Những học sinh được làm “con người tự do”

Nguyễn Lương Hải Khôi

18-5-2019

1) Cô giáo ở Hải Phòng đánh học sinh bị xem xét đuổi việc

2) Thưa ông phó chủ tịch Hải Phòng, 99% giáo viên chủ nhiệm đánh học sinh. Cô giáo này bị quay clip thôi.

3) Trong hệ thống giáo dục VN, Giáo viên chủ nhiệm BỊ ÉP vào tình huống sau:

– Quản lý trung bình 50 học sinh với tính cách và trình độ khác nhau (thường chia làm 3 nhóm: ngoan hiền, chăm học/ quậy phá/ giao động giữa hai nhóm trên)

– BGH quản lý các cô bằng sổ đầu bài: Giáo viên mỗi môn ghi chép tội của từng học sinh trong giờ của mình (nói chuyện, không tập trung, không thuộc bài…). Cuối tuần, BGH đếm lỗi của từng lớp để xếp hạng. Cuối năm đếm thành tích để thưởng / phạt giáo viên.

– Sở, phòng GD đếm thành tích mỗi trường để thưởng phạt BGH.

Nói cách khác, giáo viên được quản lý như công nhân dệt may, đếm số quần áo may được để tính lương, thưởng phạt. Học sinh được xem như… vải thô chưa thành quần áo theo mẫu thiết kế.

Cả nước, mỗi ngày, mỗi giờ, hàng triệu trẻ em đồng loạt học một nội dung giống nhau.

4) Đánh học sinh là con đường duy nhất để giáo viên… hoàn thành nhiệm vụ. Họ chỉ khác nhau ở chỗ… có bị quay clip hay không thôi.

Đó là sản phẩm của nền giáo dục quản lý bằng “KPI” từ đầu thế kỷ 20.

5) Gần 20 năm trước, tôi từng làm giáo viên chủ nhiệm ở một trường dân lập, nơi học sinh là những em “rách trời rơi xuống” (lời bố mẹ chúng).

Tất cả giáo viên chủ nhiệm trong trường đều đánh học sinh. Ngoài ra còn có thầy giám thị đánh giúp. Giáo viên nam còn trang bị thêm giày đinh để sút vào ống chân chúng nó.

Tôi quyết định không làm thế mà thực hành các “triết lý giáo dục nhân văn” mà tôi biết. Nào là kiên nhẫn chia sẻ, nào mua sách cho đọc, nào là gặp gỡ phụ huynh hàng tuần để “nhà trường và phụ huynh hợp tác”… nói chung làm tất cả những thứ mà bọn học sinh ấy nhìn vào đều cười khẩy: Ngu bỏ mẹ, thế mà cũng làm thầy.

Kết quả, lớp có 50 học sinh, cuối năm chỉ có 17 em lên lớp. Số còn lại không bị tôi sút giày đinh vào ống chân… nên không học hành gì.

Thầy hiệu phó đã nhận ra vấn đề của tôi chỉ sau 2 tháng, trong suốt năm học đó, thầy hỏi tôi một chục lần về lớp. Cuối năm thầy cho tôi nghỉ (đương nhiên rồi, tôi mà thầy ấy thì tôi cũng cho “cái thằng đó” nghỉ luôn).

6) Phần lớn số bị rớt lại đó, sau khi không được lên lớp, đã nghỉ học đi làm khi chưa đủ 18 tuổi.

Nên nhiều năm sau đó tôi vẫn còn bị ám ảnh: Mình đúng hay các thầy kia đúng?

Các thầy kia sút giầy đinh vào ống chân chúng, chúng bị tổn thương tinh thần, không thể thành “con người tự do”, OK, cứ cho là vậy đi, nhưng rồi chúng lên lớp, có bằng tú tài, cuộc sống và tinh thần về sau chắc chắn khá hơn cái bọn đi làm khi chưa đủ 18 tuổi.

7) Thành tích an ủi

Chỉ sau khi tôi làm chủ nhiệm lớp đó khoảng hai tháng, “tiếng lành đồn xa”, các cặp học sinh nam đồng tính trong khối rủ nhau rút hồ sơ xin vào lớp tôi. Ở đó chúng được tự do, không bị ghi sổ đầu bài, thỉnh thoảng lại có đứa ngoại tình tư tưởng, làm thơ tình tặng thầy chủ nhiệm.

Cái tút này không có ý khái quát hoá chuyện gì, chỉ kể chuyện riêng thế thôi.

Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt

Bình Luận từ Facebook