Cơ chế lãnh đạo chủ chốt và thế cờ tập trung quyền lực

Tâm Chánh

15-5-2019

Ông Trọng chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Ảnh: TTXVN

Phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp BCT lại nhắc đến công khai cơ chế hội nghị lãnh đạo chủ chốt, định kì họp mỗi tháng và ra văn bản chỉ đạo.

Như vậy cơ chế tứ trụ +1 này đã trở thành định chế thường xuyên như một nội các đảng chấp chính, chi đạo công việc cả của nhà nước, của đảng, mặt trận…

Thực tế tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức hoá vai trò của một cấp lãnh đạo tối cao. Về hình thức, tập thể lãnh đạo này điều phối công việc của các lãnh đạo chủ chốt, các uỷ viên BCT, uỷ viên BBT… đồng thời cho ý kiến giải quyết những công việc khó khăn vướng mắc trong thực tiễn.

Trong thực tế tập thể lãnh đạo này do tổng bí thư chủ trì kết luận. Tổng bí thư lại chủ trì công việc của Bộ chính trị, Ban bí thư, lại đứng đầu nhà nước, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, lại chỉ đạo công tác kiểm tra đảng, phụ trách công tác tổ chức, công tác lý luận, tuyên giáo… Vì vậy cấp lãnh đạo này dễ trở thành sự lãnh đạo của Tổng bí thư. Kinh nghiệm của phương thức tập thể lãnh đạo cũng từng xảy ra tình trạng thành viên có ảnh hưởng cao hơn chi phối thực quyền.

Có vẻ như định chế làm việc này làm giảm nhẹ vai trò của Bộ Chính trị khi hội nghị lãnh đạo chủ chốt giữ quyền phân công, cho ý kiến chỉ đạo công việc hàng tháng cho các ủy viên BCT, BBT.

Cũng bằng cách cho ý kiến và phân công đó, hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, hoạt động hành pháp dường như dễ trở thành một bộ phận công tác của đảng hơn, ý nghĩa phân công quyền lực để thực hiện kiểm soát quyền lực bị giảm thiểu.

Giả định hội nghị lãnh đạo chủ chốt cũng thực hiện nguyên tắc tuân thủ, không được phát biểu và biểu quyết trái các quyết định tập thể, các vị trí quyền lực sau tổng bí thư có rất ít lợi thế để tranh giành ảnh hưởng trong BCT và BCHTU.

Sự xuất hiện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay sau một thời gian được cho là phải điều trị sức khoẻ, không phải ở vị trí người cầm trịch cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đã khiến ông thu phục không ít nhân tâm.

Ông xuất hiện như một biểu thị mạnh mẽ xu hướng tập trung quyền lực vào đảng. Cách ông nói kinh nghiệm về thực hiện qui hoạch báo chí êm thắm rất mạnh mẽ, kiểu như “quyết tâm làm, rồi công bố cả lên”.

Như cách công bố cuộc họp tứ trụ như không chút ngần ý chí tập trung quyền lực vào đảng.

Một sự xuất hiện để khéo léo đưa ra hình ảnh một tập thể lãnh đạo đang thực quyền chấp chính.

Tập thể ấy, từng người xung quanh ông chăm chú hướng về ông nghe chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội đảng.

Một nội các quyền lực nhóm họp giản dị như thấy trong các cuộc họp chủ chốt của cơ quan.

Bình Luận từ Facebook