Quỳ gối hay đánh đập, không phải là cách giáo dục, mà chỉ là cưỡng chế, áp bức

Lê Nguyễn Duy Hậu

16-5-2019

Ủng hộ hay không sử dụng đòn, roi, hay các hình thức quỳ gối như hình phạt cho học sinh là một vấn đề đáng tranh cãi, ngay cả khi các hình thức này được coi là vi phạm quyền trẻ em theo Công Ước về Quyền Trẻ Em mà Việt Nam là thành viên. Việc tranh luận vì thế cần dựa trên cơ sở khoa học, đúng trọng tâm, và hạn chế chém gió.

Vì thế, khi một nhà báo lấy lập luận rằng biết quỳ gối trước cha mẹ, thầy cô là việc nên làm của một người có nhân cách, do đó cần phải phạt học sinh quỳ gối khi làm lỗi, mình thấy rất chi là nhảm nhí. Lập luận tiếp theo cho rằng quỳ gối trước ba mẹ, thầy cô để không quỳ gối trước cường quyền nghe chừng có vẻ nguy hiểm nhưng càng tào lao không kém.

Thứ nhất, cần phải hiểu rằng việc quỳ gối trước ai là do sự lựa chọn của một con người, và không phải chỉ quỳ gối thì mới thể hiện sự tôn trọng. Con người có nhiều cách khác nhau để bày tỏ sự khiêm nhường, hối lỗi. Không ai, kể cả thầy cô, có quyền yêu cầu bất kỳ ai phải làm theo cách của mình, hoặc bắt người khác quỳ gối trước mặt mình và bảo đó là thể hiện sự khiêm nhường.

Thứ hai, có sự khác nhau giữa tự nguyện làm một cái gì đó và bị ép buộc. Cùng một động tác cảm ơn, xin lỗi, không thể đánh đồng việc một người tự nguyện làm việc đó vì họ hiểu lý lẽ và thấy rằng như vậy hợp với giá trị của mình, và một người khác bị ép buộc bằng đe doạ, quyền lực để làm như vậy như một cách giáo dục. Nhưng, đó không phải là giáo dục.

Xin nhớ cho rằng khi bị ép buộc, con người ta không cảm thấy gì ngoài sự sợ hãi, và khi chỉ có sợ hãi thì họ không còn họ được gì nữa. Cái duy nhất họ học được là bài học kẻ mạnh thì thắng, kẻ yếu phải khuất phục. Mà đó thì đâu phải là mục tiêu của giáo dục. Mọi người cần thành thật với nhau để thấy rằng người ta học được từ lý lẽ chứ không học được từ đòn roi. Ngay cả một đứa trẻ bị bắt phạt quỳ hay đánh đòn, nó sẽ không bao giờ hiểu được lý lẽ nếu không ai sau đó chịu ngồi xuống và nói chuyện với nó. Quỳ gối hay đánh đập bản thân nó không phải là cách giáo dục, nó chỉ là cách để cưỡng chế, áp bức. Có thể sự cưỡng chế và áp bức là cần thiết để tạo môi trường cho việc đối thoại, nhưng xin chớ bao giờ lầm lẫn đó là giáo dục và rồi coi đó là cách người có nhân cách cần trải qua.

Cuối cùng, chuyện quỳ gối trước tổ tiên, dòng họ, thầy cô không liên quan gì đến chuyện quỳ gối trước cường quyền. Cường quyền họ vẫn quỳ gối trước rất nhiều thứ, kể cả Phật, kể cả bàn thờ. So sánh như vậy nó rất ba láp.

Mình dành thời gian để phản biện lại một status của một nhà báo rất có ảnh hưởng để mọi người nhận ra rằng trong những lúc xã hội sôi nổi thảo luận về một vấn đề đáng thảo luận như thế này, cần phải lựa chọn lắng nghe những tiếng nói có lập luận, có khoa học, có chứng cứ xác đáng chứ không sa đà vào những bài viết chém gió, thiếu căn cứ, lợi dụng những cảm xúc và giá trị thiêng liêng một cách không hề liên quan để đạt được mục tiêu của mình. Nó không đứng đắn một tí nào hết.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây