Trong “vòng vây” giá điện

Mai Quốc Ấn

26-4-2019

Cần minh định rằng giá điện đã tăng và sẽ còn tăng. Lý do đơn giản là sản xuất điện không đáp ứng nổi nhu cầu điện sử dụng ngày càng tăng. Nhưng tôi vẫn viết về việc người dân thực sự đang trong “vòng vây” giá điện bởi nhân dân đông đảo nhất lại nằm trong nhóm yếu thế nhất khi điện tăng giá.

Tôi cho rằng Quốc hội, Chính phủ, hay các lãnh đạo cao nhất của đảng trong Bộ Chính trị phải nghiêm túc xem lại điều này. Không phải vì bảo vệ các vị hay chế độ mà nó là vấn đề của quốc gia! Một quốc gia suy yếu thì chỉ có “bạn vàng” nhếch mép “truyền tấn công!” mà thôi.

Xin phân tích thứ lũy kế giá điện bất nhân của EVN như sau:

1- Sau nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán thì việc đưa các khoản nợ và lỗ do đầu tư ngoài ngành, chi sai mục đích, đội giá khống công trình (riêng điều này tôi vô cùng tự tin để nhắc lại EVN xứng đáng siêu đại án) thì việc tính một phần các khoản đó vào giá điện đã là không sòng phẳng với nhân dân. Giả sử giá điện dân dụng thực nếu không bị tính sai từ đầu thì nó sẽ thấp hơn giá điện từng bậc trong 6 bậc giá điện đang áp dụng. Khi một hộ dân 1 người, không nấu nướng, không máy lạnh và có ý thức tiết kiệm điện như tôi còn phải bức xúc vì tăng giá điện thì xin nói thẳng là toàn dân rên xiết khi tăng giá.

Khoản chênh về giá để bù vào các sai phạm của EVN- thứ sai phạm nghiêm trọng không thấy cán bộ nào trong ban lãnh đạo tập đoàn này ra tòa- là thứ “lũy kế” khốn nạn nhất trong giá điện bị tăng không chỉ một lần cho tới nay.

Cơ chế phòng chống tham nhũng hình như không có tác dụng với ngành điện? Thanh tra, kiểm toán phát hiện sai phạm rồi cũng chỉ nhắc nhở, kiểm điểm nội bộ?

2- Định mức 50kW đầu tiên của giá điện rất phi lý. Không cá nhân nào, kể cả tôi với sự tiết kiệm điện cao độ khi mọi vật dụng sử dụng điện đều là hàng tiết kiệm điện, có thể “sống sót” với mức 50kW ấy cả. Tính nhu cầu tối thiểu nhất là thời gian sử dụng các thiết bị điện và công suất của các thiết bị ấy thì mức 50kW chính là mức đánh lừa cơ bản toàn dân.

Phải nhắc lại chữ “vòng vây” vì nó làm những công dân tuân thủ luật nhất sẽ bị chèn ép nhất về giá điện. Giả sử bạn cho thuê nhà và có đăng ký kinh doanh thì mức giá điện kinh doanh người thuê nhà phải trả là cao hơn mức giá điện dân dụng. Những người né thuế thì đã có các mức giá “câu lưu” túi tiền hàng tháng, thậm chí ra tòa nếu ngành điện cần.

Nhưng các đối tượng phải thuê nhà là ai? Là công nhân, là học sinh sinh viên và người lao động nghèo. Chưa kể, người nông dân muốn bơm nước cho ao cá, tưới cây trồng xưa nay đều cắm điện trực tiếp từ nhà. Nói một cách đơn giản, nhân dân gánh hết!

3- Giá điện tăng, nghĩa là lĩnh vực công nghiệp hay dân dụng đều chịu tác động. Nhưng tôi khẳng định lần nữa là lĩnh vực dân dụng, nghĩa là nhân dân, sẽ chịu tác động lớn hơn.

Bù chéo giá điện là một tồn vô cùng vô lý trong Luật điện lực 2004 mà FB Di Hoàng phát hiện chính là bản chất vấn đề.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: “Hiện nay các ngành công nghiệp nặng như xi măng, sắt thép đang được “ưu ái” khi được bù giá điện. Đây là những ngành “ngốn” rất nhiều điện năng (ước tính ngành công nghiệp nặng tiêu tốn 55% tổng lượng điện), nhưng do được hưởng cơ chế bù chéo lại được trả tiền điện với giá thấp nhất, tính ra là 6,8 cent/kWh.

Trong khi đó, người dân phải trả tiền điện sinh hoạt trung bình là 8,7 cent/kWh và thiệt thòi nhất là các doanh nghiệp ngành dịch vụ và các ngành khác khi phải trả 10 cent/kWh.” (Trích Motthegioi)

Công nghiệp nặng của Bộ Công thương, của các doanh nghiệp FDI, của các doanh nghiệp sản xuất lớn và chính nguồn phát điện của các nhiệt điện than của EVN gây ô nhiễm môi trường, đời sống người dân. Đã vậy còn bắt dân bù chéo giá điện cho doanh nghiệp thì thực vô cùng quá đáng!

4- Đã có lộ trình tăng thu VAT. Giá điện vừa áp dụng đã tăng thì cộng thêm VAT mức hiện tại đã là một gánh nặng thì tăng thêm VAT nghĩa là tăng gánh nặng hơn cho từng người dân lẫn nền kinh tế.

Thứ “lũy tiến” này tưởng không liên quan nhưng nó tác động trực diện đến nhân dân. Tưởng không liên quan vì đơn giản nhân dân chưa thực sự quan tâm các chính sách sẽ tác động tới đời sống họ ra sao vì thói quen im miệng cầu an, ngại “bàn chính trị”.

5- Lũy tiến giá điện đáng lo nhưng có hai thứ tôi còn lo hơn: Tăng lạm phát và tăng sự khốn cùng và uất ức của nhân dân. Hai điều này đáng lẽ nhà nước phải lo, thậm chí là đảng cầm quyền hay chế độ cai trị hiện hữu phải lo.

Lạm phát sẽ dễ thấy bất chấp các trấn an của những chuyên gia quốc doanh hay các đại nhà báo, các KOLs “có quyền lợi, có nhiệm vụ”. Đối tượng chịu lạm phát đầu tiên như đã nói, vẫn là nhân dân.

Thứ “lũy kế” đó sẽ dần bộc lộ sớm hơn những status bức xúc trên mạng xã hội hay câu chửi thề giữa quán nhậu. Cái gì thuộc về quy luật thì không thể tránh khỏi, chỉ là nhanh hay chậm.

Nhân dân bị vây bởi giá điện. Chế độ cầm quyền cũng vậy thôi…

P/s: Bài sau tôi sẽ nói về giải pháp. Không phải thứ giải pháp bằng cách đe dọa nhân dân “mất điện là mất hết”. Xin lỗi, với bất kỳ chế độ nào chứ đừng nói là EVN, mất nhân dân mới là mất hết!

Chú thích: ảnh internet
Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây