyện ở Đồng Nai: Nhiều doanh nghiệp nợ hàng trăm tỉ đồng tiền sử dụng đất, theo báo Thanh Tra. Tính đến ngày 31/8/2018, trên địa bàn 3 huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch có tổng cộng 13 đơn vị còn nợ hơn 321 tỉ đồng tiền sử dụng đất. Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã chọn 8 hồ sơ dự án nợ tiền sử dụng đất với số tiền hơn 273 tỉ đồng để kiểm tra đôn đốc, thu hồi nợ.
Có 2 hồ sơ với tổng số tiền sử dụng đất còn nợ hơn 68 tỉ đồng, đã được đưa vào diện nợ chờ điều chỉnh, còn lại những dự án khác có tổng số tiền sử dụng đất còn nợ hơn 205 tỉ đồng. Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã chỉ ra trách nhiệm của Cục Thuế khi chưa thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Mời đọc thêm: Sai phạm có hệ thống trong quản lý, sử dụng đất ở Bình Định (GT). – Thanh tra sai phạm 5 dự án khu công nghiệp ở Long An (VOV). – Long An: Ngang nhiên bán đất nền khu công nghiệp trái phép (Thanh Tra). – Long An: Chỉ khoảng 10% thông tin rao bán nền là đáng tin cậy (LĐ). – TP.Đà Nẵng lấy sân Chi Lăng: Thương vụ ngàn tỷ đang rơi vào bế tắc (NĐT). – Gia Lai lại tái diễn tình trạng san lấp đất ruộng để bán nền (TN&MT). – San lấp ruộng để phân lô bán nền: Không khắc phục sẽ thu hồi đất (DV).
Tin môi trường
Ban chỉ đạo 389 Quốc gia vào cuộc truy quét tôm hùm đất đến từ Trung Quốc, VietNamNet đưa tin. Cơ quan này vừa có công văn, thông báo tình trạng tôm càng đỏ (tôm hùm đất) nhập lậu qua biên giới TQ đưa vào VN tiêu thụ ngày càng nhiều. Theo Bộ NN&PTNT, loài tôm này không có tên trong danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Nhằm tránh tác động xấu đến nuôi trồng thuỷ sản, Văn phòng Thường trực yêu cầu cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, biên giới để ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép tôm hùm đất.
Trang Giáo Dục và Thời Đại đặt câu hỏi về vụ tôm hùm đất: Tái diễn kịch bản “đại dịch ốc bươu vàng”? Một số người bán hải sản tươi sống cho biết, do nguồn nhập loại tôm này từ TQ nên có giá thành rẻ hơn, việc chế biến cũng dễ nên được nhiều bà nội trợ ưa chuộng. Dù có lệnh cấm nhưng nhiều cửa hàng vẫn sẵn sàng cung cấp loại tôm này.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết: Tôm hùm đất là loài xâm lấn điển hình có tính ăn tạp rất mạnh, có đặc tính đào hang sâu nên có thể gây hại đến các công trình thủy lợi, nông nghiệp và đê điều. Nếu loài sinh vật này thoát ra khỏi môi trường, chúng sẽ nhanh chóng thiết lập được một quần thể, cạnh tranh nơi sống, cạnh tranh thức ăn với các loại tôm bản địa khác.
Zing có bài: Dự án cải tạo rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn 17 năm vẫn nằm trên giấy. Ông Hồ Phương, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết, các điểm ngập do mưa, mới xử lý được 75%, quận này có 2 rạch lớn là Xuyên Tâm và Văn Thánh giữ vai trò thoát nước ra sông Sài Gòn nhưng dự án cải tạo 2 tuyến rạch này đều nằm trên giấy. Nguyên nhân: Quy mô dự án lớn, tổng đầu tư tới hàng ngàn tỉ đồng và gánh nặng giải phóng mặt bằng.
BBC bàn về dự án nhiệt điện Vân Phong: Cụ bà vẫn bám đất sau hai năm. Đó là trường hợp cụ Phạm Thị Ca, 99 tuổi, nằm trong khu vực giới chức muốn triển khai dự án nhà máy nhiệt điện Vân Phong trị giá 2,6 tỉ đô la. Cụ bà gần như mù lòa, cho biết: “Nhà tôi tôi ở, đất tôi tôi ở… Ông bà, cha mẹ tôi hồi trước ở, thì bây giờ tôi ở, rồi sẽ chôn cất ở đây”.
Bài báo cho biết, “cụ và gia đình cùng những người khác phản ứng dữ dội trước việc bị tước đoạt không gian sống, mất đất, tình trạng ô nhiễm môi trường, trong lúc mức đền bù, theo họ, là không thỏa đáng”.
Mời đọc thêm: ‘Tôm càng đỏ Trung Quốc không thể đấu với tôm hùm Việt Nam’ (PLTP). – Xâm hại sinh thái! (TN&MT). – Tôm hùm đỏ gây hại khôn lường: Xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm (VietQ). – Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý loài tôm càng đỏ nhập lậu (PT). – Bà cụ 99 tuổi phản đối nhiệt điện than (VNTB). – Đà Nẵng: Dân phản đối, lò đốt rác y tế ở Khánh Sơn phải hoạt động cầm chừng (TN&MT). – Hoài Đức – Hà Nội: Dự án trăm tỷ đổ thải tràn lan? (MTĐT).
Gian lận thi cử
Kết thúc điều tra, lãnh đạo Sơn La giải trình vì có con được nâng điểm, báo Lao Động đưa tin. Theo đó, tỉnh ủy Sơn La đã yêu cầu số cán bộ, đảng viên có con nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm ở Sơn La phải làm báo cáo giải trình. Trong số 11 người phải làm báo cáo giải trình, một số người đã phải tiếp tục về giải trình tại cơ quan, đơn vị.
Cục Thống kê tỉnh Sơn La cho biết, trong cuộc họp chi bộ vừa tổ chức, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sơn La, ông P.H.S, đã đọc bản giải trình về chuyện con ông này được nâng 23,35 điểm. Ông S khẳng định không chạy điểm, mua điểm cho con.
Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 8 người vụ gian lận thi cử ở Sơn La, theo báo Pháp Luật TP HCM. Ngày 24/5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La cho biết, có 8 cán bộ bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm ông Trần Xuân Yến, cựu PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, bà Cầm Thị Bun Sọn, cựu phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, ông Đặng Hữu Thủy, cựu phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu.
Họ còn có các đồng phạm, là ông Lò Văn Huynh, cựu phó trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La, ông Nguyễn Thanh Nhàn, cựu phó trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La, ông Đinh Hải Sơn, cựu thiếu tá công an ở PA03 Công an tỉnh Sơn La và ông Đỗ Khắc Hưng, cựu trung tá công an cùng đơn vị.
Zing có đồ họa: Tiêu cực thi THPT ở Sơn La, Hà Giang & Hòa Bình diễn ra như thế nào?
Mời đọc thêm: Diễn biến mới nhất vụ gian lận thi cử tại Sơn La (ANTĐ). – Điều tra giai đoạn 2 vụ gian lận thi cử ở Sơn La (LĐ). – Đề nghị truy tố 8 bị can vụ sửa điểm thi tốt nghiệp ở Sơn La (Zing). – Đề nghị truy tố 8 bị can vụ gian lận điểm thi ở Sơn La (TP). – Kỷ luật sửa điểm thi ở Hà Giang: ‘Chưa có kế hoạch…’ (ĐV). – Không công khai phụ huynh của thí sinh gian lận thi cử là bao che tiêu cực (LĐ). – Dư luận đã “phán xét” ông Triệu Tài Vinh, vậy là xong? (GDVN). – ‘Thi THPT quốc gia không thực hiện bất kỳ chỉ đạo miệng nào!’ (PLTP).
Thêm tin giáo dục
Zing có bài: 42/43 học sinh đạt loại giỏi – bệnh thành tích ngày càng trầm trọng. ĐBQH Phạm Tất Thắng bình luận, nếu là lớp bình thường, không phải lớp chọn, rõ ràng là học lực của học sinh trong lớp khác nhau và kết quả sẽ phải phân bố ở các phổ khác nhau, xếp loại khác nhau ứng với học lực của học sinh. Cho nên, phần lớn học sinh trong một lớp đều được công nhận là học sinh giỏi, rõ ràng là bất bình thường.
Tuy nhiên, điều bất bình thường đó đã trở thành bình thường trong nền giáo dục dưới thời CSVN, nơi trọng những người “hồng hơn chuyên”, nơi luôn tìm cách nhấn chìm học sinh, sinh viên trong những kiến thức vô giá trị, vô tác dụng của học thuyết Marx – Lenin.
Công an tỉnh Cà Mau đang truy tìm nguyên hiệu trưởng mầm non bỏ trốn với món nợ hơn 2 tỉ đồng, theo báo Thanh Niên. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau vừa thông báo, cơ quan này đang thụ lý, xác minh tố giác về tội phạm đối với bà Trịnh Kim Phới, cựu Hiệu trưởng Trường Mầm non Rạng Đông, về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” số tiền trên 2 tỉ đồng. Hiện nay bà Phới đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Mời đọc thêm: Những đứa trẻ ‘xuất sắc toàn diện tiêu biểu’ hay nạn nhân của bệnh thành tích? (TN). – Đại biểu Quốc hội bức xúc về bệnh thành tích trong nhà trường (PNVN). – Buồn vì nhiều… học sinh giỏi (TQ). – Vụ suất cơm có giòi ở TP HCM: Trường Việt Úc xin lỗi phụ huynh (VOV). – Cà Mau: Nữ hiệu trưởng bị công an truy tìm (MTG). – Công an truy tìm nguyên hiệu trưởng Mầm non bỏ nhiệm sở nhiều ngày (GT).
***
Thêm một số tin: Nhóm lao động Việt bị buộc tội trong đường dây lừa đảo qua điện thoại ở Đài Loan (VOA). – Đại hội đồng cổ đông để trả lại cảng Quy Nhơn? (TBKTSG). – Nhiều người lao động “cả ngày không nhìn thấy ánh mặt trời” (SGGP). – Đại diện UNESCO nói gì về tái thiết nhà thờ Bùi Chu? (TN). – Video: ‘Đói’ vốn, dự án bệnh viện 2.700 tỷ đồng ở Hà Nội trở thành chỗ nuôi gà (VTC). – Tô Thùy Yên – Một đời làm thơ, một đời yêu thương, một thời tù ngục (MTG).