Kinh tế quốc phòng và các tư lệnh

Nguyễn Tuấn Anh

6-5-2019

Tư lệnh một quân khu (quân đồn trú) hoặc một quân chủng (quân chính quy), phạm vi quản lý về mặt quân sự còn lớn hơn cả một chủ tịch hoặc bí thư tỉnh uỷ bởi họ có đất đai rải rác ở nhiều tỉnh thành theo quan điểm đóng quân tác chiến của bộ quốc phòng & sự ưu tiên cho quốc phòng của trung ương đảng.

Quản lý không tốt, chuyện sai phạm về đất đai là đương nhiên. Cụ thể ở đây là trường hợp của Đô đốc – tư lệnh Hải quân và Tư lệnh quân khu 9 (miền tây Nam bộ). Họ vừa mới bị kỷ luật. Trước đó là nguyên tư lệnh Phòng không không quân.

Nhiều năm hoà bình, các đơn vị quân đội đã tận dụng quỹ đất rộng lớn của mình, dưới danh nghĩa phát triển vì mục tiêu an ninh quốc phòng. Họ cấp, xây dựng nhà ở cho các sĩ quan và làm kinh tế. Điều đáng quan tâm là họ thường tự do quy hoạch.

Các lãnh đạo dân sự địa phương ít khi có ý kiến hoặc có cũng chỉ là hình thức bởi với quan điểm của trung ương, nhiệm vụ quốc phòng và tạo điều kiện cho quân đội là số 1. Ở phía Nam, Sân bay dân sự Tân Sơn Nhất và sân bay quân sự Biên Hoà bị thu hẹp là những ví dụ điển hình cho vấn đề này.

Nhiều năm, cùng với xu hướng phát triển của đất nước, các cụm kinh tế quân đội vươn lên mạnh mẽ như là một điều hiển nhiên. Đứng trước cổng quân khu 7 (Sài Gòn) hoặc quân khu 9 (Cần Thơ), bạn sẽ thấy Lexus, Camry, Ford,… đời mới ra vào nhộn nhịp hơn là xe quân dụng. Điều này cho thấy đời sống quân ngũ sung túc vô cùng.

Những tập đoàn bất động sản, Logistic, xây dựng, viễn thông như Hà Đô, Tây Hồ, 319, Viettel,… và hàng trăm công ty con ở đủ mọi ngành nghề từ giáo dục đào tạo tới dịch vụ, sản xuất,… mọc lên đem lại một nguồn thu vô cùng khủng khiếp cho cả ngân sách, cho cán bộ, sĩ quan và trong đó, tất nhiên, “công lao” và “phần thưởng” của các tư lệnh là không hề nhỏ.

Thượng tá Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc), giám đốc công ty Thái Sơn – BQP, hầu toà với nhiều tội danh liên quan tới đất đai, cầu đường,… là một minh chứng tiêu biểu cho sự lũng đoạn của quân nhân.

Quân đội không tiếp xúc với dân, nhiệm vụ của họ khác với lực lượng công an. Chính vậy, sơ hở của họ rất ít người nhận ra. Và đương nhiên, khép kín trong cổng doanh trại có lính canh 24/24 thì sai phạm của họ cũng rất khó để báo chí có thể tiếp cận.

Mải miết kinh doanh ảnh hưởng khá nhiều tới vấn đề tập trung bảo vệ tổ quốc, biển đảo, tập trung xây dựng quân đội chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại. Ảnh hưởng cả tới sự huấn luyện đối với binh lính, rèn luyện phẩm chất cho sĩ quan và nhiệm vụ tuyên huấn toàn quân.

Tiêu cực xảy ra đối với cả quân chủ lực (chính quy) lẫn quân địa phương (đồn trú) cho thấy rằng sự tha hoá của quân nhân đã là rất lớn, ở cả cấp tư lệnh. Đây là điều khó có thể chấp nhận đối với người dân.

Không có một thể chế, quốc gia nào, có thể tồn tại và giữ vững được lãnh thổ khi các tư lệnh yếu kém hoặc đặt lợi ích kinh tế cá nhân lên trên nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

“Kinh tế quốc phòng” là một định chế hoàn toàn không đáng có. Nó không có trong định nghĩa kinh tế của các quốc gia phát triển. Càng không được phép có trong hoạt động quân sự của một quân đội chuyên nghiệp, chính quy và hiện đại.

Thậm chí nó còn đối nghịch với hội nhập, với kinh tế thị trường, với chính quyền đô thị, với cổ phần hoá DNNN… là những thứ mà chính phủ đang cố gắng chuyển mình, dù có thể vô cùng chậm chạp.

Khi lính tráng thích phòng trà, vũ trường và xe hơi đời mới còn hơn cả vũ khí, khí tài…, tinh thần rệu rã, mất tập trung, lúc ấy là lúc chủ quyền quốc gia chính thức bị đe doạ.

Bài học về VNCH là một minh chứng khi các tư lệnh vùng, tư lệnh nha cảnh sát rành giá gạo tại Sài Gòn và giá chứng khoán tại Hongkong còn hơn cả nhiệm vụ tác chiến. Khi súng đạn chỉ là thứ bảo vệ lợi ích cá nhân của họ thì quốc gia sụp đổ.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả viết: “Bài học về VNCH là một minh chứng khi các tư lệnh vùng, tư lệnh nha cảnh sát rành giá gạo tại Sài Gòn và giá chứng khoán tại Hongkong còn hơn cả nhiệm vụ tác chiến”. Nên tra cứu, tìm hiểu lại đi ông ơi. Nếu có thì đây chỉ là cá nhân. Lý do mất nước thì trên mạng thông tin rất nhiều…

  2. Quân đội làm kinh tế chỉ exist tại các quốc gia độc tài quân phiệt, ngộ một cái là “trí tụê đỉnh cao” nó cũng bắt chước. Chẳng bắt chước gì đâu, đùa thôi…chính xác là đảng chó không còn tiền để nuôi lính và nuôi công an, nhưng vẫn nơm nớp sợ mất quyền lực, sợ khởi nghĩa cách mạng ngược, và sợ hàng xóm xé rào. Chỉ có thế. Ban phần để giữ ngôi thôi chứ báu gì?

    Nói chung toàn bài rất hay chỉ trừ câu cuối có mùi ve vuốt tự ái đảng chó. Không cần làm như thế. Chiến tranh VN và sự bức tử VNCH đã được bao sách báo, tác giả VN và ngoại quốc phân tích đầy trên internet, không biết tác giả có đọc đủ hết chưa mà chỉ đưa ra “bài học VNCH” có một hàng chữ??

Comments are closed.