21-5-2019
Có phải điều tra viên sợ luật sư? Hay người bị buộc tội sợ điều tra viên? Hay do cả hai?
Các luật sư về hình sự thường xuyên gặp cản trở, gây khó từ cơ quan điều tra và điều tra viên dưới những hình thức như sau:
1/Không cấp thông báo đăng ký người bào chữa đúng hạn. Theo luật chỉ 12h đối với trường hợp tạm giữ, 24h đối với trường hợp bị can, kể từ khi nhận đủ thủ tục đăng ký, cơ quan điều tra phải cấp Thông báo đăng ký từ chối.
Thế nhưng đến 99% vụ việc đăng ký trễ hạn, thường mất tới 1 tuần, có khi tới tháng. Các luật sư và người nhà phải vất vả với mấy anh chị điều tra viên và sếp của họ. Họ nại ra mọi lý do về việc chậm trễ. Trong đó có lý do phải kiểm tra người bị buộc tội (người bị tạm giữ, bị can) có đồng ý mời luật sư hay không. Nhưng thực ra là thủ thuật của họ dẫn tới hình thức ngăn cản luật sư thứ hai dưới đây.
2/ Các bị can bị tác động (chủ yếu từ điều tra viên hay qua điều tra viên) rằng nên từ chối luật sư A, B, C..với những lý do rất mơ hồ (nhưng thực chất là hăm doạ tinh vi, nhắc nhở luật sư có khi nặng hơn hay tốn tiền, hoặc nếu mời luật sư, nên mời luật sư D, ai cũng hiểu là đối tác của ai). Có luật sư đếm đã bị cản trở như vậy tới hàng chục lần.
Thực ra lý do chính của việc doạ nạt bị can để họ từ chối, chính là các điều tra viên không tự tin vào chính khả năng của họ. Nếu có luật sư bên cạnh bị can khi tiến hành tố tụng, họ phải hành xử đúng luật, khó mớm cung được bị can, không doạ được bị can…, nói nôm na họ không được tự tung tự tác.
Còn nói đúng ra, họ sợ luật sư (nếu không phải là “đối tác” của họ), và do đó cách tốt nhất xua tan nỗi sợ là xui, ép bị can từ chối luật sư. Còn bị can (nhất là bị can tạm giam), họ sợ điều tra viên, vì vậy đành ngoan ngoãn ký đơn từ chối luật sư. Dù phần lớn sau này (trong giai đoạn xét xử), họ lại mời luật sư.
3/ Các điều tra viên cho rằng họ có đặc quyền, trong giai đoạn điều tra, chỉ khi có mặt họ, luật sư mới gặp hỏi bị can bị tạm giam. Thực ra Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tạm giam tạm giữ không quy định như vậy, luật sư chỉ cần xuất trình thông báo đăng ký bào chữa và thẻ luật sư là được vào trại tạm giam gặp bị can. Tuy nhiên để gây khó cho các luật sư, điều tra viên nhân danh cơ quan điều tra gửi công văn đến trại tạm giam, yêu cầu trại tạm giam chỉ bố trí cho luật sư gặp bị can khi được sự đồng ý của cơ quan điều tra. Mặc dù những công văn này trái luật, nhưng trại tạm giam vẫn “ưu tiên” các đồng chí cùng ngành hơn các luật sư.
Những vi phạm trên ngày càng phổ biến, thế nhưng Liên Đoàn Luật sư Việt nam chưa thấy có động thái nào yêu cầu Bộ Công an chấn chỉnh, để bảo vệ quyền hành nghề của luật sư. Do đó, tôi đề nghị các luật sư hãy yêu cầu LĐLSVN và cung cấp thông tin cho Liên đoàn để kiến nghị, sớm chấm dứt những việc trái luật như trên tại cơ quan điều tra và yêu cầu Bộ công an xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm.
Tôi cũng hy vọng, các cán bộ điều tra viên đừng sợ luật sư. Các bạn nếu tiếp tục “tâm lý” như vậy, không những phạm luật, mà chỉ chứng tỏ các bạn “yếu” bản lĩnh, “yếu” chuyên môn!