BTV Tiếng Dân
3-5-2019
Ngay trước ngày quốc tang cựu Chủ tịch nước, Bộ Công thương và Bộ Tài chánh quyết định tăng giá xăng dầu. Báo Một Thế Giới đưa tin: Giá xăng tiếp tục tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít từ 16 giờ chiều qua. Từ tháng 3 tới nay, đã có 5 đợt tăng giá xăng. Đầu tháng 3/2019, xăng RON 95 có giá 17.600 đồng/ lít, sau 5 đợt tăng giá, hiện loại xăng này có giá 22.191 đồng. Giá xăng tăng 26% chỉ trong vòng hai tháng.
VTC có clip: Giá xăng liên tiếp tăng mạnh.
Nhà báo Hoàng Hải Vân viết: Lần thứ 3, ngành xăng dầu trục lợi trong ngày quốc tang! Ông Vân tổng kết, đây là lần thứ ba, hai Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã quyết định tăng giá xăng dầu đúng vào dịp quốc tang. Hai lần trước, dịp quốc tang cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cựu TBT Đỗ Mười, các nhà quản lý xăng dầu đã cho tăng giá ngay trong ngày quốc tang. Lần này thì tăng giá buổi chiều trước ngày quốc tang.
Ông Vân viết: “Trong ngày quốc tang, thông qua việc ngừng các hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng và treo cờ rủ trong giải băng tang, Nhà nước nhắc nhở toàn dân kiềm nén mọi bức xúc để hướng niềm tiếc thương đến người đã khuất. Nhưng có hai cơ quan không mảy may nhận ra ý nghĩa của sự kiện này, đó là Bộ Công thương và Bộ Tài chính“.
Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà nhận định: “Mặc dù tăng gần như mất kiểm soát, nhưng Bộ này vẫn cho rằng hiện giá bán lẻ các mặt hàng xăng trong nước vẫn đang được duy trì ở mức thấp hơn khá nhiều so với giá cơ sở… Xăng tăng mấy ông cố nội giá cả khắp nơi cũng tăng theo!”
Báo Tuổi Trẻ có bài: Giá tăng mạnh, doanh nghiệp xăng dầu vẫn kêu lỗ. Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, trong khi mức trích quỹ bình ổn chỉ 300 đồng/lít, thì mức chi sử dụng quỹ liên tục tăng mạnh, có thời điểm lên tới 2.800 đồng/lít với E5RON92 và 2.500 đồng/lít với RON95. Cho nên, dù giá bán lẻ đã tăng liên tiếp trong hai kỳ điều hành của tháng 4, vẫn không đủ bù đắp chi phí đầu vào.
Một độc giả bình luận: “Thuế phí chiếm khoảng 56% cấu thành giá xăng dầu. Có nghĩa là việc tăng giá xăng dầu trong nước, ngân sách cũng thu được thêm một khoản tiền không nhỏ. Vậy tại sao nhà nước lại không có cơ chế điều chỉnh… sao cho cân đối giữa nguồn thu ngân sách và giảm bớt gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp”.
Báo Người Lao Động viết: Saigon Petro kêu cứu cho xăng E5. Trước tình trạng giá xăng ngày càng cao, người tiêu dùng tiếp tục quay lưng với xăng sinh học E5. Saigon Petro kêu gọi Liên bộ Tài chính – Công thương giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, “không tính thuế BVMT xăng E5 theo tỉ lệ Ethanol như hiện nay”, để giảm gánh nặng cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp xăng dầu.
Trước đợt tăng giá xăng bất thường suốt 2 tháng qua, một người còn nghi ngờ, nhưng bây giờ thì ngày càng nhiều người thừa nhận rằng, thể chế CSVN đang đi đúng trên con đường đã biến liên bang Soviet hùng mạnh một thời trở nên khủng hoảng và tan rã. Đây chính là con đường đã biến Venezuela từ cường quốc dầu mỏ ở Nam Mỹ, trở thành một trong những quốc gia nghèo đói và khủng hoảng nhất khu vực này.
Mời đọc thêm: Sau nghỉ lễ, giá xăng lại tăng gần 1.000 đồng/lít (PLTP). – Giá xăng tiếp tục tăng khủng gần 1.000 đồng/lít, E5 vượt mốc 20.000 đồng/lít (DT). – Giữa “bão” tiền điện, giá xăng tiếp tục tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít (KT). – Ảnh chế xăng tăng giá hơn 900 đồng/lít (VNE). – Giá xăng tăng “sốc”: Thêm thách thức kiềm chế lạm phát (HQ). – Hà Nội: Tăng giá gần 2.000 dịch vụ y tế từ ngày 1/5 (ĐS&PL/VNM).
– Giá xăng liên tiếp tăng mạnh, 45 ngày lên thêm hơn 3.500 đồng (Zing). – Giá xăng lại tăng mạnh: Bộ nói thấp hơn giá cơ sở (ĐV). – Liên tục xả mạnh, Quỹ bình ổn của Petrolimex đang âm 355 tỉ đồng (TTXVN). – Có nên duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu? (HNM). Mời đọc lại: Giá xăng, dầu tăng mạnh từ 17 giờ ngày 2/4 (TBTC). – Giá xăng tiếp tục tăng từ 15h ngày 17/4 (CT).
Chuyện tăng giá điện
Nhà báo Nguyễn Thông cho rằng, chuyện tăng giá điện, thật không công bằng khi dân chúng chỉ tập trung chỉ trích Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bởi nếu chỉ một mình EVN, họ không có quyền quyết định chuyện tăng giá. Ông Thông viết:
“Nó chỉ là thằng thiên lôi thôi, nó không có quyền tự tiện tăng giá, nhất là với món hàng ‘nhạy cảm’ như điện. Tăng giá điện thống nhất trên toàn quốc phải được sự đồng ý của các bộ như Tài chính, Công thương, và cao hơn nữa là của Chính phủ, Thủ tướng, thậm chí phải trình quốc hội, được quốc hội cho ý kiến. Thế mà chỉ chửi một mình thằng EVN, nó không oan, nhưng cũng oan cho nó“.
VnExpress đưa tin: Bộ Công Thương sẽ kiểm tra tác động tăng giá điện. Chiều 2/5, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Bộ sẽ kiểm tra, đánh giá tác động của tăng giá điện với hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện quyết định tăng giá mặt hàng này tại các công ty điện lực địa phương”, đồng thời xác nhận đã chỉ đạo Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực năng lượng họp với EVN, và các cơ quan liên quan về vấn đề này.
Một độc giả bình luận: “Lẽ ra nên để bộ khác kiểm tra tác động . Bộ công thương là bộ chủ quản của EVN, để Bộ công thương kiểm tra thì giống như bộ vừa làm bài thi, vừa tự chấm điểm bài thi”. Họ chỉ đang tìm cách bày vẽ các chiêu trò, nhằm trấn an dân chúng.
Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: Giá điện chưa minh bạch, Bộ Công thương chịu trách nhiệm ra sao? PGS.TS Ngô Trí Long phân tích: “Chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 -50kwh) và bậc 2 (từ 51-100kwh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kwh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân”. Theo ông Ngô Trí Long, Bộ Công thương có trách nhiệm xây dựng lại biểu giá điện phù hợp, điều mà các quan chức CSVN quen “móc túi” dân sẽ không làm.
Báo Người Đưa Tin có đồ họa: Tranh cãi gay gắt xung quanh việc đóng dấu mật cho giá điện, giá xăng.
Mời đọc thêm: Tập đoàn điện lực quá “ôm đồm”! (NLĐ). – ‘Choáng’ khi tiền điện nhảy vọt — Chủ trọ trục lợi, tăng giá điện vô tội vạ (TP). – Tiền điện tăng vọt do cách tính giá 6 bậc lỗi thời? (Zing). – Nóng: Giá điện tăng và 6 bậc thang gây tranh cãi (DV). – EVN: hơn 68% hộ tiêu thụ điện xài dưới 200 kWh (TT). – Tăng giá điện của Chính phủ: Hiểu sao cho đúng? (LĐ).