Đông Lào Diễn Nghĩa

Nguyên Tác: La Quá Hạ

Dịch, Chú, và Bình: Nguyên Đại

Hồi Thứ Nhất

Giữa triều cô thế Lu vương bật khóc

Lạm quyền Dung tể khảy móng tay ca

Đệ Tam Thiên Niên, năm thứ 12, vua xứ Đông Lào bấy giờ họ Lu, tên là Trong là người đã cao tuổi, bề ngoài nhìn hiền lành nên được một số cận thần rất yêu kính. Tuy vậy, có số khác, số này đông hơn, lại cho là quá nhu nhược, nên thường thậm thọt, chạy sang phủ phục trước dinh Tể Tướng thời bấy giờ họ Tấn, tên là Dung.

Tấn Dung ít tuổi hơn Lu vương, dung mạo sáng sủa, nhưng có nhiều thủ đoạn vơ vét công quỹ, và dùng những của cải đó để kết bè kéo cánh gây thế lực, trên coi Lu vương không ra gì, dưới dung túng cho thuộc hạ nhũng nhiễu dân lành. Lu vương đau lòng lắm, đã nhiều lần tìm cách bớt đi quyền hành của Tấn Dung, nhưng lần nào cũng bị Tấn Dung biết trước, nên kế hoạch không thành.

Lu vương buồn lắm, nhưng không làm gì được. Mọi việc đã có Tấn Dung một tay ngang tàng che trời làm loạn. Ngày nọ, Lu bèn vào lăng Thái Tổ, thắp nhang, khóc mà rằng: Bớ Thái Tổ, ngài có linh thiêng, xin giúp tiểu tôn diệt trừ tặc thần Tấn Dung, kẻo bằng nó phá nát sự nghiệp vĩ đại mà Tổ đã để lại, tử tôn đã không tiếc xương máu của dân, mà gắng sức gìn giữ từ bao năm nay.

Tương truyền nước Đông Lào đã học được cách ướp xác người chết của người Ngã-sa, nên xác của Thái Tổ, họ Lu (dĩ nhiên là cùng họ với Lu vương) tên là Ai-Quấc, thoạt nhìn vẫn tươi tắn, hồng hào như những hình giả-nhân, bằng loại chất rất lạ giống như đồ chơi của bọn trẻ con ngoại tộc (giống như búp bê làm bằng nhựa – chú thích của dịch giả). Lăng Thái Tổ được thiết kế công phu, bình thường không cho ai vào, có mấy đội lính gác, ước đoán hơn trăm người, mỗi ngày đi qua đi lại, giáo gươm sáng quắc, quần áo chỉnh tề, giữ nhiệm vụ gác lăng.

Vì Thái Tổ mất đã gần ngũ thập niên (50 năm), nên đã có dòng họ ba đời gác lăng: ông nội gác lăng, bố gác lăng, rồi đến lượt con trai cũng gác lăng. Dĩ nhiên công việc gác lăng này không phải giao cho ai cũng được, phải là thành phần cẩn cẩn trung thành với nhà Lu. Chẳng hạn như ông nội phải là người theo Lu Thái Tổ phò ngoại xung nội, thanh Bắc diệt Nam; bố phải là thành phần trung kiên với nhà Lu, rồi bây giờ tới lượt con, mới được giao cho trọng trách này. Dân chúng vào thăm lăng Thái Tổ, nhìn những thanh niên khỏe mạnh, giáo gươm sáng quắc, mặt lạnh như tiền, thấy vừa sờ sợ, vừa thương cảm.

Chỉ có vua và quan cận thần mới được lưu lại trong lăng Thái Tổ lâu hơn, dân chúng vào những dịp lễ lạc, mới được cho viếng lăng, và phải sắp hàng rồng rắn nối đuôi giữa sân nắng nóng rất lâu mới được vào. Khi vào được đến chỗ Thái Tổ nằm, chỉ được phép đi qua nhìn Thái Tổ nằm thẳng cẳng với đôi hia cổ bốn-quai nhìn rất biệt dị, ngài được lộng trong lồng bằng thủy tinh đặc biệt; dân chúng vừa đến lồng kiếng là phải đi qua luôn chứ không được phép dừng chân, người nào cả gan mạo phạm dám dừng lại bên lồng Thái Tổ nằm để ngắm nghía, soi bói, sẽ bị các lính gác với khuôn mặt lành lạnh, tới nhắc nhở ngay.

Thái Tổ băng hà, vào ngày trùng, nên tương truyền rất linh thiêng. Tục truyền, khi Thái Tổ còn tại vị, nhiều vị phu nhân của các cận thần đôi khi cũng được đặc cách gặp riêng Thái Tổ, nên khi ngài qua đời, nhiều quan chức, kể cả các vị phụ-mẫu phu nhân, có việc gì khó không giải tỏa được cũng có thể vào xin ý chỉ của ngài. Chuyện lăng Thái Tổ còn dài, rất nhiều giai thoại dân gian về sự linh thiêng của Thái Tổ, xin được kể vào những hồi sau.

Lại nói về Lu vương, sau khi thắp nhang, khóc lóc cầu cứu Thái Tổ, một hồi lâu, vì tuổi cũng đã cao, nên thiếp đi chừng một khắc, chợt đâu tiếng gió làm lay động nhẹ cửa ra vào phát ra âm thanh kèn-kẹt, như vừa có người đẩy cửa bước vào, Lu vương giật mình tỉnh dậy thì không thấy ai, chỉ thấy một cơn gió thoáng qua làm các ngọn đèn phía bắc như sáng hơn, và ngọn đèn thứ ba ở phía nam tắt đi. Lu vương đứng dậy quày quả đi ra, sau khi vái Thái Tổ đúng bốn lạy, rồi bảo lính thắp đèn lại cho tươm tất.

Vài hôm sau, Lu vương quên bẳng chuyện đã xảy ra trong lăng Thái Tổ, vì bận phê duyệt các tấu chương chuẩn bị cho ngày họp các triều thần đã gần kề. Tới ngày họp, khoảng cuối năm thứ 12 (chừng tháng 10), giữa cuộc họp có mặt đông đủ các triều thần, Lu vương bấm gan nói lớn, kể ra các trọng tội của Tấn Dung, nào là lập bè kết lũ, rút ruột công quỹ, mua các chiến thuyền đã mục nát, rệu rã ở xứ Ngã-sa bằng rất nhiều ngân lượng, nào là cố tình làm thất thoát tài sản quốc gia để chiếm đoạt làm của riêng, coi trời bằng vung, nào là chiếm dụng đất đai của dân lành để lập trang trại ăn chơi, v.v…

Lu vương đã định xướng tên Tấn Dung ra, nhưng khi nhìn qua thân tín của mình, thấy họ lắc đầu liên tục, và nhìn xuống các triều thần thì nhiều kẻ a-dua nịnh nọt cứ nhìn Tấn Dung cười cười ra chiều đắc ý, vài người ít oi từng được ơn dày của nhà Lu đã mấy đời thì lấm lét nhìn xuống như muốn rơi lệ và tránh cái nhìn của Lu vương. Lại nhìn sang bên Tấn Dung, thấy nó đang giả bộ như khảy các đồ dơ trong các móng tay, Lu vương vừa giận vừa buồn rầu, không cầm được, nghẹn ngào, rồi bật khóc thành tiếng. Triều thần ngơ ngác, có người kín đáo kéo tay áo lau nước mắt khóc theo Lu vương. Phiên chầu hôm đó đành phải ngưng lại.

Sau này, khi bị triều thần gạn hỏi, tên của tên tặc thần mà Lu vương muốn nói là ai; quan Ngự Sử bấy giờ họ Tràng tên Sảng, sau khi nhìn quanh đã nói nhỏ và nhanh quá, nghe như là “a-iết” (ý là “ta biết” – chú thích của người dịch), không hiểu sao các triều thần nghe như là “ba-ếch”. Từ đó biệt danh “Ba-ếch” đã được mặc nhiên coi như một tên thứ hai của Tể tướng Tấn Dung.

Vài ngày, sau phiên chầu thất bại đó, Lu vương đang ngồi một mình, chợt có lính vào báo có quan Thượng thư bộ Lễ, họ Phạm tên là Chính, đến thăm. Phạm Chính là một trong số ít cận thần thân tín của Lu vương, nên Lu vương cho lính mời vào. Được một tuần trà, Lu vương bổng nhớ lại chuyện xảy ra chưa quá một tuần trăng bên lăng Thái Tổ. Phạm Chín ngồi im ra chiều như suy nghĩ đăm chiêu, mông lung lắm, bổng hạ giọng nói nhỏ với Lu vương, rằng:

– Thái tổ có ý chỉ đường cho bệ-hạ, này nhé: Các ngọn đèn ở phía bắc bổng sáng lên, ý là cứu tinh của bệ hạ đến từ phía bắc, xin bệ hạ tha tội, phía bắc nước ta là nước Lũ-Tau, gần đây đã ngưng quấy phá biên giới phía Bắc của ta, và có ý kết giao để tương trợ nhau. Thái Tổ lúc còn trị vì có quan hệ rất thân thiết với hoàng đế nước Lũ-Tau thời đó là Mào Trạch, chắc bệ hạ còn nhớ?

Lu vương gật gù. Phạm Chính giả vờ trầm ngâm nhưng mắt không ngừng quan sát sắc mặt của Lu vương, khi thấy cá đã có vẻ cắn câu, bèn tiếp:

– Thần có quen biết với một chức sắc, hắn có nhiều liên hệ với nước Lũ-Tau, để thần tiếp cận hắn xem sao.

Lu vương cười tươi hơn chút. Biết đã chắc ăn, nên Phạm Chính quăng tiếp:

– Còn ngọn đèn thứ ba, hướng nam, chợt tắt, là điềm lành. Tấn Dung sinh ở phủ Kiên Giang, thuộc miền Nam nước ta, là vùng đất có nhiều sóng gió ba đào, ngọn đèn thứ ba tắt, ý Thái Tổ đã rất rõ ràng, là ngài linh thiêng sẽ phù trợ cho bệ hạ diệt Tấn Dung.

Lu vương cười lớn thành tiếng “Thuận thiên thừa… vận” “đã hợp lòng trời”. Hai bên hàn huyên vài chuyện nho nhỏ, không quan trọng lắm, rồi thì Phạm Chính cáo từ, Lu vương tiễn ra tận cửa. Hôm đó, lần đầu tiên sau nhiều tháng, Lu vương ngủ được một giấc rõ dài.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tìm trên google không thấy họ Lu.
    Hoặc giả là họ Lulu tác giả viết tắt chăng ?

Comments are closed.