BTV Tiếng Dân
8-5-2019
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bộ Giao thông vận tải lại muốn gọi trạm thu phí là ‘trạm thu tiền’. Sau một thời gian trả lại tên “trạm thu phí” cho các “trạm thu giá”, Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư theo hướng đổi tên trạm thu phí thành “trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ”. Một thành viên tổ soạn thảo thông tư này thừa nhận, các cách gọi trước đây không đúng với “tinh thần” của các trạm BOT.
Dù quan chức ngành GTVT có nghĩ thêm cái tên mới nào cho các trạm BOT, thì bản chất của chúng vẫn không đổi. Chúng vẫn là công cụ để các thế lực tư bản đỏ liên quan đến ngành GTVT “móc túi” các tài xế, những người vốn đã bị thiệt hại nặng nề khi giá xăng liên tiếp tăng mạnh, .
TS Chu Mộng Long viết: Lại lách luật nữa hả anh Thể? Nhiều người cho rằng Bộ trưởng Thể bị lẩn thẩn, bộ não của ông ta có vấn đề, nên chửi ông ta “ngu”, “tâm thần” và đòi đưa ông Thể đi chữa bệnh. Nhưng ông Long nghĩ ông Thể chẳng ngu, cũng chẳng tâm thần. Ông Long viết:
“Dưới áp lực của dư luận về sự phá hoại tiếng Việt, Bộ Giao thông vận tải buộc phải sửa ‘Thu giá’ thành ‘Thu phí’, và tất yếu, các BOT phải chui vào rọ của Luật. Khi chui vào rọ của Luật thì các tập đoàn tư bản này khó có thể tăng giá, tăng thời gian thu phí một cách tùy tiện.
Sau một thời gian giãy giụa trong chiếc rọ điều chỉnh của Luật, nay anh Thể lại tìm cách giải thoát cho BOT bằng từ ‘Thu tiền’. Với từ này, hàm ý tao thu bao nhiêu là quyền của tao. Và như vậy BOT đang mộng tưởng đứng ngoài vòng pháp luật lần nữa! Trạm thu phí mà đứng ngoài vòng pháp luật thì là cách mãi lộ của băng cướp hay sao anh Thể?”
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận: “Gọi ‘trạm thu tiền’, thực chất là một xảo thuật của bộ và BOT để ‘đánh võng’ khái niệm mà mục tiêu có thể là áp dụng luật giá để móc túi người dân nhiều hơn. Không phải ‘thu giá’ hay ‘thu tiền’, BOT buộc phải trở lại ‘thu phí’ và chịu sự quản lý nhà nước thông qua luật phí và lệ phí…
Hoạt động theo luật phí và lệ phí mà hàng loạt BOT, nhất là ông trời con VEC đã xé luật để móc cạn túi nhân dân rồi. Đừng nói là thu giá hay thu tiền. Sự lươn lẹo mới này cho thấy dã tâm của lợi ích nhóm BOT là quyết tâm tồn tại, móc túi dân bằng mọi cách. Bất chấp các kháng lực thời gian qua từ phía người dân đã có cường độ cao hơn cả BOT lẫn bộ GTVT. Kháng lực ấy thậm chí nhắm vào thể chế“.
Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà ghi lại các mốc thời gian:
5.2018: Theo thông tư 35, “trạm thu phí” đã được chuyển thành “trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”.
6.2018: Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ GTVT cho đổi “trạm thu giá” thành “trạm thu phí” như trước.
7.5.2019: Bộ GTVT lại lấy ý kiến dự thảo, lần này đòi đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền”.
BOT QL6 Hoà Lạc – Hoà Bình liên tục phải xả trạm do bị lái xe phản đối, theo VOV. Từ khi chính thức thu phí từ ngày 3/5 tới nay, trạm BOT QL6 Hoà Lạc – Hoà Bình liên tục bị lái xe quanh trạm thu phí tập trung phản đối, khiến nhiều lần phải xả trạm. Lúc đầu chỉ khoảng hơn 10 người tụ tập phản đối, nhưng đến ngày 7/5 đã có khoảng 30-40 người, đem xe đậu vào làn thu phí, thậm chí tắt máy bỏ lại xe, dẫn tới tình trạng trạm thu phí ùn tắc.
Người dân cho biết, hiện tại, mức phí qua trạm vẫn quá cao (thấp nhất 35.000 đồng/xe dưới 12 chỗ ngồi). Lãnh đạo BOT Hòa Bình – Hòa Lạc từ chối yêu cầu giảm phí qua trạm của dân: “Chúng tôi đã đối thoại với người dân và nói rõ về chính sách miễn giảm phí là theo quy định, đã được thống nhất giữa Bộ GTVT, chính quyền địa phương”.
Mời đọc thêm: Bộ Giao thông Vận tải lại đề xuất thay ‘trạm thu phí’ bằng ‘trạm thu tiền’ (TN). – Hết “trạm thu giá” Bộ GTVT lại muốn dùng khái niệm “trạm thu tiền” BOT (NLĐ). – ‘Thu phí, thu giá, thu tiền’: cả 3 chỉ 1 mục tiêu (RFA). – Mới được thu phí, BOT quốc lộ 6 liền bị người dân phản ứng (PLTP). – BOT Hòa Lạc – Hòa Bình phải xả trạm khi vừa thu phí (VNN).- “Ông lớn” ngành BOT báo lỗ đậm (TBKTSG). – Clip: Ô tô nghênh ngang trốn vé BOT, nhân viên chạy rơi cả dép để truy đuổi (VTC).
Giao thông Vn ngổn ngang với biết bao vấn nạn thì không làm mà chỉ làm mấy trò vớ vẩn. Tai nạn chết người, tắc đường, đánh nhau… không thể giải thích bằng câu nói chung chung :văn hóa giao thông, mà phải cụ thể ra đến mức chi tiết thì mới tìm được hướng giải quyết thỏa đáng,cũng như mấy thầy lang băm dùng từ cơ địa khi mò mẫm phán bệnh. Phải hiểu thì mới làm được, hời hợt thì sản phẩm cũng chỉ là hàng mã ,không sử dụng được trong thế giới này….