Tương Lai
21-5-2019
Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 65
Tin đồn dai dẳng sức khoẻ ông Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khiến ông ta mất dạng trên chính trường một thời gian dài gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Xôn xao vì nhiều lẽ. Cũng chẳng phải vì oai tín lớn lao hay năng lực siêu phàm của ông chẳng may có mệnh hệ nào thì dân mất nhờ, nước lâm nguy!
Cứ nhìn vào những thước đo về số lượng truy cập tin trên mạng kèm theo những lời bình thì cũng hiểu được lòng dân đối với ông ta, ảnh hưởng của ông ta trong cái nhìn của xã hội, nhất là của những người có hiểu biết về thời cuộc và quan tâm về vận nước. Mà xôn xao vì ông ta đang gánh hai trọng trách chóp bu của đảng cầm quyền và nhà nước do đảng cầm quyền của ông ta chỉ định. Điều ấy khiến vai trò của ông ta có tác động trực tiếp đến guồng máy hoạt động của xã hội, của quan hệ quốc tế trong bối cảnh của những biến động dữ dội và khó lường.
Thực ra, chuyện một nguyên thủ quốc gia bị lâm bệnh mà vẫn phải điều hành việc nước cũng là chuyện từng xảy ra và được các sử gia trang trọng ghi nhận vì sự ngưỡng mộ của nhân dân. Trường hợp Franklin Delano Roosevelt, vị Tổng thống thứ 32 của nước Mỹ là một biểu tượng sáng ngời. Ông phải ngồi để đọc diễn văn trước Quốc hội ngày 1.3.1945 về Hội nghị Yalta, khi ông từ đó trở về, với lời xin lỗi: “Tôi hy vọng mọi người sẽ tha thứ cho tôi vì phải ngồi đây một cách bất thường để diễn thuyết những gì tôi muốn nói, nhưng…nó giúp cho tôi dễ dàng hơn khi không phải đeo khoảng 10 pounds thép quanh phía dưới chân tôi”.
Sau này, Jean Edward Smith, người viết tiểu sử Roosevelt đã đặt ra câu hỏi: “Điều gì đã đưa Hoa Kỳ qua Đại khủng hoảng và Chiến tranh thế giới thứ hai đến tương lai thịnh vượng“, và khẳng định: Roosevelt với một hình ảnh giàu xúc cảm và đầy tính biểu tượng: “Ông đã tự nhấc người lên khỏi chiếc xe lăn để nhấc bổng quốc gia này lên khi nó đang ở trong tư thế quỳ gối“. Còn tờ Thời báo New York thì chạy một dòng tít dài “Con người sẽ quỳ xuống để cám ơn Thượng đế một trăm năm kể từ bây giờ vì Franklin D. Roosevelt đã ở trong Nhà Trắng”.
Roosevelt đã làm tổng thống trên 12 năm, dài hơn hẳn bất cứ vị tổng thống nào trong sự tin phục và mong đợi của đa số người dân Mỹ. Trong đợt tranh cử lần thứ ba, Roosevelt đã gửi một thông điệp rằng ông sẽ không ra tranh cử trừ khi ông bị đảng bắt buộc ra tranh cử và rằng tất cả các đại biểu có quyền tự do bầu chọn cho bất cứ ai. Các đại biểu kinh ngạc, rồi đồng thanh la to “Chúng tôi cần Roosevelt…Thế giới cần Roosevelt!”. Và, ông được đề cử với tỉ lệ 946 – 147.
Ông đã dẫn dắt Hoa Kỳ vượt qua một số các cuộc khủng hoảng lớn nhất của Hoa Kỳ cho đến khi Đức Quốc xã gần như bị đánh bại và sự bại trận của Nhật Bản cũng đang trong tầm nhìn thấy được. Mãi cho đến hiện nay, các sử gia hiện đại đã nhận định rằng Abraham Lincoln, George Washington và Franklin Roosevelt là ba tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ.
Thế đó! Vàng thật không sợ lửa. Đã là “vàng mười” thì lửa càng rực nóng lại càng giúp phơi rõ ra thứ “vàng dỏm”, thứ chì được thếp vàng.
Thì cứ đàng hoàng ngồi xe lăn mà đi làm việc, càng oách! Ta bệnh nhưng vẫn không thể ngồi yên vì “việc đảng, việc nước, việc lò, việc ghế đang rối bời”, các ngươi hãy theo gương ta mà chăm chỉ giữ bằng được cái triều đại mà ta và các người đều cần để giữ cho được cái ghế, mà đã giữ được ghế thì giữ được lợi mà các ngươi đang có. Việc gì mà lại cứ ỡm ờ dấu dấu diếm diếm, nửa nạc nửa mỡ, để khiến cho một Hội nghị “có ý nghĩa cực kỳ quan trọng” mà cả bốn vị tai to mặt lớn đều phải theo gương Tổng Chủ mà đều ngồi để diễn văn diễn vở theo kịch bản!
Cuộc “toạ triều” này quả thật là một vở diễn được xếp đặt kỹ càng mà chắc các diễn viên đều gượng gạo nhưng không thể không làm cái việc đặng chẳng đừng này! Thì còn “quan trên nhìn xuống, người ta trông vào” sơ sảy một li có khi phải đi một dặm mà chưa chừng mất trắng, “một mình luống những đứng ngồi chưa xong”! Chậc, đành tạm bỏ thuyết Mác Lê mà theo thuyết “Mắc Kê No”. Thì đó, ngay sau vở diễn có hai ba ngày, đến kỳ khai mạc Quốc hội không có mặt Tổng Chủ, các diễn giả đảm trách giới thiệu, khai mạc, đọc báo cáo đều trở lại tư thế quen thuộc mà không phải “toạ triều” nữa. Ngẫm cho kỹ, trong cái rủi chưa chừng là chứa cái may đấy. May, là tổng chủ chỉ “toạ triều” chứ chưa đến nỗi phải “ngoạ triều” như Lê Long Đỉnh thế kỷ 11 vào buổi mạt của triều Tiền Lê!
Nói đổ sông đổ bể, nếu vận khí nó xui ra mà tổng chủ phải “ngoạ triều” để điều hành việc nước thỉ chả nhẽ “tam tứ trụ” hay cả trung ương, chính phủ khi luận bàn việc công đều phải nằm mà đọc diễn văn, mà khai mạc bế mạc, nghĩa là cùng “ngoạ triều” cả sao? Mà dám lắm chứ! Thì chẳng phải là ngài Tổng Chủ gánh trên vai mình ngần ấy trọng trách: Tổng bí thư, rồi vì “tình huống” phải ôm thêm Chủ tịch Nước, rồi xem ra không thế không nắm Bí thư quân uỷ TƯ, lại chưa an tâm quyết phải vào Đảng uỷ Công an để tiện bề xử lý cái cơ quan quyền lực nhất trong thế nước hiện nay. Mà gì thì gì, chứ hồ sơ về cá nhân ngài chúng lại quá đầy đủ đang găm lại đó, đợi thời cơ cho bung ra cập kỳ thì có chiêu dàn xếp, chống đỡ. Thêm nữa, để Đại hội 13 suôn sẻ theo kịch bản đã được “bên ấy” cho ý kiến, thì lại phải ôm lấy cà ba tiểu ban quan trọng nhất, và e còn nhiều thứ khác khó thống kê ra đây.
Ngần ấy việc với người đã vượt ngưỡng “cổ lai hy” đến hơn bốn, năm năm, thì mình đồng da sắt khi trái nắng trở trời, nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng có thể đột quỵ chứ nói gì đến người đã từng nếm trải cái tai biến này rồi! Chao ôi, thân này vì xẻ làm hai làm ba cũng không thể kham nổi việc lớn mà lại không thể chia cho chúng nó được, “thân này đã đến thế này thì thôi”! Thôi thì “đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đứng trách lẫn trời gần trời xa”.
Nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh phải “ngoạ triều” thì cứ hãi hãi thế nào ấy, cứ như đang “chập chờn cơn tỉnh cơn mê” mà đâm ra bất an! “Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình”. Đã phải thật dõng dạc, khúc chiết trong giọng nói, tuy vẫn “toạ triều” nhưng tay phải vung khi cần thể hiện sự tự tin, miệng phải cười để biểu đạt sự vững vàng cho dù nhiều lần không giữ được phải buông ra cái điệp khúc “khó lắm các đồng chí ạ”. Ấy thế mà, không hiểu sao lại cứ bị ám ảnh về buổi mạt vận, kết thúc 29 năm triều đại Tiền Lê thế kỷ 11 “lãng đãng như gần như xa”, cứ như là “quả kiếp nhân duyên, cùng người một hội một thuyền đâu xa” hao hao giống những gì đang lởn vởn trong mối lo trước mắt mà thấy ghê ghê!
Tháng 3 năm 1005, Lê Đại Hành qua đời, Thái tử Lê Long Việt chưa kịp lên ngôi thì đã bị hai người anh em là Đông Thành Vương và Trung Quốc Vương đem quân tranh giành ngôi báu. Cuộc đấu đá thanh toán lẫn nhau diễn ra trong 8 tháng, Lê Long Việt đánh đuổi được đối thủ Trung Quốc Vương, giết chết Đông Thành Vương và cướp được ngai vàng. Nhưng chưa ngồi ấm chỗ, chỉ ba ngày sau, đến lượt Lê Long Việt bị chính em ruột là Lê Long Đĩnh giết chết và cướp ngôi. Lê Long Đĩnh lên ngôi, ngai vàng vừa ngồi chưa ấm chỗ lại bị Trung Quốc Vương câu kết với Ngự Bắc Vương và Ngự Man Vương toan tính lật đổ. Lê Long Đĩnh phải đem quân đánh dẹp. Ngự Bắc Vương vì chống đỡ không nổi, đã bắt trói Trung Quốc Vương và đến đầu hàng Lê Long Đĩnh. Trung Quốc Vương bị chém đầu còn Ngự Bắc Vương được tha bổng. Sau đó, Ngự Man Vương cũng quy hàng. Thì cũng toàn là các “Vương” cả chứ đâu phải bọn thoái hoá biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hoá hoặc bị bọn phản động ở nước ngoài xúi giục! Cuộc tranh giành ngôi vị giữa các Hoàng Tử của Lê Đại Hành chấm dứt. Lê Long Đĩnh trở thành Hoàng Đế thứ ba của nhà Tiền Lê trị vì được 4 năm. Sử cũ quen gọi là Lê Ngọa Triều.
Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí, các cụ dạy cấm có sai, phải hết sức giữ mình. Các “vương” đời nay không thô bạo chơi dữ như các “vương” trong những cuộc tranh đoạt ngôi vua thời xưa, nhưng chúng hiểm hóc và lắm thủ đoạn hơn xưa nhiều. Bề ngoài thơn thớt nói cười dạ thưa anh, bên trong chúng thủ sẵn trăm mưu ngàn kế giết người không dao. Thì đó, đã có thằng vốn dĩ từng quay quắt lá mặt lá trái đã có bài đăng báo dằn mặt dạy đời, nói cạnh nói khoé chĩa vào đúng cái tiên thiên bất túc của thể chế trong buổi tranh tối tranh sáng này đấy thôi. Càng phải giữ mình để chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ lành ít dữ nhiều. Là vì, chỉ mới ló ra vài ý theo hướng đu dây thăng bằng, không lệch hẳn về Tàu, thì thế nào thằng Tập và bộ sậu nó đang o bế nhằm thay ngựa giữa dòng, cũng cho ăn đòn. Đúng là “khó lắm” thật.
Vậy thì, đã trót thì phải trét cho dù phải “trót lòng gây việc chông gai, còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”. Nếu cứ dùng dằng ngựa quen đường cũ mà khúm núm van nài “thương sao cho vẹn thì thương, tính sao cho trọn mọi đường xin vâng” thì thằng Tàu nó chơi ngay tắp lự! Phải chăng “khó nhất” là chuyện đó?
Vậy thì, chỉ có một cách: tìm hậu thuẫn trong lòng dân, khởi động sức quật cường dân tộc, đặt lợi ích của tổ quốc lên trên hết và trước hết, vứt bỏ cái ý thức hệ lỗi thời, dám hướng theo bản lĩnh và trí tuệ của Franklin D. Roosevelt “tự nhấc người lên khỏi chiếc xe lăn để nhấc bổng quốc gia này lên khi nó đang ở trong tư thế quỳ gối”!
____
Mời đọc lại: Số 9: Chào mừng những huy chương vàng danh giá — Số 10: Thật đáng xấu hổ! — Số 11: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng — Số 12: Thế Sự Du Du — Số 13: Chân lý là cụ thể — Số 14: Những bục vỡ khó tránh khỏi — Số 15: Đôi điều ngẫu hứng về “ngày Người Cao Tuổi” — Số 16: Những lời tâm huyết gửi cho ai — Số 17: Lan man về chuyện trích dẫn văn chương — Số 18: Thiên tài liền với thiên tai một vần — Số 19: Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng — Số 20: Giải khát bằng thuốc độc
Số 21: Chịu thua dân ư, chịu sao thấu! — Số 22: Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố — Số 23: Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân — Số 24: Lịch sử sẽ phán xét bản án mà chúng đang quàng vào cổ dân ta, dìm chết tuổi trẻ chúng ta — Số 25: Chuyện cũ viết lại — Số 26: Chuyện cũ viết tiếp — Số 27: “Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong” — Số 28: Thế sự cong queo — Số 29: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” — Số 30: “Tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời…”
Số 31: “Đừng xáo nước đục đau lòng cò con” — Số 32: Hết khôn dồn đến dại — Số 33: Liên khúc năm Gà — Số 35: Trên đồi cao giữa mây trời lộng gió — Số 36: Nhân một tọa đàm khoa học vừa bị giải tán — Số 37: Những tấm lòng bè bạn — Số 38: Chuyện đất, chuyện người — Số 39: Ai là “Tinh hoa của Tinh hoa” đây? — Số 40: Khác nào đem thịt nuôi hổ đói – Giữ sao cho khỏi tai vạ về sau”*
Số 41: Mười năm người ấy ra đi — Số 42: Đục nước, nhưng không béo cò — Số 43: Chớ cao giọng dạy dân lòng yêu nước — Số 43b: “Toàn là bất hảo cả”, vậy thì rồi làm sao đây? — Số 44: Tưởng nhớ Hạ Đình Nguyên — Số 45: Kẻ “bất hảo” – “Nhếch mép cười một phát và quên chúng nó đi”! — Số 46: Tổng thống và cơn mưa — Số 47: Bỗng nhớ người bạn ở Praha — Số 48: “Chu du thiên hạ để học rùng mình” — Số 49: “Giọt nước mắt thương dân – Dân mình phận long đong” — Số 50: Ấm trà mẹ pha vào một đêm trăng
Số 51: Nghĩ về một phẩm cách cao thượng — Số 52: Đôi điều về Hồ Ngọc Đại, bạn tôi — Số 53: Vở diễn nhạt nhòa — Số 54: Giữa dòng hoài niệm — Số 55: Thời gian nghiệt ngã và những bước đi oái oăm của lịch sử — Số 56: Nhớ cái rét đầu đông — Số 57: Đọc kịch bản “Huế 1968” của Michael Mann — Số 58: Vẫn rất cần “ngọn lửa của trái tim Đankô — Số 59: Giai điệu Trịnh và tà áo dài Diệu — Số 60: Tản mạn đôi điều nhân ngày 26 tháng 3 — Số 61: Thế nước chông chênh — Số 62: “Ông Tổng không tiền, ông Tổng Tễnh” — Số 63: Liệu có nhất thiết phải “cái quan” rồi mới “định luận” không nhỉ? — Số 64: Không khí cần cho lá phổi, thông tin cần cho bộ não
* Ngụy sử thế kỷ 18&19 đều viết về Lê Long Đĩnh phải “Ngọa Triều” (do bị bệnh trĩ nên phải nằm mỗi khi thiết triều), nhưng thực ra ông là chiến tướng cực kỳ khỏe mạnh, trước khi mất 3 tháng ông còn dẫn binh đi đánh dẹp bọn phản loạn ở châu Hoàn Đường, Thạch Hà (ĐVSKTT – NXB Văn hóa thông tin 2006 T1 trang 232). Vậy, cái chết của ông còn là nghi vấn lịch sử chứ không phải là do có bệnh mà phải nằm chờ chết thôi đâu.
* Nhân chuyện này, bản nhân xin thụ giáo GS Tương Lai: Ngài có biết vì sao Lê Long Đĩnh giết anh cùng mẹ của mình (Lê Long Việt sau khi dẹp loạn Tứ Vương và lên ngôi mới được 3 ngày), nhưng, vẫn đưa anh vào thờ ở Thái Miếu với Miếu Hiệu là Trung tông Hoàng đế, mà, không chịu đưa cha mình (Lê Hoàn) vào thờ trong Thái Miếu để đến nỗi ông này phải mang cái tên nhục nhã xuyên suốt cả chiều dài lịch sử, cho đến tận ngày nay là LÊ ĐẠI HÀNH không!?
(Ghi chú: mỗi khi có vị hoàng đế nào bị mất thì quyền thần nói về vị vua vừa mất (ngôi thứ 3) là ĐẠI HÀNH HOÀNG ĐẾ chỉ khi nào an táng xong, đưa vào thờ trong Thái Miếu và đã chọn được Thụy hiệu và Miếu hiệu cho vị tiên chủ, thì, sẽ không còn dùng tới chữ Đại Hành nữa. Điều này chứng tỏ rằng Lê Hoàn không có Thụy hiệu lẫn Miếu hiệu ngay từ đầu)
Bây giờ VN.đang bị chủ nghĩa Mác Lê thống trị nhưng được biến thể
thành Mác Lê Ko,biến âm từ Mackeno ?
Sở trường khôi hài hay miả mai,châm biếm thì tôi đành phải nhường
cho bác muỗi Mosquitos…. muá bút !