Nguyên Tác: La Quá Hạ
Dịch, Chú, và Bình: Nguyên Đại
Tiếp theo phần 1
Hồi Thứ 44
Trực chỉ Kiên Giang, Lu vương té ghế
Đông Lào lật chủ, Phát tể thế thân
Lu vương từ từ mở mắt, “chúc mừng bệ hạ” quan ngự y và các y công đồng loạt xướng lên, nói cười râm ran. “Đây là đâu và các ngươi là ai?” Lu vương thều thào hỏi, mọi người tranh nhau tâu, nhưng cuối cùng thì nhường lời cho quan ngự y rằng: bệ hạ đang ở Kiên Giang phủ thì bất ngờ ngã quỵ, chúng thần vội vả đưa bệ hạ về phủ y-quán, sau đó đưa bệ hạ về đây. Đoạn, quan ngự y bảo mọi người ra ngoài để Lu vương nghỉ ngơi.
Nằm một mình, Lu vương cố nhớ lại mọi việc: tại sao ta lại ngã quỵ vào đúng ngày này? Trước đó vài hôm Mẫu hậu đã can rằng, hãy đợi thêm vài ngày để tổ chức mừng thọ cho ta, nhưng được tin của Thám quan, ta đã quyết trực chỉ Kiên Giang phủ, để cha con tên tặc thần Tấn Dung không kịp trở tay. Nào ngờ… Không lẽ thám quân, thám quan của ta có vấn đề? Ngự y đoàn đã cho ta uống loại thuốc gì? Ta nhớ là cũng không có gì đặc biệt, dường như là có thêm một qườn thuốc cảm vặt, không lẽ chuyện là ở đây? Ngự y đoàn của ta có vấn đề? Không đâu, nếu mà có, mạng của ta đâu còn tới bây giờ. Nhưng, cũng có khi tụi nó bất cẩn; hay là… Lu vương cố mím môi. Không lẽ nào, tên tặc thần Tấn Dung không dại gì hại ta ngay ở tại nhà hắn ở Kiên Giang phủ, cái đầu của thằng con nó cứng hơn lưỡi đao trảm quan của ta sao? Hoặc giả, nó có liều mạng, hay hư hư thật thật, tương kế tựu kế chăng?
Nghĩ liên thuyên, đoạn Lu vương bất giác rùng mình… Không lẽ lại là lão Bằng (Hoàng Đế Cán Bằng của đại quốc Lũ-Tau). Nếu thật vậy, mạng của ta nguy rồi. Không lẽ việc ngọn đèn thứ ba, phía nam bị tắt trong lăng Thái Tổ đêm nào lại ứng rằng: mạng của ta phải kết thúc ở vùng hải địa ba đào Kiên Giang, kiêng gió này sao?
Lu vương mở mắt nhìn không chớp lên trần y quán. “Khuôn xanh nào biết vuông tròn mà hay”, quả thật đời người qua nhanh; thoáng chốc, hình hài, màu sắc đã đổi thay, nào ai biết, nào ai hay. Lúc ta còn đứng vuông vức, hiên ngang ở Kiên Giang phủ, một màu chói đỏ. Chớp mắt, giờ đã ở đây xung quanh là những chai lọ ngổn ngang, tròn trịa, và chỉ còn những màu xanh, trắng. Màu đỏ nơi đây là màu của tử thần, của sợ sệt, lo âu…Chợt có người vào báo, có quân sư Trần Vượn đến viếng. Lu vương cho mời vào.
Lu vương cho đuổi hết mọi người ra, chỉ để lại hai cận vệ tin cẩn nhất, y công cũng được cho lui ra ngoài mấy trượng. Lu vương nghe quân sư báo lại nội vụ, nghĩ đoạn, rồi hỏi: theo ý quân sư, ta nên như thế nào? Trần Vượn hạ giọng: Tạm thời bệ hạ cứ ở đây nghỉ ngơi một thời gian, thần sẽ theo ý chỉ của bệ hạ làm một số việc: lệnh cho tất cả cận thần phải hoàn toàn tuyệt đối giữ bí mật về sức khỏe của bệ hạ. Chừng nào mà thần sắc của bệ hạ còn là một bí mật, thì chừng đó những kẻ đối nghịch với bệ hạ còn tranh cãi, phân vân về những bước kế tiếp của bọn chúng, ta như người ở trong tối, ẩn mình quan sát tình hình cho kỹ, không nên vọng động.
Lu vương gật gù, đoạn thở dài, rồi rằng: Ta còn nhiều việc muốn làm, ta không cam tâm, chừng nào mà tên tặc thần Tấn Dung và bè lũ của nó còn nhởn nhơ cười cười nói nói… Trần Vượn tiếp lời: Bệ hạ là bậc minh quân, tặc thần Tấn Dung không thể sánh được với bệ hạ, trời sẽ cho bệ hạ sức khỏe để diệt nó. Lu vương cười, có chút mếu máo, vì phần miệng và nửa người bên trái không được toại ý. Trần Vượn đỡ Lu vương dậy, và định lấy chén sâm đưa cho Lu vương, nhưng Lu vương lắc đầu, ý là không cần.
Lu vương có ý kêu Trần Vượn tới gần hơn để nghe cho rõ, rồi tiếp: Ta muốn ngươi giúp ta một việc: Triệu tập các chỉ huy ngự lâm quân mở cuộc điều tra toàn diện đối với thám quân, vệ binh, ngự y đoàn và dĩ nhiên là tất cả những người trong Kiên Giang phủ, trực tiếp và gián tiếp có liên hệ tới các cuộc tiếp xúc với ta trong suốt thời gian ta ở Kiên Giang phủ và ngay cả nhiều ngày trước đó, ta muốn ngươi, đích thân ngươi, thừa ý chỉ của ta, rà xét lại toàn bộ mọi việc.
Trần Vượn gật đầu: Thần tuân lệnh. Lu vương nói nhỏ, ngay cả tên Phạm Chính cũng không được bỏ qua, hừm… nói gì là “ngọn đèn thứ ba…”. Trần Vượn dường như không hiểu câu cuối cùng, liên quan gì đến đèn đuốc??? Lu vương xua tay, ồ… không cần đâu, không quan trọng. Trần Vượn xin phép lui ra.
Đi được ba bước, như chợt nhớ ra điều gì, Lu vương vội ra dấu cho vệ sĩ gọi Trần Vượn quay lại. Đoạn Lu vương nói tiếp: mọi việc khác ngươi cứ việc thay ta, nhưng tuyệt đối không nên gặp lão Bằng, hắn có thể giết ta không được, tức mình hại ngươi luôn, thì nhà Lu của ta nguy mất. Trần Vượn cũng vừa chợt nhớ ra, còn một việc quan trọng chưa thỉnh ý Lu vương, ai sẽ thay Lu vương sang gặp Bằng lão hoàng đế. Lu vương nói nhỏ: ngươi không được đi, như ta đã nói, nên sắp xếp để cho Niêng Phát tể tướng đi thay ta.
Trần Vượn đã biết ý Lu vương, nhưng giả bộ nhìn Lu vương, để Lu vương nói ra cho chắc ăn. Lu vương cười (cũng còn chút mếu máo): bảo nó đi, nếu lão Bằng có nổi điên mà giết nó, thì coi như lão giúp ta, nhưng ta nghĩ lão không giết thằng “trẻ con cao tuổi” này đâu.
Lu vương chợt nhìn xa xăm… nhớ lại lúc chính lão Bằng đã có ý muốn Niêng Phát thay chỗ của Tấn Dung. Lu vương nói tiếp: Ta muốn mỗi ngày, người vào đây thăm ta một lần. Trần Vượn hiểu ý, dạ thật to, rồi xin phép cáo từ.
Lu vương cố gắng lắm, mỗi ngày cố gắng đi lại, ban đầu trong phòng, rồi dần dần ra hành lang, đi đi lại lại, ngắm các cây bon-sai trong vườn y quán. Lu vương bảo với quan ngự y rằng: Hãy nói với các quan trong triều, những người muốn gặp ta, là ta chưa được khỏe. Ta không muốn tiếp ai cả, người nào ta muốn gặp, ta sẽ báo cho ngươi biết. Ngự y vâng dạ.
Lu vương có nhiều thời gian hơn, không còn gặp quá nhiều người, nghe, đọc nhiều tấu chương, chợt cảm nhận hạnh phúc của một lão gia vui thú điền viên, không màng đến thế sự… Nhưng chỉ là vài phút thoáng qua, còn thì không thể quên được khi nhớ lại cái cảm giác té quỵ trong Kiên Giang phủ, lẽ nào “trời đã sinh Lu, sao còn sinh Tấn”. Không thể nào: Gia Cát là thần nhân, còn thằng Tấn Dung đâu có xứng. Ta còn sống, là trời còn thương, ta phải bắt nó tống vào thiên lao, thì ta mới cam lòng nhắm mắt đời này.
Trần Vượn làm y như vậy, mỗi ngày vào thăm Lu vương một lần, báo cáo tình hình. Có một ngày, Trần Vượn không vào, hôm sau mới vào, Lu vương gặp Vượn nhướn mày, có ý hỏi. Trần Vượn vội vàng tâu, xin bệ hạ tha tội, nguyên lão tam triều, tướng Bùi Lang vừa qua đời hôm qua, nên thời biểu của thần có chút xáo trộn. Lu vương cười gằn từng tiếng: lão già độc nhỡn đó bây giờ mới chịu chết à, không vì hắn kỳ-đà cản mũi che chở cho gian tặc Tấn Dung thì ta đã giải quyết xong thằng Tấn lâu rồi, không phải đến bây giờ, chưa bắt được được nó, mà phải té quỵ trong phủ của nó mới tức chứ!
Trần Vượn thấy Lu vương giận quá, không dám nói gì. Chờ cho Lu vương nguôi giận bèn tiếp, nhưng mà tang lễ của nguyên lão tam triều cần hoàng thượng đứng làm chủ lễ, đó cũng chính là điều quan trọng mà thần muốn thỉnh ý bệ hạ hôm nay.
Lu vương ngồi trầm ngâm một chặp khá lâu, nghĩ bụng: ta còn có thể đi lại được, mà không đứng ra làm chủ việc này thì không ổn. Tục lệ Đông Lào từ bao năm nay không thể bị phá trong tay ta. Nhưng đứng ra làm chủ lễ trong tình trạng chân miệng bất toại như thế này không khéo lại làm cho lũ phản tặc hả hê, ta thật không cam lòng. Ta cũng không thể lưu lại ở đây quá lâu, các vụ điều tra không hiểu vì sao tiến hành quá chậm chạp, không thấy có kết quả gì. Hay là bệnh già? Ồ, không đâu, vua nước Ma-Lày hơn ta những 19 tuổi, ta không sao đâu, Lu vương tự nói với mình. Người xưa cũng nói, nước không thể một ngày không vua, ta cũng không thể ẩn ở đây quá lâu, quan quân nghi ngờ, sinh biến loạn.
Nghĩ đoạn, Lu vương cười cười nói với Trần Vượn rằng: quân sư yên tâm, ta sẽ đích thân làm chủ vụ này, ta nghỉ ngơi cũng đủ rồi, giờ là lúc phải ra mặt để ổn định tình hình và tiếp tục các trận hỏa công còn dang dở, ta phải thắp đèn, và quân sư phải giúp ta chuẩn bị bài vị cho cái tên phản tặc. Đông Lào đang mùa hè nên lửa phải tiếp tục cháy.
Trần Vượn chợt rút khăn tay thấm mồ hôi vì trời nóng quá… và thấm luôn cả mồ hôi lạnh, vì bất chợt y cảm thấy rùng mình.