Vấn nạn của quốc gia

Mai Quốc Ấn

6-5-2019

Cả một thị xã (Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) điêu đứng vì sông bị ô nhiễm, nước sông màu phù sa chuyển thành màu đen kịt, dân không có nước sạch để dùng, cá tôm chết hết. Một sự kiện như vậy đã bị lướt qua rất nhanh so với việc đón một cô gái thoát án tử tội ngộ sát từ Malaysia về Việt Nam.

Thực trạng ô nhiễm ở sông Cái Lớn ở Long Mỹ, Hậu Giang nếu diễn ra ở một nước thuộc EU có lẽ đã được công bố thành thảm họa quốc gia. Tại Việt Nam, số người đau đớn vì nhìn ra được nguyên nhân lõi của thực trạng ấy hoàn toàn không thuộc về số đông.

Người dân lẫn nhà nước vẫn chưa coi đây là vấn nạn của quốc gia. Đó là một thực trạng còn đáng sợ hơn!

Để làm cho một con sông lớn (sông Cái, phương ngữ Nam Bộ) đổi màu thì cần phải có một lượng chất thải rất rất lớn. Để làm cho cá tôm trong lòng sông hay cá tôm nuôi trong ao, hồ có thông với sông chết sạch thì lượng độc chất cũng rất rất lớn. Đó là cách giải thích nôm na nhất cho những người hoàn toàn không hiểu gì về môi trường.

Những sẽ nhanh thôi, nhận thức của chí ít là người dân tại Long Mỹ và các vùng phụ cận theo lưu vực sông sẽ hiểu ô nhiễm tác động đến họ như thế nào. Nó không khác về bản chất việc người dân ở Cà Ná (Ninh Thuận) và người dân ở Vĩnh Hảo (Bình Thuận) hiểu rõ ô nhiễm của nhiệt điện Vĩnh Tân cách họ cả chục km, đã làm họ điêu đứng ra sao.

Những ví dụ như vậy ở Việt Nam tôi có rất nhiều!

Dù có ngập tràn mỹ từ để báo cáo về xử lý ô nhiễm của những quan chức ngành môi trường các cấp nói riêng hay cả hệ thống chính trị nói chung; thì ô nhiễm và hậu quả của nó vẫn không dừng lại. Lý do cũng khá đơn giản bởi hiện tượng báo cáo hay và làm dở, phát biểu trên báo nhiều và làm ít cuối cùng nằm ở một thể chế không chỉ đã quá lạc hậu mà còn không đứng về phía nhân dân như cách tuyên truyền.

Gian thương và quan tham vẫn tiếp tục trục lợi từ các kẽ hở thế chế như vậy và môi trường, sinh kế hay thậm chí là sức khỏe, sinh mạng người dân vẫn sẽ bị tác động theo chiều hướng ngày càng xấu hơn.

“Mọi việc có Đảng và Nhà nước lo.” là câu giải thích tôi cho rằng ngu xuẩn nhất nếu đối chiếu với cả lịch sử Việt Nam từ khi hình thành nhà nước Văn Lang chứ đừng nói là lịch sử của nhà nước xã hội chủ nghĩa từ 2/9/1945. Chân lý “Dễ trăm lần không dân cũng chịu…” đã bị câu nói trâng tráo ấy phủ định hoàn toàn!

Đất nước tồn tại những trái khoáy đáng phẫn nộ như vậy tôi thấy đáng lo nhất chính là… nhà nước. Bởi khi nhà nước xã hội chủ nghĩa xác tín việc bảo vệ môi trường (điều 50 Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2014) nhưng thực tế ô nhiễm lại phủ định tính chính danh đó.

Và như nhiều lần cảnh báo, nay vẫn xin nhắc lại: Ô nhiễm Việt Nam đã quá ngưỡng chịu đựng của quốc gia!

Khi đến một ngưỡng nào đó mà người dân không chịu đựng nổi ô nhiễm thì sẽ lại có bạo loạn. Đây cũng là một cảnh báo hoàn toàn không mới của tôi nếu nhìn từ thực tế phản đối ô nhiễm đã diễn ra không chỉ ở vùng nhiệt điện Vĩnh Tân. Xin lần nữa nhắc lại thêm một cảnh báo khác của tôi: Từ sau 2030, số người chết vì ô nhiễm sẽ tăng vọt!

Người viết không có quyền hạn gì ngoài viết. Cảnh báo đã viết, giải pháp cũng đã viết. Và chí ít cá nhân tôi cũng từ chối những lời đề nghị “phải ngoan rồi các anh giúp” để giữ những nguyên tắc cơ bản nhất cho thứ mình viết ra.

Xử lý ô nhiễm là trách nhiệm chứ không phải là ban phát, thưa “các anh”! Không xử lý ô nhiễm thì đến một lúc nào đó, chính “các anh” mới là người cần được giúp, đỡ để tránh cơn thịnh nộ, cuộc trả thù nào đó. Luật Nhân – Quả, luật Phản phục đã chứng minh qua nhiều quốc gia, nhiều triều đại chưa bao giờ sai cả!

Chỉ là hôm nay chưa “đủ độ” mà thôi…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đến năm 2030 thì những người lãnh đạo hiện nay đã hạ cánh an toàn và ra nước ngoài sống như tên CỰ ở Hà tĩnh mới đây nên họ chả có gì phải lo sợ mà họ lại tranh thủ vơ vét để có nhiều tiền hơn cho cuộc ra đi mà thôi!

Comments are closed.